foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Ngày 06/09/2024, Trường Đại học Hà Tĩnh đón chào tân sinh viên đến làm thủ tục nhập học. Trong không khí đó, Sinh viên K17 khoa Sư Phạm cũng nô nức, rộn ràng trong ngày đầu tới trường.

Sáng ngày 06/09/ 2024, tại Trường Đại học Hà Tĩnh (HTU), không khí trở nên vô cùng  sôi động khi các tân sinh viên háo hức hoàn thành các thủ tục nhập học, chính thức ghi danh trở thành sinh viên của trường. Đây là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình học tập và trải nghiệm mới mẻ tại ngôi trường Đại học Hà Tĩnh thân yêu.

T9 Tinh 6 9 1

Các em sinh viên làm thủ tục nhập học

Trường Đại học Hà Tĩnh đã thực hiện những bước chuẩn bị chu đáo từ nhiều ngày trước để đảm bảo quá trình nhập học diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Nhà trường không chỉ chú trọng đến việc lên kế hoạch kỹ lưỡng mà còn phổ biến quy trình nhập học một cách chi tiết trên các phương tiện thông tin, giúp tân sinh viên và gia đình nắm bắt đầy đủ thông tin cần thiết. Các bảng hướng dẫn, sơ đồ chỉ dẫn, và thông tin công khai về các khoản thu đều được chuẩn bị cẩn thận và sắp xếp một cách khoa học để giảm bớt sự bỡ ngỡ cho tân sinh viên. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo, cán bộ hỗ trợ  sẵn sàng giải đáp tất cả các thắc mắc, giúp học sinh có thêm nhiều thông tin hữu ích về các ngành đào tạo, phương thức xét tuyển của trường. Các đội, nhóm sinh viên tình nguyện cũng hỗ trợ, chỉ dẫn các bước nhập học, tìm kiếm phòng trọ, liên hệ các tổ chức cần thiết…

T9 Tinh 6 9 2

Các thầy cô và anh chị sinh viên tình nguyện đón tiếp tân sinh viên

Sau các bước làm thủ tập nhập học theo quy định, tân sinh viên về khoa và nhận kế hoạch học tập. Tại khoa các em được các thầy cô Ban chủ nhiệm khoa cùng các giảng viên trò chuyện tâm sự, hướng dẫn nhiệt tình các điểm cần lưu ý và kế hoạch sinh hoạt, học tập trong thời gian tới.

T9 Tinh 6 9 3

Các thầy cô và anh chị sinh viên tình nguyện đón tiếp tân sinh viên

Dù còn nhiều bỡ ngỡ khi lần đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, các em đều thể hiện rõ niềm vui và sự háo hức khi chính thức trở thành tân sinh viên HTU. Chúc mừng các em đã vượt qua gần 700 thí sinh khác để trở thành tân Sinh viên khoa Sư Phạm; chúc các em học tập, nghiên cứu tốt và có thật nhiều trải nghiệm quý giá dưới mái nhà Khoa Sư Phạm thân yêu.

Khoa Sư phạm - Trường Đại học Hà Tĩnh vui mừng chào đón các bạn tân sinh viên K17 ngành Giáo dục Tiểu học nhập học. Đây là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời các bạn, đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình học tập và trưởng thành đầy hứa hẹn. Để việc nhập học của bạn được trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn, tân sinh viên nên dành thời gian đọc kỹ những lưu ý sau đây.

T9 Quuyen 3 9 11

1. Hồ sơ và các giấy tờ cần chuẩn bị

- Giấy báo nhập học của Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Hà Tĩnh (bản photo có công chứng);

- Đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt (Dành cho thí sinh có đăng ký theo chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm tại Nghị định số: 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020);

- Lý lịch học sinh - sinh viên (theo mẫu Bộ GD-ĐT) có xác nhận của chính quyền địa phương;

- Bằng tốt nghiệp THPT (bản photo công chứng) hoặc Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (nếu tốt nghiệp THPT năm 2024); Học bạ (bản photo có công chứng);

- Giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (bản gốc) nếu trúng tuyển bằng điểm thi TN THPT 2024

- Giấy khám sức khỏe do bệnh viện tuyến huyện trở lên cấp (nếu có);

- Những anh (chị) thuộc diện được ưu tiên phải nộp các giấy tờ liên quan (các giấy tờ này có một bản photo công chứng và bản chính - gốc để kiểm tra);

- Thẻ căn cước công dân (02 bản photo có công chứng);

- Bản sao giấy khai sinh (02 bản);

- 06 ảnh màu cỡ 2x3.

