foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

“Giáo dục không phải là chuẩn bị cho cuộc sống, giáo dục chính là cuộc sống”. Câu nói của nhà giáo dục John Dewey không chỉ là một triết lý, mà còn như là lời nhắc nhở dành riêng cho sinh viên ngành Sư phạm: sự trưởng thành trong nghề giáo không bắt đầu bằng việc hoàn thành chương trình đào tạo, mà khởi nguồn từ cách mỗi người sống và cảm nhận những điều đời thường xung quanh. Đặc biệt là vào mùa hè khi giảng đường tạm vắng; không còn những lịch học dày đặc, cũng chẳng còn những buổi điểm danh vội vã; sinh viên có một khoảng trời tự do để tự khám phá, thực hành và nuôi dưỡng tư duy nghề nghiệp.

Thay vì chúng ta nuối tiếc khi nhìn lại một mùa hè đã bỏ lỡ, sao không biến nó thành hành trình gieo mầm cho sự trưởng thành? Nơi mà mỗi người được chủ động thử, được phép sai, và quan trọng hơn là được học từ chính những gì mình đã làm. Vậy sinh viên Sư phạm có thể bắt đầu từ đâu? Liệu có phải chỉ khi đứng trên bục giảng, trước một lớp học đông đủ với giáo án hoàn chỉnh thì người ta mới thực sự bước vào nghề giáo? Hay con đường trở thành người thầy sẽ được bắt đầu từ những việc giản dị nhất?

T7 SVV 12 7 1

Câu trả lời không nằm ở việc làm lớn hay nhỏ, mà ở cách ta lựa chọn sống cùng nghề giáo từ chính những điều giản dị nhất. Chính trong sự giản dị, sinh viên Sư phạm có thể tìm thấy cơ hội quý giá để rèn luyện nghiệp vụ, vun đắp tâm thế người thầy, và dần bước vào thế giới giáo dục bằng những bước đi thật sự có ý nghĩa. Và để không bỏ lỡ mùa hè – một mùa gieo mầm cho nghề giáo thì hãy bắt đầu bằng những trải nghiệm đơn giản mà sâu sắc.

Trong hành trình trở thành giáo viên tiểu học, việc trực tiếp giảng dạy cho trẻ chính là bước khởi đầu quan trọng để sinh viên Sư phạm làm quen với thực tế lớp học và hình thành bản lĩnh nghề nghiệp. Bạn không cần đợi đến ngày đứng lớp chính thức mới cảm nhận được điều ấy, bởi ngay từ những buổi gia sư nhỏ, hỗ trợ học tập cho trẻ em khu phố hoặc tổ chức nhóm ôn tập tại nhà; bạn đã bắt đầu “chạm” vào nghề.

Chính trong những tiết học ấy, sinh viên được rèn luyện khả năng xây dựng hoạt động phù hợp với lứa tuổi, điều chỉnh ngôn ngữ và cách giao tiếp cho gần gũi, nắm bắt được tâm lý trẻ và ứng xử linh hoạt với các tình huống ngẫu nhiên. Bạn cũng học cách lắng nghe học sinh không chỉ bằng tai, mà bằng ánh mắt, thái độ và sự quan sát tinh tế.

Dù lớp học chỉ là một góc bàn nhỏ hay một buổi chiều vội, thì mỗi lần bạn đứng trước trẻ đều là một bước trưởng thành nơi kỹ năng sư phạm, sự kiên nhẫn và khả năng thấu cảm bắt đầu được hình thành và nuôi dưỡng.

Không chỉ giới hạn trong lớp học, sinh viên Sư phạm Tiểu học hoàn toàn có thể mở rộng khả năng nghề thông qua việc tham gia các hoạt động giáo dục cộng đồng, nơi kiến thức sư phạm được ứng dụng trong môi trường linh hoạt và đời thường. Từ việc tình nguyện tại mái ấm, trung tâm bảo trợ trẻ em, đến hỗ trợ các chương trình học tập ở khu dân cư, điểm sinh hoạt hè hay hội trại thiếu nhi. Những không gian đó đưa người học nghề bước ra ngoài giáo án để tiếp cận trẻ một cách tự nhiên, chân thành và linh hoạt hơn.

Tại các mái ấm, sinh viên học cách giảng dạy trong điều kiện hạn chế về tài liệu, thiết bị, đồng thời rèn kỹ năng giao tiếp với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Trong các chương trình sinh hoạt hè, bạn luyện khả năng tổ chức trò chơi học tập, dẫn dắt nhóm trẻ đa dạng về độ tuổi, tính cách và mức độ tập trung. Mỗi lần tham gia là một lần bạn phải quan sát, điều chỉnh và kết nối không chỉ bằng kiến thức mà bằng cả cảm xúc và sự thấu hiểu.

