foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và lãnh đạo kiệt xuất của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ là một nhà chính trị thiên tài mà còn là biểu tượng chói ngời của tinh thần tự học, khát khao tri thức và phong cách học tập suốt đời. Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2025), với tư cách là một giảng viên trong lĩnh vực giáo dục, tôi muốn chia sẻ những cảm nghĩ sâu sắc về tấm gương học tập xuất sắc của Bác và rút ra những bài học có ý nghĩa thực tiễn đối với bản thân cũng như thế hệ sinh viên hôm nay.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề giáo dục và học tập. Người quan niệm học tập là việc rất quan trọng và cần học tập suốt đời: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”; “Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về học tập suốt đời còn nguyên tính thời sự và là cơ sở cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày nay. Chính Người là minh chứng sống động cho triết lý ấy. Dù phải trải qua muôn vàn gian nan trên hành trình cứu nước, Người vẫn không ngừng học tập, rèn luyện, mở rộng tri thức từ sách vở, từ thực tiễn cuộc sống và từ các nền văn hóa tiến bộ trên thế giới.

T5 Hien 16 5 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hình mẫu lý tưởng của tinh thần tự học và học suốt đời, bất chấp những khó khăn về điều kiện học tập, Người đã trở thành một trí tuệ lỗi lạc nhờ nỗ lực tự học không ngừng nghỉ. Từ sách vở, thực tiễn cuộc sống đến việc tiếp xúc với những nền văn hóa đa dạng trong hành trình cứu nước, Bác đã không ngừng trau dồi tri thức. Trong tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Trần Dân Tiên đã ghi lại rằng: "Khi làm việc ở Pháp, Bác vừa lao động vất vả vừa học thêm văn hóa và ngoại ngữ vào ban đêm" (Trần Dân Tiên, 2006, tr. 42). Sự thông thạo nhiều ngoại ngữ như tiếng Pháp, Anh, Trung, Nga… đã trở thành công cụ giúp Bác tiếp cận kho tàng tri thức nhân loại và phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng. Tinh thần tự học của Bác không chỉ thể hiện ở việc tích lũy kiến thức, mà còn ở thái độ ham học một cách cầu thị, khiêm tốn và liên tục đổi mới bản thân để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng và sự đổi thay của thời đại (Theo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - 2011).

Bằng ý chí và sự bền bỉ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận, sử dụng và viết thành thạo nhiều ngoại ngữ như Pháp, Anh, Trung, Nga, Đức…, không phải thông qua môi trường giáo dục chính quy, mà bằng phương pháp tự học nghiêm túc, khoa học và kiên trì. Những năm tháng lao động ở phương Tây, làm phụ bếp, phu khuân vác hay thợ ảnh, Bác luôn mang theo sách vở, tranh thủ từng giờ từng phút để trau dồi kiến thức. Ngay cả trong thời gian bị tù đày ở Quảng Tây (Trung Quốc), Người vẫn sáng tác thơ, học chữ Hán, nghiên cứu chính trị. Những việc làm đó không chỉ thể hiện lòng ham học, mà còn là biểu hiện sinh động của tinh thần học tập suốt đời.

T5 Hien 16 5 2

Đối với tôi, tấm gương học tập của Bác là nguồn cảm hứng sâu sắc. Trong vai trò người giảng viên, tôi nhận thức rõ rằng việc học không dừng lại ở chuyên môn giảng dạy, mà còn là quá trình liên tục để làm mới tri thức, cập nhật phương pháp, đổi mới tư duy và thích ứng với bối cảnh giáo dục hiện đại. Tư tưởng “Còn sống thì còn phải học” của Bác chính là động lực để tôi không ngừng tự học, học từ sách, học từ đồng nghiệp, học từ chính những sinh viên của mình và học từ những thách thức trong công việc, trong cuộc sống. Phong cách học tập của Bác cũng dạy tôi về đức tính khiêm nhường tri thức – biết lắng nghe, biết tự soi xét và luôn sẵn sàng thay đổi vì mục tiêu giáo dục tốt đẹp hơn. Trong thời đại công nghệ số, việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng, nhưng nếu không có thái độ học nghiêm túc và tinh thần tự học như Bác, người giảng viên sẽ dễ tụt hậu và mất đi vai trò dẫn dắt.