  1. Những lưu ý khi làm hồ sơ, giấy tờ

- Giấy báo nhập học của Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Hà Tĩnh (bản photo có công chứng);

Nhà trường đã gửi giấy báo qua đường bưu điện. Sau khi nhận được, bạn nên photo 4-5 tờ, mang lên UBND hoặc văn phòng công chứng để chứng thực. Nhà trường sẽ thu 1 bản photo có dấu công chứng, các tờ còn lại bạn nên cất giữ để sau này cần khi thực hiện các thủ tục khác liên quan đến cư trú hoặc học bổng.

Nếu bạn đã trúng tuyển nhưng chưa nhận được giấy báo, bạn vẫn đến Trường nhập học bình thường. Nhà trường sẽ cấp bổ sung cho bạn.

- Đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt (Dành cho thí sinh có đăng ký theo chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm tại Nghị định số: 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020);

Đơn này được gửi kèm trong giấy báo trúng tuyển ngành Giáo dục tiểu học. Bạn hoàn thành đơn với các thông tin cá nhân. Phần tên lớp bạn ghi Lớp: Giáo dục Tiểu học, khoá: 17, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh.

- Lý lịch học sinh - sinh viên (theo mẫu Bộ GD-ĐT) có xác nhận của chính quyền địa phương;

T9 Quuyen 3 9 2

Lý lịch này được bán trong túi hồ sơ (thường là màu vàng), trên đó có ghi rõ “Lý lịch học sinh, sinh viên”.  Trong túi hồ sơ có 2 tờ lý lịch, bạn chỉ cần hoàn thiện 1 tờ, ký và mang lên UBND phường/ xã để đóng dấu xác nhận. Quá trình viết nếu có sai chính tả có thể gạch bỏ/ tẩy để viết lại.

- Bằng tốt nghiệp THPT (bản photo công chứng) hoặc Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (nếu tốt nghiệp THPT năm 2024); Học bạ (bản photo có công chứng);

Nếu bạn tốt nghiệp THPT năm 2024, bạn cần nạp bản gốc Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; Nếu bạn tốt THPT trước năm 2024 bạn cần nạp Bản photo có công chứng Bằng tốt nghiệp THPT.

Học bạ có thể nạp bản photo có công chứng hoặc bản gốc (nếu bạn có nhiều bản gốc).

- Giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (bản gốc) nếu trúng tuyển bằng điểm thi TN THPT 2024

Trường hợp bạn trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, bạn cần nạp bản gốc Phiếu/ giấy chứng nhận kết quả thi.

Trường hợp bạn trúng tuyển bằng xét điểm học bạ thì không cần.

- Giấy khám sức khỏe do bệnh viện tuyến huyện trở lên cấp (nếu có);

Giấy khám sức khoẻ phải do bệnh viện tuyến huyện hoặc tương đương, có dán ảnh đóng dấu giáp lai.

Nếu không thuận tiện để đi xin giấy này, bạn sẽ nạp tiền để được khám tập trung tại trường, mức tiền được ghi trong giấy báo nhập học.

- Những anh (chị) thuộc diện được ưu tiên phải nộp các giấy tờ liên quan (các giấy tờ này có một bản photo công chứng và bản chính - gốc để kiểm tra);

Nếu bạn thuộc diện ưu tiên, như: Con dân tộc, con chính sách, gia đình hộ nghèo, cận nghèo,... bạn cần photo công chứng giấy tờ liên quan và mang theo bản chính để đối chiếu.

- Thẻ căn cước công dân (02 bản photo có công chứng);

Đối với sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học, bạn cần làm 2 bản photo căn cước có công chứng. Trong đó, 1 bản sẽ được lưu hồ sơ nhập học và bản làm thủ tục liên quan Nghị định 116 của Chính phủ.

- Bản sao giấy khai sinh (02 bản);

Bản sao giấy khai sinh do UBND xã cấp. Bạn đừng nhầm lẫn với bản photo nhé!

