Sáng ngày 5/6/2024, Lễ bảo vệ Khóa luận tốt nghiệp của sinh viên K13 Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học đã diễn ra trong không khí hân hoan của thầy và trò khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh.
Khóa luận tốt nghiệp của sinh viên là một báo cáo hoặc nghiên cứu độc lập được thực hiện và trình bày bởi sinh viên nhằm đạt được yêu cầu tốt nghiệp của khóa học. Đây chính là thành quả tri thức, công sức của sinh viên, là kết quả phấn đấu trong suốt 4 năm đại học. Không chỉ đánh giá về kiến thức và kỹ năng mà đây còn là cơ hội cho sinh viên công bố kết quả nghiên cứu của mình, giúp các em vững vàng hơn trong quá trình làm việc sau khi tốt nghiệp.
Năm nay, lễ bảo vệ khoá luận tốt nghiệp được chia thành 02 Hội đồng, bao gồm: Hội đồng ngành Giáo dục mầm non gồm 4 đề tài của sinh viên K13 GDMN, Hội đồng ngành Giáo dục Tiểu học gồm 14 đề tài của sinh viên K13 GDTH, chia làm 3 tiểu ban. Đây là năm học có số sinh viên làm khóa luận đông nhất từ trước tới nay.
Mở đầu buổi lễ, TS. Lê Văn An, Trưởng khoa Sư phạm phát biểu khai mạc và gửi lời động viên, chúc mừng đến các em sinh viên đã cố gắng nỗ lực học tập và đủ điều kiện để bảo vệ khóa luận. Thầy cũng ghi nhận những thành tích học tập, hoạt động phong trào, hoạt động cộng đồng mà sinh viên Khoa Sư phạm đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, thầy cũng chỉ đạo các Hội đồng đánh giá KLTN thực hiện nghiêm túc theo đúng quy trình, đánh giá công tâm, khách quan và tạo tâm lý thoải mái, cởi mở cho các sinh viên hoàn thành tốt báo cáo khóa luận.
Các đề tài KLTN của sinh viên rất đa dạng, gồm nhiều lĩnh vực như Toán học, Văn học, đạo đức, sinh học,...và phù hợp với chuyên ngành đào tạo.... Với sự cố gắng học tập, nghiêm túc trong quá nghiên cứu khoa học, các sinh viên đều tự tin trình bày KLTN của mình, trả lời tốt các câu hỏi của Hội đồng đánh giá KLTN. Mỗi báo cáo KLTN đều khẳng định cho những kiến thức lý luận và thực tiễn cũng như kỹ năng vững chắc mà các em đã tích lũy trong suốt thời gian học tập và rèn luyện tại Trường. Các thành viên trong hội đồng đã nhận xét, đóng góp ý kiến và có hướng dẫn cụ thể giúp sinh viên sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện tốt KLTN của mình..
Sau thời gian làm việc nghiêm túc của các thành viên Hội đồng và của sinh viên tham gia bảo vệ, lễ Bảo vệ KLTN cho sinh viên đại học Khóa 13 của khoa Sư phạm đã kết thúc thành công tốt đẹp với tinh thần hân hoan, phấn khởi của tất cả thầy cô và sinh viên. Mong rằng buổi lễ sẽ là dấu mốc quan trọng tiếp thêm tự tin cho các thầy cô giáo tương lai vững bước vào đời, góp phần vào công cuộc phát triển của đất nước và xã hội. Những tri thức của ngày hôm nay sẽ trở thành hành trang giúp các bạn tiếp tục theo đuổi ước mơ trên con đường đã lựa chọn.
Những ngày hè đã đến, Thầy trò chúng mình sau gần một năm miệt mài đèn sách với những trang giáo án, những giờ lên lớp, những kỳ thi với nhiều đêm thức trắng… giờ đây chẳng gì có thể làm khó chúng ta nữa! Chúng ta sẽ có một khoảng thời gian tuyệt vời để thư giãn, để làm những việc mong muốn cho mình và những người thân yêu. Trong tâm thế đó, mình xin gửi đến mọi người một bài viết, không phải là chuyên môn cũng không phải là tin tức.. mà là một câu chuyện nhỏ - câu chuyện về các loài hoa trong một khu vườn. Mời các bạn đón đọc và cùng thư giãn!
Những giọt nước mắt của Hồng Bạch
Trong vườn, Hồng Bạch nào có thua kém ai, Xu Xi này, Cúc Đại Đoá này, Cẩm Chướng này, Phăng này… bao giờ cũng nhìn chị với một vẻ thèm muốn. Chị đẹp - một vẻ đẹp thanh cao, trinh bạch, đến cả Hồng Nhung kiêu sa, lộng lẫy là thế mà cũng phải thốt lên:
- Hồng Bạch ơi! Chị đẹp thế! Chị sướng thế! Cứ nhìn cô chủ sáng nào cũng đến bên chị trước tiên để chăm sóc, tỉa tót chị mà chúng em phát thèm lên đấy. Thông cảm với Hồng Nhung, Hồng Bạch an ủi:
- Thế cả thôi mà em, chẳng qua là chị ở gần lối đi nên cô chủ qua chỗ chị trước thôi.
- Ứ đâu! Hồng Nhung nũng nịu - cô chủ đâu có quý chúng em như chị. Chẳng phải vô tình mà hôm đưa chúng mình về đây cô lại chọn cho chị cái chỗ ấy.
- Nào thôi em, cùng một loài hoa cả, chị có hơn gì em đâu - Hồng Bạch mỉm cười khẽ nói.
Thực ra, thâm tâm Hồng Bạch vẫn biết, trong khu vườn Hồng Bạch được cô chủ yêu mến nhất. đáp lại tình yêu ấy, Hồng Bạch chăm chỉ làm việc để có nhiều hương thơm. Hương thơm của Hồng Bạch làm vui lòng cô chủ. Hương thơm đó còn toả ra khắp khu vườn, dịu dàng đến bên các khóm hoa, quyện vào, tạo nên những hương sắc riêng dễ chịu. Bởi vậy, cả khu vườn ai ai cũng một lòng mến yêu, ngưỡng mộ Hồng Bạch. Nhưng Hồng Bạch vẫn chưa bằng lòng với hạnh phúc đó mà trong niềm sâu lắng, vẫn thầm nén một nỗi buồn, đúng hơn là một chút lòng dỗi hờn ghen tỵ
Số là, sát hiên nhà cô chủ có một cái bồn rất đẹp, nó thường được chăm sóc chu đáo, quét vôi trắng tinh. Đó là ngôi nhà sang trọng của cô Quỳnh diễm kiều, đài các.
Quỳnh lặng lẽ ít nói. Cô chỉ nở hoa vào đêm. Những đêm Quỳnh nở hoa là những đêm hội của gia đình cô chủ. Khách khứa bạn bè của họ ngồi quanh bồn Quỳnh, rượu, thuốc, bánh kẹo… được bày ra, họ vừa nhấm nháp, vừa trò chuyện, chờ đón sự ra đời của những bông hoa hiếm hoi quý giá.
Hồng Bạch thao thức lắm vào những đêm như thế…
Ừ thì cô chủ nuông chiều, chăm sóc mình đấy, nhưng thử hỏi có bao giờ cô quan tâm, chờ đón những nụ Hồng Bạch đến thế đâu?
Còn đêm nay… chà! Toàn là khách quý!
Khẽ thở dài, Hồng Bạch mang trong lòng một nỗi ghen tỵ.
Vào một đêm như thế, khi mọi người đã đi ngủ, không nén nổi, Hồng Bạch đến bên cô Quỳnh và khẽ hỏi: Cô Quỳnh ơi, cô làm sao mà được mọi người quan tâm, yêu mến lắm vậy. Em muốn được như cô lắm!
Quỳnh mỉm cười, lắc đầu buồn bã. Rồi theo những ngón tay thon dài của cô, Hồng Bạch thấy những bông Quỳnh trắng nuốt, nhựa ứa còn tươi, nằm xếp dài, rũ ruợi trong một chiếc rá nhựa.
Chao ôi! Hồng Bạch rú lên đau đớn. Phút ấy nó chợt hiểu: thế nào là món canh hoa Quỳnh mà gia đình cô chủ thường nhắc.
Đêm ấy, Hồng Bạch ở lại bên cô Quỳnh. Ngôi nhà sang trọng mà một thời nó hằng mơ ước, trong đêm mới lạnh lẽo, đơn chiếc làm sao. Hồng Bạch khóc, khóc ròng suốt đêm. Những giọt nước mắt xót xa, thương thân Quỳnh và những giọt nước mắt cho lòng hối hận…
Sáng ra, những giọt nước mắt còn đọng lại, long lanh trên khoé mắt.
Chiều ngày 07/05/2024 trong không khí trang trọng và tập trung, Chi bộ Khoa Sư Phạm của Trường Đại học Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc gặp mặt giữa Đảng viên Sinh viên, các cán bộ lớp với đồng chí Lê Văn An – Bí thư chi bộ, Trưởng khoa Sư phạm. Cuộc họp không chỉ giúp trao đổi thông tin mà còn là cơ hội để thảo luận sâu về các vấn đề quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả các phong trào hoạt động của sinh viên trong khoa, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chi bộ đề ra.
Tại buổi gặp mặt, Đồng chí Bí thư chi bộ đã nhấn mạnh việc xây dựng tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc của các đảng viên, khuyến khích tất cả các đồng chí đảng viên nắm bắt tinh thần "nói đi đôi với làm" để đảm bảo khả năng thực thi mạnh mẽ, quyết liệt các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cuộc họp cũng đề cập đến việc nâng cao chất lượng học tập thông qua việc khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, học tập tại thư viện và sáng tạo trong mọi lĩnh vực. Các đề xuất cụ thể đã được đưa ra để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tiếp cận nguồn tư liệu và thông tin học thuật.
Cuộc gặp mặt của Bí thư Chi bộ khoa Sư phạm với đảng viên sinh viên
Một trong những nội dung quan trọng của cuộc họp là việc thúc đẩy các hoạt động phong trào học tập và rèn luyện. Các đồng chí đảng viên được khích lệ tham gia vào các câu lạc bộ, tổ chức và hoạt động ngoại khóa để phát triển kỹ năng mềm, sự tự tin và khả năng làm việc nhóm, kỹ năng nghiệp vụ nghề nghiệp. Để tạo ra một môi trường học tập và sống đầy sáng tạo và truyền cảm hứng, việc phát triển văn hóa và văn nghệ là không thể thiếu. Các đồng chí đảng viên được khuyến khích tham gia vào các hoạt động văn hóa, sân khấu và trình diễn nghệ thuật để thể hiện cá tính và tạo ra sự kết nối với cộng đồng, tạo môi trường phát triển bản kỹ năng nghề nghiệp của bản thân.
Trong bối cảnh môi trường học thuật và xã hội đang thay đổi liên tục, việc phát triển Đảng và Đoàn đặt ra nhiều thách thức mới. Qua nhiều giờ trao đổi, cuộc họp đi đến quyết định đề xuất thành lập các câu lạc bộ: CLB Đảng viên sinh viên, CLB Toán học, CLB sinh viên nghiên cứu khoa học. Các câu lạc bộ này sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên và chuyên gia, đồng thời tạo ra một không gian để thảo luận và đề xuất các hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy phong trào sinh viên.
Trong cuộc họp này, đồng chí Bí thư chi bộ đã giao cho giảng viên TS. Nguyễn Văn Ái chủ nhiệm câu lạc bộ lạc bộ Đảng viên sinh viên, các Đảng viên: Lê Nguyễn Khánh Vy và Võ Thị Hiền làm phó chủ nhiệm. Đồng chí bí thư cũng yêu cầu câu lạc bộ duy trì sinh hoạt 01 lần/tháng nhằm trao đổi về công tác Đảng, tham mưu cho chi bộ các hoạt động để lãnh đạo tốt Liên chi đoàn và phong trào đoàn thanh niên Khoa Sư phạm.
Đồng chí Bí thư cũng giao nhiệm vụ thành lập các Câu lạc bộ Toán học, Câu lạc bộ sinh viên NCKH và giới thiệu các nhân sự chủ chốt làm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm câu lạc bộ.
Tin tưởng rằng sau cuộc họp này sẽ có những động lực mới để phong trào sinh viên NCKH, rèn luyện NVSP, Olimpic Toán học, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và công tác phát triển Đảng của chi bộ Khoa Sư phạm sẽ có bước phát triển mới tốt hơn nữa.
Tháng 5 luôn có một ngày đặc biệt, ngày ý nghĩa, dường như trong như trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến, đó là ngày sinh của vị lãnh tụ kính yêu mà dân tộc Việt Nam vẫn gọi thân thương với hai tiếng “ Bác Hồ”, người một đời bôn ba vì độc lập, tự do của dân tộc. Ngày19/5/1890 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc, sự ra đời của chủ tịch Hồ Chí Minh là khởi đầu cho một sự thay đổi lớn của dân tộc Việt Nam.
Người một đời giản dị, cần mẫn, hi sinh vì đất nước, vì dân, vì ngày mai tươi sáng hơn cho muôn thế hệ sau. Đó là ước mơ cháy bỏng cả cuộc đời người. Người đã từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là đất nước ta được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm no áo mặc ai cũng được học hành”. Điều vĩ đại ở Bác chính là cuộc đời Người đã dành tình thương vô hạn đối với nhân dân, đối với cụ già, em nhỏ, với chiến sỹ, từ miền xuôi đến miền ngược, mỗi tầng lớp như nằm riêng một ngăn nơi trái tim bao la yêu thương của Người. Ai ai cũng được Bác coi như cháu con của một gia đình đầm ấm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta, sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời.
Cờ vẫn tung bay, người vẫn qua lại, mặt trời đi qua trên Lăng sẽ mãi luôn chứng kiến một mặt trời trong Lăng chói lọi ánh sáng của Độc lập và Tự do. Tuy Bác đã đi xa, nhưng mỗi người dân Việt Nam, bạn bè của nhân dân Việt Nam đều cùng chung một tình cảm. Bác Hồ vẫn đời đời sống mãi cùng non sông, đất nước và bạn bè khắp nơi. Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bày tỏ tình cảm, sự tri ân sâu sắc đối với công lao vĩ đại của vị lãnh tụ kính yêu, nguyện mãi mãi đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Là một sinh viên, chúng tôi luôn luôn ý thức được tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Luôn trau dồi tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cố gắng phấn đấu không ngừng để cống hiến cho đất nước và để xứng đáng là con cháu Bác Hồ.
Chiều ngày 02/5, Tổ Sinh - Địa, Khoa Sư phạm đã triển khai tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho sinh viên. Buổi tập huấn là một hoạt động chuyên môn đã được Tổ Sinh - Địa lên kế hoạch từ đầu năm; đồng thời đây cũng là một phần trong quá trình triển khai đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2024. “Nghiên cứu thực trạng và nhu cầu đào tạo sơ cấp cứu của sinh viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh”. Đối tượng tập huấn lần này là sinh viên lớp K14A Giáo dục Mầm non.
Thầy giáo Biện Văn Quyền - chia sẻ tại buổi tập huấn
Thầy giáo Biện Văn Quyền đã phát biểu nêu rõ vai trò, ý nghĩa của hoạt động cấp cứu ban đầu trong đời sống nói chung cũng như trong trường học hiện nay. Đặc biệt, với các trường tiểu học, trường mầm non hiện không còn duy trì biên chế cán bộ y tế học đường. Học sinh ở các bậc học này khá hiếu động, và cũng dễ tổn thương khi tham gia các hoạt động. Vì thế, việc trang bị kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho sinh viên các ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học là rất cần thiết.
Bạn Nguyễn Thị Cúc hướng dẫn từng thao tác kỹ thuật: Hà hơi thổi ngạt và ép tim lồng ngực
Bạn Nguyễn Thị Cúc - Lớp K13 Giáo dục Tiểu học, trưởng nhóm nghiên cứu khoa học sinh viên “Nghiên cứu thực trạng và nhu cầu đào tạo sơ cấp cứu của sinh viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh” cùng với các thành viên trong nhóm đã chia sẻ các kỹ năng cơ bản trong sơ cấp cứu ban đầu. Đồng thời, hướng dẫn trực tiếp cho sinh viên các nhóm của lớp K14A Giáo dục Mầm non thao tác cụ thể để thực hành. Mỗi động tác phải được thực hiện chính xác, lặp lại đủ tần suất, phù hợp với từng tình huống và độ tuổi của đối tượng.
Sinh viên K14A Giáo dục Mầm non thực hành kỹ thuật sơ cứu Ép bụng - Heimlich
Bạn Nguyễn Thị Sang Sang - Lớp K14A Giáo dục Mầm non hồ hởi chia sẻ: Mặc dù đã từng nghe nói đến các kỹ năng sơ cấp cứu, cũng như hiểu được tầm quan trọng của các kỹ năng này. Tuy nhiên, bản thân chưa từng được trải qua bất cứ khoá tập huấn nào. Buổi tập huấn hôm nay là lần đầu tiên bản thân được trải nghiệm, được thực hành các thao tác sơ cấp cứu. Nghe hướng dẫn thì không khó, nhưng thao tác đúng thì không dễ. Phải tập sự chú ý các thao tác của Thầy hướng dẫn và các chị, và trực tiếp lặp đi lặp lại nhiều lần mới có thể làm được. Hi vọng rằng năm sau sẽ có nhiều buổi tập huấn như vậy.
Sinh viên thực hành kỹ thuật hà hơi thổi ngat
Thời gian tới, Tổ Sinh - Địa dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện các nội dung tập huấn khác cho các lớp của Khoa. Mục tiêu hướng đến, tất cả sinh viên Khoa Sư phạm đều được trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu.