MỘT SỐ BIỆN PHÁP LỒNG GHÉP, TÍCH HỢP HÌNH THÀNH CÁC BIỂU TƯỢNG TOÁN CHO TRẺ 5-6 TUỔI TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC Ở TRƯỜNG MẦM NON XUÂN HẢI – NGHI XUÂN – HÀ TĨNH

Tác giả: Đặng Thị Tám

               Trần Thị Thanh Huyền

Lớp:       K9B GDMN

GVHD: Nguyễn Đình Nam

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Giáo dục mầm non là khâu đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là khâu quan trọng đặt nền móng cho sự phát triển nhân cách toàn diện của trẻ và tạo cho trẻ tâm thế vững vàng bước vào bậc học phổ thông.

Trong trường mầm non trẻ được phát triển nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực phát triển nhận thức, trong đó hoạtđộng cho trẻ làm quen với toán đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành những kiến thức toán sơ đẳngnhằm tạo tiền đề vững chắc cho trẻ bước vào các trường phổ thông sau này. Việc hình thành các biểu tượng toán cho trẻ mầm non có vai trò vô cùng quan trọng. dạy toán cho trẻ không nhằm đào tạo trẻ thành những nhà toán học, mà nhằm phát triển ở trẻ khả năng nhanh nhạy, trí thông minh, sự phán đoán phân tích, so sánh tổng hợp. Giúp trẻ có được những kiến thức sơ đẳng về tập hợp con, phép đếm, về hình dạng, khả năng đinh hướng không gian. Đặc biệt hơn đối với trẻ 5-6 tuổi, việc hình thành biểu tượng toán sơ đẳng là một nội dung quan trọng bổ sung vào hành trang cho trẻ trước khi bước vào lớp 1 và góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ.

Hiện nay, hoạt động cho trẻ mầm non  làm quen với toán nói chung và cho trẻ 5-6 tuổi làm quen vơi toán nói riêng đang ngày càng được gia đình, nhà trường và xã hội chú trọng. Tuy nhiên hiệu quả của việc làm quen với toán cho trẻ còn thấp, không đạt được kết quả cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Mặc dù trong trường mầm non, hoạt động làm quen với toán là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong chương trình giáo dục. Nhưng thực tế thì các trường mầm non vẫn còn hạn chế trong quá trình cho trẻ làm quen với toán, hoạt động cho trẻ làm quen với toán chưa được quan tâm nghiên cứu nên các giáo viên mầm non chưa nắm được cách thức nội dung và phương pháp giảng dạy. Chính vì vậy kết quả đạt được còn hạn chế và kém hiệu quả.

Vì vậy là một giáo viên mầm non tương lai, khi đi thực tế, khảo sát ở các trường mầm non, chúng tôi nhận thấy rằng thực tế các giáo viên mầm non chưa thực sự quan tâm tới sự lồng ghép, tích hợp hoạt động làm quen với toán cho trẻ trong các hoạt động giáo dục, trẻ còn nhút nhát, chưa thực sự hứng thú, các biểu tượng về toán của trẻ còn ít. Xuất phát từ những điều đó, chúng tôi đã quyết định thực hiện nghiên cứu đề tài “Một số biện pháp lồng ghép, tích hợp hình thành các biểu tượng toán cho trẻ 5-6 tuổi trong các hoat động giáo dục ở trường Mầm non Xuân Hải - Nghi Xuân - Hà Tĩnh”.