T9 Quuyen 3 9 3

- 06 ảnh màu cỡ 2x3.

Ảnh cần được chụp trong vòng 6 tháng. Nền xanh hay trắng đều được, Phía sau ảnh cần ghi rõ: Họ tên, ngày sinh, số điện thoại và ngành học

  1. Các khoản tiền cần chuẩn bị

- Tiền ở ký túc xá (phòng ở ký túc xá có công trình phụ khép kín, chưa bao gồm tiền điện, nước) nếu anh chị đăng ký ở kí túc xá:

+ Phòng 8 giường: 100 000đ/SV x 5 tháng: 500.000 đồng

+ Phòng 6 giường: 134 000đ/SV x 5 tháng: 670.000 đồng

+ Phòng 4 giường: 200 000đ/SV x 5 tháng: 1.000.000 đồng

- Thẻ sinh viên, thẻ thư viện (thu cả khóa học): 50.000 đồng

- Tiền vệ sinh (thu 01 kỳ: 50.000 đồng

- Tiền khám sức khỏe (đối với SV chưa có Giấy khám sức khỏe do bệnh viện tuyến huyện trở lên cấp): 380.000 đồng

- Tiền bảo hiểm y tế (bắt buộc, thu 15 tháng): 1.105.650 đồng

- Tiền bảo hiểm HSSV (tự nguyện, 1 năm, công ty bảo hiểm thu): 100.000 đồng

Các khoản tiền này tốt nhất là bạn chuyển khoản vào số tài khoản của Trường: Trường Đại học Hà Tĩnh, số TK 0201006677888 - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Hà Tĩnh (VCB). Khi chuyển khoản phải ghi rõ họ và tên, ngày sinh, ngành học. Trường hợp bạn mang tiền mặt đến cũng sẽ có bộ phận thu nhận.

  1. Những bước nhập học

Bước 1: Nhận tích kê số thứ tự nhập học tại bàn trước Hội trường;

Bước 2: Ngồi chờ ở trong Hội trường cho đến khi có cán bộ hướng dẫn gọi lên bàn nhập học;

Bước 3: Nộp học phí vào tài khoản nhà trường hoặc nộp tiền trực tiếp cho cán bộ thu ngân;

Bước 4: Nộp hồ sơ nhập học cho cán bộ thu hồ sơ nhập học;

Bước 5: Về khoa nhập khoa và nhận kế hoạch học tập. Khoa Sư phạm (ngành Giáo dục tiểu học): Tầng 6, nhà 15 tầng;

Bước 6: Làm thủ tục nhận phòng Ký túc xá (nếu ở ký túc xá): phòng 101, nhà A3, khu Ký túc xá.

  1. Về di chuyển đến Trường Đại học Hà Tĩnh

Trường Đại học Hà Tĩnh toạ lại cạnh Ngã Tư đường tránh - phía nam thành phố Hà Tĩnh. Bạn ở ngoại tỉnh có thể chọn xe khách liên tỉnh hoặc xe buýt đến Trường. Đội Sinh viên tình nguyện sẽ hỗ trợ xe ôm đưa đón miễn phí trong ngày nhập học.

  1. 6. Đăng ký chỗ ở

Trường có 6 ký túc xá, mỗi toàn 5 tầng, nằm ngay trong khuôn viên trường. Mỗi phòng có thể ở 4-6-8 người. Ký túc xá có mức giá rẻ, tính theo học kỳ (5 tháng), mỗi bạn chỉ phải đóng  500.000 đồng/ học kỳ (với phòng 8 người); 670.000 đồng/ học kỳ (với phòng 6 người) và  1.000.000 đồng/ học kỳ (với phòng 4 người).

Bạn có thể mang giấy báo nhập học đến đăng ký phòng ký túc xá từ 4/9, vào các giờ hành chính, tại phòng 101, nhà A3, khu Ký túc xá.

