Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và lãnh đạo kiệt xuất của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ là một nhà chính trị thiên tài mà còn là biểu tượng chói ngời của tinh thần tự học, khát khao tri thức và phong cách học tập suốt đời. Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2025), với tư cách là một giảng viên trong lĩnh vực giáo dục, tôi muốn chia sẻ những cảm nghĩ sâu sắc về tấm gương học tập xuất sắc của Bác và rút ra những bài học có ý nghĩa thực tiễn đối với bản thân cũng như thế hệ sinh viên hôm nay.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề giáo dục và học tập. Người quan niệm học tập là việc rất quan trọng và cần học tập suốt đời: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”; “Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về học tập suốt đời còn nguyên tính thời sự và là cơ sở cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày nay. Chính Người là minh chứng sống động cho triết lý ấy. Dù phải trải qua muôn vàn gian nan trên hành trình cứu nước, Người vẫn không ngừng học tập, rèn luyện, mở rộng tri thức từ sách vở, từ thực tiễn cuộc sống và từ các nền văn hóa tiến bộ trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hình mẫu lý tưởng của tinh thần tự học và học suốt đời, bất chấp những khó khăn về điều kiện học tập, Người đã trở thành một trí tuệ lỗi lạc nhờ nỗ lực tự học không ngừng nghỉ. Từ sách vở, thực tiễn cuộc sống đến việc tiếp xúc với những nền văn hóa đa dạng trong hành trình cứu nước, Bác đã không ngừng trau dồi tri thức. Trong tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Trần Dân Tiên đã ghi lại rằng: "Khi làm việc ở Pháp, Bác vừa lao động vất vả vừa học thêm văn hóa và ngoại ngữ vào ban đêm" (Trần Dân Tiên, 2006, tr. 42). Sự thông thạo nhiều ngoại ngữ như tiếng Pháp, Anh, Trung, Nga… đã trở thành công cụ giúp Bác tiếp cận kho tàng tri thức nhân loại và phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng. Tinh thần tự học của Bác không chỉ thể hiện ở việc tích lũy kiến thức, mà còn ở thái độ ham học một cách cầu thị, khiêm tốn và liên tục đổi mới bản thân để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng và sự đổi thay của thời đại (Theo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - 2011).
Bằng ý chí và sự bền bỉ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận, sử dụng và viết thành thạo nhiều ngoại ngữ như Pháp, Anh, Trung, Nga, Đức…, không phải thông qua môi trường giáo dục chính quy, mà bằng phương pháp tự học nghiêm túc, khoa học và kiên trì. Những năm tháng lao động ở phương Tây, làm phụ bếp, phu khuân vác hay thợ ảnh, Bác luôn mang theo sách vở, tranh thủ từng giờ từng phút để trau dồi kiến thức. Ngay cả trong thời gian bị tù đày ở Quảng Tây (Trung Quốc), Người vẫn sáng tác thơ, học chữ Hán, nghiên cứu chính trị. Những việc làm đó không chỉ thể hiện lòng ham học, mà còn là biểu hiện sinh động của tinh thần học tập suốt đời.
Đối với tôi, tấm gương học tập của Bác là nguồn cảm hứng sâu sắc. Trong vai trò người giảng viên, tôi nhận thức rõ rằng việc học không dừng lại ở chuyên môn giảng dạy, mà còn là quá trình liên tục để làm mới tri thức, cập nhật phương pháp, đổi mới tư duy và thích ứng với bối cảnh giáo dục hiện đại. Tư tưởng “Còn sống thì còn phải học” của Bác chính là động lực để tôi không ngừng tự học, học từ sách, học từ đồng nghiệp, học từ chính những sinh viên của mình và học từ những thách thức trong công việc, trong cuộc sống. Phong cách học tập của Bác cũng dạy tôi về đức tính khiêm nhường tri thức – biết lắng nghe, biết tự soi xét và luôn sẵn sàng thay đổi vì mục tiêu giáo dục tốt đẹp hơn. Trong thời đại công nghệ số, việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng, nhưng nếu không có thái độ học nghiêm túc và tinh thần tự học như Bác, người giảng viên sẽ dễ tụt hậu và mất đi vai trò dẫn dắt.
Từ tấm gương của Bác, tôi luôn khuyến khích sinh viên xây dựng thói quen tự học, chủ động và sáng tạo trong tiếp cận tri thức. Trong bối cảnh xã hội chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ và toàn cầu hóa, việc học không chỉ gắn với điểm số hay bằng cấp, mà quan trọng hơn là hình thành năng lực tự học suốt đời – yếu tố cốt lõi để thích ứng, đổi mới và phát triển. Tôi luôn nhắn nhủ sinh viên rằng, trong hành trình tri thức, thầy cô chỉ là người dẫn đường, còn việc đi đến đích phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực tự học của các em. Tự học không chỉ là một kỹ năng, mà là năng lực cốt lõi trong thế kỷ 21 – nơi kiến thức thay đổi từng ngày. Bác Hồ từng dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại.”. Học không chỉ để thành công cho riêng mình, mà còn để đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng, đất nước. Đó là định hướng giáo dục toàn diện mà sinh viên thời đại mới cần thấm nhuần (Ban Tuyên giáo Trung ương, 2019).
Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để mỗi người dân Việt Nam tưởng nhớ công lao của Người. Trong vô vàn những phẩm chất cao quý của Bác, tấm gương ham học hỏi, tinh thần tự học không ngừng nghỉ là một trong những điểm sáng nổi bật, để lại nhiều suy ngẫm sâu sắc đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên và thế hệ học sinh – sinh viên hôm nay. Đối với bản thân tôi, đó còn là cơ hội để tự soi lại mình trong hành trình giáo dục. Bác mãi mãi là ngọn đèn soi sáng cho những ai đang bước đi trên con đường tri thức, nhắc nhở chúng ta phải luôn nỗ lực học tập, rèn luyện và truyền cảm hứng học tập cho thế hệ tương lai.
Tài liệu tham khảo
- Ban Tuyên giáo Trung ương, (2019), Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2011), Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội
- Hồ Chí Minh toàn tập - tập 4 (2000), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.20.
- Trần Dân Tiên (2006), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
Các tin khác
- Cảm nhận về những năm tháng tại Khoa Sư phạm - Trường Đại học Hà Tĩnh - 07/05/2025 02:03
- Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2024–2025 Khoa Sư phạm, trường Đại học Hà Tĩnh - 04/05/2025 23:23
- Sinh viên Khoa Sư phạm xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Thuyết trình sách 2025 - 24/04/2025 02:46
- Ý nghĩa thực tập sư phạm đối với sinh viên Khoa sư phạm trường Đại học Hà Tĩnh - 24/04/2025 02:41
- Kết quả tốt đẹp của đoàn thực tập 2 tại trường Tiểu học Tân Giang - 22/04/2025 16:11