II. NỘI DUNG

2.1. Một số lý luận về lồng ghép, tích hợp hình thành các biểu tượng toán cho trẻ 5-6 tuổi

2.1.1. Khái niệm tích hợp

Theo từ điển Tiếng Việt “Tích hợp là sự kết hợp những hành động, chương trình hoặc các thành phần khác nhau thành một khối chức năng. Tích hợp có nghĩa là sự thống nhất, sự hòa hợp, kết hợp”

Theo từ điển giáo dục học: “Tích hợp là hành động liện kết các đối tượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cùng một lĩnh vực hoặc khác nhau trong cùng một kế hoạch dạy học’’

2.1.2. Đặc điểm nhận thức trẻ 5-6 tuổi

* Về hoạt động học tập của trẻ 5-6 tuổi

Học tập ở mẫu giáo lớn vẫn là “Học mà chơi, chơi mà học”. Học theo nghĩa là chơi theo một trình tự hành động gần giống như học, bởi lẽ việc thiết kế “Học mà chơi” thể hiện:

Nội dung học vừa nhẹ nhàng, vừa hấp dẫn trẻ, đối tượng của “tiết học” là những kiến thức rất cụ thể, trực quan sinh động.

Các trình tự học tập diễn ra giống với tiết học, nhưng không nghiêm ngặt, căng thẳng như tiết học. Nhưng tiết học vẫn đủ các bước lên lớp như: tổ chức lớp, tiến hành tiết dạy (vào bài, nêu câu hỏi đặt vấn đề, giảng giải khái niệm), kết thúc tiết dạy bằng cách cho trẻ nhắc lại những khái niệm đã học (củng cố bài)...

Những chức năng tâm lý diễn ra trong “tiết học” giống như tiết học ở lớp một, học sinh phải chú ý nghe cô hướng dẫn, giảng giải, phải sử dụng các hình thức nhớ, các thao tác tư duy diễn ra theo yêu cầu của tiết học. Ý thức được huy động đến mức tối đa để hiểu bài.

Quan hệ bạn bè trong khi “Học mà chơi” cũng được thiết lập gần như quan hệ bạn bè ở lớp một, quan hệ cô và trẻ cũng tương tự như cô giáo và học sinh ở lớp một nghĩa là cô có thể đứng “giảng bài” nhưng cũng có thể ngồi cùng trẻ để giải thích, phân tích chứng minh. Ngôn ngữ của cô vừa mạch lạc, rõ ràng vừa diễn cảm, đặc biệt ở môn truyện, thơ... lại kèm cả tranh, ảnh...

Các tiết học âm nhạc, nghệ thuật tạo hình... đã khơi dậy hứng thú học tập thật sự đối với trẻ.

Tóm lại: Trẻ tập làm quen với các tiết học để lĩnh hội những tri thức đơn giản gần gũi đối với trẻ, nhưng là tiền đề để trẻ vào lớp một. Trẻ dần dần nhận thức được nhiệm vụ học tập, bổn phận, trách nhiệm của học sinh phải làm gì cho cô giáo vui lòng, bạn bè yêu mến.

* Về sự phát triển chú ý của trẻ 5- 6 tuổi

Nhiều phẩm chất chú ý của trẻ đã được phát triển, trẻ biết hướng ý thức của mình vào các đối tượng cần cho vui chơi, học tập hoặc lao động tự phục vụ.

Trẻ có khả năng chú ý có chủ định từ 37 - 51 phút, đối tượng chú ý hấp dẫn, nhiều thay đổi, kích thích được sự tò mò, ham hiểu biết của trẻ.

Trẻ có thể phân phối được chú ý vào 2,3 đối tượng cùng một lúc, tuy nhiên thời gian phân phối chú ý chưa bền vững, dễ dao động.

Di chuyển chú ý của trẻ nhanh, nếu sự hướng dẫn di chuyển tốt. Sự phân tán chú ý ở trẻ còn mạnh, nhiều khi trẻ không tự chủ được do xung lực bản năng chi phối. Do vậy cần thay đổi đồ chơi, trò chơi hấp dẫn hơn.

Ở giai đoạn này ý nghĩa của âm thanh làm cho trẻ đã chú ý nhiều. Từ âm thanh bên ngoài, trẻ biết chú ý tập trung vào sự suy nghĩ, cảm xúc bên trong óc trẻ.

Cần luyện tập các phẩm chất chú ý cho trẻ qua các trò chơi và các tiết học.

* Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ 5- 6 tuổi

 Trẻ sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ theo các hướng:

Nắm vững ngữ âm và ngữ điệu khi sử dụng tiếng mẹ đẻ: Trẻ biết đọc diễn cảm, biết dùng điệu bộ bổ sung cho ngôn ngữ nói.

Vốn từ và cơ cấu ngữ pháp phát triển.

Các tính chất ngôn ngữ thường gặp ở trẻ 5 - 6 tuổi là:

Ngôn ngữ giải thích, trẻ có nhu cầu nhận sự giải thích và cũng thích giải thích cho các bạn.

Ngôn ngữ tình huống (hoàn cảnh) do giao tiếp với người xung quanh bằng những thông tin mà trẻ trực tiếp tri giác được trong khung cảnh.

Tính mạch lạc rõ ràng: do vốn từ của trẻ chiếm 50% là danh từ, nên câu nói của trẻ thường ngắn gọn, rõ ràng.

Tính địa phương trong ngôn ngữ nền văn hoá của địa phương, cộng đồng thể hiện rõ trong ngôn ngữ của trẻ ( nói ngọng, nói mất dấu ...).

Tính cá nhân đã bộc lộ rõ qua các sắc thái khác nhau của trẻ, đặc biệt ở chức năng ngôn ngữ biểu cảm.

Việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp và các tính chất của ngôn ngữ ở trẻ phụ thuộc phần lớn vào việc hướng dẫn và sự gương mẫu về lời nói của người lớn.

* Về sự phát triển các quá trình nhận thức của trẻ 5-6 tuổi

Các hiện tượng tâm lý như tri giác, trí nhớ, tưởng tượng về cơ bản là sự nối tiếp sự phát triển ở lứa tuổi từ 4 - 5 tuổi nhưng chất lượng mới hơn, thể hiện ở:

Mức độ phong phú của các kiểu loại

Mức độ chủ định các quá trình tâm lý rõ ràng hơn, có ý thức hơn.

Tính mục đích hình thành và phát triển ở mức độ cao hơn.

Độ nhạy cảm của các giác quan được tinh nhạy hơn.

Khả năng kiềm chế các phản ứng tâm lý được phát triển.

Ở đây chúng ta chỉ đề cập tới quá trình tâm lý phát triển mạnh mẽ và đặc trưng nhất, đó là tư duy.

Sự phát triển tư duy ở độ tuổi này mạnh mẽ về kiểu loại, các thao tác và thiết lập nhanh chóng các mối quan hệ giữa các sự kiện, hiện tượng, thông tin giữa mới và cũ, gần và xa...

Đặc tính chung của sự phát triển tư duy:

Trẻ đã biết phân tích tổng hợp không chỉ dừng lại ở đồ vật, hình ảnh mà ngay cả từ ngữ.

Tư duy của trẻ dần dần mất đi tính duy kỷ, tiến dần đến khách quan, hiện thực hơn.

Dần dần trẻ phân biệt được thực và hư.

Đã có tư duy trừu tượng với các con số, không gian, thời gian, quan hệ xã hội...

Ý thức rõ về những ý nghĩ, tình cảm của mình, trách nhiệm đối với hành vi.

Các phẩm chất của tư duy đã bộc lộ đủ về cấu tạo và chức năng hoạt động của nó như tính mục đích, độc lập sáng tạo, tính linh hoạt, độ mềm dẻo...

Ở trẻ 5 - 6 tuổi phát triển cả 3 loại tư duy, tư duy hành động trực quan vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên do nhiệm vụ hoạt động mà cả loại tư duy hình ảnh trực quan, tư duy trừu tượng dược phát triển ở trẻ. Loại tư duy này giúp trẻ đến gần với hiện thực khách quan.

* Về sự phát triển xúc cảm và tình cảm của trẻ 5-6 tuổi

Ở lứa tuổi này trẻ xuất hiện tình cảm bạn bè.

Đời sống xúc cảm, tình cảm ổn định hơn so với trẻ 4 - 5 tuổi, mức độ phong phú, phức tạp tăng dần theo các mối quan hệ giao tiếp với những người xung quanh.

