foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Trong suốt những năm đầu của thế kỷ 20, trường phái trừu tượng đã trở thành một trào lưu thống trị thế giới. Trường phái này đã đi ngược lại hoàn toàn với quan niệm truyền thống rằng: nghệ thuật là sự mô phỏng thế giới tự nhiên. Chính điều này đã giải thích vì sao những tác phẩm thuộc trường phái trừu tượng đều không thể tìm ra bất kỳ một đối tượng hay vật thể nào có thể thấy được ở thế giới bên ngoài.

  1. Khái niệm về “Trừu tượng”

Theo “Từ điển tiếng Việt”: Nghĩa một trừu tượng (thuộc tính, quan hệ ) được tách ra trong tư duy con người khỏi các thuộc tính, các quan hệ khác của sự vật, trái với cụ thể. Nghĩa hai trừu tượng: Khó hiểu , khó hình dung vì không có gì cụ thể.

Theo “Từ điển Cambridge”, sự trừu tượng là: “Tồn tại như một ý tưởng, cảm giác hoặc chất lượng, không phải là một đối tượng vật chất”; “Trừu tượng là một năng lực trí tuệ bao gồm tách một yếu tố khỏi bối cảnh của nó để phân tích nó và đưa ra một khái niệm về nó. Từ này xuất phát từ tiếng Latin “abstrahĕre”, có nghĩa là “kéo đi”, “tách ra” hoặc “để sang một bên”. Theo cách này, sự trừu tượng có nghĩa là hành động và hiệu quả của việc đặt một cái gì đó sang một bên để hiểu nó”.

  1. Nghệ thuật trừu tượng trong Hội họa.

Chúng ta đều biết rằng: Nghệ thuật Trừu tượng là trào lưu hội họa đầu thế kỷ 20. Nghệ thuật trừu tượng sử dụng ngôn ngữ thị giác từ những hình thức như các hình khối thuần túy, hình dạng, màu sắc, đường nét, tông màu, mảng màu để tạo nên tác phẩm. Nó tồn tại độc lập, ở một mức nào đó, với những tham khảo có từ thế giới hiện thực. Một số nghệ sĩ trừu tượng thuần túy ưa thích các thuật ngữ như nghệ thuật cụ thể hoặc nghệ thuật phi khách quan, nhưng trên thực tế, từ trừu tượng được sử dụng phổ biến và sự phân biệt giữa hai thuật ngữ này thường được hiểu là có sự đồng dạng đồng nhất .

Trừu tượng thực ra là một khái niệm không có tham chiếu vật lý (cụ thể); Khoa học của con người, khoa học tự nhiên, ý thức hệ, tôn giáo, thần thoại và nghệ thuật là kết quả của quá trình trừu tượng hóa của các loại hoặc ở các mức độ khác nhau”. “Khái niệm trừu tượng chỉ tồn tại trong tâm trí của chúng ta , nó là những thực thể mà giác quan của con người không thể tiếp cận được. Nói cách khác, chúng không có biểu hiện vật chất nào và chỉ đơn thuần là sự khái quát hóa các ý tưởng. Ví dụ về các khái niệm mang tính trừu tượng như : tình yêu, sự thật, trí tuệ, hy vọng, ý chí tự do, số phận, lòng dũng cảm, ánh sáng, bóng tối, công lý, đoàn kết, trí óc, tâm linh, tôn giáo, văn hóa, lòng nhân từ, sự chính trực, thanh thản, quyền lực, lòng nhân ái, đạo đức, bình đẳng, triết học, lý thuyết, ngôn ngữ, toán học, vẻ đẹp, sự hài hòa, sự hỗn loạn hay bất kỳ chủ nghĩa nào mà chúng ta có thể nghĩ đến”.

