foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

  1. CƠ SỞ LÍ THUYẾT

Hoá học là môn khoa học thực nghiệm vì vậy trong dạy học hiện nay, việc sử dụng thí nghiệm ngày càng được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả, thể hiện qua hầu hết các vấn đề sau:

  1. Các nội dung của việc thực hành thí nghiệm:

*  Hình thành khái niệm, lí thuyết mới (chất xúc tác, sự điện li, chất điện li, sự đông tụ protein,…)

* Nghiên cứu hoặc kiểm chứng tính chất hoá học của chất cụ thể (halogen, oxi - lưu huỳnh, nitơ - photpho, cacbon - silic, ancol, andehit, axit cacboxylic, este,…)

*Ôn tập, củng cố, kiểm tra kiến thức thông qua thí nghiệm hoá học (các dạng bài tập thực nghiệm về phân biệt chất cho trước, điều chế các chất, …)

*  Rèn kĩ năng thực hành hoá học (lấy các chất, cân, đong hoá chất, lắp ráp dụng cụ, hoà tan chất, đun nóng chất, …)

* Thông qua thực hành thực hiện các thí nghiệm kiểm chứng tính chất đã học.

  1. Đặc trưng của phương pháp thực hành thí nghiệm là:

* Học sinh suy nghĩ và làm việc nhiều hơn (phát triển năng lực tư duy).

*  Học sinh cùng nhau thảo luận theo định hướng của giáo viên (phát triển năng lực hợp tác, năng lực sử dụng ngôn ngữ,…)

*   Thông qua thí nghiệm, học sinh chủ động tìm tòi, phát hiện giải quyết nhiệm vụ nhận thức và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các kiến thức kĩ năng (phát triển năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề..).

* Dựa vào các tình huống thực tế khi làm thí nghiệm, học sinh dần biết cách xử lí tình huống khi gặp sự cố một cách bình tĩnh nhưng cũng quyết đoán và nhanh chóng.

3.Thực hành thí nghiệm rất phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi học sinh. Sử dụng thí nghiệm giúp học sinh có sự hăng say, hứng thú hơn với môn học, các em thích tham gia các hoạt động tìm tòi, khám phá đồng thời giúp học sinh rèn luyện tính cẩn thận cần cù, kiên trì, tiết kiệm,… từ đó giúp học sinh hình thành và phát triển nhân cách.

4. Giáo viên tổ chức sử dụng thực hành thí nghiệm trong quá trình dạy học sẽ từng bước giảm tỉ lệ học sinh yếu kém, nâng cao chất lượng đại trà và đặc biệt là giúp học sinh có thể tham gia các cuộc thi trí tuệ như thi học sinh giỏi.

B. MỘT SỐ VÍ DỤ VỀ ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI HÓA HỌC TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TẠI HÀ TĨNH

1. ĐỀ SỐ 1 (đề thi phần thực hành học sinh giỏi Hóa 10/ 2017)

Sử dụng các dụng cụ và các hóa chất phù hợp trong phòng thí nghiệm, em hãy tiến hành làm các thí nghiệm sau:

Thí nghiệm 1: Kim loại Fe tác dụng với axit H2SO4 đặc, nóng.

Thí nghiệm 2: Kim loại Fe tác dụng với S.

Đối với mỗi thí nghiệm hãy nêu hiện tượng xảy ra, giải thích hiện tượng. Viết phương trình hóa học của các phản ứng, cho biết vai trò của chất tham gia phản ứng.

          Với phạm vi đề thi  này thì học sinh cần đạt được những yêu cầu sau:

Kỹ năng lựa chọn, chuẩn bị dụng cụ, vật liệu, mẫu vật

- Chọn đúng các dụng cụ để tiến hành làm thí nghiệm gồm ống nghiệm, giá để ống nghiệm, giá sắt, pipet, kẹp gỗ, găng tay bằng cao su, khẩu trang, cốc thủy tinh nhỏ, thìa thủy tinh, bát sứ, đèn cồn.

- Chọn hóa chất gồm đinh sắt, dung dịch H2SO4 đặc, dung dịch NaOH, bông, bột sắt, bột lưu huỳnh.

Kỹ năng bố trí thiết bị thí nghiệm

- Thí nghiệm 1: Bố trí được một giá để ống nghiệm, kẹp gỗ, ống nghiệm sạch, pipet, đinh sắt đã làm sạch bề mặt, dung dịch H2SO4 đặc, dung dịch NaOH hoặc Ca(OH)2, bông.

- Thí nghiệm 2: Bố trí được một giá để ống nghiệm, giá sắt, kẹp gỗ, ống nghiệm sạch, thìa thủy tinh, đèn cồn, bát sứ, bột sắt, bột lưu huỳnh .

Thao tác thí nghiệm, sử dụng dụng cụ, hoá chất, mẫu vật

 Học sinh biết sử dụng các dụng cụ như kẹp gỗ, pipet, biết cách pha hóa chất, cách lấy hóa chất.

 Tiến hành các bước, các thao tác để thực hiện được thí nghiệm/thực hành theo yêu cầu của đề thi

- Thí nghiệm 1: Cho vào ống nghiệm một vài chiếc đinh sắt đã làm sạch lớp oxit bề mặt, cặp ống nghiệm thẳng đứng trên giá sắt, tiếp tục nhỏ vào ống nghiệm khoảng 2 ml dung dịch H2SO4 đặc, đậy miệng ống nghiệm bằng bông tẩm xút. Đun nóng ống nghiệm. Quan sát hiện tượng xảy ra.