Các sắc thái xúc cảm con người trong quan hệ với các loại lứa tuổi khác nhau, vị trí xã hội khác nhau, được hình thành như: Tình cảm mẹ con, ông bà, anh chị em, tình cảm với cô giáo, với người thân, người lạ...

Tuy nhiên đời sống xúc cảm của trẻ còn dễ dao động, mang tính chất tình huống.

Tình cảm trí tuệ: Tình cảm trí tuệ của trẻ phát triển, mỗi nhận thức mới đều kích thích niềm vui, hứng thú, sự say mê thích thú của trẻ; tính tò mò ham hiểu biết, làm nảy sinh nhiều xúc cảm tích cực; trong vui chơi, học tập, lao động tự phục vụ nhiều thành công thất bại củng cố sự phát triển tình cảm trí tuệ ở trẻ.

Tình cảm đạo đức: Do lĩnh hội được ý nghĩa các chuẩn mực hành vi tốt, xấu. Qua vui chơi giao tiếp với mọi người; do các thói quen nếp sống tốt được gia đình, các lớp mẫu giáo xây dựng cho trẻ... Trẻ ý thức được nhiều hành vi tốt đẹp cần thực hiện để vui lòng mọi người.

Tình cảm thẩm mỹ: Qua các tiết học nghệ thuật tạo hình, âm nhạc, tìm hiểu môi trường xung quanh... Cùng với những nhận thức về cái đẹp tự nhiên, hài hoà về bố cục, sắp xếp trong gia đình và lớp học. Trẻ ý thức rõ nét về cái đẹp cái xấu theo chuẩn (lúc đầu theo chuẩn của bé dần dần phù hợp với đánh giá của những người xung quanh) xúc cảm thẩm mỹ, óc thẩm mỹ phát triển.

* Về sự phát triển ý chí của trẻ 5-6 tuổi

Do có khả năng làm chủ được nhiều hành vi, được người lớn giao cho nhiều việc nhỏ... Trẻ dần dần đã xác định rõ mục đích của hành động. Trẻ dần dần tách động cơ ra khỏi mục đích với sự cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Trẻ muốn chơi trò chơi, trẻ muốn được nghe kể chuyện nhiều hơn nhưng không được cô giáo đáp ứng, phải chuyển trò chơi mà trẻ không thích.

Tính mục đích càng ngày càng được trẻ ý thức và cố gắng hoàn thành công việc.

Tính kế hoạch xuất hiện, trẻ biết sắp xếp “công việc” vui chơi và phải quét nhà, nhặt rau để khi mẹ về là mọi việc phải xong cho mẹ hài lòng.

Tinh thần trách nhiệm bản thân dần dần được hình thành ở trẻ.

Sự phát triển ý chí mạnh hay yếu tuỳ thuộc phần lớn vào sự giáo dục, các biện pháp giáo dục của cha mẹ, cô giáo và những người lớn xung quanh.

2.2. Thực trạng lồng ghép, tích hợp hoạt động làm quen với toán cho trẻ 5-6 tuổi trong các hoạt động giáo dục tại trường Mầm non Xuân Hải – Nghi Xuân – Hà Tĩnh

Hiện nay, hoạt động cho trẻ mầm non  làm quen với toán nói chung và cho trẻ 5-6 tuổi làm quen vơi toán nói riêng đang ngày càng được gia đình, nhà trường và xã hội chú trọng. Tuy nhiên hiệu quả của việc làm quen với toán cho trẻ còn thấp, không đạt được kết quả cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Mặc dù trong trường mầm non, hoạt động làm quen với toán là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong chương trình giáo dục. Nhưng thực tế thì các trường mầm non vẫn còn hạn chế trong quá trình cho trẻ làm quen với toán, chủ yếu tập trung vào các nội dung cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học, hoạt động âm nhạc, tạo hình....

