TÓM TẮT

            Mỗi dân tộc đều có những đặc trưng riêng trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Những đặc trưng về cách nghĩ, cách nhận thức thế giới bên ngoài ngôn ngữ đều được ghi dấu ấn trong ngôn ngữ dân tộc; đồng thời tạo thành những thói quen, thậm chí thành những truyền thống sử dụng ngôn ngữ của cả cộng đồng dân tộc; một trong những truyền thống sử dụng ngôn ngữ rất độc đáo của người Việt  là cách “chơi chữ”.

            Từ khóa: truyền thống, ngôn ngữ,chơi chữ.

1. Đặt vấn đề

Chơi chữ là một thói quen sử dụng ngôn ngữ có tính nghệ thuật của người Việt. Thói quen này có từ xa xưa, được dùng rộng rãi không chỉ trong văn chương bác học mà còn trong văn chương truyền miệng (ca dao, câu đố, câu đối…) và trong lời ăn tiếng nói hàng ngày con người.

2.Giải quyết vấn đề

2.1. Khái niệm chơi chữ

Theo Từ điển tiếng Việt, “Chơi chữ là lợi dụng các hiện tượng đồng âm, đa nghĩa… trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng nhất định (như bóng gió, châm biếm, hài hước…) trong lời nói”.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, Chơi chữ còn gọi là “lộng ngữ”, là “Một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người đọc, người nghe” . Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có: nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ đồng nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau…

2.2. Chơi chữ trong dân gian

2.2.1. Chơi chữ trong lời nói hằng ngày

Trước hết, nói đến chơi chữ trong dân gian, phải nói rằng, người Việt vốn có tính hài hước, dí dỏm, thông minh và sâu sắc; lại có những điều kiện thuận lợi về chất liệu ngôn ngữ nên thói quen chơi chữ hình thành, phổ biến rộng rãi trong dân gian từ lâu đời, trước hết là trong lời ăn tiếng nói của mỗi người. Mục đích của chơi chữ trong lời nói hàng ngày là tạo ra những tiếng cười nhằm thư giản bằng sự bất ngờ thú vị của ngôn ngữ. Người Việt Nam thuộc mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi đều có khả năng chơi chữ theo lối “ứng khẩu” tự nhiên, theo những cách khác nhau:

a. Nói lái:

Ví dụ:  “Thầy giáo, tháo giày đi dép lốp

Nhà trường, nhường trà, uống nước trong”

“Cá thể thì thế cả”

“Vấn đề đầu tiên là tiền đâu”

b.  Lợi dụng sự gần nhau về âm giữa âm tiếng Việt và âm tiếng tiếng ngoài:

Ví dụ: Một người Việt, khi trả lời, cố ý phát âm rành mạch, rõ ràng câu tiếng Pháp để trêu người hỏi giờ: “Ông giơ đít mi nút” - “Onze heures dix minutes” (11 giờ 10 phút).

 

c. Chiết tự

Ví dụ:

  • Cao Bằng không phải cao bằng mà còn phải cao hơn nhiều nơi khác !”

 

     -  Kẻ ngại ăn diện

        Dân bần thường tuỳ tiện

        Công thần trí thường nông

        Chỉ tụng, chẳng dám kiện

     - Càng lỏi lại càng len

        Chưa chính đã đòi chuyên

        Tưởng có tiềntiến

        Nghĩ tổ mình là tiên

2.2.2. Cách chơi chữ trong ca dao

Cách chơi chữ trong ca dao cũng rất đa dạng và tài tình, thể hiện trí tuệ dân gian:

a. Dùng hiện tượng đồng âm khác nghĩa giữa từ đơn tiết với một tiếng trong từ đa tiết:

-  “Một trăm thứ dầu, dầu chi là dầu không thắp?

Một trăm thứ bắp, bắp chi là bắp không rang? ...

Trai nam nhi đối đặng, gái bốn mùa xin theo”

“Một trăm thứ dầu, nắng giải mưa dầu là dầu không thắp.

Một trăm thứ bắp, lắp ba lắp bắp là bắp không rang.

Trai nam nhi đà đối đặng, gái bốn mùa tính răng?”

 

  • “Mùa xuân em đi chợ Hạ

Mua cá thu về, chợ hãy còn đông.

Ai nói với anh em đã có chồng?