Còn với khái niệm trừu tượng trong nghệ thuật, theo Từ điển Wikipedia: “Nghệ thuật trừu tượng sử dụng ngôn ngữ hình ảnh của hình dạng, màu sắc và đường nét để tạo ra một bố cục có thể tồn tại ở một mức độ độc lập với những hình ảnh có thực của thế giới. Nghệ thuật phương Tây, từ thời Phục Hưng đến giữa thế kỷ 19, được củng cố bởi logic của phối cảnh và nỗ lực tái tạo ảo ảnh về thực tại hữu hình. Vào cuối thế kỷ 19, nhiều nghệ sĩ cảm thấy cần phải tạo ra một loại hình nghệ thuật mới bao gồm những thay đổi cơ bản đang diễn ra trong công nghệ, khoa học và triết học… Các nguồn tư liệu mà các nghệ sĩ cá nhân rút ra các lập luận lý thuyết của họ rất đa dạng, và phản ánh những mối bận tâm về xã hội và trí tuệ trong mọi lĩnh vực văn hóa phương Tây lúc bấy giờ ”.

“Nghệ thuật trừu tượng, nghệ thuật phi hình tượng, nghệ thuật phi khách quan và nghệ thuật phi đại diện, là những thuật ngữ có quan hệ mật thiết với nhau. Chúng tương tự nhau, nhưng có lẽ không có ý nghĩa giống hệt nhau”.

Qua những nhận định trên, chúng ta có thể nhận biết rằng: Tư tưởng chủ đạo của nghệ thuật trừu tượng là khước từ những đối tượng hiện thực của cuộc sống con người hoặc trừu tượng hóa những hình ảnh từ thiên nhiên để xác lập nên những hình ảnh phi biểu hình (phi hình thể) mới lạ độc đáo do trí tưởng tượng của nghệ sĩ sáng tạo nên.

Theo các nhà phê bình nghệ thuật : Chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa ấn tượng và chủ nghĩa hậu ấn tượng, đều là tiền thân của hội họa trừu tượng. Những phong trào nghệ thuật này khám phá bản chất của nhận thức. Bằng cách phá vỡ các quy tắc về nghệ thuật, họ đã mở đường cho sự ra đời của nghệ thuật trừu tượng. Tuy nhiên có nhiều họa sĩ cho rằng tính trừu tượng bắt đầu với những bức tranh hang động từ hàng nghìn năm trước.

Giới nghiên cứu nghệ thuật cho rằng nghệ thuật trừu tượng là nghệ thuật phi khách quan, không thể hiện chính xác hiện thực do thị giác nhận biết, nhưng nó sử dụng các hình dạng, màu sắc, đường nét, kết cấu và các ký hiệu để đạt được hiệu quả của nó. Và chúng ta không nhất thiết phải được hiểu ngay chính xác về mặt ý nghĩa của tác phẩm. Về bản chất, nghệ thuật trừu tượng mang lại nguồn cảm hứng vô thức không chủ định, tức là không tìm cách miêu tả bất cứ cái gì cụ thể. Một tác phẩm trừu tượng – điều hệ trọng với tác giả là thỏa mãn tính thẩm mỹ mà người nghệ sĩ đặt ra trong quá trình sáng tạo. Điều đơn giản thuần túy mong đợi nhất là: nó thực sự đẹp và lạ theo tâm trạng cảm xúc chủ quan của người nghệ sĩ sáng tạo ra nó. Khả năng biểu cảm lớn nhất của nghệ thuật trừu tượng chính là sự biểu những xung động trong nội tâm hoàn toàn không liên quan tới bất kỳ hiện thực nào có trong thiên nhiên và cuộc sống. Mục đích chính của nó: nhấn mạnh vai trò của trí tưởng tượng, của vô thức như một yếu tố sáng tạo thuần khiết duy mỹ nhất, kích thích sự tò mò và sự tham gia của cảm xúc thuần túy về cái đẹp vô hình, có ý nghĩa khai sáng giúp người xem có thể tăng thêm nhận thức và sự trải nghiệm về thế giới vô hình, nảy sinh những cảm xúc vui buồn khi chiêm ngưỡng tác phẩm.