Trong trường mầm non nói đến cho trẻ làm quen với toán là giáo viên nói đến hoạt động học, giáo viên chưa chú trọng phương châm giáo dục “ học bằng chơi, bằng trải nghiệm”, Chính vì vậy kết quả đạt được còn hạn chế và kém hiệu quả.

Và chúng tôi đã tiến hành khảo sát 41 trẻ ở lớp 5 tuổi B trường Mầm non Xuân Hải – Nghi Xuân – Hà Tĩnh, với việc tổ chức thực hiện 3 hoạt động để đánh giá trẻ, chúng tôi đã thu  được bảng kết quả khảo sát như sau

STT

Nội dung khảo sát

Kết quả khảo sát

1

Số lượng trẻ nhận biết và gọi tên đúng chữ số

20/41

48,8%

2

Số lượng trẻ có kĩ năng so sánh kích thước

25/41

60,9%

3

Số lượng trẻ nhận biết và phân biệt các hình hình học

23/41

56,1%

Qua việc sử dụng một số phương pháp nghiên cứu, chúng tôi đã đánh giá được thực trạng hoạt động làm quen với toán cho trẻ 5-6 tuổi trong các hoạt động gáo dục ở trường Mầm non Xuân Hải – Nghi Xuân – Hà Tĩnh thông qua 2 mặt:

*Ưu điểm

- Nhà trường đã trang bị đầy đủ trang thiết bị cho lớp học trong việc giảng dạy

Cho trẻ làm quen với biểu tượng toán như: Máy chiếu, bảng đen, que tính, thẻ số….. nhằm phục vụ tốt nhất quá trình cho trẻ làm quen với các biểu tượng toán.

- Ban giám hiệu nhà trường luôn tổ chức các buổi chuyên đề, các cuộc gặp gỡ trao đổi giữa các giáo viên với nhau nhằm chia sẻ các kinh nghiệm trong công tác hình thành các biểu tượng toán cho trẻ.

- Giáo viên đã có một số ý tưởng tích hợp lồng ghép biểu tượng toán cho trẻ như: Trong hoạt động học, hoạt động góc…

- Giáo viên đa số là những giáo viên trẻ tốt nghiệp hệ cao đẳng trở lên, có kiến thức chuyên môn vững cũng như lòng yêu nghề mến trẻ.

- Trẻ ở trường đa số là ngoan biết vâng lời cô giáo thích học hỏi và nhanh nhẹn.

- Phụ huynh đã có sự quan tâm về việc hình thành các biểu tượng toán cho trẻ, luôn phối hợp với giáo viên trong công tác giáo dục trẻ không chỉ ở nhà trường mà còn những lúc ở nhà.

*Nhược điểm

- Đa số các giáo viên đều có trình độ đạt chuẩn, có tinh thần trách nhiệm cao nhưng qua khảo sát chúng em thấy vẫn còn vướng mắc ở sự chủ quan của các giáo viên chưa hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hình thành các biểu tượng toán cho trẻ. Dẫn đến việc giáo dục hình thành biểu tượng toán cho trẻ còn chưa được chú trọng, phần lớn ở trường mầm non Xuân Hải còn chú trọng vào dạy thơ truyện, âm nhạc, thể dục.

- Vì tiết toán thường là một tiết khô khan nên trẻ  không hứng thú nên giáo viên còn ngại dạy toán cho trẻ.

- Các tiết dạy tích hợp lồng ghép hình thành các biểu tượng toán cho trẻ giáo viên còn chuẩn bị sơ sài đồ dùng dạy học chưa phong phú đa dạng.

- Tuy phía nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy nhưng hiệu quả đạt được còn thấp chưa được như yêu cầu đặt ra.

- Giáo viên chưa biết cách lồng ghép, tích hợp việc hình thành các biểu tượng toán cho trẻ vào các hoạt động học một cách linh hoạt mà còn mang đến tính chất rập khuôn dẫn đến trẻ nhàm chán tiếp thu chậm.

2.3. Một số biện pháp đề xuất  lồng ghép, tích hợp hoạt động làm quen với toán cho trẻ 5-6 tuổi trong các hoạt động giáo dục tại trường Mầm non Xuân Hải – Nghi Xuân – Hà Tĩnh.