- Thí nghiệm 2: Trộn đều bột sắt và bột lưu huỳnh trong bát sứ ( tỉ lệ khoảng 7:4 về khối lượng), dùng thìa thủy tinh cho hỗn hợp trên vào ống nghiệm khô, khoảng 2cm chiều cao của ống nghiệm và cặp thẳng đứng trên giá sắt. Dùng đèn cồn đốt nóng hỗn hợp đến khi một phần hỗn hợp nóng đỏ thì có thể tắt đèn cồn. Quan sát hỗn hợp chất trong ống nghiệm khi phản ứng xảy ra và khi kết thúc phản ứng.

 Nêu hiện tượng và giải thích hiện tượng

- Thí nghiệm 1: Khi đun nóng có khí không màu mùi xốc thoát ra, đinh sắt tan dần, dung dịch chuyển dần sang màu vàng nâu do H2SO4 đặc nóng oxi hóa Fe thành muối Fe3+.

- Thí nghiệm 2:  Khi đun hỗn hợp bột sắt và bột lưu huỳnh đã trộn đều một lúc, hỗn hợp đỏ rực ở một điểm và lan dần ra xung quanh do lưu huỳnh đã tác dụng với sắt, phản ứng tỏa nhiệt.

        Khi tắt đèn cồn, ngừng đun thì phản ứng vẫn tiếp tục xảy ra, hỗn hợp nóng đỏ lan hết phần hỗn hợp trong ống nghiệm. Kết thúc thí nghiệm thu được chất rắn màu đen là FeS.

Phương trình hóa học và vai trò của các chất trong các phản ứng

- Thí nghiệm 1:  2Fe + 6H2SO4 đặc  ->   Fe2(SO4)3 + 3SO2  + 6H2O

Vai trò các chất: Fe đóng vai trò là chất khử, H2SO4 đặc đóng vai trò là chất oxi hóa.

- Thí nghiệm 2:        Fe + S   ->  FeS

Vai trò các chất: Fe đóng vai trò là chất khử, S đóng vai trò là chất oxi hóa.

2. ĐỀ SỐ 2 (đề thi phần thực hành học sinh giỏi Hóa 12/ 2016): Sử dụng các dụng cụ và các hóa chất phù hợp trong phòng thí nghiệm, em hãy tiến hành làm các thí nghiệm sau:

Thí nghiệm 1:  Kim loại Fe tác dụng với dung dịch axit H2SO4 loãng.

Thí nghiệm 2: Kim loại Fe tác dụng với dung dịch CuSO4.

Thí nghiệm 3: Phản ứng giữa FeSO4 và KMnO4 trong môi trường axit.

Đối với mỗi thí nghiệm hãy cho biết hiện tượng xảy ra và giải thích hiện tượng. Viết phương trình hóa học của các phản ứng và cho biết vai trò của từng chất trong phản ứng.

Với phạm vi đề thi  này thì học sinh cần đạt được những yêucầusau:

Kỹ năng lựa chọn, chuẩn bị dụng cụ, vật liệu, mẫu vật:

- Chọn đúng các dụng cụ để tiến hành làm thí nghiệm gồm ống nghiệm, giá để ống nghiệm, giá sắt, pipet, kẹp gỗ, găng tay bằng cao su, khẩu trang, cốc thủy tinh nhỏ, thìa thủy tinh.

- Chọn hóa chất gồm dung dịch H2SO4, FeSO4, CuSO4, KMnO4, đinh sắt, nước cất.

Kỹ năng bố trí thiết bị thí nghiệm:

- Thí nghiệm 1: Bố trí được một giá để ống nghiệm, kẹp gỗ, ống nghiệm sạch, pipet, đinh sắt, dung dịch H2SO4 loãng (nếu H2SO4 đặc thì học sinh cần pha loãng vào cốc để làm thí nghiệm).

- Thí nghiệm 2: Bố trí được một giá để ống nghiệm, kẹp gỗ, ống nghiệm sạch, pipet, đinh sắt, dung dịch CuSO4 (nếu CuSO4 rắn thì học sinh cần pha loãng vào cốc để làm thí nghiệm).

- Thí nghiệm 3: Bố trí được một giá để ống nghiệm, kẹp gỗ, ống nghiệm sạch, pipet, dung dịch FeSO4 ( lấy từ sản phẩm của thí nghiệm 1 hoặc 2), KMnO4, H2SO4 loãng (nếu không có sẵn các dung dịch trên thì học sinh cần pha loãng các dung dịch đó vào cốc để làm thí nghiệm).

Thao tác thí nghiệm, sử dụng dụng cụ, hoá chất, mẫu vật:

Học sinh biết sử dụng các dụng cụ như kẹp gỗ, pipet, biết cách pha hóa chất, cách lấy hóa chất.

Tiến hành các bước, các thao tác để thực hiện được thí nghiệm theo yêu cầu của đề thi:

- Thí nghiệm 1: Rót vào ống nghiệm khoảng 2 ml dung dịch H2SO4 loãng rồi cho tiếp vào ống nghiệm một đinh sắt  đã được làm sạch bề mặt. Quan sát hiện tượng xảy ra.

- Thí nghiệm 2: Rót vào ống nghiệm khoảng 2 ml dung dịch CuSO4 loãng. Cho vào ống nghiệm một đinh sắt đã được làm sạch bề mặt. Để yên ống nghiệm khoảng 10 phút. Quan sát hiện tượng xảy ra.

- Thí nghiệm 3: Lấy đinh sắt ra khỏi ống nghiệm ở thí nghiệm 1 để được dung dịch FeSO4, thêm vào đó 1 ml dung dịch H2SO4 loãng. Nhỏ tiếp vào ống nghiệm từng giọt dung dịch KMnO4, lắc nhẹ ống nghiệm sau mỗi lần thêm một giọt dung dịch. Quan sát hiện tượng xảy ra.

