foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Hồ Chí Minh là  một vị lãnh tụ kiệt xuất, người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, một danh nhân văn hóa thế giới.  Người đã để lại một di sản văn hóa đồ sồ cho nhân loại. Trong di sản mà người để lại thì văn hóa “tiết kiệm thời gian”  là một vấn đề nổi bật và có sức ảnh hưởng  mạnh mẽ đối với thế hệ trẻ. Nhân kỷ niệm  131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cùng nhìn lại quan điểm của Người về  văn hóa “tiết kiệm thời gian” và từ đó nhìn nhận về vấn đề  giáo dục văn hóa “Tiết kiệm thời gian” cho sinh viên  hiện nay.

1. Quan điểm về văn hóa “tiết kiệm thời gian” của Hồ Chí Minh

Suốt cuộc đời mình, Người luôn trăn trở để làm sao cho dân được ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng văn minh, hiện đại. Để làm được điều đó, phải bắt đầu từ những việc làm, thói quen tưởng chừng như đơn giản nhưng mang lại những giá trị kinh tế vô cùng lớn. Tiết kiệm thời gian là một trong những nét đẹp văn hóa đó. Người nói: thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải. Của cải nếu hết còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được. Có ai kéo lại ngày hôm qua được không. Muốn tiết kiệm thời giờ thì việc gì ta cũng phải làm nhanh chóng, mau lẹ. Không nên chậm rãi. Không nên nay lần mai lữa. Tiết kiệm thời gian là Kiệm mà cũng là Cần. Bất kỳ làm việc gì, nghề gì khi đã làm thì phải hăng hái, chăm chỉ, chuyên chú, làm cho ra trò. Tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người. Không nên ngồi lê, nói chuyện phiếm, làm mất thời gian người khác. Thánh hiền có câu: “ Một tấc bóng là một thước vàng”. Tục ngữ Âu nói: “thời giờ tức là tiền bạc”. Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ, ai đưa thời giờ vứt đi, là người ngu dại (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 6, trang 123).

Không chỉ là nhà tư tưởng, Hồ Chí Minh còn là một tấm gương mẫu mực về văn hóa “tiết kiệm thời gian”. Những mẫu chuyện nhỏ sau đây về cuộc đời của chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho chúng ta thấy rõ ở Người nói luôn đi đôi với làm, lời nói và hành động luôn là sự thống nhất. Một lần tại buổi lễ tốt nghiệp khóa V Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam người thẳng thắn góp ý: “trong giấy mời tới đây nói 8h bắt đầu, bây giờ 8h10 phút rồi, mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”. Người không chỉ tiết kiệm thời gian cho chính mình mà còn quý trọng, tiết kiệm thời gian của những người xung quanh. Một lần ở Việt Bắc, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi:

            - Chú đến chậm mấy phút?

- Thưa Bác, chậm 10 phút ạ!

            - Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người ở đây.

Dù lời nhắc nhủ nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc, đối với cán bộ, đảng viên không thể cho mình cái quyền được lãng phí thời gian của nhân dân, lãng phí thời gian của dân cũng là một loại tham ô.

Thậm chí, đến tận phút lâm chung, Bác vẫn không quên dặn lại một câu nổi tiếng liên quan đến thời gian: “ Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thời gian và tiền của của nhân dân”.

2. Vấn đề giáo dục văn hóa “tiết kiệm thời gian” cho sinh viên  hiện nay “tiết kiệm thời gian” ở  sinh viên

2.1.Thực trạng

Những năm gần đây, ngoài việc đào tạo về chuyên môn, các trường đại học cũng chú trọng đào tạo kỹ năng, thái độ, văn hóa, đặc biệt là tác phong chuyên nghiệp của nguồn lao động. Vấn đề “tiết kiệm thời gian” hay sử dụng thời gian khoa học, hợp lý mang lại hiệu quả cao, đặc biệt được quan tâm trong thời gian gần đây.

