Tóm tắt: Việc đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào trường học đã khơi dậy được phong trào hát dân ca, tìm hiểu về dân ca trong hệ thống trường học tỉnh nhà, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của  giáo viên và học sinh. Phong trào có điều kiện phát triển hơn khi được gắn với phong trào xây dựng “ Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Từ khóa: Dân ca Ví, Giặm;  Bảo tồn; Âm nhạc; Trường phổ thông; Nghệ Tĩnh 

1. Triển khai chương trình đưa dân ca vào trường học.

Được sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng, nhiều trường đã đưa dân ca Nghệ Tĩnh vào dạy trong nhà trường, nhiều câu lạc bộ Dân ca mới được hình thành đã tổ chức nhiều cuộc thi hát dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ các cấp. Ví, Giặm  được thực hành phổ biến trong các cuộc vui, liên hoan văn nghệ, giao lưu giữa các nhóm cộng đồng  các khối lớp, các trường và các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ngày càng gắn liền với lối sống và tập quán của con người, có sức sống mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tinh thần đương đại, tiếp tục được trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị bằng nhiều biện pháp như:

Tổ chức truyền dạy dân ca Ví, Giặm trong trường học, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội thi , hội diễn quần chúng các cấp tại từng địa phương; tổ chức giao lưu, liên hoan giữa các cộng đồng ở trong nước, quốc tế  nhằm phát huy các giá trị của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

2. Thực trạng về việc triển khai:

Nhìn lại quá trình thực thi chương trình đưa dân ca vào trường học từ năm 1999 đến nay, sau 15 năm triển khai thực hiện, tuy đã được triển khai rộng rãi, nhưng qua khảo sát và tìm hiểu thực tế một số trường học tại Hương Khê, Thạch Hà, Can Lộc và một số trường Tiểu học, THCS, THPT trong toàn tỉnh, tôi nhận thấy hiệu quả của phong trào đã phát huy tốt, song mới chỉ dừng lại ở hoạt động bề nổi, chiều sâu còn hạn chế, chưa tạo ra được chuyển biến sâu rộng thực sự trong nhận thức, tình cảm và kỹ năng của học sinh về dân ca Ví, Giặm.

Hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh đã câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm tại các trường học, địa phương đang hoạt động sôi nổi; Tích cực tổ chức các đợt liên hoan, hội diễn dân ca ví, giặm từ cơ sở, cấp vùng, cấp tỉnh, liên tỉnh. Ví, giặm được thể hiện phổ biến trong các cuộc vui, các hoạt động giao lưu, được tổ chức truyền dạy trong cộng đồng và trong trường học; được quảng bá, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Tuy vậy, đến nay số giáo viên giảng dạy âm nhạc bậc THCS vẫn chưa được tập huấn đầy đủ về hệ thống lí luận chuyên môn sâu về dân ca. Một trong những “lực cản” chủ yếu của chương trình là học sinh ngày nay tiếp xúc quá nhiều với âm nhạc hiện đại trong khi ít được gặp gỡ, giao lưu với các nghệ sĩ hát dân ca, nghệ nhân dân ca, ít được hòa mình trong môi trường sinh hoạt dân ca, khoảng cách giữa các em với dân ca Ví, Giặm ngày càng xa.

            3. Những khó khăn và tồn tại:

 Qua khảo sát một số trường học đều triển khai theo đúng chủ trương của ngành nhưng hiệu quả còn khiêm tốn. Có trường triển khai một cách chiếu lệ, hình thức, để học sinh giải trí là chính. Các trường chỉ xây dựng đội văn nghệ trong đó có hát dân ca Nghệ Tĩnh để đi thi, biểu diễn trong những ngày lễ hội mà chưa quan tâm tới hiệu quả dạy và học đến đâu, học sinh hiểu biết dân ca, yêu dân ca và biết hát dân ca còn hạn chế. Các giáo viên giảng dạy âm nhạc phản ánh thời gian học âm nhạc dành cho các trường quá ít, đặc biệt dân ca Nghệ Tĩnh không có trong chương trình chính khóa nên giáo viên âm nhạc bị động trong việc bố trí thời gian.

Mặt khác, chương trình học âm nhạc chính khóa của các trường phổ thông được quy định trên cả nước, do Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành. Do đó, việc đưa những làn điệu dân ca địa phương (Ví, Giặm Nghệ Tĩnh) vào chính khóa chỉ có thể được vài bài thay thế cho các bài đã quy định. Về giáo trình dạy dân ca Nghệ Tĩnh, phương tiện dạy dân ca không có nên các giáo viên đều phải tự tìm tòi, mò mẫm. Tình trạng dạy chay, hát chay vẫn còn phổ biến.

