Môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống của con người, sinh vật và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, dân tộc và nhân loại” [1]. Khi môi trường sống bị hủy hoại thì loài người có nguy cơ bị hủy diệt, vì vậy ô nhiễm môi trường hiện nay là một trong những vấn đề vô cùng cấp bách. Giáo dục cho sinh viên ý thức bảo vệ môi trường là một giải pháp bảo vệ môi trường cho tương lai.
Trường Đại học Hà Tĩnh được thành lập từ năm 2007, nhưng hiện nay do đang trong quá trình xây dựng nên còn khá nhiều vấn đề bất cập trong việc xử lý môi trường xung quanh. Hiện nay, số sinh viên của trường với gần 5.000 người cũng góp phần gia tăng tình trạng ô nhiễm. Việc bảo vệ môi trường nên bắt đầu bằng việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, nhất là cho học sinh, sinh viên. Hiện nay, vấn đề giáo dục ý thức, trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường trong các nhà trường chưa được chú trọng đúng mức. Một số cuộc thi bảo vệ môi trường đã được tổ chức trong trường học, song nhìn chung, vẫn còn mang nặng tính hình thức, nên ý thức bảo vệ môi trường chưa hình thành rõ nét trong tầng lớp học sinh, sinh viên. Để công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong nhà trường mang lại hiệu quả, chúng ta cần áp dụng một số biện pháp sau:
Thứ nhất, trước khi bắt đầu áp dụng các biện pháp cụ thể, cần phải khảo sát được nhận thức của sinh viên trong trường đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Từ đó, chúng ta đánh giá được và đưa ra những phương án thích hợp với từng đối tượng sinh viên. Việc khảo sát sẽ được thực hiện bởi các sinh viên chuyên ngành môi trường, để đảm bảo tính khoa học và chính xác, đồng thời cũng góp phần giúp các em tham gia nghiên cứu, học tập.
Thứ hai, cần nghiên cứu và lồng ghép các kiến thức bảo vệ môi trường trong các môn học. Cùng với việc lồng ghép kiến thức bảo vệ môi trường trong các bài giảng, các cán bộ, giảng viên cần làm gương cho học sinh, sinh viên, khuyến khích các em tự giám sát việc bảo vệ môi trường của nhau, từ đó nhắc nhở, tuyên dương kịp thời các hành vi, hoạt động thân thiện với môi trường.
Thứ ba, nhà trường cũng cần ban hành những quy định cụ thể về việc bảo vệ cảnh quan môi trường lớp học, nhà trường, đường đi, kí túc xá... đưa ý thức bảo vệ môi trường thành một tiêu chí để đánh giá, xếp loại giảng viên, học sinh, sinh viên. Một số hành vi vi phạm kỉ luật của sinh viên như quay cóp, trốn học, sử dụng điện thoại trong giờ học,.. phải đưa ra hình thức xử phạt gắn liền với việc bảo vệ môi trường như chăm sóc cây, nhặt rác trong khu vực trường…
Thứ tư, cần hình thành, phát triển và rèn luyện hành vi, thói quen, thái độ đúng trong bảo vệ môi trường cho các sinh viên trong cuộc sống hằng ngày. Hiệu quả giáo dục môi trường muốn bền vững thì phải hình thành cho sinh viên những thói quen tốt, những kỹ năng sống liên quan đến bảo vệ môi trường. Ví dụ, cần rèn cho sinh viên thói quen đổ rác thải đúng nơi quy định bằng cách bố trí các thùng rác trong phòng học, đầu hành lang, khu vực kí túc xá…, cần phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ bằng các loại thùng rác có màu khác nhau...
Thứ năm, thường xuyên tổ chức các phong trào trồng và chăm sóc cây xanh; vệ sinh trường lớp; tổ chức các diễn đàn về môi trường để sinh viên tham gia; giáo dục sinh viên có ý thức tiết kiệm năng lượng như điện và nước, khuyến khích sinh viên có các ý tưởng sáng tạo tái chế rác…
Hiện tại Trường Đại học Hà Tĩnh cũng đã có một số phong trào như trồng cây, hưởng ứng giờ trái đất, đạp xe vì môi trường… nhưng chưa đạt được hiệu quả cao vì phong trào này chỉ diễn ra mỗi năm 1 lần. Hiện tại, cây xanh trong trường đã nhiều cây bị chết, cỏ mọc um tùm che kín cả cây cảnh, sau mỗi kì thi còn có hiện tượng giấy vụn bị vứt tràn lan khắp trường…
Thứ sáu, cần khuyến khích các sinh viên đóng góp ý tưởng hay trong công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đối với sinh viên chuyên ngành môi trường cần nghiên cứu và áp dụng các biện pháp xử lý môi trường xung quanh, nhất là khu vực kí túc xá vì lượng rác thải tạo ra ở đây là lớn nhất.
Thứ bảy, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung về giáo dục môi trường, tuyên dương, khen thưởng kịp thời để rút kinh nghiệm, nêu gương và nhân rộng điển hình những tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Như vậy, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhà trường là một trong những biện pháp quan trọng góp phần xây dựng môi trường học đường thân thiện cũng như mang lại những lợi ích trước mắt và lâu dài. Với những biện pháp trên, các sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh sẽ luôn có một môi trường học tập xanh - sạch - đẹp.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Luật Bảo vệ môi trường, tr 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994.