Bạn cũng có thể chọn nhà trọ, hiện tại chúng tôi có dữ liệu nhà trọ khu vực gần trường ở link kèm theo. Bạn ở trọ cần thực hiện hợp đồng thuê. Trước khi ký hợp đồng thuê trọ, bạn cũng nên tìm hiểu kỹ càng các chi phí thuê trọ, tiền điện, nước và các khoản phát sinh khác, đồng thời nói chuyện với chủ trọ về các yếu tố giờ giấc (giờ khóa cổng,…). Nếu có hợp đồng thuê nhà, sinh viên chú ý đọc kỹ và thảo luận với chủ nhà để bảo vệ quyền lợi cho bản thân.

Link nhà trọ: https://docs.google.com/spreadsheets/d/1EhgUxGtLy_dw2ugRA7NuCXBqpfFUq8ucGSl2Z1tU1iA/edit?usp=sharing

Lời kết

Bước vào môi trường đại học, các em sẽ có cơ hội tiếp cận với những kiến thức mới, kỹ năng mới và đặc biệt là được gặp gỡ, giao lưu với những người bạn mới, những thầy cô đầy kinh nghiệm và tâm huyết. Tôi tin rằng, với tinh thần ham học hỏi, sự năng động và sáng tạo của tuổi trẻ, các bạn sẽ tận dụng tốt những cơ hội này để phát triển bản thân, trở thành những công dân toàn diện và có ích cho xã hội.

Nhưng bên cạnh đó, cuộc sống đại học cũng sẽ có những thử thách mới, đòi hỏi các bạn phải biết tự lập, tự quản lý thời gian và tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Tôi hy vọng rằng, các bạn sẽ luôn giữ vững tinh thần cầu tiến, không ngừng học hỏi và không ngừng phấn đấu để vượt qua mọi khó khăn.

Chúng tôi sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các bạn trên con đường học tập và phát triển. Trường chúng ta không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức, mà còn là một gia đình lớn, nơi các bạn sẽ được yêu thương, chăm sóc và tạo điều kiện tốt nhất để phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Cuối cùng, xin gửi lời chúc đến các bạn tân sinh viên. Chúc các bạn sẽ có những năm tháng học tập thật ý nghĩa và đầy kỷ niệm đẹp tại ngôi trường này. Chúc các bạn thành công và đạt được mọi mục tiêu mà mình đã đề ra!

KHOA SƯ PHẠM - TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ TĨNH

 Website: https://nse.htu.edu.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/KhoaSuphamHTU

 Địa chỉ: Tầng 6, Nhà 15 tầng, Trường Đại học Hà Tĩnh,

(Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)

 Điện thoại: 0967.783.783

 

 

Mỗi khi tháng Tám về, trái tim của mỗi người dân Việt Nam lại bồi hồi, xúc động khi nhớ về những ngày lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là những ngày đầy hào hùng và oai phong, khi cả dân tộc cùng nhau đứng lên, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, tự do và hạnh phúc.

Nhớ lại những ngày ấy, chúng ta không thể quên được khí thế sục sôi của toàn dân. Từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi, từ thành thị đến nông thôn, khắp nơi đều vang lên tiếng hô vang đòi độc lập, tự do. Đoàn quân cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiến lên với một niềm tin sắt đá, một ý chí kiên cường. Trong không khí rạo rực ấy, nhân dân Hà Nội đã mở đầu cuộc tổng khởi nghĩa vào ngày 19 tháng 8, rồi lan tỏa mạnh mẽ khắp cả nước, tạo nên một làn sóng cách mạng không gì có thể ngăn cản.

T8 Hang 16 8 1

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không chỉ đánh dấu sự sụp đổ của chế độ thực dân phong kiến mà còn khẳng định sức mạnh vô song của tinh thần đoàn kết toàn dân. Đó là niềm tin và lòng quyết tâm của những người nông dân chân chất, của những người công nhân cần cù, của những thanh niên yêu nước, và của hàng triệu con tim Việt Nam cùng hòa chung một nhịp đập, cùng hướng về một mục tiêu cao cả.

Chúng ta hôm nay sống trong hòa bình, được hưởng những thành quả to lớn của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Những con đường thênh thang, những tòa nhà cao tầng, những thành tựu về khoa học kỹ thuật và giáo dục đều là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của toàn dân. Nhưng bên cạnh niềm tự hào đó, chúng ta không thể quên đi những hy sinh to lớn của bao thế hệ cha ông. Họ đã ngã xuống cho ngày hôm nay chúng ta được đứng vững và tiếp tục xây dựng một Việt Nam hùng mạnh.