Bực mình đổ cá xuống sông em về”

b. Dùng các từ trái nghĩa trong cùng một câu:

“Bánh cả thúng sao gọi là bánh ít

Trầu cả khay, răng lại gọi trầu không?

c. Dùng cách nói lái:

“Có cá đâu mà anh ngồi câu đó

Biết có không mà công khó anh ơi?”

d. Dùng các từ cùng trường nghĩa:

- “Giả đò neo chiếc thuyền tình

Bạn bè mối lái, tơ mành gấp ghe”

  • “Cha chài, mẹ lưới, con câu

Chàng rể đi tát, con dâu đi mò”

 

 

e. Dùng các từ đồng nghĩa, trái nghĩa:

“Đi tu Phật bắt ăn chay

Thịt chó ăn được thịt cầy thì không”

“ Rắn hổ đất leo cây thục địa

Ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên”

“ Đôi đũa lệch:
Gái trẻ hân hoan chờ phối ngẫu
Trai già thấp thỏm đợi giao bôi

Tố nữ thời @:
Quần may ngắn ngủn phô đùi nõn
   Áo vá sơ sài lộ ngực tơ” 

                                       (Về Miền Trung- Blog tiếng Việt)

2.3. Chơi chữ trong thơ

Chơi chữ trong lời nói hằng ngày, trong ca dao đã khó, chơi chữ trong thơ lại khó hơn vì niêm luật, nhịp điệu, âm điệu và nhạc điệu của các thể loại thơ đòi hỏi người sáng tác phải công phu tìm tòi và sáng tạo. Tuy vậy, chơi chữ trong thơ rất đa dạng, độc đáo và có hiệu quả nghệ thuật cao.

a. Chơi chữ bằng phương tiện ngữ âm

Trước hết, phải kể đến chơi chữ bằng phương tiện ngữ âm. Đây là kiểu chơi chữ bằng cách lặp lại một bộ phận của các tiếng trong toàn bài thơ (hoặc một số dòng thơ, một số tiếng liền nhau). Kiểu chơi chữ này gồm các dạng:

- Lặp phụ âm đầu:

         “Mênh mông muôn mẫu một màu mưa

Mỏi mắt miêm man mãi mịt mờ

 Mộng mị mỏi mòn mai một một

 Mỹ miều may mắn mấy mà mơ”

(Mưa - Tú Mỡ)

 

- Lặp cùng một thanh điệu trên cả dòng thơ hoặc trong toàn bài thơ:

                             -                       Tình hoài

Trời buồn làm gì trời rầu rầu

Anh yêu em xong anh đi đâu?

Lắng tiếng gió, suối, thấy tiếng khóc

Một bụng một dạ một nặng nhọc

Ảo tưởng chỉ để khổ để tủi

Nghĩ mãi gỡ mãi lỗi vẫn lỗi

Thương thay cho em căm thay anh

Tình hoài càng ngày càng tày đình.

 

  •            Tiếng vọng

“Mùa thu ngang qua sương nương chiều tà
Tình em ngang qua bàng hoàng trong ta
Thời gian ngang qua âm thầm chia xa
Dòng sông âm vang ngân vàng câu ca

 

Mong manh tình em, dày thêm đêm sương
Mong manh đi tìm hồn ta tha hương
Mong manh mong chờ, chiều buồn vương vương
Mùa thu đi rồi! Còn đâu trăng buông

Còn gì trong em? Còn gì trong ta?
Còn đâu mây mơ, còn đâu mong chờ
Còn đâu kiêu sa! Ngày tàn đang qua
Dòng sông âm thầm trầm dần câu ca.”

(Tiếng vọng- Trần Đình Nhân- Blog tiếng Việt)

b. Chơi chữ bằng nói lái

Chơi chữ bằng cách nói lái là kiểu chơi chữ rất khó vì thế ít gặp trong thơ. Hồ Xuân Hương- Bà chúa thơ Nôm, có nhiều bài chơi chữ theo kiểu này:

Chùa Quán Sứ

“Quán Sứ sao mà khách vắng teo

Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo

Chày kình tiểu để suông không đấm

Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo”

(Hồ Xuân Hương)

c. Chơi chữ bằng chiết tự

Dựa vào sự gần dạng cuả một số chữ Hán, những người uyên thâm Hán tự đã thực hiện chơi chữ theo lối chiết tự. Ví dụ:

Không chồng mà chửa

Cả nể cho nên hoá dở dang,

Nỗi niềm nàng có biết chăng chàng.

Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,(1)

Phận liễu sao đà nảy nét ngang.(2)

Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa?(3)

Mảnh tình một khối thiếp xin mang.(4)

Quản bao miệng thế lời chênh lệch,

Không có, nhưng mà có, mới ngoan!

( Hồ Xuân Hương)

 

Chiết tự

Tù nhân xuất khứ hoặc vi quốc,

Hoạn quá đầu thì thủy kiến trung;

Nhân hữu ưu sầu ưu điểm đại,

Lung khai trúc sản, xuất chân long.

( Nhật kí trong tù- Hồ Chí Minh)

d.Chơi chữ trong thơ bằng xếp chữ

Trong kiểu chơi chữ này, thông tin gián tiếp được tác giả kín đáo đưa ra qua các tiếng đứng ở vị trí nào đó của câu thơ. Ví dụ:

Cụ Hồ muôn tuổi

Cụ già thong thả buông cần câu,

Hồ rộng trời trong mặt nước sâu.

Muôn dặm đài sen thơm bát ngát,

       Tuổi già vui thú với non sông.

 

2.4. Chơi chữ trong câu đối

Ngoài cách chơi chữ trong lời nói hằng ngày và trong ca dao, chơi chữ còn là một biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu đối. Trong văn chương cổ điển Việt Nam, câu đối là một thể loại phổ biến, người Việt viết câu đối với nhiều nội dung và mục đích khác nhau: để thử tài ứng đối và chơi chữ, để chúc tết, hiếu hỉ, để nơi đến chùa… Câu đối được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ; với các kiểu chơi chữ như: đồng âm, gần âm, đồng nghĩa…

Chơi chữ trong câu đối Nôm và chữ chữ Quốc ngữ là cách chơi chữ phổ biến trong  tầng lớp nhân dân, cụ thể:

- Chơi chữ bằng cách dùng  các tiếng cùng phụ âm đầu:

“Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt

Lươn lẹo lọc lừa lại lên lương”

- Chơi chữ đồng âm: đây là kiểu chơi chữ phổ biến, với những mục đích khác nhau, chẳng hạn:

+ Tạo ra các chuỗi tiếng đồng âm khác nghĩa:

“Vũ cậy mạnh vũ ra vũ múa, vũ gặp mưa vũ ướt cả lông

Thị phải chầu thị đứng thị xem, thị cũng thèm thị không có ấy”

+ Tạo ra trường từ vựng các nghề nghiệp:

Câu đối Nguyễn Khuyến làm giúp cho vợ người thợ rèn khóc chồng:

“Tưởng cơ đồ thiếp phải lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp;

Thôi công việc chàng đành bỏ bễ, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi.”

+ Tạo ra trường từ vựng các từ gần nghĩa:

“Bà Đồ Nứa đi võng đòn tre, đến khóm trúc thở dài hi hóp

Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, dò đến hàng nem chả muốn ăn.”

+ Tạo ra khó khăn khi ngắt giọng cho đúng nghĩa:

“Con ngựa đá con ngựa đácon ngựa đá không đá con ngựa

Thằng mù nhìn thằng mù nhìn hằng mù nhìn không nhìn thằng mù”

- Chơi chữ bằng nói lái:

“Cô gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi;

Chàng trai Hòn Đất hất đòn trúng hòn đất”….

3. Kết luận

Tóm lại, chơi chữ là một biện pháp sử dụng ngôn ngữ phổ biến mà độc đáo của người Việt, ở cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Người Việt đã nắm vững và tận dụng triệt để các điều kiện âm thanh, chữ viết, các hiện tượng đồng âm, đồng nghĩa…để chơi chữ theo nhiều kiểu khác nhau.  Truyền thống này một mặt biểu hiện sự thông minh, sáng tạo của người Việt mặt khác cho thấy sự độc đáo của tiếng Việt trong hoạt động hành chức đa dạng của mình.

Tài liệu tham khảo

 [1]. Đỗ Hữu Châu. Từ vựng- Ngữ nghĩa tiếng Việt , Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội,1999.

[2].Nguyễn Xuân Khoa. Tiếng Việt, tập 1 ( Giáo trình đào tạo giáo viên mầ m

non), Nxb ĐHSP, H, 1995.

[3]. Nguyễn Đăng Mạnh, Những bài giảng về tác gia văn học trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại, (tập 2,3), NXB ĐHQG HN 1999.

[4]. Hoàng Tíến Tựu. Bình giảng ca dao. NXB Giáo dục, HN, 1992.