foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Chiều ngày 07/05/2024 trong không khí trang trọng và tập trung, Chi bộ Khoa Sư Phạm của Trường Đại học Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc gặp mặt giữa Đảng viên Sinh viên, các cán bộ lớp với đồng chí Lê Văn An – Bí thư chi bộ, Trưởng khoa Sư phạm. Cuộc họp không chỉ giúp trao đổi thông tin mà còn là cơ hội để thảo luận sâu về các vấn đề quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả các phong trào hoạt động của sinh viên trong khoa, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chi bộ đề ra.

Tại buổi gặp mặt, Đồng chí Bí thư chi bộ đã nhấn mạnh việc xây dựng tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc của các đảng viên, khuyến khích tất cả các đồng chí đảng viên nắm bắt tinh thần "nói đi đôi với làm" để đảm bảo khả năng thực thi mạnh mẽ, quyết liệt các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cuộc họp cũng đề cập đến việc nâng cao chất lượng học tập thông qua việc khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, học tập tại thư viện và sáng tạo trong mọi lĩnh vực. Các đề xuất cụ thể đã được đưa ra để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tiếp cận nguồn tư liệu và thông tin học thuật.

T5 Ai 10 5 1

Cuộc gặp mặt của Bí thư Chi bộ khoa Sư phạm với đảng viên sinh viên

Một trong những nội dung quan trọng của cuộc họp là việc thúc đẩy các hoạt động phong trào học tập và rèn luyện. Các đồng chí đảng viên được khích lệ tham gia vào các câu lạc bộ, tổ chức và hoạt động ngoại khóa để phát triển kỹ năng mềm, sự tự tin và khả năng làm việc nhóm, kỹ năng nghiệp vụ nghề nghiệp. Để tạo ra một môi trường học tập và sống đầy sáng tạo và truyền cảm hứng, việc phát triển văn hóa và văn nghệ là không thể thiếu. Các đồng chí đảng viên được khuyến khích tham gia vào các hoạt động văn hóa, sân khấu và trình diễn nghệ thuật để thể hiện cá tính và tạo ra sự kết nối với cộng đồng, tạo môi trường phát triển bản kỹ năng nghề nghiệp của bản thân.

Trong bối cảnh môi trường học thuật và xã hội đang thay đổi liên tục, việc phát triển Đảng và Đoàn đặt ra nhiều thách thức mới. Qua nhiều giờ trao đổi, cuộc họp đi đến quyết định đề xuất thành lập các câu lạc bộ: CLB Đảng viên sinh viên, CLB Toán học, CLB sinh viên nghiên cứu khoa học. Các câu lạc bộ này sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên và chuyên gia, đồng thời tạo ra một không gian để thảo luận và đề xuất các hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy phong trào sinh viên.

T5 Ai 10 5 2

Trong cuộc họp này, đồng chí Bí thư chi bộ đã giao cho giảng viên TS. Nguyễn Văn Ái chủ nhiệm câu lạc bộ lạc bộ Đảng viên sinh viên, các Đảng viên: Lê Nguyễn Khánh Vy và Võ Thị Hiền làm phó chủ nhiệm. Đồng chí bí thư cũng yêu cầu câu lạc bộ duy trì sinh hoạt 01 lần/tháng nhằm trao đổi về công tác Đảng, tham mưu cho chi bộ các hoạt động để lãnh đạo tốt Liên chi đoàn và phong trào đoàn thanh niên Khoa Sư phạm.

Đồng chí Bí thư cũng giao nhiệm vụ thành lập các Câu lạc bộ Toán học, Câu lạc bộ sinh viên NCKH và giới thiệu các nhân sự chủ chốt làm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm câu lạc bộ.

Tin tưởng rằng sau cuộc họp này sẽ có những động lực mới để phong trào sinh viên NCKH, rèn luyện NVSP, Olimpic Toán học, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và công tác phát triển Đảng của chi bộ Khoa Sư phạm sẽ có bước phát triển mới tốt hơn nữa.

Chiều ngày 02/5, Tổ Sinh - Địa, Khoa Sư phạm đã triển khai tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho sinh viên. Buổi tập huấn là một hoạt động chuyên môn đã được Tổ Sinh - Địa lên kế hoạch từ đầu năm; đồng thời đây cũng là một phần trong quá trình triển khai đề tài nghiên cứu  khoa học sinh viên năm 2024. “Nghiên cứu thực trạng và nhu cầu đào tạo sơ cấp cứu của sinh viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh”. Đối tượng tập huấn lần này là sinh viên lớp K14A Giáo dục Mầm non.

T5 SV 3 5 1

Thầy giáo Biện Văn Quyền - chia sẻ tại buổi tập huấn

Thầy giáo Biện Văn Quyền đã phát biểu nêu rõ vai trò, ý nghĩa của hoạt động cấp cứu ban đầu trong đời sống nói chung cũng như trong trường học hiện nay. Đặc biệt, với các trường tiểu học, trường mầm non hiện không còn duy trì biên chế cán bộ y tế học đường. Học sinh ở các bậc học này khá hiếu động, và cũng dễ tổn thương khi tham gia các hoạt động. Vì thế, việc trang bị kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho sinh viên các ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học là rất cần thiết.

T5 SV 3 5 2

Bạn Nguyễn Thị Cúc hướng dẫn từng thao tác kỹ thuật: Hà hơi thổi ngạt và ép tim lồng ngực

Bạn Nguyễn Thị Cúc - Lớp K13 Giáo dục Tiểu học, trưởng nhóm nghiên cứu khoa học sinh viên “Nghiên cứu thực trạng và nhu cầu đào tạo sơ cấp cứu của sinh viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh” cùng với các thành viên trong nhóm đã chia sẻ các kỹ năng cơ bản trong sơ cấp cứu ban đầu. Đồng thời, hướng dẫn trực tiếp cho sinh viên các nhóm của lớp K14A Giáo dục Mầm non thao tác cụ thể để thực hành. Mỗi động tác phải được thực hiện chính xác, lặp lại đủ tần suất, phù hợp với từng tình huống và độ tuổi của đối tượng.

T5 SV 3 5 3

Sinh viên K14A Giáo dục Mầm non thực hành kỹ thuật sơ cứu Ép bụng - Heimlich

Bạn  Nguyễn Thị Sang Sang - Lớp K14A Giáo dục Mầm non hồ hởi chia sẻ: Mặc dù đã từng nghe nói đến các kỹ năng sơ cấp cứu, cũng như hiểu được tầm quan trọng của các kỹ năng này. Tuy nhiên, bản thân chưa từng được trải qua bất cứ khoá tập huấn nào. Buổi tập huấn hôm nay là lần đầu tiên bản thân được trải nghiệm, được thực hành các thao tác sơ cấp cứu. Nghe hướng dẫn thì không khó, nhưng thao tác đúng thì không dễ. Phải tập sự chú ý các thao tác của Thầy hướng dẫn và các chị, và trực tiếp lặp đi lặp lại nhiều lần mới có thể làm được. Hi vọng rằng năm sau sẽ có nhiều buổi tập huấn như vậy.

T5 SV 3 5 4

Sinh viên thực hành kỹ  thuật hà hơi thổi ngat

Thời gian tới, Tổ Sinh - Địa dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện các nội dung tập huấn khác cho các lớp của Khoa. Mục tiêu hướng đến, tất cả sinh viên Khoa Sư phạm đều được trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu.

Sáng ngày 24/4/2024, Khoa Sư phạm Trường Đại học Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học, năm học 2023-2024. Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học là hoạt động thường niên được tổ chức với mục đích giúp sinh viên trang bị các kỹ năng và kiến thức cần thiết trong hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ. Đồng thời tạo dựng môi trường học thuật qua đó thúc đẩy niềm đam mê, nuôi dưỡng sáng tạo của sinh viên. Đây là diễn đàn chính thức để sinh viên công bố các kết quả nghiên cứu của mình sau gần 1 năm làm việc miệt mài, nghiêm túc với sự đồng hành của các giảng viên hướng dẫn.

Hội nghị năm nay, Ban tổ chức đã nhận được báo cáo của 21 đề tài nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực. Cụ thể, có 12 đề tài lĩnh vực Toán học cơ bản và Phương pháp dạy học Toán học, 3 đề tài thuộc lĩnh vực Văn học và Phương pháp dạy học Tiếng Việt, 5 đề tài lĩnh vực Sinh học và 1 đề tài thuộc lĩnh vực Xã hội.

T5 a Quyen 26 4 1

Các nhóm nghiên cứu chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu và ban giám khảo

Sau phát biểu khai mạc của lãnh đạo Khoa, Hội nghị chia làm hai tiểu ban. Các tiểu ban làm việc độc lập với sự đánh giá của Hội đồng giám khảo. Các Hội đồng đã nghe đại diện các nhóm nghiên cứu trình bày các kết quả cơ bản của các đề tài. Phần thảo luận sau mỗi đề tài hết sức sôi nổi với nhiều câu hỏi gợi mở của các vị giám khảo. Đại diện các nhóm nghiên cứu đã tự tin và phấn khởi khi trình bày đề tài nghiên cứu của mình, cũng như trả lời các câu hỏi của các thầy cô giám khảo.

T5 a Quyen 26 4 2

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Ban tổ chức đã tiến hành vinh danh các công trình tiêu biểu. Đề tài “Tìm hiểu nội dung dạy học phân số ở lớp 4 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên cơ sở toán học cao cấp” của nhóm sinh viên Hoàng Thị Oanh, Nguyễn Thị Thảo - lớp K13 Giáo dục Tiểu học và đề tài Một số biện pháp khắc phục lỗi chính tả cho học sinh tiểu học ở Huyện Kỳ Anh” của nhóm sinh viên Trần Thị Thu Hiền, Đặng Thị Thùy Dung, Nguyễn Thị Kim Chi - lớp K14A Giáo dục Tiểu học đã vinh dự được trao giải Nhất. Ban tổ chức cũng đã trao 04 giải Nhì, 04 giải Ba, 05 giải Khuyến khích và trao giấy chứng nhận cho 06 nhóm tác giả có bài đăng trong kỷ yếu.

T5 a Quyen 26 4 3

Sinh viên hào hứng theo dõi các báo cáo

Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2023-2024 của Khoa Sư phạm đã khép lại với nhiều dấu ấn sâu đậm về sự nỗ lực tuyệt vời của các nhóm nghiên cứu. Thành công của Hội nghị năm nay là hội tụ của sự chỉ đạo quyết tâm của Chi uỷ, Ban Chủ nhiệm Khoa, sự đam mê và sáng tạo khoa học của các bạn sinh viên dưới sự dẫn dắt của đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và đầy trách nhiệm.

T5 a Quyen 26 4 4

Sinh viên tự tin trình bày các kết quả nghiên cứu

Các công trình được giải cao tại Hội nghị cấp Khoa sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và sẽ tham gia Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường lần thứ XIV, năm 2024.

Nhằm tạo cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học thỏa mãn sự sáng tạo và phát triển tư duy, ThS. Nguyễn Văn Ân - GV giảng dạy học phần Thủ công – Kỹ thuật và PPDHTC – KT đã đánh giá kết quả học phần bằng “Thiết kế thời trang bằng các vật liệu tái chế”.

Các thiết kế sử dụng là các vật liệu chủ đạo như giấy báo, túi nilon, bao bì,… để làm nên các bộ trang phục tái chế lạ mắt, độc đáo và lộng lẫy với từng chủ đề riêng biệt.

Sau một thời gian nhận đề bài và sự miệt mài trong quá trình tìm tòi lên ý tưởng, lựa chọn những chất liệu vật liệu tái chế phù hợp để tạo ra trang phục tái chế của mình, đã có hơn 50 bộ trang phục tái chế được các bạn sinh viên K14 GDTH thiết kế. Chiều ngày 25/6/2024 các bạn sinh viên đã trình diễn những sản phẩm của mình.

T5 SV 28 4 1

Tất cả trang phục được tận dụng từ các vật liệu như giấy báo, túi nilong, quần áo cũ,...