Nghệ thuật châu Âu, từ thời Phục Hưng cho đến giữa thế kỷ 19, được quy định bởi luật phối cảnh và nỗ lực mô tả diễn cảm hiện thực hữu hình theo một nguyên lý mỹ học đã được định hình từ thời phục hưng. Tuy vậy khi thời đại thay đổi suy tư cảm xúc thẩm mỹ cũng thay đổi theo, điều này quyết định xu hướng nghệ thuật của nghệ sĩ theo đuổi để sáng tạo theo những hình thức nghệ thuật nào. Nhiều họa sĩ không còn hứng thú với các chủ đề mang tính hiện thực. Thiên nhiên, cuộc sống xã hội và con người – những điều này không còn là những chủ đề trong các tác phẩm hội họa điêu khắc của nhiều nghệ sĩ. Đặc biệt là Wassily Kandinsky – người khởi xướng hội họa trừu tượng, ông đã từ bỏ lối vẽ diễn tả hiện thực để toàn tâm toàn ý cho hội họa trừu tượng đến hết cuộc đời.

Nghệ thuật trừu tượng trong đó việc trình bày miêu tả các sự vật từ thế giới hữu hình đóng một phần rất ít hoặc không có, tự nó cho thấy tính tự do phóng túng gần như tuyệt đối – nó hoàn toàn không lệ thuộc và giống bất cứ cái gì có trong đời sống hiện thực – nó là sự khám phá chính cảm xúc trong tầng sâu của nội tâm và vô thức. Đôi khi nghệ thuật trừu tượng đã gây nên sự hoang mang tranh cãi trong giới yêu thích sưu tầm nghệ thuật… và nhiều người cho rằng vẽ trừu tượng là biểu hiện sự yếu kém về kỹ thuật thể hiện hoặc là do sự lười biếng của họa sĩ và họ hoài nghi về giá trị thẩm mỹ của những tác phẩm trừu tượng. Với những người am hiểu hoặc có khả năng thụ cảm sẽ thích ứng, tâm hồn họ có thể mộng du phiêu dạt với những hình ảnh trừu tượng.

Sự ra đời của máy ảnh đã làm thay đổi một số quan niệm về nghệ thuật. Chỉ với vài phút, vài thao tác đơn giản, bất kỳ ai cầm chiếc máy ảnh cũng có thể tạo nên một bức ảnh phong cảnh thiên nhiên, phố phường, chân dung, hay các phương tiện các đồ vật trong cuộc sống giống như thật đến từng chi tiết nhỏ nhất mà họa sĩ phải mất rất nhiều thời gian, phải có kỹ thuật kỹ năng ở tầm cao, sự kiên nhẫn công phu bền bỉ mới có thể diễn tả được… Với kỹ thuật nhiếp ảnh hiện đại, thời nay chiếc máy ảnh có thể điều khiển tạo ra những bức ảnh có màu sắc, sắc độ sáng tối, độ nét hoàn hảo của hình ảnh gần giống hệt như một bức họa cổ điển… Điều đó đã làm thay đổi tư duy của người họa sĩ. Và điều này làm cho nghệ thuật trừu tượng ngày càng phát triển rực rỡ biến đổi sâu sắc hơn. Nghệ thuật trừu tượng có thể tạo nên những biến thể khác lập ra những hình thức mới trong chính nghệ thuật trừu tượng. Cho dù người nghệ sĩ có bảo thủ đến đâu thì những tác phẩm của ông ta không thể không có sự tác động ảnh hưởng của thời đại mà ông ta sống làm việc. Mỗi nghệ sĩ đều có thể bị ám ảnh bị thôi thúc bởi những gì đang diễn ra hàng ngày trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị , tôn giáo và các luồng tư tưởng hiện đại. Tuy vậy các nghệ sĩ hoàn toàn tự do thể hiện cảm xúc nội tâm mà không cần liên hệ chúng với ký ức của thế giới hiện thực hữu hình. Tác phẩm tự nó chất chứa những thông điệp bí ẩn trong nội tâm trong vô thức của chính tác giả và tự phơi lộ ra trên bề mặt tác phẩm. Tuy có rất nhiều phong cách khác nhau, chúng tồn tại như một xu hướng chung mô tả nghệ thuật phi hiện thực, phi miêu tả, và mỗi phong cách nghệ thuật trừu tượng có ý nghĩa riêng của nó, mỗi nghệ sĩ đều có quan niệm riêng để tạo nên tác phẩm. Các trào lưu nghệ thuật trừu tượng khác nhau bao gồm: chủ nghĩa Tối giản, chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng, chủ nghĩa Phi khách quan, Tân tạo hình, Hội họa trường màu (cánh đồng màu), Trừu tượng trữ tình, Trừu tượng hình học, Trừu tượng sáng tạo, Trừu tượng hình thái sinh học, Hội họa hành động…