  1. Lồng ghép, tích hợp vào giờ đón trẻ, hoạt động thể dục sáng

Nội dung: Thể dục sáng là hoạt động thường xuyên, không thể thiếu trong một ngày hoạt động của trẻ ở trường. Đây là hoạt động đầu tiên, khởi đầu cho một ngày hoạt động, học hỏi, khám phá đầy ý nghĩa của trẻ, giúp trẻ có tinh thần phấn khởi chuẩn bị tốt cho các hoạt động tiếp theo. Tùy từng thời điểm, tình huống xảy ra để lồng ghép, tích hợp hình thành các biểu tượng toán cho trẻ.

Cách tiến hành

Ví dụ: Trong giờ thể dục sáng khi tập hợp trẻ cô giáo nêu ra yêu cầu: Các bạn nam đứng ở phía trái của cô, các bạn nữ đứng ở phía phải của cô. Điều này sẽ giúp trẻ tư duy, xác định được các phía của đối tượng khác một cách chính xác.

2.3.2. Lồng ghép, tích hợp vào hoạt động học

Nội dung: Hoạt động học là hoạt động cơ bản cung cấp kiến thức, kỹ năng và thái độ trong các môn học được tổ chức trong ngày cho trẻ. Mỗi lĩnh vực đều có những kết quả mong đợi riêng, song giáo viên có thể chú ý lồng ghép, tích hợp hình thành các biểu tượng toáncho trẻ một cách linh hoạt, tạo tâm thế nhẹ nhàng, tự nhiên.             

Cách tiến hành: Không chỉ lồng ghép vào 1, 2 chủ đề, 1,2 hoạt động mà nội dung này cần được tích cực lồng ghép, tích hợp rất nhiều hoạt động, điều đó phụ thuộc vào sự linh hoạt và sáng tạo của giáo viên. Thông qua hoạt động học: Trẻ được tham gia nhiều vào các hoạt động khác nhau: khám phá khoa học, âm nhạc, làm quen tác phẩm văn học, tạo hình...mỗi hoạt động trên đều có những đặc trưng riêng và có ưu thế khác nhau như: trẻ quan sát, đàm thoại, thực hành trải nghiệm, thí nghiệm, chơi các trò chơi...

Ví dụ: Trong tiết kể chuyện “Nhổ củ cải” cô cho trẻ đếm số lượng các nhân vật có trong câu chuyện. Cô đàm thoại các câu hỏi với trẻ như: Ông già đã mang củ cải về trồng trong vườn vào mùa nào các con? (mùa thu); Hằng ngày ông chăm sóc cây cải vào những buổi nào? (buổi sáng, buổi chiều); Ông già đã ra vườn nhổ củ cải về cho bà già và cô cháu gái vào buổi nào? (buổi sáng). Từ đó hình thành các biểu tượng về số lượng, biểu tượng về thời gian cho trẻ một cách nhẹ nhàng giúp trẻ hứng thú học tập.

2.3.3. Lồng ghép, tích hợp vào hoạt động dạo chơi ngoài trời

Nội dung: Hoạt động ngoài trời là hoạt động cần phải đảm bảo tính tích cực hoạt động của trẻ làm giàu và củng cố kiến thức cho trẻ về các biểu tượng toán học.

Cách tiến hành

Ví dụ: Trong giờ dạo chơi ngoài trời “Thu thập lá cây xếp hình”  cô cho trẻ thu thập lá cây, cành cây rụng rồi chia lớp thành 4 nhóm phân công nhiệm vụ cho trẻ xếp thành các hình hình học như: hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật. Sau khi các nhóm xếp xong, cô cho tất cả trẻ cùng đi kiểm tra kết quả của từng nhóm, và lúc này giáo viên tiến hành lồng ghép, tích hợp hình thành các biểu tượng toán bằng cách đặt các câu hỏi như: Đây là hình gì? Hình này có đặc điểm đường bao chung như thế nào? Các con hãy cùng so sánh, phân biệt các hình cho cô? Qua đó, cô giáo sẽ giúp trẻ củng cố lại kiến thức các hình học một cách đơn giản, gần gủi và không gây nhàm chán cho trẻ.

2.3.4. Lồng ghép, tích hợp vào giờ ăn, giờ ngủ

Nội dung: Tích hợp toán là hoạt động tác động thường xuyên nên không chỉ trong các hoạt động học mà ngay cả trong sinh hoạt ăn, ngủ, tại trường giáo viên cũng cần nên lồng ghép, tích hợp biểu tượng toán cho trẻ.

Cách tiến hành

Ví dụ: Trước giờ ăn, cô lấy đồ ăn cho trẻ ăn bữa trưa cô trò chuyện cùng trẻ : Hôm nay có bao nhiêu món ăn vậy các con? (trẻ hứng thú đếm và trả lời cô); Khi ăn các con phải cầm thìa cầm đũa bằng tay nào? (tay phải).

2.3.5. Lồng ghép, tích hợp vào hoạt động góc

Nội dung: Trong chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ ở trường mầm non, hoạt động góc là cơ hội để trẻ tiếp xúc, làm quen với toán. Ở đó trẻ có thể thoải mái luyện tập và thể hiện các kỹ năng thực hành về các biểu tượng toán mà trẻ đã có. Các góc hoạt động không chỉ giúp trẻ ôn tập, củng cố kiến thức đã học mà còn là nơi để lĩnh hội các kiến thức và kỹ năng mới. Phần lớn ở các góc chơi, trẻ đều có thể vận dụng các kiến thức và kỹ năng tư duy về toán vào hoạt động chơi, giải quyết các tình huống xảy ra trong khi chơi.

Cách tiến hành

Ví dụ: Thông qua các trò chơi phân vai chủ đề “An toàn giao thông” trẻ sẽ được nhập vai vào các cô chú công an, người tham gia giao thông. Cô sẽ hướng dẫn và cho trẻ làm quen thiết bị điện thoại gọi đến các số 113 (gọi cảnh sát cơ động); 114 (gọi phòng cháy chữa cháy), 115 (gọi cấp cứu bệnh viện).

2.3.6. Lồng ghép, tích hợp vào hoạt động trả trẻ

Nội dung: Biện pháp này, giúp đảm bảo được chất lượng và hiệu quả trong việc lồng ghép, tích hợp cho trẻ làm quen với toán, trẻ không chỉ được làm quen toán ở lớp mà còn được ôn tập ở nhà.

Cách tiền hành:

Giáo viên thực hiện biện pháp này bằng cách sau mỗi nội dung làm quen với toán ở lớp, giáo viên làm những phiếu bài tập gửi cho phụ huynh và nhờ phụ huynh kèm trẻ làm bài tập về nhà.

III. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Bảng 2. So sánh khảo sát thực trạng trước và sau khi thực hiện đề tài

Nội dung

Kết quả

Khi chưa thực hiện các biện pháp lồng ghép, tích hợp hình thành các biểu tượng toán.

Khi đã thực hiện các biện pháp lồng ghép, tích hợp hình thành các biểu tượng toán

Số lượng

(cháu)

Tỷ lệ

(%)

Số lượng

( cháu)

Tỷ lệ

(%)

Số lượng trẻ nhận biết và gọi tên đúng chữ số

20/41

48,8%

41/41

100 %

Số lượng trẻ có kĩ năng so sánh kích thước

25/41

60,9%

36/41

87,8%

Số lượng trẻ nhận biết và phân biệt các hình hình học

23/41

56,1%

34/41

82,9%

 