Thông qua những bộ trang phục tái chế độc đáo, các bạn sinh viên muốn gửi gắm và truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường như hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt; có ý thức phân loại rác…

T5 SV 28 4 2

Với nhiều tâm huyết và nỗ lực chuẩn bị, các nhóm đã mang tới những trang phục tái chế đầy mới mẻ và thu hút, các bạn sinh viên cũng chính là những người mẫu “không chuyên”. Những đồ vật tưởng như bỏ đi đã được các bạn sinh viên nâng tầm và biến hóa chúng thành những trang phục độc đáo, sinh động, là những thiết kế thời trang đẹp mắt, ấn tượng.

T5 SV 28 4 3

Các bạn sinh viên tự tin trình diễn trang phục của mình

Những bộ trang phục ấn tượng và được giảng viên đánh giá cao:

 T5 SV 28 4 4 

 T5 SV 28 4 5

 T5 SV 28 4 6

 T5 SV 28 4 7

T5 SV 28 4 8

T5 SV 28 4 9

T5 SV 28 4 10

T5 SV 28 4 11

Những bộ trang phục tái chế được thiết kế rất tâm huyết, tỉ mỉ và cẩn thận

Đây cũng là một trong rất nhiều hoạt động của sinh viên ngành Sư phạm nói chung và GDTH nói riêng, thông qua đó, nhằm giáo dục sinh viên tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, lòng yêu thiên nhiên và môi trường sống quanh ta, làm cho môi trường sống ngày càng Xanh - Sạch - Đẹp hơn, làm cho cộng đồng xã hội nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường. Cùng với đó tạo tiền đề, kiến thức cho sinh viên giáo dục học sinh sau này.

Thực tập sư phạm là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình đào tạo sinh viên sư phạm giúp sinh viên rèn luyên các kỹ năng giáo dục, dạy học và hiểu rõ hơn về các hoạt động của người giáo viên trong thực tế trường thực tập. Trường Đại học Hà Tĩnh đã tổ chức đợt thực tập sư phạm (TTSP1, TTSP 2) cho sinh viên sư phạm từ tháng 2/2024 – 4/2024

Khóa học 2020-2024, ngành Giáo dục mầm non của Trường Đại học Hà Tĩnh gồm 51 sinh viên. Trong đợt thực tập sư phạm 2 này lớp được chia thành 3 đoàn thực tập tại các trường, gồm Trường Mầm non Ivy, Trường Mầm non Tân Giang và Trường Mầm non Ischool đóng trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh.

Các sinh viên của K13GDMN đều hào hứng cho kì thực tập này, bởi các bạn đều biết rằng đây chính là cơ hội để các bạn có thể được học hỏi các kinh nghiệm về giảng dạy thực tế, là cơ hội để rèn luyện và trau dồi các kỹ năng đứng lớp, hay  kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong môi trường hoàn toàn mới. Không còn bỡ ngỡ như lần thực tập sư phạm 1 mà là sự chững chạc, hay đã quen với các hoạt động tại trường mầm non nhưng với một môi trường mới thì sẽ có những khác biệt, vì thế mỗi sinh viên trong đoàn thực tập luôn chú trọng các hoạt động tại trường thực tập và không xem nhẹ một hoạt động nào. Các bạn được tham gia dự giờ các tiết dạy giỏi và các tiết của giáo viên trong trường, đây chính là những bài học lớn trong quá trình học tập của mỗi một sinh viên chuyên nghành. Qua những tiết dự giờ sinh viên đúc rút được thêm những chi tiết trong một bài dạy và biết thêm về những cách xử lí tình huống trong một bài dạy.

Các bạn sinh viên mang theo sự hồi hộp, lo lắng đan xen cùng với mong muốn được thể hiện bản thân mình được gói gọn vào trong từng tiết dạy tại lớp thực tập. Nhiều bạn chia sẻ, để chuẩn bị cho tiết dạy mà đã nhiều lần thức đến đêm muộn để học giáo án cùng với đó là sự kì công trong việc mỗi buổi trưa thức tại lớp để chuẩn bị đồ dùng cho tiết dạy của mình. Mỗi một chi tiết nhỏ đều được các bạn chú tâm thực hiện để bài dạy có thể đạt được kết quả tốt nhất. Và kiến thức lí thuyết được học từ trường đại học cũng sẽ bổ trợ và là tiền đề cho giáo sinh trong các tiết dạy của mình.