Do chưa thực sự nhận thức được đầy đủ giá trị của việc “tiết kiệm thời gian”, sử dụng thời gian không hiệu quả, dẫn đến SV còn lãng phí thời gian, hết 4 năm học mà chưa đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra. Thậm chí, nhiều SV còn rơi vào tình trạng nợ môn, thiếu điểm tích lũy dẫn đến kéo dài thời gian học tập, gây lãng phí thời gian và tiền bạc của gia đình, xã hội. Việc đi muộn thường chiếm 10% và thường xuyên không hoàn thành bài tập được giao về nhà là 27% một trong những nguyên nhân gây tình trạng này là vấn đề nhận thức. Các em chưa thực sự coi trọng “thời gian”, chưa thấy được vài phút đi muộn của bản thân có ảnh hưởng như thế nào đối với mình và tập thể. Đặc biệt, sự phát triển của internet, mạng xã hội, game trực tuyến và nhiều chương trình giải trí, truyền hình tế cũng làm cho giới trẻ  bị xao nhãng thời gian, phá vỡ kế hoạch của mình. Có thể nói, có không ít bạn trẻ hiện nay chưa thực sự trân trọng quỹ thời gian của mình và của người khác, sử dụng thời gian cho công việc chưa hiệu quả hay nói cách khác là lãng phí thời gian rất nhiều.

2.2. Một số giải pháp giáo dục văn hóa “tiết kiệm thời gian” cho SV hiện nay

a.  Giảng viên hãy là những tấm gương về văn hóa “tiết kiệm thời gian”

Các giảng viên (GV) phải được trang bị, nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vấn đề “tiết kiệm thời gian” theo tư tưởng Hồ Chí Minh và sự cần thiết giáo dục tư tưởng này trong SV. Việc thường xuyên trao đổi, chia sẽ thông tin giữa GV, đồng nghiệp giúp cập nhật thông tin nhanh chóng, chính xác. Hình thành tác phong, thói quen về thực hiện “ đúng giờ” trong các cuộc họp, hội nghị, đặc biệt là giờ ra, vào lớp đối với SV. Noi gương về việc sử dụng thời gian hợp lý, khoa học của các GV cần sự thống nhất, đồng bộ từ trên xuống dưới của giáo viên giảng dạy chuyên môn và những đối tượng khác. Tạo môi trường chuyên nghiệp ở tất cả các quy trình, giai đoạn công việc trong nhà trường, từ đó mới tạo hiệu quả thiết thực đối với SV.

b. Lồng ghép nội dung “tiết kiệm thời gian” trong các môn học, đặc biệt là môn Pháp luật, Lý luận chính trị

Đối với chương trình học tại các Trường đại học, GV có thể giáo dục SV biết quý trọng và sử dụng thời gian hợp lý. Chú trọng tuyên truyền, thuyết phục sinh viên tự giác thực hiện, có hình thức khen thưởng, động viên, đồng thời xử lý nghiêm các biểu hiện vi phạm quy định về thời gian. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giảng dạy cho sinh viên dễ hiểu, dễ tiếp thu và thực hiện theo. Ngoài ra, GV cần làm rõ tính lợi ích về học tập văn hóa “tiết kiệm thời gian” của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với hoạt động hàng ngày SV và chính tương lai của các em.

c. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm về văn hóa “tiết kiệm thời gian”

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm lồng ghép các nội dung về  văn hóa  “tiết kiệm thời gian” là việc làm thiết thực, tạo hứng thú cho sinh viên, là con đường giáo dục tự nguyện hấp dẫn, hiệu quả cao.

Tóm lại, văn hóa “tiết kiệm thời gian” là một trong những di sản văn hóa giàu tính thực tiễn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Thời gian càng lùi xa càng có giá trị khẳng định cho những quan điểm đúng đắn của chủ tịch Hồ Chí Minh, càng cho thấy việc giáo dục văn hóa “tiết kiệm thời gian” cho giới trẻ nhất là sinh viên hiện nay là vô cùng cần thiết.