foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

“Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về
Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che
Chiều biên cương trắng trời sương núi, mẹ già mỏi mắt nhìn theo.
Việt Nam ơi, Việt Nam! Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con.
Việt Nam ơi, Việt Nam! Ngọn núi nơi anh ngã xuống
Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa,
Rực cháy lên màu hoa đỏ trước hoàng hôn.”

Tháng 7 đã đến, trong không khí linh thiêng của ngày thương binh liệt sĩ chúng ta lại cùng cất cao bài ca “Màu hoa đỏ” cũng tựa như thắp một nén tâm nhang thành kính dâng lên các anh hùng liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng... như một sự tri ân vô bờ bến đối với những người con đã xả thân vì nước vì dân. Và họ chính là “màu hoa đỏ” đang hiện hữu giữa thời bình, tiếp nối cái “màu hoa đỏ” rất đỗi vĩ đại của ngày hôm qua.

T7 SV 27 7 1

Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng những mất mát, tổn thương vẫn còn đọng lại trên những vết thương của các thương binh, đọng lại trong trái tim của những gia đình có liệt sĩ hy sinh và những con người có lương tri. Những chiến công và tên tuổi của các anh đã trở thành bất tử, khắc ghi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi được thế hệ những người Việt Nam tưởng nhớ.

Qua lời bài hát “Màu hoa đỏ” ta có thể cảm nhận được khí thế hừng hực của cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc nhưng đó cũng chính là sự bi thương, mất mát rất lớn không có gì có thể bù đắp được. Trong câu thơ "dòng tên anh khắc vào đá núi", một câu thơ ngắn ngủi vỏn vẹn bảy từ ngữ nhưng đằng sau nó là cả một câu chuyện. Câu chuyện về những người lính - họ đã ra đi từ những miền quê đất cằn, sỏi đá, từ những mái tranh nghèo xa xôi, hẻo lánh. Họ từ biệt cha mẹ già, từ biệt vợ con, để lên đường bảo vệ quê hương, Tổ quốc. Có những người may mắn hoàn thành nhiệm vụ nguyên vẹn trở về, có những người lại mang trên mình những di chứng của chiến tranh và có những người ra đi mãi mãi… Ở đây, "dòng tên anh khắc vào đá núi" là sự hi sinh của những người lính cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Những người lính hẹn ngày đi không hẹn ngày về, tuy khác xuất phát điểm nhưng họ cùng chung mục đích. Giữa cuộc đấu tranh đầy gian khổ, họ “gục trên súng mũ bỏ quên đời” vì bệnh tật, vì bom đạn của kẻ thù. Họ nằm xuống chỉ một nắm đất, chỉ kịp vội khắc tên lên dòng đá. Họ nằm xuống, đồng đội thương tiếc họ, đất nước thương nhớ họ, cả những đám mây kia cũng tôn kính, hóa thành bóng tre như che chở họ, như khẳng định sự hy sinh buất khuất, kiên cường kia là bất tử.

“Việt  Nam ơi! Việt Nam. Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con.”

Những người con Việt Nam hôm nay luôn hát mãi về các anh - tượng đài bất khuất trong lòng mỗi thế hệ con người. Các anh ra đi để lại nỗi sầu thương trên tóc mẹ già. Bao năm tháng đã đi qua nhưng tấm lòng, tình thương của người mẹ luôn hướng về các anh. Có người mẹ đêm đêm không ngủ được, qua bao nhiêu năm vẫn trằn trọc thao thức nhớ về con của mình. Sao tình mẹ thiêng liêng đến thế, cao cả đến thế!

“Việt Nam ơi! Việt Nam. Ngọn núi nơi anh ngã xuống rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa. Rực cháy lên màu hoa đỏ trước hoàng hôn”

Sự hy sinh đó là bất tử. Anh đã ngã xuống cho màu hoa đỏ hồi sinh cháy rực cả một góc trời, cháy rực muôn đời, muôn thế hệ như màu máu, màu cờ, màu chiến thắng của dân tộc ta.

Đất nước đã hòa bình, cuộc sống ngày càng phát triển, chúng ta đã đạt được nhiều thành công, nhưng không thể nào đền đáp hết công lao hy sinh của những anh hùng thương binh, liệt sĩ đã hi sinh cả cuộc đời mình, tính mạng mình vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong những ngày tháng 7 này, các nghĩa trang liệt sĩ trên khắp cả nước luôn đón nhận những chuyến thăm, những nén hương tỏ lòng kính trọng, biết ơn đối với những liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

T7 SV 27 7 2

Hãy đến Nghĩa trang Liệt sĩ  Núi Nài – TP Hà Tĩnh và nhiều nghĩa trang khác, đứng trước những ngôi mộ, theo dõi từng dòng tên, quê quán, ngày nhập ngũ, ngày hy sinh… từ trái tim, bạn sẽ cảm nhận được niềm xúc động, nỗi lòng đau xót... nhưng cuối cùng là niềm tự hào, động viên bản thân sống tốt hơn, xứng đáng với những hi sinh, mất mát của cha ông.