T8 Hang 16 8 2

Ngày 19/8 đánh dấu sự thành công của Cách mạng Tháng Tám

Kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám, chúng ta không chỉ tưởng nhớ đến những người đã hy sinh, mà còn tự nhắc nhở mình về trách nhiệm đối với đất nước. Trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ đi trước. Cách mạng Tháng Tám không chỉ là một sự kiện lịch sử mà còn là nguồn động lực mạnh mẽ cho mỗi người dân Việt Nam. Hành trình vinh quang này đã chứng minh rằng, khi toàn dân đồng lòng, không gì là không thể. Chúng ta tự hào về quá khứ vẻ vang và quyết tâm xây dựng một tương lai rực rỡ hơn cho dân tộc, như một cách tri ân những người đã hy sinh và đóng góp cho nền độc lập, tự do của nước nhà.

Trong những phút giây lắng đọng của ngày kỷ niệm, hãy để lòng mình trở về với quá khứ, để cảm nhận sâu sắc hơn những gian khổ, những hy sinh và cả niềm vui sướng tột cùng của ngày cách mạng thành công. Hãy để lòng mình tràn ngập niềm tự hào, để từ đó, chúng ta có thêm động lực, thêm niềm tin và thêm lòng quyết tâm tiếp bước trên con đường mà cha ông đã mở ra. Để mỗi ngày qua đi, chúng ta lại góp thêm một phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng một Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh và hùng cường.

Ngày 19/8 hàng năm không chỉ là ngày đại thắng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 hào hùng và vinh quang mà ngày 19/8 còn là ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam.

Vào ngày 19/8 của 79 năm trước (năm 1945) là cột mốc đáng nhớ của lịch sử dân tộc ta, mở ra một thời kỳ mới của đất nước. Đó là những ngày đầy hào hùng và khí thế sục sôi khi cả dân tộc cùng đứng lên hô vang khẩu hiệu đòi độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiến lên với một niềm tin sắt đá, một ý chí kiên cường. Trong không khí rạo rực ấy, các cơ quan đầu não của Đảng ta đã họp bàn và phát lệnh Tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc. Sáng 19/8/1945, quân dân ta kéo về Nhà hát lớn Hà Nội thực hiện cuộc mít tinh với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử và làm chủ Hà Nội nhanh chóng. Thắng lợi tại khu vực này đã trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh cho các cuộc đấu tranh, giải phóng ở các tỉnh thành khác.

T8 Hang 16 8 1

Khi đó, lực lượng vũ trang Sở Liêm phóng ở Bắc Bộ, Sở trinh sát ở Trung Bộ, Quốc gia tự vệ cuộc ở Nam Bộ, tuy tên gọi khác nhau nhưng đều có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. Đây cũng chính là tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam. Vì vậy, ngày 19/8 cũng là ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam và là ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

T8 Hang 16 8 3

Ngày 19/8 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam

Như vậy, ngày 19/8 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta khi đánh dấu sự thành công của cách mạng Việt Nam, đập tan sự áp bức bóc lột gần một thế kỷ của thực dân Pháp, chấm dứt chế độ phong kiến và lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và đây còn là ngày tôn vinh sự hy sinh, cống hiến của lực lượng công an nhân dân luôn đóng vai trò nòng cốt trong các cuộc chiến. Họ vừa là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc vừa có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hàng năm là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

T7 SV 24 7 11

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần "... thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước nhất định không chịu làm nô lệ" quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã ngã xuống, hi sinh trên nhiều chiến trường.

Nỗi đau bao trùm lên toàn dân tộc, nhiều người vợ đã mất đi cả chồng và các con. Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, chính quyền Việt Nam đã xúc tiến vận động thành lập một tổ chức lấy tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn.

Trước tình hình trên, đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời (sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương) và được thành lập ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội.

Ngày 28/5/1946 Hội giúp binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự.

Ngày 17/11/1946, cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã có buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho các chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động "Mùa đông binh sĩ" trong cả nước để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét. Tại buổi quyên góp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự buổi lễ và Người đã cởi chiếc áo đang mặc để tặng binh sĩ.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946 số người bị thương và hy sinh tăng lên, đời sống của chiến sĩ, nhất là chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn.