Sau một thời gian thực hiện đề tài lồng ghép, tích hợp các biểu tượng toán cho trẻ 5-6 tuổi thông qua các hoạt động tại trường mầm non Xuân Hải - Nghi Xuân - Hà Tĩnh mà chúng em nghiên cứu, chúng tôi thấy các biện pháp mà chúng em đưa ra đã một phần nào đạt kết quả tương đối cao, đã hình thành các biểu tượng toán cho trẻ và trẻ có thái độ hứng thú, tích cực tham gia các hoạt động lồng ghép, tích hợp các biểu tượng toán. Các biện pháp mà chúng tôi đề xuất đã đạt được những kết quả như sau:

-  Số lượng trẻ nhận biết và gọi tên đúng chữ số: Trước khi thực hiện các biện pháp lồng ghép, tích hợp các biểu tượng toán cho trẻ 5-6 tuổi thông qua các hoạt động giáo dục là 20/41 cháu chiếm tỷ lệ 48,8 %, nhưng sau khi thực hiện đề tài thì số lượng trẻ nhận biết và gọi tên đúng chữ số là 41/41 cháu chiếm tỷ lệ 100%.

- Số lượng trẻ có kĩ năng so sánh kích thước: Trước khi thực hiện các biện pháp lồng ghép, tích hợp các biểu tượng toán cho trẻ 5-6 tuổi thông qua các hoạt động giáo dục là 25/41 cháu chiếm tỷ lệ 60,9 %, nhưng sau khi thực hiện đề tài thì số lượng trẻ  có kĩ năng so sánh kích thước là 36/41 cháu chiếm tỷ lệ 87,8 %.

- Số lượng trẻ nhận biết và phân biệt các hình hình học: Trước khi thực hiện  các biện pháp lồng ghép, tích hợp các biểu tượng toán cho trẻ 5-6 tuổi thông qua các hoạt động giáo dục là là 23/41 cháu chiếm tỷ lệ 56,1 %, nhưng sau khi thực hiện đề tài thì số lượng trẻ có hiểu biết về môi trường là 34/41 cháu chiếm tỷ lệ 82,9 %.

Trong quá trình nghiên cứu và thức hiện đề tài chúng em đã áp dụng 6biện pháp đó là: (Lồng ghép tích hợp vào giờ đón trẻ,hoạt động thể dục sáng; Lồng ghép vào các hoạt động học; Lồng ghép tích vào hoạt động dạo chơi ngoài trời; lồng ghép tích hợp vào hoạt động góc; Trong giờ ăn giờ ngủ vệ sinh; Lồng ghép, tích hợp vào hoạt động trả trẻ) để hình thành các biểu tượng toán học cho trẻ 5-6 tuổi ở trường mầm non Xuân Hải - Nghi Xuân - Hà Tĩnh. Trong các biện pháp mà chúng em đưa ra áp dụng cho các trẻ thì chúng em thấy “Biện pháp lồng ghép, tích hợp vào hoạt động học” là biện pháp đem lại hiệu quả cao nhất. Vì biện pháp này nó không những chỉ lồng ghép, tích hợp vào 1,2 chủ đề; 1,2 hoạt động mà nó được lồng ghép, tích hợp vào rất nhiều chủ đề, hoạt động. Mỗi tuần đều có chủ điểm riêng, điều này làm cho việc lồng ghép, tích hợp trở nên phong phú, đa dạng rất phù hợp với đặc điểm tâm lí của trẻ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1] Bộ giáo dục và đào tạo (2009), Chương trình giáo dục mầm non, Nxb Giáo dục Việt Nam.

 [2] Đinh Thị Nhung (2010), Phương pháp hình thành các biểu tượng toán cho trẻ mẫu giáo, Nxb Giáo dục Việt Nam.

[3] Nguyễn Ánh Tuyết (2007), Tâm lí học trẻ em, Nxb Đại học Sư phạm.

[4] Cao Thị Sâm (2019), Kế hoạch thực hiện chủ đề giao thông, Trường Mầm non Xuân Hải – Nghi Xuân – Hà Tĩnh.

[5] http://www.sch.vn/luu-tru/1004-giao-vien-gii/12766-day-hoc-tich-hop

[6] http://mnxuanhai.nghixuan.edu.vn/