Giống như âm nhạc không lời – thay vì các nốt nhạc, tác phẩm trừu tượng sử dụng kết cấu, màu sắc, hình dạng, đường nét để tạo ra một nhịp điệu thị giác đánh động cảm xúc và tinh thần. Tác phẩm trừu tượng ngày càng trở nên gây ấn tượng mạnh hơn có ý nghĩa sâu sắc hơn – trong từng khoảnh khắc nó kích thich sự sáng tạo để phát sinh ra một cảm xúc mới làm thăng hoa tư tưởng sáng tạo, làm phong phú thêm về nhận thức thẩm mỹ.

n 15 1 1

Wassily KandinskyTrên nền trắng II - 1923

Trong giới mỹ thuật không ít người cho rằng vẽ trừu tượng không khó hay nói đơn giản là khá dễ ràng. Hình như họ nghĩ rằng cứ bôi màu một cách tự do vô thức không cần suy nghĩ lên bề mặt tấm khung vải là có thể tạo nên một bức tranh trừu tượng… điều này nghe có vẻ gần đúng với tư duy lý thuyết về cách tạo ra một tác phẩm trừu tượng… Tôi nghĩ rằng – người họa sĩ theo đuổi đến trọn đời có thể vẽ được vài ba bức tranh đẹp, nhưng để có sắc thái mang đậm dấu ấn cá nhân độc sáng đạt hiệu quả cả về thẩm mỹ và phong cách riêng là vô cùng khó khăn gian nan, nên rất ít người có thể đạt thành tựu. Nhiều họa sĩ tốt nghiệp trường mỹ thuật có thể hoàn thành tốt một bức tranh có chủ đề theo các phong cách hiện thực, ấn tượng, biểu hiện, siêu thực, dã thú, hồn nhiên thơ ngây… nhưng khi cầm bút vẽ trừu tượng họ sẽ thấy ngay sự bế tắc… nó có thể sa vào sự tầm thường, ngô ngê, nhạt tẻ, nhàm chán…Với đời sống thực tế Việt Nam vô cùng cam go, công chúng rất ít quan tâm đến nghệ thuật hội họa điêu khắc, còn những người có thú chơi sưu tầm nghệ thuật (trong số này có nhiều người Âu Mỹ, họ là khách du lịch hoặc những người làm việc tại Việt Nam), đa số họ đều tìm đến tranh có yếu tố hiện thực, rất hiếm người tìm đến tranh trừu tượng, bởi nên nếu người họa sĩ chỉ mưu sinh bằng tác phẩm của mình mà không có những thu nhập bằng cách khác thì khó mà theo đuổi sự nghiệp trừu tượng đến trọn đời và có thành tựu. Chúng ta điểm số những họa sĩ Việt Nam thành danh từ những người giàu có khá giả sung túc đến bình dân, nếu họ sống thuần túy bằng việc bán tranh thì hầu hết họ đều vẽ theo phong cách hiện thực, gần hiện thực, hoặc có các yêu tố từ hiện thực mà không phải là họa sĩ vẽ trừu tượng.