Hiện nay số giáo viên âm nhạc có niềm đam mê, tâm huyết với dân ca không nhiều, lực lượng giáo viên có trình độ chuyên môn sâu về dân ca Nghệ Tĩnh không nhiều. Đây cũng  là hạn chế cơ bản ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học dân ca Ví, Giặm.  Mặt khác, khả năng biểu diễn, thực hành thị phạm của đội ngũ giáo viên Âm nhạc về dân ca Ví, Giặm chưa đồng bộ, đang biểu lộ nhiều bất cấp tại một số trường học.

Bên cạnh đó, một trong những “lực cản” chủ yếu hiện nay là học sinh ngày nay tiếp xúc quá nhiều với âm nhạc hiện đại trong khi ít được gặp gỡ, giao lưu với các nghệ sĩ hát dân ca, nghệ nhân dân ca, ít được hòa mình trong môi trường sinh hoạt dân ca, khoảng cách giữa các em với dân ca ngày càng xa.

Việc đưa dân ca vào trường học là một chủ trương đúng, bởi vì cách bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh hay nhất, đúng đắn nhất là trao truyền vốn âm nhạc dân gian cũng như tình yêu và trách nhiệm đối với di sản quý của quê hương cho thế hệ tương lai. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc để đạt được mục tiêu nói trên là hết sức khó khăn. Thiết nghĩ ngành giáo dục tỉnh nhà cần có sự chỉ đạo, quán triệt mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn ngành, có đánh giá, tổng kết nhìn nhận về kết quả triển khai phong trào đưa dân ca vào trường học trong thời gian qua với tinh thần mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, cùng trao đổi, bàn bạc để tìm ra những giải pháp có hiệu quả.

            4.  Tăng cường các hoạt đông ngoại khóa:

            Chúng ta đều biết rằng âm nhạc có một tác động lớn đến lứa tuổi thanh - thiếu niên, nhi đồng, không chỉ tạo nên sự hài hoà trong các nội dung giáo dục của nhà trường, định hướng thị hiếu cho học sinh mà còn góp phần làm các hoạt động ngoại khoá ở các trường phổ thông thêm phong phú và có sức sống mới.    

Việc tăng cường các hoạt động ngoại khóa cần có nhiều hình thức tiếp cận dân ca phong phú hơn. Các hình thức hoạt động ngoại khóa giúp cho việc cũng cố một số kiến thức, kỷ năng đã học trong nội khóa, đồng thời tạo môi trường âm nhạc tốt để các em học sinh có khả năng đặc biệt có môi trường để phát huy, khả năng tiềm ẩn được bộc lộ đầy đủ. Trong thực tế nhiều nơi, nhiều trường đã thành lập CLB dân ca đặc biệt là phong trào văn nghệ lành mạnh, nơi đó nẩy nở nhiều hạt nhân khá tốt.

       Thông qua tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ, các em học sinh có cơ hội thể hiện khả năng của mình, góp phần giáo dục, rèn luyện kĩ năng cho các em, đồng thời là dịp để tập huấn, chuẩn bị cho cuộc thi hát ví, giặm dành cho các em học sinh nhân dịp chào mừng các ngày lễ lớn trong năm học: Chào mừng khai giảng năm học mới, kỷ niệm ngày truyền thống của nhà trường, của ngành,  ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3, ngày sinh nhật Bác 19/5, ngày 20/11, ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 v.v...

            - Ban giám hiệu các nhà trường cần bố trí tăng cường một số giờ/ buổi trong tuần cho các hoạt động ngoại khóa trong đó ưu tiên cho hoạt động góp phần bảo tồn dân ca Ví, Giặm.

            - Tổ chức các trò chơi âm nhạc mang tính chất vui, hoặc trong các buổi sinh hoạt như: Thi nghe nhạc đoán làn điệu dân ca, hay thi hát  các bài dân ca Ví, Giặm lời cổ.

            - Tổ chức sinh hoạt CLB thông qua bốc thăm trả lời những câu hỏi về kiến thức âm nhạc cổ truyền, dân ca Ví, Giặm v.v...

            - Tổ chức cho các em xem các buổi biểu diễn dân ca lời mới, các tổ khúc dân ca hoặc tham gia các lễ hội ở địa phương nhân các ngày truyền thống của nhà trường, địa phương.

            5. Một số đề xuất:

Để bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm trong nhà trường phổ thông, là một giáo viên hoạt động trong lĩnh vực đào tạo âm nhạc, tôi có một vài đóng góp đề xuất về vấn đề đưa dân ca Ví, Giặm vào học đường như một biện pháp hữu hiệu góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thụật của nhân loại như:

- Tổ chức cuộc thi tìm hiểu và hát Ví, Gặm trong toàn thể cán bộ giáo viên và học sinh, góp phần giữ gìn, tôn vinh, phát huy giá trị Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh.

- Cần chú trọng các giờ học ngoại khóa nhân các ngày lễ, ngày truyền thống của nhà trường để lồng ghép các bài hát dân ca Ví, Giặm vào chương trình.