Chú ý: - Nếu học sinh biết kết hợp thí nghiệm 1 và 3 thì sẽ được đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, học sinh vẫn có thể tự chuẩn bị dung dịch FeSO4 riêng.

  - Nên làm thí nghiệm 1 và 2 trong cốc thủy tinh hoặc buộc dây chỉ vào đinh sắt để dễ dàng lấy đinh sắt ra.

Nêu hiện tượng và giải thích hiện tượng:

- Thí nghiệm 1: Có khí thoát ra ở dạng bọt nhỏ, đinh sắt bị mòn dần.

Nguyên nhân do ion  H+ trong dung dịch axit nhận eletron từ Fe để tạo thành H2, các phân tử H2 không tan trong nước thoát ra ngoài ở dạng bọt khí.

- Thí nghiệm 2: Đinh sắt sau một thời gian có một lớp Cu bám bên ngoài nên có màu đỏ, dung dịch CuSO4 nhạt dần màu xanh do  ion Cu2+ giảm dần. Nguyên nhân do ion  Cu2+ dịch chuyển đến đinh sắt và nhận electron từ Fe tạo thành Cu bám lên bề mặt Fe.

- Thí nghiệm 3: Dung dịch FeSO4 chuyển dần sang màu vàng do MnO4- (trong môi trường axit) đã oxi hóa  Fe2+ thành Fe3+.

Phương trình hóa học và vai trò của các chất trong các phản ứng:

- Thí nghiệm 1: Fe + H2SO4 -> FeSO4 + H2

Vai trò các chất: Fe đóng vai trò là chất khử, H2SO4 đóng vai trò là chất oxi hóa.

- Thí nghiệm 2: Fe + CuSO4 -> FeSO4 + Cu

Vai trò các chất: Fe đóng vai trò là chất khử, CuSO4 đóng vai trò là chất oxi hóa.

- Thí nghiệm 3:

10FeSO4 +2KMnO4 +8H2SO4 -> 5Fe2(SO4)3 +K2SO4 + 2MnSO4 + 8H2O

Vai trò các chất: FeSO4 là chất khử, KMnO4 là chất oxi hóa, H2SO4 đóng vai trò là môi trường.

C. KẾT LUẬN

Như vậy, qua việc phân tích một số đề thi Học sinh giỏi ở trên cho chúng ta có cái nhìn rõ hơn về vai trò to lớn của việc giảng dạy thực hành thí nghiệm trong  giai đoạn hiện nay. Qua  thực hành thí nghiệm hóa học, những kiến thức lý thuyết về hóa  học trở thành hiện thực, học sinh nắm vững trình tự tiến hành một thí nghiệm hóa học, rèn luyện được các thao tác kĩ thuật cơ bản…giúp các em hứng thú hơn trong học tập từ đó nâng cao chất lượng dạy học Hóa học.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Cao Cự Giác, Lê Văn Năm, Lê Danh Bình, Lê Thị Bích Hiền. Thí nghiệm thực hành phương pháp dạy học hóa học. NXB Đại Học Vinh,2015.

[2]. Sách giáo khoa Hóa học lớp 10, NXB Giáo Dục.

[3]. Sách giáo viên Hóa học lớp 10, NXB Giáo Dục

[4]. Đề thi học sinh giỏi các năm của Sở Giáo Dục Đào Tạo Hà Tĩnh.

Tóm tắt:

Dạy học phát triển năng lực là quá trình thiết kế, tổ chức và phối hợp giữa hoạt động dạy và hoạt động học, tập trung vào kết quả đầu ra của quá trình này. Trong đó nhấn mạnh người học cần đạt được các mức năng lực như thế nào sau khi kết thúc một giai đoạn (hay một quá trình) dạy học.

I. Nội dung

1. Phát triển năng lực

1.1. Năng lực

Về nguồn gốc, khái niệm năng lực (Tiếng Anh: Competency) bắt nguồn từ tiếng La tinh “competencia”. Trên thế giới và tại Việt Nam, có rất nhiều các quan điểm về năng lực. Nhưng tựu chung lại, năng lực có thể được hiểu một cách đơn giản là khả năng hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, gắn với một loại hoạt động cụ thể nào đó. Năng lực là một yếu tố cơ bản của nhân cách nên mang dấu ấn cá nhân, thể hiện tính chủ quan trong hành động và được hình thành theo quy luật hình thành và phát triển nhân cách, trong đó tính tích cực hoạt động và giao lưu của cá nhân đóng vai trò quyết định. Năng lực ở mỗi con người có được nhờ vào sự kiên trì học tập, rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm của bản thân trong hoạt động thực tiễn.

1.2. Phát triển năng lực

Là phát triển những khả năng hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, phát triển nhân cách, trong đó tính tích cực hoạt động và giao lưu của cá nhân đóng vai trò quyết định. Phát triển sự kiên trì học tập, rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm của bản thân trong hoạt động thực tiễn. Phát triển khả năng thực hiện thành công hoạt động trong bối cảnh nhất định nhờ sự huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng và phát triển các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí… Phát triển các năng lực chung cũng như năng lực đặc thù của học sinh.