Thông qua những hoạt động gần gũi và đời thường ấy, sinh viên không chỉ áp dụng lý thuyết sư phạm vào thực tiễn, mà còn rèn thái độ nghề nghiệp tích cực: sự chủ động, kiên nhẫn, sáng tạo và lòng yêu thương người học, những phẩm chất không thể thiếu để làm nghề giáo tiểu học một cách vững vàng và đầy cảm hứng.

Không chỉ dừng lại ở đó mà hoạt động giao lưu và học hỏi cùng bạn bè trong ngành cũng chính là một trong những cách thiết thực nhất để sinh viên Sư phạm Tiểu học mở rộng tư duy nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng và nuôi dưỡng cảm hứng giảng dạy. Không phải lúc nào việc học cũng đến từ tài liệu hay giảng viên, nhiều khi một cuộc trò chuyện chia sẻ kinh nghiệm dạy thử, một buổi làm đồ dùng học tập chung, hay đơn giản là cùng thảo luận cách xử lý tình huống sư phạm cũng đủ để bạn học được điều mới.

Từ những cuộc trò chuyện đầy cảm hứng ấy, sinh viên Sư phạm Tiểu học không chỉ tích lũy kinh nghiệm từ người đi trước, mà còn khơi dậy chính sự sáng tạo và chủ động trong bản thân, đặc biệt khi kết hợp cùng công nghệ để nâng cao kỹ năng giảng dạy. Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc rèn luyện kỹ năng qua các công cụ số và phát triển sáng tạo cá nhân đã trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình học nghề giáo. Đối với sinh viên Sư phạm Tiểu học, đây không chỉ là cơ hội để làm quen với phần mềm thiết kế bài giảng, tạo giáo án điện tử hay sử dụng nền tảng học trực tuyến, mà còn là dịp để khám phá phong cách giảng dạy riêng biệt thông qua các sản phẩm sáng tạo.

T7 SVV 12 7 2

Khi bạn tự quay một đoạn video hướng dẫn, thiết kế trò chơi học tập trên PowerPoint, hoặc tạo hình ảnh minh họa bài học bằng Canva, bạn đang rèn luyện tư duy tổ chức nội dung, khả năng trình bày trực quan và tính linh hoạt trong cách truyền đạt. Những hoạt động này giúp bạn hình thành phong cách giảng dạy cá nhân sống động, dễ hiểu, gần gũi với trẻ.

Quan trọng hơn, việc chủ động học công nghệ còn thể hiện sự thích ứng với môi trường giáo dục hiện đại, nơi mà lớp học có thể vượt ra khỏi bốn bức tường để đến với học sinh qua màn hình, qua ứng dụng, qua các hình thức tương tác đa dạng.

Sau mỗi lần giảng dạy thử, việc viết lại cảm nhận không chỉ là ghi chép hành trình đã qua, mà là cách sinh viên Sư phạm Tiểu học soi chiếu lại chính quá trình trưởng thành nghề nghiệp của mình. Đó là lúc bạn nhận diện điều mình đã làm tốt, điều chưa ổn, những phản ứng của học sinh và cả cảm xúc của bản thân trong tiết học ấy.

Viết ra những trải nghiệm đó giúp bạn kết nối lại với mục tiêu học nghề, ghi nhớ bài học sâu hơn và định hình cách ứng xử sư phạm của riêng mình. Những dòng phản tư chân thành ấy cũng là nền tảng để bạn tạo nên phong cách giảng dạy cá nhân, nuôi dưỡng sự tự tin và lòng yêu nghề; thứ không thể có nếu chỉ học qua giáo trình.

Sau khi soi chiếu lại quá trình học nghề qua từng dòng cảm nhận, sinh viên Sư phạm Tiểu học cần tiến thêm một bước: chuyển từ nhận thức sang hành động thông qua việc đặt ra kế hoạch phát triển cá nhân. Mùa hè sẽ không tự mang đến trải nghiệm nếu bạn không chủ động. Hãy viết ra mục tiêu cá nhân: dạy thử bao nhiêu lần, rèn luyện kỹ năng nào, duy trì thói quen nào. Việc cụ thể hóa sẽ giúp bạn sử dụng thời gian hiệu quả và từng bước chạm vào hình ảnh người thầy tương lai.

John Dewey nói rằng “giáo dục chính là cuộc sống” và sinh viên Sư phạm cần sống với nghề từ hôm nay, chứ không phải đợi đến ngày chính thức bước vào bục giảng. Mỗi bước chân trong mùa hè, mỗi việc nhỏ bạn làm, mỗi trải nghiệm bạn ghi lại… chính là hạt giống cho ngày bạn thật sự đứng lớp. Người thầy giỏi không chỉ giỏi chuyên môn, mà là người đủ tinh tế để hiểu người học, đủ sáng tạo để truyền cảm hứng và đủ chân thành để học từ chính mình.

Vì thế, đừng để mùa hè chỉ là thời gian nghỉ ngơi. Hãy biến nó thành khoảng lặng trưởng thành, nơi bạn gieo mầm cho nghề, nuôi dưỡng bản lĩnh và bắt đầu hành trình làm người thầy đầy cảm hứng./.