T4 SV 15 4 1

Hình ảnh tiết dạy của sinh viên thực tập

Để có một tiết dạy hay và thành công, mỗi giáo sinh đã kì công soạn giáo án sao cho đúng phương pháp thực hiện một tiết dạy cùng với đó là sự sáng tạo để có một tiết dạy cuốn hút sự tham gia của học sinh. Bên cạnh đó còn là sự đầu tư công phu về đạo cụ, trang trí sân khấu, trang phục phù hợp với chương trình với tiết dạy học,… Và phần ổn định tổ chức, gây hứng thú là một hoạt động rất quan trọng để cho giáo viên có thể dẫn dắt trẻ đi vào với nội dung trọng tâm của bài dạy và gợi hứng thú, tò mò ở trẻ. Vì thế mà các bạn giáo sinh đã tìm hiểu, và lựa chọn ra những cách thức truyền tải hay và phù hợp nhất đối với bài dạy của mình. Một số bạn đã thể hiện bài múa mở đầu, tham quan khu triển làm hay là những tiểu phẩm vui nhộn để mở đầu, gợi cảm xúc cho tiết dạy tham sinh động.

T4 SV 15 4 2

Hình ảnh mở đầu tiết dạy của sinh viên thực tập

Các cô giáo đã hóa thân thành người dẫn chương trình, cô hướng dẫn viên, anh hề, chú cuội hay cô mây, chị hằng để giao lưu trò chuyện và dẫn dắt các em đi tìm kiến thức. Bởi trẻ mầm non rất hiếu động nhưng cũng chóng chán vậy nên hình thức tiết dạy liên tục được xoay chuyển sao cho trẻ luôn giữ được sự hứng thú để khám phá các kiến thức trong bài dạy mà cô giáo mang đến. Với đề tài âm nhạc được các giáo sinh thể hiện qua chương trình giao lưu âm nhạc, buổi giao lưu về với bản làng vùng tây bắc hay vận động với hình thức khiêu vũ sinh động,…

T4 SV 15 4 3

Hình ảnh  tiết dạy âm nhạc theo hình thức mới của sinh viên thực tập

Hay với các tiết dạy về hoạt động cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học như thơ, truyện cũng được thể hiện qua những thực thức mới gây được sự chú ý cao ở trẻ như múa rối bóng, ráp thơ trên nền nhạc, tạo hoạt cảnh, trẻ được phân vai kể lại câu chuyện,…

T4 SV 15 4 4

Hình ảnh  sử dụng rối bóng trong tiết dạy của sinh viên thực tập

Không chỉ là sự đầu tư về đồ dùng trong mỗi tiết dạy mà còn là sự đổi mới về phương pháp dạy học. Đối với tiết dạy về tạo hình, hoạt động góc cũng được các bạn lồng ghép và ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến như phương pháp Steam vào bài dạy.

T4 SV 15 4 5

Hình ảnh tiết dạy tạo hình ứng dụng phương pháp Steam của sinh viên thực tập

Song song với các hoạt động đứng lớp giảng dạy thì các bạn giáo sinh còn tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường tổ chức như tham gia thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/03, giao lưu đánh bóng chuyền, tham gia biểu diễn văn nghệ tại nhà văn hóa của phường, tham gia biểu diễn văn nghệ cho các hoạt động khác, tham gia giải chạy việt dã hay tham gia hoạt động vui chơi khác nhằm thắt chặt tinh thần đoàn kết của giáo viên, giáo sinh trong trường.

T4 SV 15 4 6

Hình ảnh sinh viên thực tập tham gia các hoạt động

Chỉ còn một tuần nữa thôi là kết thúc kỳ thực tập tốt nghiệp, mong rằng qua chuyến học tập, trải nghiệm này các bạn sẽ trang bị cho mình những kiến thức tốt, kỹ năng hay để vận dụng cho từng chuyến đò của các bạn sau này của mình. Biết rằng trên con đường theo đuổi ước mơ nhà giáo sẽ có nhưng bậc thang khó khăn, những cung đường khúc khuỷu nhưng các bạn hãy đừng nản chí bởi nghề dạy học là nghề cao quý nhất.