Định hướng phát triển năng lực

Định hướng phát triển năng lực là đảm bảo hướng tới phát triển năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kỹ năng, kiến thức cơ bản, hiện đại và thiết thực; giáo dục hài hòa đức, trí, thể, mỹ ; chú trọng vào việc  thực hành, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã được trang bị trong quá trình học tập để giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống hàng ngày; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên. Thông qua hình thức tổ chức giáo dục và các phương pháp giáo dục, phát huy tiềm năng và tính chủ động của mỗi học sinh. Đồng thời có những phương pháp đánh giá phù hợp giá phù hợp với mục tiêu giáo dục đặt ra. Định hướng nhằm phát triển tối đa tiềm năng vốn có của từng đối tượng học sinh khác nhau, dựa trên các đặc điểm tâm - sinh lí, nhu cầu, khả năng, hứng thú và định hướng nghề nghiệp khác nhau của từng học sinh. Giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp các kỹ năng, kiến thức... thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết một cách hiệu quả nhất các vấn đề xảy ra trong học tập và đời sống hàng ngày, được thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức và rèn luyện kỹ năng sống

Dạy học theo định hướng phát triển năng lực

Như chúng ta đều biết và thừa nhận rằng mỗi học sinh là một cá thể độc lập, có sự khác biệt về trình độ, năng lực, nhu cầu, sở thích và nền tảng xuất thân. Dạy học theo định hướng phát triển năng lực thừa nhận thực tế này và tìm ra được những cách tiếp cận phù hợp nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất với mỗi học sinh thay vì giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức như ở mô hình dạy học truyền thống.

2. Dạy học phát triển năng lực trong môn mỹ thuật ở tiểu học

Môn mỹ thuật là một công cụ hữu hiệu trong hoạt động thẩm mỹ của học sinh, giúp học sinh tự tin và chủ động hoà nhập các hoạt động học tập trong trường học, giúp học sinh hình thành và rèn luyện các kỹ năng cơ bản ở Tiểu học, đồng thời nó chi phối kết quả học tập của các môn học khác. 

 Mỗi phân môn bên cạnh chức năng chung của môn học thường đảm nhận một mục đích chính. Phân môn vẽ theo mẫu nhằm phát triển kỹ năng quan sát phân tích tổng hợp rèn luyện tư duy một cách logich.  Phân môn vẽ tranh phát huy tính tích cưc và gây được hứng thú cho học sinh bởi đây là phân môn tổng hợp các môn học khác như trang trí hình họa,vv.. nhằm phát huy trí tưởng tượng.

Tính linh hoạt

Các mô hình dạy học phát triển năng lực rất linh hoạt phụ thuộc vào từng cá nhân người học. Không có lịch trình cứng nhắc như trước, thậm chí trong một số mô hình phát triển, học kỳ và không gian lớp học còn bị xóa bỏ. Thay vào đó, học sinh thể hiện mức độ làm chủ năng lực thông qua một hệ thống các dự án học tập và đánh giá thường xuyên. Dạy học phát triển năng lực, linh hoạt ở chỗ nó cho phép học sinh được tham gia vào một môn học ở lớp cao hơn nếu có đủ năng lực.

Nhịp độ học tập

Trọng tâm của dạy học phát triển năng lực là kết quả cuối cùng về năng lực chứ không phải thời gian ngồi trên lớp học. Điều này cho phép học sinh kiểm soát nhịp độ học tập của bản thân và không bị giới hạn bởi một lịch trình có sẵn. Ngay khi học sinh thành thạo năng lực ở một cấp độ, học sinh có thể hoàn thành các đánh giá, được chứng nhận và bắt đầu chuyển sang các năng lực cao hơn. Học sinh có thể học với nhịp độ chậm hoặc nhanh theo mong muốn của bản thân. Học sinh cũng có thể hoàn thành các môn học vào các thời điểm khác nhau (mà không nhất thiết là phải vào cuối năm học). Đây là một lợi thế rất lớn cho những học sinh ở các bậc học cao hơn.

Sự tham gia

Một trong những điểm mạnh nhất của dạy học phát triển năng lực là tăng sự tham gia của học sinh. Học sinh sẽ tham gia nhiều hơn vào quá trình học tập vì chúng được giao quyền sở hữu đối với việc học của bản thân. Học sinh được trao quyền kiểm soát thời gian, địa điểm và phương pháp học tập. Dạy học phát triển năng lực cũng thúc đẩy học tập theo hướng cá nhân hóa và chấp nhận nhiều phong cách học tập khác nhau. Nó biến việc học trở thành một trải nghiệm cá nhân. Trải nghiệm này sẽ làm tăng sự tham gia của học sinh vì các nội dung của bài học được thiết kế hướng đến sự phù hợp của từng cá nhân.

Tiết kiệm chi phí

Các chương trình dạy học phát triển năng sẽ tiết kiệm được chi phí dành cho giáo dục. Trước đây, các trường học phải đầu tư chi phí cố định, hàng năm cho việc dạy và học. Nhưng bằng sự linh hoạt của chương trình và việc thay đổi nhịp độ học tập, nó sẽ giúp các trường tiết kiệm được các chi phí đó. Đối với một số chương trình, tài liệu môn học được cung cấp thông qua các phần mềm, hoặc tương tác trực tuyến, đó cũng là cách để giảm chi phí dành cho các nguồn học liệu.

Phát triển các kĩ năng

Một trong những lợi ích chính của dạy học phát triển năng lực là giúp học sinh hình thành các kỹ năng và phát triển năng lực trong thế giới thực. Các chương trình được thiết kế hướng đến các năng lực cần thiết cho một nghề nghiệp cụ thể trong tương lai. Kết quả là học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ sẵn sàng làm việc và có chuyên môn trong các lĩnh vực chúng lựa chọn. Đối với nhiều học sinh, dạy học phát triển năng lực là con đường trực tiếp đến sự nghiệp thành công. Các công ty, các nhà tuyển dụng cũng đánh giá cao các chương trình dạy học phát triển năng lực vì chất lượng nguồn lao động ngày càng được cải thiện.