Từ tấm gương của Bác, tôi luôn khuyến khích sinh viên xây dựng thói quen tự học, chủ động và sáng tạo trong tiếp cận tri thức. Trong bối cảnh xã hội chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ và toàn cầu hóa, việc học không chỉ gắn với điểm số hay bằng cấp, mà quan trọng hơn là hình thành năng lực tự học suốt đời – yếu tố cốt lõi để thích ứng, đổi mới và phát triển. Tôi luôn nhắn nhủ sinh viên rằng, trong hành trình tri thức, thầy cô chỉ là người dẫn đường, còn việc đi đến đích phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực tự học của các em. Tự học không chỉ là một kỹ năng, mà là năng lực cốt lõi trong thế kỷ 21 – nơi kiến thức thay đổi từng ngày. Bác Hồ từng dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại.”. Học không chỉ để thành công cho riêng mình, mà còn để đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng, đất nước. Đó là định hướng giáo dục toàn diện mà sinh viên thời đại mới cần thấm nhuần (Ban Tuyên giáo Trung ương, 2019).

Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để mỗi người dân Việt Nam tưởng nhớ công lao của Người. Trong vô vàn những phẩm chất cao quý của Bác, tấm gương ham học hỏi, tinh thần tự học không ngừng nghỉ là một trong những điểm sáng nổi bật, để lại nhiều suy ngẫm sâu sắc đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên và thế hệ học sinh – sinh viên hôm nay. Đối với bản thân tôi, đó còn là cơ hội để tự soi lại mình trong hành trình giáo dục. Bác mãi mãi là ngọn đèn soi sáng cho những ai đang bước đi trên con đường tri thức, nhắc nhở chúng ta phải luôn nỗ lực học tập, rèn luyện và truyền cảm hứng học tập cho thế hệ tương lai.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Tuyên giáo Trung ương, (2019), Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  2. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2011), Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội
  3. Hồ Chí Minh toàn tập - tập 4 (2000), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.20.
  4. Trần Dân Tiên (2006), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Mỗi con người khi trưởng thành đều mang theo những ký ức về một thời thanh xuân – quãng thời gian đẹp nhất, nhiệt huyết nhất và cũng ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Với tôi, thanh xuân ấy gắn liền với Khoa Sư phạm - Trường Đại học Hà Tĩnh, nơi tôi đã dành trọn bốn năm để học tập, rèn luyện, trưởng thành và nuôi dưỡng ước mơ trở thành một người giáo viên.

Ngay từ những ngày đầu đặt chân vào giảng đường đại học, tôi đã mang theo nhiều cảm xúc đan xen: hồi hộp, háo hức, xen lẫn cả sự lo lắng trước một hành trình mới. Nhưng rồi, chính sự gần gũi, tận tình của các thầy cô, sự thân thiện của bạn bè và môi trường học tập đầy khích lệ ở Khoa Sư phạm đã giúp tôi nhanh chóng thích nghi, từng bước trưởng thành cả trong nhận thức lẫn nhân cách.

T5 7 5 1

Tại Khoa Sư phạm, tôi không chỉ được học những tri thức chuyên ngành quý báu mà còn được rèn luyện đạo đức, tác phong của một người giáo viên tương lai. Những bài giảng tâm huyết của thầy cô, những buổi thực hành sư phạm, những giờ sinh hoạt,… tất cả đã giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về nghề giáo, một nghề cao quý nhưng cũng đầy thử thách. Thầy cô ở đây không chỉ truyền dạy kiến thức, mà còn truyền cho chúng tôi tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, lòng kiên nhẫn và những phẩm chất cần có khác để trở thành một người thầy thực thụ.

T5 7 5 3

Không chỉ dừng lại ở sách vở, những năm tháng đại học còn là chuỗi ngày tôi được trải nghiệm các hoạt động ngoại khóa, phong trào sinh viên đầy sôi nổi. Từ những buổi sinh hoạt câu lạc bộ, các chương trình thiện nguyện vùng sâu vùng xa, đến các hội thi nghiệp vụ sư phạm, các buổi giao lưu văn hóa – văn nghệ, thể thao,.... Tất cả đã giúp tôi học được cách làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, thấu hiểu và sẻ chia với những người xung quanh. Đó là những bài học không thể có trong sách vở, nhưng lại vô cùng quý báu trên hành trình trở thành một công dân có trách nhiệm.

