foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) đã và đang thay đổi sâu sắc mọi lĩnh vực của cuộc sống, giáo dục cũng không ngoại lệ. Sự ra đời và phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đã mở ra một chương mới, hứa hẹn mang đến nhiều đổi mới sáng tạo cho ngành giáo dục. Đặc biệt, đối với giáo viên, AI không chỉ là phương tiện hỗ trợ mà còn góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, tối ưu hóa các quy trình trong công việc.

Trí tuệ nhân tạo còn được gọi là trí thông minh nhân tạo, là dạng trí tuệ của máy móc mô phỏng trí thông minh của con người và thực hiện những nhiệm vụ như một con người. Lĩnh vực nghiên cứu AI được ra đời tại một hội thảo tại Đại học Dartmouth năm 1956. Đến nay, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giáo dục đã là chủ đề nghiên cứu học thuật trong hơn 30 năm. Trí tuệ nhân tạo trong giáo dục vốn có tính liên ngành và khoa học (giáo dục, tâm lý học, khoa học thần kinh, ngôn ngữ học, xã hội học và nhân chủng học) để thúc đẩy sự phát triển của môi trường học tập.

Có nhiều dạng thức AI hỗ trợ cho hoạt động giáo dục: trí tuệ nhân tạo giúp cá nhân hóa lộ trình học tập; trí tuệ nhân tạo đa dạng hóa cách thức truyền tải nội dung: tương tác đa chiều, trực quan hóa, cập nhật kiến thức liên tục,…; trợ lí ảo cho giáo viên và học sinh như chatbot, hỗ trợ kiểm tra đánh giá; tích hợp vào quản lí hệ thống hạ tầng giáo dục. Tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục mang lại vô số lợi ích cho học sinh trong lĩnh vực giáo dục, cách mạng hóa quá trình dạy và học.

T11 hien 7 11 1

Một trong những lợi ích lớn nhất của AI trong giáo dục là khả năng cá nhân hóa trải nghiệm học tập cho học sinh. Thông qua các hệ thống học tập thông minh, AI có thể phân tích dữ liệu về tiến trình học tập, sở thích, và nhu cầu riêng của từng học sinh. Điều này giúp giáo viên dễ dàng xác định những điểm mạnh và điểm yếu của học sinh, từ đó điều chỉnh phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp hơn. Chẳng hạn, nếu một học sinh gặp khó khăn trong một chủ đề cụ thể, hệ thống AI có thể gợi ý tài liệu bổ sung hoặc các bài tập để giúp học sinh cải thiện. Nhờ đó, học sinh được tạo điều kiện phát triển tối đa khả năng của mình. AI có thể tự động hóa nhiều công việc như chấm bài trắc nghiệm, nhập điểm, tạo báo cáo, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian để tập trung vào các hoạt động sáng tạo hơn như thiết kế bài giảng, tương tác với học sinh. Các công cụ AI như chatbot và trợ lý ảo có thể giúp tạo ra môi trường học tập tương tác hơn. Giáo viên có thể sử dụng AI để trả lời các câu hỏi của học sinh ngoài giờ học chính thức, hỗ trợ học sinh tự học và khuyến khích họ khám phá thêm kiến thức. AI còn có thể được tích hợp vào các nền tảng học tập để giúp học sinh thực hiện các dự án nhóm, giải quyết các bài tập theo cách sáng tạo và hiệu quả hơn. Ngoài ra, AI còn giúp tạo ra các ứng dụng, trò chơi học tập tương tác, giúp học sinh chủ động khám phá kiến thức một cách thú vị. AI không chỉ hỗ trợ giáo viên trong việc truyền đạt kiến thức, mà còn giúp phát triển các kỹ năng mềm cho học sinh như sáng tạo, tư duy phản biện, và khả năng giải quyết vấn đề. Những ứng dụng AI có thể cung cấp các thử thách phức tạp, yêu cầu học sinh áp dụng kiến thức vào thực tiễn và kích thích họ suy nghĩ theo những cách mới. Điều này giúp giáo viên dễ dàng hướng dẫn học sinh phát triển tư duy độc lập, điều vô cùng cần thiết trong thế giới hiện đại. Lớp học ảo, diễn đàn thảo luận trực tuyến và dịch thuật ngôn ngữ được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo cho phép kết nối toàn cầu và trao đổi đa văn hóa.

Bên cạnh ưu điểm, AI cũng tồn tại nhiều vấn đề. Trong quá trình giảng dạy, sự thiếu sự tương tác trực tiếp giữa con người với nhau, có thể dẫn đến hạn chế sự phát triển về mặt xã hội và cảm xúc. Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo trong giáo dục cũng phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng và kết nối công nghệ. Ở những khu vực có khả năng tiếp cận Internet hoặc tài nguyên công nghệ đáng tin cậy bị hạn chế, học sinh có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trí tuệ nhân tạo yêu cầu thu thập và phân tích lượng lớn dữ liệu của học sinh, sinh viên. Có những lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu vì thông tin nhạy cảm có thể có nguy cơ bị truy cập trái phép hoặc sử dụng sai mục đích.

Dù AI mang lại nhiều lợi ích, nó cũng đặt ra thách thức cho vai trò của giáo viên. Với sự phát triển của công nghệ, nhiều người lo ngại rằng AI có thể thay thế hoàn toàn vai trò của giáo viên trong tương lai. Tuy nhiên, AI chỉ là công cụ hỗ trợ, và không thể thay thế hoàn toàn yếu tố cảm xúc và tương tác giữa con người với con người. Giáo viên vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc khơi dậy cảm hứng, đồng hành và hỗ trợ học sinh trên hành trình phát triển cá nhân.

Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay, AI đang trở thành một công cụ đắc lực cho giáo viên, giúp họ nâng cao hiệu quả giảng dạy, cá nhân hóa quá trình học tập và giảm bớt gánh nặng hành chính. Tuy nhiên, vai trò của giáo viên vẫn là không thể thay thế khi nói đến việc phát triển nhân cách, cảm xúc và khả năng tư duy của học sinh. Để đạt được sự cân bằng giữa công nghệ và giáo dục, việc đào tạo giáo viên và tích hợp AI một cách thông minh là điều cần thiết. AI không phải là sự thay thế, mà là công cụ giúp giáo viên nâng cao chất lượng và hiệu quả hơn trong hành trình giáo dục.