Ý nghĩa

Dạy học “truyền thống” nặng về truyền đạt kiến thức một chiều từ giáo viên đến học sinh và luyện các dạng bài tập theo mẫu đẻ hình thành kỹ năng tương ứng cho học sinh. Việc học tập bị áp đặt như vậy nên kém chất lượng và hiệu quả. Những kiến thức và kỹ năng đó kém bền vững, mau chóng bị mai một theo thời gian. Học sinh không cảm nhận được cái hay, cái ý nghĩa trong nội dung học tập đối với cuộc sống nên không hứng thú với việc học, từ đó nảy sinh ra một số hiện tượng như chán học, lười học …

Ngược lại, dạy học phát triển năng lực không đặt nặng vào kết quả kiến thức, kỹ năng mà đặt vào quá trình học tập, từ đó phát triển năng lực cho học sinh. Dạy học phát triển năng lực có ưu thế sau: phát triển được tư duy, trí thông minh của từng cá nhân học sinh, làm cho kết quả học tập (kiến thức, kỹ năng, thái độ)có tính bền vững, sâu sắc. Có khả năng khai thác vốn kinh nghiệm sống của học sinh, giúp học sinh giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, nâng cao chất lượng cuộc sống của mình, làm cho việc học tập trở nên thú vị, hấp dẫn hơn.

Mục đích yêu cầu

Học sinh phải biết tích cực, linh hoạt, mạnh dạn, tự tin.

Các hoạt động dạy học

Kiểm tra bài cũ

Dạy bài mới

Bài tập trên lớp, bài tập về nhà

II. Kết luận

Việc đổi mới phương pháp phát triển năng lực cho học sinh cần phải đòi hỏi điều kiện thich hợp về phương tiện, cơ sở vật chất và tổ chức dạy học. Một trong những định hướng cơ bản của vệc đổi mới giáo dục chuyển từ nền gió dục mang tính hà lâm xa vời thực tiễn sang một nền giáo dục chú trọng việc hình thành năng lực hành động, phát huy tính sáng tạo năng lực cộng tác làm việc của người học

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Mỹ thuật 5 - tập 2 .NXB GD. Phạm Thị Chính ( chủ biên) Triệu Khắc Lễ - Nguyễn Thị Ly Kha - Đặng Thị Lanh – Lê Phương Nga - Lê Hữu Tỉnh.
  2. Tài liệu dạy học theo định hướng nâng cao năng lực học sinh tiểu học.

Bỏ lại những sự xô bồ, ồn ã của những tháng ngày bộn bề công việc, lo toan, Tết mang đến một không khí thật tươi mới và đa sắc màu. Tết gói trọn những háo hức, hy vọng về một năm mới an lành, no đủ, vui vẻ, hạnh phúc tràn đầy.

T2 a loan 2 2 1

Tết bắt đầu với những phiên chợ tết. Phiên chợ tết kéo chúng ta về với những ký ức xa cũ, những phiên chợ quê đậm hương vị Tết cổ truyền. Dù xã hội đã hiện đại hoá, những khu chợ thành những trung tâm thương mại, siêu thị sầm uất, thế nhưng chợ Tết – một phần không thể thay thế trong cuộc sống và văn hóa người Việt.  Chợ Tết là một tấm vé để trở về tuổi thơ, về với những ký ức ngập tràn tiếng nói cười, âm thanh của tình làng nghĩa xóm, của niềm vui sum họp, của những ký ức đi chợ cùng bố mẹ, cùng ông bà. Các phiên chợ tết bắt đầu được mở từ sau ngày 23 tháng Chạp (ngày Ông Công, ông Táo) kéo dài đến chiều 30 Tết. Chợ tết xưa dù ở đâu cũng luôn mang một không khí rộn ràng, vui tươi, tấp nập. Vì vậy, những người mua kẻ bán ai cũng cởi mở hơn, mang nhiều ước vọng và việc dạo chợ tết còn mang đến niềm vui, háo hức một năm mới hanh thông. Người người trao nhau nụ cười, lời chào mời niềm nở, kéo mọi người xích lại gần nhau hơn.

T2 a loan 2 2 2

Những thập niên trước, khi kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn,  ngày Tết được xem là một ngày vô cùng thiêng liêng, trọng đại. Để chuẩn bị cho những ngày đầu xuân năm mới, ông bà, cha mẹ thường phải dành dụm, tích cóp cả năm trời để dành cho việc mua sắm Tết, thậm chí việc mua sắm tết còn được chuẩn bị trước rất sớm. Sau 15 tháng 12 có nhiều gia đình đã chuẩn bị đồ đạc để đón Tết. Trước 23 tháng Chạp, các bà các mẹ đã lo đi chợ sắm sửa thức ăn, và những thứ thiết yếu vì sợ đến ngày cận Tết giá cả sẽ tăng cao. Cũng từ đây các phiên chợ tết của tết xưa bắt đầu. Người ta mua sắm từ những ngày này cho đến tận 30 tết. Các công việc làm tết cũng từ đó mà trở nên nhiều hơn. Vì quan niệm ngày đầu năm không được mua sắm, không chi tiêu đến tiền bạc kẻo sợ dông, thậm chí có nhiều món đồ còn bị kiêng cữ đến hết tháng giêng. Nên việc mua sắm cái gì, mua bao nhiêu để đủ dùng là việc được tính toán rất kĩ lưỡng. Thậm chí nhiều người còn cầm sẵn giấy viết chi tiết những thứ cần mua để tránh mua thiếu sót, đầu năm như thế là không may. 