    T5 7 5 2

Trường Đại học Hà Tĩnh, ngôi trường tuy không nằm ở thành phố lớn nhưng lại mang trong mình một vẻ đẹp rất riêng: mộc mạc, yên bình và gần gũi. Ở đây, tôi tìm thấy sự chân thành trong từng lời dạy của thầy cô, sự ấm áp trong từng cái bắt tay, lời chào hỏi của bạn bè. Tôi yêu những buổi sáng sớm đi bộ đến giảng đường, yêu cả những chiều tan học rảo bước dưới những tán cây quen thuộc, nơi đã chứng kiến biết bao lần tôi vui buồn, trăn trở, rồi lại tự nhủ phải cố gắng hơn.

Giờ đây, khi hành trang tương lai đã sẵn sàng, tôi mang theo không chỉ là kiến thức mà còn là tình thầy trò, tình bạn, là những bài học quý báu từ cuộc sống sinh viên tại Khoa Sư phạm – Trường Đại học Hà Tĩnh. Dù sau này có đi đâu, làm gì, tôi vẫn sẽ luôn tự hào vì mình đã từng là một phần của nơi đây.

Vượt qua 11 thí sinh đến từ các khoa trong toàn trường, Phan Thị Yến Nhi – sinh viên lớp K14C Giáo dục Tiểu học, Khoa Sư phạm – đã xuất sắc giành giải Nhất tại vòng chung kết cuộc thi Thuyết trình sách năm 2025 do Trường Đại học Hà Tĩnh tổ chức sáng 23/4.

T4 A Quyen 24 4 1

                                   BTC Trao giải Nhất cho Phan Thị Yến Nhi

Chủ đề “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”, Yến Nhi đã lựa chọn và thuyết trình ấn tượng về cuốn sách “Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự khẳng định chính mình” của tác giả Nguyễn Tuấn Anh.

T4 A Quyen 24 4 2

Cuốn sách “Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự khẳng định chính mình” hiện có tại Trung tâm Thông tin Thư viện Trường Đại học Hà Tĩnh

Phần thể hiện của nữ sinh viên Khoa Sư phạm được đánh giá cao nhờ khả năng truyền tải thông điệp rõ ràng, phong cách trình bày tự tin và nội dung giàu tính kết nối với thực tiễn – đặc biệt là trong bối cảnh sinh viên cần khẳng định bản thân giữa thời đại số hóa và hội nhập. Bên cạnh đó, với câu hỏi của Ban giám khảo, Yến Nhi cũng đã trả lời hết sức rõ ràng và thuyết phục.

T4 A Quyen 24 4 3              

                                           Yến Nhi tự tin với bài thuyết trình

Chia sẻ sau khi nhận giải, Yến Nhi cho biết: “Em muốn nhấn mạnh rằng mỗi người trẻ đều có thể tạo ra giá trị riêng, nếu biết học hỏi, nỗ lực và không ngừng khẳng định bản thân. Cuốn sách đã giúp em nhìn rõ con đường mình cần đi và thêm tin vào lựa chọn của mình”.

T4 A Quyen 24 4 4

BTC và đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các thí sinh

T4 A Quyen 24 4 5

Bạn Võ Thuỳ An - K17 Giáo dục Tiểu học (áo dài trắng) nhận giải Khuyến khích

Bên cạnh giải Nhất của Phan Thị Yến Nhi, Khoa Sư phạm còn giành thêm 1 giải Khuyến khích của bạn Võ Thuỳ An, K17 Giáo dục Tiểu học.

Cuộc thi Thuyết trình sách năm 2025 là hoạt động trọng điểm hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam và Ngày Sách và Bản quyền Thế giới, đồng thời là dịp để sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm, tư duy phản biện và nâng cao tình yêu sách trong cộng đồng học đường.

Thành tích của Yến Nhi không chỉ là niềm tự hào của lớp K14C Giáo dục Tiểu học mà còn là minh chứng cho chất lượng đào tạo toàn diện của Khoa Sư phạm, của Trường Đại học Hà Tĩnh, nơi sinh viên được phát triển cả tri thức lẫn kỹ năng sống.

