foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo bởi nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Sứ mệnh của những người giáo viên thật cao cả, lớn lao. Vì vậy, nếu nói rằng người giáo viên là người quyết định chất lượng giáo dục, thì đào tạo giáo viên là một trong những hoạt động đào tạo nghề giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo viên – yếu tố quyết định của việc nâng cao chất lượng giáo dục. Nhận thức được sứ mệnh cao cả đó, phát huy truyền thống 60 năm ngành Sư phạm của trường, trong những năm qua Khoa Sư phạm của Trường Đại học Hà Tĩnh đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung, trở thành một trong những cơ sở đào tạo giáo viên uy tín trong khu vực và cả nước.

Quán triệt mục tiêu đào tạo đội ngũ giáo viên tương lai không chỉ vững vàng về chuyên môn mà còn giỏi về nghiệp vụ, Khoa Sư phạm của Trường Đại học Hà Tĩnh luôn xác định công tác rèn luyện tay nghề cho sinh viên là nhiệm vụ then chốt trong quá trình đào tạo. Chất lượng đào tạo của Khoa Sư phạm được thể hiện ở mức độ thích ứng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sinh viên khi ra trường; người sinh viên sư phạm phải có “tay nghề”, hơn nữa phải giỏi nghề, phải có kỹ năng sư phạm. Sự sáng tạo được phát huy trên cơ sở của sự nắm chắc tay nghề.

 Nội dung rèn luyện NVSP cho sinh viên ngành sư phạm hết sức phong phú: rèn luyện kỹ năng soạn giáo án, tập giảng, dự giờ, làm đồ dùng dạy học, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống sư phạm, kỹ năng thiết kế và thuyết trình hoạt động giáo dục/hoạt động trải nghiệm, kỹ năng viết chữ và trình bày bảng đẹp, kỹ năng đọc, kể diễn cảm.... Những kỹ năng này được rèn luyện bồi dưỡng trong hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên và thông qua các giờ học ở các học phần Phương pháp dạy học bộ môn.

Trong Tháng rèn nghề và Hội thi NVSP cấp khoa, sinh viên tập trung luyện tập và dự thi những nội dung trọng tâm như thi viết chữ và trình bày bảng đẹp, thi dạy; thi kể chuyện diễn cảm, thi làm đồ dùng dạy học. Các em đã thực sự cháy hết mình trong từng tiết dạy, từng nét bút, từng lời kể và từng sản phẩm đồ dùng để đem đến những bài giảng thăng hoa, những trang viết đầy nghệ thuật, những đồ dùng dạy học đầy sáng tạo, có tính ứng dụng cao, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng thầy cô và tất cả các bạn sinh viên. TS. Lê Văn An – Trưởng khoa Sư phạm khẳng định đây không chỉ là hoạt động trau dồi năng lực chuyên môn, rèn kỹ năng sư phạm mà còn là ngày hội vinh danh nghề "trồng người".

Hong 16 7 1

Quan niệm giáo dục của Việt Nam nói riêng và các nước Á Đông nói chung rất đề cao chữ viết và việc rèn chữ. Người Trung Hoa nâng tầm việc viết chữ đẹp thành nghệ thuật thư pháp, còn người Việt Nam ta coi "vở sạch, chữ đẹp" là mục tiêu quan trọng của học sinh tiểu học. Hiểu được tầm quan trọng đó của chữ viết đối với con người nói chung, đối với giáo viên nói riêng, hàng năm Khoa Sư phạm tổ chức cuộc thi “Nét chữ - Nết người” nhận được sự tham gia hưởng ứng rất nhiệt tình của đông đảo sinh viên với hàng trăm bài dự thi công phu, chất lượng, đem đến cho người xem những trang viết đầy nghệ thuật.

Hong 16 7 2

Khoa Sư phạm đã thành lập Câu lạc bộ “Luyện chữ đẹp trường Đại học Hà Tĩnh” để tạo môi trường cho sinh viên kết nối, giao lưu, chia sẻ đam mê luyện chữ viết và cùng nhau rèn luyện chữ đẹp, rèn nghề.

Hong 16 7 3

Song song với “dạy chữ”, Khoa Sư phạm đã xây dựng chi tiết chương trình thực tập sư phạm rèn luyện nghiệp vụ sát với tình hình thực tiễn. Theo kế hoạch đào tạo, sinh viên được xuống thực tế tại Trường phổ thông chất lượng cao của Trường Đại học Hà Tĩnh và một số trường phổ thông khác trên địa bàn thành phố ngay từ năm đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, ở đó sinh viên có điều kiện quan sát, nghiên cứu thực tiễn, dự giờ, kiến tập, tham gia các hoạt động nội, ngoại khóa. Công tác thực tế được tổ chức với phương châm hiệu quả, thiết thực, đánh giá sát thực tế năng lực của HSSV, liên hệ chặt chẽ với các trường phổ thông, các giáo viên hướng dẫn để có những nhận xét khách quan, đánh giá chính xác năng lực của HSSV thực tập, nhất là kỹ năng nghề nghiệp của họ.

Trong những đợt thực tập sư phạm cuối khoá ở các trường Phổ thông, Tiểu học và Mầm non trên địa bàn tỉnh, các em sinh viên đã để lại những ấn tượng rất tốt đẹp trong lòng học sinh và giáo viên tại các cơ sở. Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Tĩnh cũng như các phòng Giáo dục & Đào tạo trong tỉnh đã đánh giá rất cao chất lượng, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của sinh viên Khoa Sư phạm.

Hong 16 7 4

Hệ thống giáo dục Phổ thông và giáo dục Mầm non đang liên tục đổi mới đặt ra cho các trường sư phạm và khoa sư phạm những yêu cầu, thách thức mới nhằm đào tạo đội ngũ những thầy cô giáo ngày càng đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của ngành Giáo dục nước nhà. Khoa Sư phạm với kinh nghiệm hơn 60 năm đào tạo giáo viên sẽ tiếp tục cùng Trường Đại học Hà Tĩnh hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình trong bối cảnh mới của nền giáo dục, sẽ tiếp tục là địa chỉ uy tín trong việc dạy chữ, rèn nghề cho những nhà giáo tương lai.