T2 a loan 2 2 3

Ngày nay, đi cùng với sự phát triển về kinh tế, chợ tết bắt đầu muộn hơn, ít náo nhiệt hơn. Trái với tết xưa, chợ tết nay bắt đầu có phần khá muộn, thường sau khoảng 23-25 tháng 12 âm mới có những phiên chợ Tết họp chợ. Phần vì do tính chất công việc, không có nhiều thời gian để đi sắm tết. Phần vì nguồn cung thực phẩm, hàng hóa tết hiện nay dồi dào, đầy đủ hơn, tâm lý sợ hết hàng cũng giảm bớt. Do thế nên người ta thường trì hoãn việc mua sắm tết. Thông thường các món hàng như quà cáp, đồ hiếm thì mới phải mua sớm để còn dễ dàng sắp xếp. Còn lại những thứ như nhu yếu phẩm, vật dụng trang trí tết, thậm chí là bánh mứt,… thì phải sau 25 – 26 Tết người ta mới mua. Cảnh tượng lo lắng chuẩn bị mua sắm cho tết trước cả tháng trời giờ đây gần như không còn xuất hiện nữa. 

Các mặt hàng giờ đây được sản xuất rất đa dạng, bao gồm vô vàn thể loại cho ta lựa chọn theo từng phân khúc: hàng nội địa, hàng nhập khẩu…. Song song với đó, sự bùng nổ một vài năm trở lại đây của ngành thương mại điện tử – mua sắm online cũng giúp ích rất nhiều trong việc mua sắm thay cho chợ tết truyền thống. Chỉ cần vài thao tác chọn đơn giản, sẽ có người mang đến tận nhà cho bạn. Chính vì sự tiện lợi ấy mà ngày nay càng có nhiều người quyết định dành thời gian cho công việc thay vì dành thời gian ra ngoài mua sắm. Điều này phần nào khiến chợ tết không còn sôi động như xưa. Niềm hào hứng mua sắm tết vơi dần. Ngày tết hiện đại dần dần không còn thiêng liêng như ý nghĩa ban đầu nó vốn có, đặc biệt là đối với giới trẻ. 

T2 a loan 2 2 4

Cuộc sống ngày càng có nhiều áp lực hơn đối với mọi người, mọi nhà. Điều này làm cho việc chuẩn bị tết cũng không còn quá trau chuốt, cầu kỳ. Người trẻ ngày nay đã bớt dần những khoản chi phí mà họ cảm thấy không cần thiết để mua sắm ở chợ tết. Thêm vào đó, ngày nay việc mua sắm thường ngày đã quá phổ biến. Trong năm, hầu như ai cũng mua đủ các món đồ mới cho mình và gia đình. Nên việc mua đồ mới cho ngày tết dần trở nên bình thường, không có sức hút như ngày xưa. Trẻ con bây giờ đã không còn xa lạ với đồ mới, bánh kẹo cũng luôn đủ đầy, lại ít khi tiếp xúc với không khí chợ tết. Đây cũng là điều dễ hiểu khiến trẻ con ngày nay không mặn mà với tết như trẻ con xưa. Mỗi thời đại đều có những ưu, khuyết điểm của nó. Và ngày tết cũng vậy, thời nào cũng có đặc trưng chợ tết riêng. 

Nhiều người cứ nói Tết nay “nhạt” lắm, chẳng còn háo hức và mong ngóng như xưa. Tết đến kéo theo cả núi việc phải làm, kéo theo cả những câu hỏi không muốn phải trả lời… có khiến bạn – một người trẻ sợ Tết? Điều gì đã xảy ra với bạn từ một đứa trẻ đếm từng ngày tới Tết cho tới phiên bản hiện tại? Cuối năm rồi, dành một khoảng lặng và xem Tết xưa – Tết nay đã thay đổi thế nào…Nhiều người cho rằng, phải chăng sự thiếu thốn, không được đủ đầy trong Tết xưa khiến người ta cảm thấy ấm lòng và nhung nhớ hơn giữa những sơn hào hải vị, của ngon vật lạ đầy đủ của Tết nay? Sự thay đổi của cuộc sống kéo theo sự thay đổi dòng chảy của văn hóa. Cuộc sống hiện đại nhiều áp lực căng thẳng và giới trẻ ngày nay cũng lựa chọn một lối sống hiện đại, mới mẻ – sống cho riêng mình nhiều hơn. Nhiều người cố tìm kiếm một cái Tết thảnh thơi, cố gắng “làm ngơ” trước những âu lo, bộn bề và bận rộn của ngày Tết. Ở góc độ thực tế hơn, một bộ phận không nhỏ người trẻ và người lao động ngày nay “sợ” Tết bởi gánh nặng mưu sinh đè lên vai, cùng với những thay đổi chóng mặt của thị trường.

Tuy có những đổi thay, nhưng Tết Nguyên Đán chưa bao giờ mất đi ý nghĩa vốn có, có chăng thời đại làm cho những ý nghĩa ấy biến đổi đi, ở một dạng thù hình khác. Dù cách đón Tết mỗi thời đại có khác nhau, nhưng mỗi người chúng ta đều hướng vọng về những ngày Tết là tình thân gia đình, có thể ở bên cạnh nhau, đoàn tụ sau một năm dài xa cách, quây quần cùng đón khoảnh khắc sang năm mới, đó là điều ý nghĩa nhất và cũng là những ký ức không bao giờ mờ phai trong tâm thức của mỗi người con đất Việt.

Tóm tắt: Trong xu thế đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên ở bậc phổ thông nói riêng, trong đó có đội ngũ giáo viên âm nhạc. Việc biên soạn và đặt hợp âm cho ca khúc thiếu nhi để ứng dụng vào nhạc cụ là một nội dung cần thiết và được coi là một trong những kĩ năng cơ bản của hoạt động đệm hát trên đàn phím điện tử dành cho đội ngũ giáo viên âm nhạc ở trường phổ thông.

Từ khóa: Âm nhạc, hợp âm, ca khúc thiếu nhi, giáo viên âm nhạc, trường phổ thông

Trong âm nhạc, hợp âm đóng một vai trò rất quan trọng, nó thường được dùng làm phần đệm cho giai điệu, ngoài ra nó còn có thể tạo nên giai điệu bằng các dạng âm hình hóa. Đặc biệt trong việc phối âm cho các bài hát, bản nhạc thì  hợp âm và mối liên kết giữa chúng càng thể hiện rõ nét tầm quan trọng của nó trong âm nhạc.

Trên thực tế tại các trường phổ thông hiện nay, việc biên soạn và vận dụng hợp âm của các giáo viên cũng như kĩ năng sử dụng nhạc cụ trong tiết học âm nhạc là rất hạn hữu, thậm chí nhiều trường không sử dụng đến nhạc cụ, hoặc nếu có sử dụng thì cũng chỉ đàn giai điệu bài hát mà thôi. Phương tiện chủ yếu để giảng dạy là đĩa nhạc, máy nghe nhạc…, một số tiết học có sử dụng công nghệ thông tin thì phần âm nhạc cũng được cài đặt sẵn trên máy tính. Xét về mặt tổng thể thì những cách thực hiện như trên rất tiện lợi cho giáo viên. Tuy nhiên, theo nhìn nhận ở góc độ chuyên môn, việc giáo viên không chọn cách đệm đàn trực tiếp tại lớp sẽ phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, không tạo được hứng thú học tập cho học sinh. Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến giáo viên không sử dụng nhạc cụ trực tiếp trong tiết dạy:

- Khả năng sử dụng nhạc cụ còn hạn chế

- Nhà trường chưa có phòng chức năng để dạy môn âm nhạc.

- Do có sẵn đĩa nhạc nền, máy nghe và việc tìm nhạc nền cho bài hát rất dễ dàng nên các giáo viên thích chọn phương án này thay cho việc đệm đàn trực tiếp tại lớp…

Trong các nguyên nhân nêu trên chúng tôi cho rằng cốt lõi của vấn đề là kỹ năng sử dụng nhạc cụ của các giáo viên âm nhạc còn hạn chế, thậm chí còn có những giáo viên chưa thành thạo cách sử dụng nhạc cụ.

Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi đưa ra giải pháp nhằm giải quyết phần nào việc đệm hát cho giáo viên âm nhạc ở trường phổ thông. Chúng tôi xin nêu ra phương pháp soạn hợp âm cơ bản cho ca khúc thiếu nhi như sau:

Thứ nhất: Phải chuẩn bị bài hát chính xác về giai điệu, lời ca, tên tác giả.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chọn bài hát: “Ngày đầu tiên đi học”, Nhạc: Nguyễn Ngọc Thiện, Lời: thơ Viễn Phương làm ví dụ.

Thứ hai: Xác định chính xác giọng của bài hát

Ở đây chúng tôi không đi sâu vào hướng dẫn cách xác định giọng của một tác phẩm âm nhạc mà chỉ đi vào cụ thể đối với bài hát: “Ngày đầu tiên đi học”

- Bài hát được viết ở hóa biểu không có dấu hóa, không xuất hiện dấu hóa bất thường trong suốt bài hát

T3 aQ 15 3 1

- Kết thúc bài hát ở nốt Đô, giai điệu luôn bình ổn ở âm thanh này

T3 aQ 15 3 2Như vậy chúng ta xác định bài hát được viết ở giọng Đô trưởng.

Trong quá trình xác định giọng chúng ta cần xem xét kỹ cách tiến hành giai điệu của bài hát để xác định giọng một cách chính xác, bởi vì có nhiều bài hát âm kết thúc không phải là âm chủ.

Thứ ba: Phân tích hình thức và cấu trúc âm nhạc của bài hát

Bài hát: “Ngày đầu tiên đi học” nhằm giáo dục lòng biết ơn đối với cha mẹ, tình yêu đối với thầy cô giáo…, được viết ở thể hai đoạn đơn, gồm bốn câu nhạc.

Đoạn a: Gồm hai câu nhạc

Câu 1: Gồm 8 ô nhịp (từ đầu bài đến “…mẹ dỗ dành yêu thương”) và kết thúc câu 1 ở bậc V (âm Son)

T3 aQ 15 3 3

Câu 2: Gồm 9 ô nhịp, (“Ngày đầu tiên đi học…” đến “…Ôi! sao thiết tha…”) và  kết thúc câu 2 ở bậc I ( âm Đô).

T3 aQ 15 3 4

Đoạn b: Gồm 2 câu nhạc

Câu 1: Gồm 8 ô nhịp, (“Ngày đầu như thế đó…” đến “…cô giáo là cô tiên”) , kết thúc câu 1 ở bậc V ( âm Son).

T3 aQ 15 3 5

Câu 2: Gồm 9 ô nhịp, (“Em bây giờ khôn lớn…” đến “...mẹ cô cùng vỗ về”.), kết thúc câu 2 và cũng là kết thúc bài ở bậc I ( âm Đô).

T3 aQ 15 3 6

Giai điệu được tiến hành ở nhịp độ vừa phải, với các quãng đồng âm, quãng 2, quãng 3, quãng 4, quãng 7, âm thanh chủ yếu xoay quanh trục của giọng, âm hình chủ đạo được thể hiện xuyên suốt trong bài hát, các bước nhảy được giải quyết một cách hợp lý tạo nên bức tranh về em bé ngày đầu tiên đến trường trong tâm trạng không vui với bao điều lạ lẫm.

Thứ tư: Đặt hợp âm cho ca khúc:

- Trước tiên chúng ta xây dựng các hợp âm ba của giọng trưởng bằng cách thiết lập vòng hòa thanh cơ bản trên điệu thức Đô trưởng:

T3 aQ 15 3 7

- Tiến hành đặt hợp âm:

+ Hợp âm được đặt ở phách mạnh hoặc phách mạnh vừa (nếu có), và âm của giai điệu là âm có trong hợp âm đó.

+ Hợp âm bắt đầu và hợp âm kết thúc thường là hợp âm chủ (T) của giọng, cũng có khi vào đầu bằng hợp âm át (D) hoặc hạ át (S) và cũng có khi kết thúc bằng hợp âm át hoặc hạ át (kết lững).

+ Với những bài hát có hình thức hai đoạn thì hợp âm vào đầu và hợp âm kết thúc của mỗi đoạn thường là hợp âm chủ (T), cũng có trường hợp vào đầu và kết đoạn một ở hợp âm át (S).

 Trích đoạn bài: Ngày đầu tiên đi học

                   Nhạc: Nguyễn Ngọc Thiện

                   Lời: thơ Viễn Phương

T3 aQ 15 3 8

Câu nhạc thứ nhất

+ Ô nhịp 1: Là ô nhịp lấy đà, chỉ có một phách yếu nên ta không đặt hợp âm.

+ Ô nhịp 2: Đặt hợp âm Đô trưởng (C), vì có nốt Son là âm ổn định của giọng, là âm V của hợp âm Đô trưởng, đồng thời đây là ô nhịp đầu tiên của bài hát.

+ Ô nhịp 3, 4, 5: Trong 3 ô nhịp này, ô nhịp thứ 3 chọn hợp âm Mi thứ (Em), ô nhịp thứ 4 chọn Pha trưởng (F) và ô nhịp thứ 5 chọn Son bảy (G7) nhằm tạo một chuỗi âm đi lên làm cho độ kịch tính được tăng dần rồi giải quyết về hợp âm chủ ở ô nhịp tiếp đó.

+ Ô nhịp 6: Chọn hợp âm Đô trưởng (C) nhằm giải quyết kịch tính của ô nhịp trước, đồng thời làm tiền đề cho vòng công năng mới.

+ Ô nhịp 7, 8, 9: Quan sát kĩ chúng ta thấy 4 ô nhịp trước (2, 3, 4, 5) với 4 ô nhịp sau (6, 7, 8, 9) ý nhạc như được lặp lại. Do đó, chúng ta có thể sử dụng lại vòng hòa thanh đó. Cụ thể là: Ô nhịp thứ 7 chọn hợp âm Mi thứ (Em), ô nhịp 8 chọn hợp âm Pha trưởng (F), ô nhịp 9 chọn hợp âm Son bảy (G7).

Câu nhạc thứ 2:

+ Ô nhịp 10, 11, 12, 13: Nét giai điệu của bốn ô nhịp này tái hiện nguyên dạng của 4 ô nhịp đầu (2, 3, 4, 5). Do đó, lấy vòng hòa thanh của 4 ô nhịp đầu để sử dụng lại cho 4 ô nhịp này. Cụ thể là: Ô nhịp 10 chọn Đô trưởng (C), ô nhịp 11 chọn Mi thứ (Em), ô nhịp 12 chọn Pha trưởng (F), ô nhịp 13 chọn Son bảy (G7).

+ Ô nhịp 14, 15, 16, 17: Đây là 4 ô nhịp cuối của đoạn nhạc, và vẫn sử dụng vòng hòa thanh T- S- D. Ô nhịp 14 chọn hợp âm Đô trưởng (C) nhằm giải quyết sự kịch tính của ô nhịp trước. Ô nhịp 15 chọn hợp âm La thứ (Am), vì hợp âm này thuộc nhóm công năng S. Ô nhịp 16 chọn hợp âm Son bảy (G7). Ô nhịp 17 là nốt Đô nằm ở phách mạnh và là âm I của hợp âm chủ (T) đồng thời là ô nhịp kết đoạn 1 nên chúng ta đặt hợp âm Đô trưởng (C) cho ô nhịp này.

Bằng cách lập luận và xác định hợp âm như trên, chúng ta có thể tiếp tục đặt hợp âm cho đoạn thứ 2. Sau khi đặt xong hợp âm, chúng ta nghe lại hợp âm trên đàn để điều chỉnh cho phù hợp.

Chúng ta biết rằng, khả năng thị phạm của giáo viên trước học sinh là rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc thì khả năng này cần phải đề cao.

Khi giáo viên sử dụng tốt nhạc cụ trong tiết học chắc chắn sẽ kích thích được sự hưng phấn cho các em và tiết học sẽ sôi nổi hơn nhiều. Chính từ điều này, chúng ta sẽ phát huy tối đa khả năng của học sinh, thu hút các em tham gia vào hoạt động học một cách tích cực hơn, dần hình thành tính tư duy độc lập, tự chủ trong học tập cho các em.

  TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đào Ngọc Dung (2001). Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Giáo dục

[2]. Phạm Tú Hương (2005). Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Đại học sư phạm

[3]. Cù Minh Nhật (2005). Organ thực hành, Nxb Âm nhạc

[4]. Phạm Tú Hương,Vũ Nhật Thăng (1993). Sách giáo khoa hòa thanh, Nxb Âm nhạc