Lan tỏa tinh thần nghiên cứu, khơi dậy đam mê sáng tạo trong sinh viên sư phạm

Thực hiện kế hoạch đào tạo năm học, hòa chung không khí thi đua học tập, nghiên cứu và sáng tạo của toàn trường, sáng ngày 28/4/2025, Khoa Sư phạm – Trường Đại học Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học năm học 2024–2025. Hội nghị là sân chơi học thuật thường niên nhằm phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu và phát triển năng lực chuyên môn của sinh viên ngành sư phạm trong toàn khoa.

Trong năm học này, Ban Tổ chức hội nghị đã nhận được 33 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên thuộc các ngành đào tạo trong Khoa. Đặc biệt, nhiều đề tài đến từ các sinh viên năm nhất, cho thấy tinh thần học thuật và sự năng động của thế hệ sinh viên mới. Sau quá trình sơ loại, phản biện và đánh giá kỹ lưỡng, 18 đề tài có chất lượng tốt nhất đã được lựa chọn để báo cáo chính thức tại hội nghị, chia theo 3 tiểu ban chuyên môn: Tiểu ban Phương pháp dạy học Toán; Tiểu ban Khoa học Tự nhiên và Tiểu ban Khoa học Xã hội.

T5 Hien 5 5 1

Các đề tài năm nay được đánh giá cao về tính mới, tính thực tiễn và khả năng áp dụng trong giảng dạy và giáo dục. Một số đề tài đã được chỉnh sửa, hoàn thiện và gửi đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Nổi bật như:

  • Đề tài “Sử dụng các phần mềm AI trong dạy học một số nội dung môn Toán lớp 3”
  • Đề tài “Một số tính chất của toán tử chiếu metric trong không gian Hilbert”
  • Đề tài “Tác động của mạng xã hội đến tư tưởng chính trị của sinh viên trường Đại học Hà Tĩnh hiện nay”
  • Đề tài “Phát triển tư duy phản biện cho học sinh lớp 3 qua dạy học môn tự nhiên và xã hội tại trường tiểu học Cẩm Thành - Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh”
  • Đề tài “Một số vấn đề của đồ thị ước không trên vành Z_n”

Phát biểu tại hội nghị, TS. Lê Văn An – Trưởng Khoa Sư phạm, ghi nhận và biểu dương nỗ lực của sinh viên và giảng viên hướng dẫn. Thầy khẳng định: “Nghiên cứu khoa học không chỉ là cơ hội để sinh viên rèn luyện kỹ năng tư duy, phản biện và trình bày mà còn giúp các em sớm tiếp cận phương pháp làm việc khoa học, chuẩn bị hành trang vững vàng cho nghề giáo trong tương lai.”

T5 Hien 5 5 2

Hội nghị năm nay quy tụ hội đồng giám khảo có chuyên môn cao, bao gồm các giảng viên, nhà nghiên cứu đầu ngành trong và ngoài Khoa Sư phạm. Ban giám khảo được phân công theo từng tiểu ban chuyên môn, đảm bảo đánh giá đúng chất lượng học thuật của từng đề tài. Nhờ sự công tâm và đánh giá khách quan của Ban giám khảo, hội nghị đã lựa chọn được những đề tài xuất sắc và thật sự có giá trị cả về lý luận lẫn thực tiễn. Kết thúc hội nghị Ban Tổ chức đã trao giải cho các đề tài xuất sắc nhất. Cụ thể:

  • 04 giải Nhất
  • 04 giải Nhì
  • 06 giải Ba
  • 04 giải Khuyến khích
  • 15 Giấy chứng nhận

Các giải thưởng không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực nghiên cứu nghiêm túc của sinh viên, mà còn là động lực to lớn để các em tiếp tục theo đuổi con đường học thuật và sáng tạo.

T5 Hien 5 5 3

Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học năm học 2024–2025 đã khép lại thành công, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và mở ra hướng phát triển tích cực cho phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên Khoa Sư phạm. Trong thời gian tới, Khoa sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động học thuật, bồi dưỡng và hỗ trợ sinh viên trong nghiên cứu, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và khẳng định vai trò trung tâm đào tạo sư phạm uy tín tại khu vực Bắc Trung Bộ.

Khác với nhiều nghành nghề khác kiến tập, thực tập sư phạm luôn tạo cho sinh viên chuyên ngành sư phạm có những cảm xúc thật đặc biệt. Trong xu thế hiện nay, yêu cầu càng cao đối với sinh viên ngành sư phạm đòi hỏi các trường đào tạo sư phạm phải có những giải pháp giúp sinh viên vừa tiếp thu kiến thức chuyên môn, vừa có môi trường thực hành thực tế, giúp các em đáp ứng công việc ngay sau khi ra trường được các cơ sở giáo dục đón nhận

Bồi dưỡng kiến thức và trải nghiệm thực tiễn cho sinh viên

Khoa Sư phạm, trường Đại học Hà Tĩnh luôn quan tâm việc thực tập của sinh viên xem đậy là giai đoạn quan trọng nhất để giúp các bạn có thể lĩnh hội cũng như học hỏi kỹ năng đứng lớp, kinh nghiệm xử lý tình huống từ chính các giáo viên giàu kinh nghiệm đi trước. Sinh viên của Khoa, ngoài việc đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn, các buổi thực tập và kiến tập giúp sinh viên có thêm trải nghiệm thực tế. Đây là yếu tố quan trọng vừa giúp các bạn áp dụng lý thuyết đã học và môi trường làm việc, vừa có thêm kinh nghiệm hỗ trợ cho công việc trong tương lai. Đồng thời, quá trình thực tập giúp nhà trường đánh giá được chất lượng đào tạo cũng như năng lực của sinh viên đang theo học. Đó là lý do mà công tác tổ chức thực tập và kiến tập luôn được các trường coi trọng với hệ số tính điểm cao. 

T4 A Trung 23 4 1

Kiến tập và thực tập giúp các giáo sinh có thêm nhiều kiến thức, trãi nghiệm quí báu trong dạy học trong môi trường thực tế. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các bạn thể hiện tài năng và tích lũy kinh nghiệm chuyên môn. Trong quá trình thực tập hoặc kiến tập, giáo sinh có cơ hội quan sát cách các giáo viên xử lý nhiều tình huống khác nhau trong lớp học. Đó là kỹ năng quan trọng cần được bổ sung để giúp việc đứng lớp hiệu quả hơn. 

Ngoài ra, thực tập sư phạm giúp các giáo sinh vận dụng lý thuyết mình đã học thông qua các tình huống trong lớp. Điều này đồng thời giúp giáo sinh ghi nhớ kiến thức hiệu quả hơn, tạo nên thái độ tích cực trong công việc.  

Gắn lý thuyết với thực tiễn trong đào tạo sinh viên ngành sư phạm

Thực tập sư phạm giúp giáo sinh hoàn thiện cơ sở lý thuyết thực tế và quy trình đào tạo. Từ đó, sinh viên hiểu hơn về khả năng của mình trong khi giáo viên cũng có thể đánh giá năng lực của sinh viên. Đồng thời, quá trình thực tập tạo cơ hội cho giáo sinh xây dựng các mối quan hệ ngoài trường học. Đây là thời gian mà sinh viên cần tận dụng để làm quen với các anh chị đồng nghiệp, học hỏi và tạo cơ hội trở thành đồng nghiệp sau này. Những biểu hiện tốt trong quá trình thực tập cũng tạo cơ hội để giáo sinh trở thành giáo viên chính thức sau tốt nghiệp. 

Xây dựng tình yêu nghề, yêu học trò

T4 A Trung 23 4 2

Nghề giáo không phải là nghề trải hoa hồng mà là một nghề vô cùng cực khổ. Thực tập sẽ là cơ hội giúp các bạn có thể vun đắp tình yêu đối với công việc, với học trò của mình. Qua mỗi lần đứng lớp, mỗi lần nói chuyện với học trò, mỗi tình huống cần giải quyết thì các bạn sẽ có thêm tình yêu đối với nghề giáo, đối với học trò.

Trong những năm qua sau mỗi đợt thực tập Sư phạm, nhiều sinh viên của Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh được đơn vị tiếp nhận thực tập đánh giá cao và nhiều bạn trong số đó đã được tiếp nhận công tác sau khi tốt nghiệp. Những kết quả đó một lần nữa khẳng định uy tín trong công tác đào tạo sinh viên ngành Sư phạm của Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh. Khoa Sư phạm luôn là điểm đến tuyệt vời để các bạn trẻ yêu thích nghề giáo rèn đức, luyện tài trau dồi tri thức lý thuyết và kỹ năng nghề nghiệp, thỏa mãn mơ ước trở thành người giáo viên trong tương lai.