- Nên hướng cho học sinh vào các trò chơi dân gian áp dụng các bài hát dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

- Tổ chức mời các nghệ sĩ, nghệ nhân dân ca trong và ngoài tỉnh gặp gỡ giao lưu với học sinh và giáo viên mỗi học kỳ ít nhất một lần.

- Trong chương trình giảng dạy Âm nhạc cần bắt đầu triển khai học âm nhạc truyền thống, trong đó có dân ca.

- Tăng cường sự phối hợp cúa các ban ngành đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện và chính quyền địa phương đặc biệt là sự quan tâm, vào cuộc của ngành Văn hóa, ngành Giáo dục - Đào tạo các cấp.

- Phối hợp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về dân ca Ví, Giặm, hội thi, hội diễn quần chúng mang bản sắc chủ đề dân ca Nghệ Tĩnh nhằm khơi dậy và giáo dục truyền thống trong các nhà trường và địa phương.

- Cần đầu tư bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy âm nhạc nói chung đặc biệt là giáo viên dạy hát Dân ca Ví, Giặm nói riêng. Tổ chức tập huấn hàng năm vào các dịp hè cho Giáo viên Âm nhạc và Ban chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) các trường tham gia.

- Luôn đổi mới phương thức sinh hoạt CLB dân ca Ví, Giặm của nhà trường tạo sức hấp dẫn, phong phú về nội dung nhằm thu hút nhiều thành viên tham gia.

- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ cả ba yếu tố Nhà trường - Gia đình - Xã hội.

6. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm.

            Âm nhạc truyền thống sẽ giúp các em có được khả năng cảm thụ những thẩm mỹ âm nhạc lành mạnh, hơn hết, sẽ giúp các em nhận thức được bản sắc văn hoá dân tộc, vùng quê Nghệ Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) qua đó biết yêu mến, quý trọng và có ý thức gìn giữ và phát triển vốn âm nhạc truyền thống Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong cuộc sống nhằm góp phần giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực tìm hiểu, học tập, tham gia trình diễn, nâng cao ý thức và trách nhiệm cá nhân trong việc góp phần giữ gìn và phát huy giá trị tinh thần của di sản văn hóa phi vật thể của quê hương mình.

            Chúng ta luôn tự hào là những người con xứ Nghệ, quê hương của làn điệu Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vốn Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chúng ta hãy cùng nhau bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét sinh hoạt văn hoá lành mạnh, mang đầy tính nhân văn trong đời sống con người Hà Tĩnh, góp phần tạo nên sắc thái văn hoá độc đáo của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng và Văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.

            Để đưa "đặc sản" Dân ca Ví, Giặm vào chương trình giảng dạy ở các trường ở địa phương tại địa phương Hà Tĩnh cần có sự đầu tư thích đáng của UBND các cấp, của ngành Giáo dục, ngành Văn hóa và các cấp, các ngành đồng hành với Ban giám hiệu các nhà trường cùng chung tay góp sức. Tuy nhiên, cần sự nỗ lực vào cuộc của các nhà trường phổ thông là cơ bản, để triển khai được những công việc này không phải là một sớm một chiều mà cả quá trình và đồng bộ, quyết liệt, dù chỉ là ở trong phạm vi một môi trường nào đó thôi cũng khó có thể chỉ trông chờ vào sự nhiệt tình của 1, 2 giáo viên giảng dạy âm nhạc.

KẾT LUẬN

Việc bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm ngay trong các nhà trường phổ thông ở mỗi địa phương là rất cần thiết. Thiết nghĩ, không gì bảo tồn tốt hơn là đưa các làn điệu dân ca trở về với không gian sinh hoạt vốn có của nó. Các làn điệu dân ca, dân vũ, các điệu ví, câu hò sẽ lan tỏa mạnh mẽ ra bên ngoài khi chính họ là những chủ nhân của quê hương. Có như vậy, dân ca Ví, Giặm, bản sắc vùng miền ngày càng được nâng niu, gìn giữ với sức sống mãnh liệt, khi bàn tay nắm lấy bàn tay cùng " Đưa nhau về miền Ví, Giặm..."

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Nhã Bản, Bản sắc văn hóa người Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, 2001.
  2. Phan Mậu Cảnh, Vai trò của phương ngôn trong dân ca hò ví giặm xứ Nghệ, vanhoanghean.com.vn.
  3. Nguyễn Xuân Đức, Những vấn đề thi pháp văn học dân gian, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.
  4. Ninh Viết Giao, Về văn hóa xứ Nghệ, ,Xxb Nghệ An, Vinh, 2003.
  5. Thanh Lưu, Lê Hàm, Vi Phong, Dân ca Nghệ Tĩnh, Nxb Âm nhạc, 1991.
  6. Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, Kỷ yếu hội thảo “ Học sinh sinh viên với việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”, Vinh, 2015.