Trước tình hình trên Đảng và Nhà nước ta quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác thương binh liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) nay là tỉnh Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh, liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày "Thương binh toàn quốc". Đây là cuộc mít tinh quan trọng với 2000 người tham gia tại Thái Nguyên. Tại đây Ban Tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hàng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954, Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm và giải quyết những vấn đề chiến sĩ, gia đình liệt sĩ cũng như công tác thương binh.

Từ tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi "Ngày Thương binh toàn quốc" thành "Ngày Thương binh, liệt sĩ" để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành "Ngày Thương binh, liệt sĩ" của cả nước.

T7 SV 24 7 22

Với truyền thống "hiếu nghĩa bác ái", lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc. Ngày 27/7 hàng năm phản ánh sự đánh giá của Đảng, Nhà nước, nhân dân với những gia đình đã có người hy sinh vì Tổ quốc. Thông qua đó nhằm phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần cách mạng và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, lãnh đạo. Đây là sự thể hiện tinh thần động viên và phát huy truyền thống cách mạng trong công cuộc đổi mới đất nước. Công tác Thương binh liệt sĩ và chính sách đối với những người có công với cách mạng chính là thể hiện tính ưu việt, là trách nhiệm của của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội và mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau. Thể hiện củng cố niềm tin vào nhân dân, vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự quản lý của nhà nước. Góp phần tăng thêm tiềm lực cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và là cơ sở vững chắc định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đảng, Nhà nước ta và nhân dân trân trọng đánh giá cao những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ đối với tổ quốc; đồng thời cũng luôn chú trọng đến giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc, khơi dậy niệm tự hào dân tộc. Phát huy đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng công lao to lớn của các anh hùng - liệt sĩ và những người có công với nước. Biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động thiết thực góp phần thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Những ngày mùa thu tháng Bảy, cả nước lại lặng mình tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và thêm tự hào về bước phát triển của công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ theo tư tưởng và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đối với thế hệ trẻ Việt Nam, tri ân và đền ơn đáp nghĩa luôn là tình cảm và hành động tự giác của mỗi người trẻ. Tuổi trẻ hôm nay, may mắn được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, độc lập tự do của dân tộc, được học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

T7 SV 24 7 33

Với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc, tuổi trẻ Hà Tĩnh nói chung, đoàn viên, thanh niên Liên chi đoàn Khoa Sư phạm, trường Đại học Hà Tĩnh nói riêng hằng năm vào các các dịp lễ, tết, các ngày lễ lớn đặc biệt là dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 đều có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, thể hiện lòng tự hào và nêu cao đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa” như: thông qua sinh hoạt định kỳ, chi đoàn tổ chức tuyên truyền về sự ra đời, ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sĩ, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa - Uống nước nhờ nguồn” gắn với lịch sử truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; tổ chức các chuyến hành trình về nguồn, hành trình đến với các địa danh lịch sử, di tích truyền thống, các địa chỉ đỏ như: Nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài, Ngã 3 Đồng Lộc, …; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình chính sách, người có công, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng,… có hoàn cảnh khó khăn.

Những việc làm thiết thực trên vừa là sự tri ân của tuổi trẻ với sự hi sinh cao cả của các thế hệ đi trước, góp phần cùng toàn xã hội chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa với những người có công vừa tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc, thông qua đó giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Nhìn lại lịch sử dân tộc ta đó là lịch sử của dựng nước và giữ nước, là sự hi sinh và những chiến công oanh liệt của các bậc cha ông để giành, giữ độc lập tự do cho Tổ quốc. Những công lao to lớn đó mãi là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam, là điểm tựa tinh thần cho thế hệ trẻ mai sau. Thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và tuổi trẻ Liên chi đoàn Khoa Sư phạm nói riêng hôm nay là những người may mắn và hạnh phúc sinh ra trong thời bình nhưng qua những nhân chứng lịch sử, qua những trang sử hào hùng chúng tôi luôn tự hào và nguyện tiếp bước con đường thế hệ đi trước đã chọn, sống, lao động và học tập thật tốt, cống hiến hết mình để xây dựng đất nước ta ngày càng to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ!