foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Khoa Sư phạm được thành lập theo Quyết định số 847/QĐ-TĐHHT, ngày 01/12/2017 của Hiệu trưởng trường Đại học Hà Tĩnh trên cơ sở sát nhập Khoa Sư phạm Tiểu học - Mầm non với Khoa Sư phạm Tự nhiên. Khoa hiện có 32 cán bộ giảng dạy và nghiên cứu, trong đó có 06 Tiến sỹ, 03 Nghiên cứu sinh, 22 Thạc sỹ, 04 cử nhân. Khoa Sư phạm đang đào tạo các ngành Sư phạm Toán học (7140209), Giáo dục Mầm non (7140201), Giáo dục Tiểu học (7140202), Sư phạm Vật lý (7140211), Sư phạm Hóa học (7140212).

Năm 2023, thực hiện đặt hàng của UBND tỉnh theo Nghị định 116, Khoa Sư phạm - Trường Đại học Hà Tĩnh tuyển sinh ngành Giáo dục Tiểu học, cụ thể:

TTTS 12 4 1

  1. PHƯƠNG THỨC XÉT TUYỂN

Ngành Giáo dục Tiểu học tuyển sinh trong cả nước, xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia năm 2023; Học bạ THPT (năm lớp 11 hoặc lớp 12); xét tuyển thẳng theo quy định của Trường.

  1. TỔ HỢP XÉT TUYỂN

* C04 (Văn, Toán, Địa)

* D01 (Văn, Toán, Tiếng Anh)

* C14 (Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân)

* C20 (Ngữ văn, Địa lí, Giáo dục công dân)

  1. HỌC NGÀNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC, bạn sẽ:

            - Được miễn học phí!

-  Được hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 116!

- Được bố trí chỗ ở trong các ký túc xá tiện nghi!

- Được giới thiệu việc làm từ năm thứ 3!

- Có cơ hội nhận nhiều học bổng giá trị cao!

  1. HOÀN THÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO, bạn sẽ:

-Vận dụng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin; Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh; những chính sách của Đảng, chủ trương Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, giáo dục, văn hoá của đất nước vào quá trình dạy học tiểu học.

- Vận dụng kiến thức về Tâm lý học, Giáo dục học, Lý luận dạy học, Phương pháp dạy học bộ môn, Quản lý hành chính nhà nước và Quản lí ngành, có kiến thức phổ thông về môi trường, dân số, an ninh quốc phòng, an toàn giao thông, quyền trẻ em, y tế học đường để có thể thực hiện giáo dục tích hợp trong chương trình tiểu học.

- Có các kỹ năng mềm, khả năng tự học, có trình độ ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, biết vận dụng những hiểu biết về tình hình kinh tế - văn hoá – xã hội đời sống, phong tục tập quán của địa phương để có thể hoà nhập và góp phần phát triển cộng đồng.

- Phân tích được nội dung chương trình các môn học và các hoạt động giáo dục trong chương trình các lớp bậc Tiểu học.

- Cập nhật những thông tin đổi mới phương pháp giáo dục tiểu học trong nước và khu vực để khả năng vận dụng đổi mới phương pháp dạy học các môn học ở tiểu học.

- Lập kế hoạch giáo dục cho từng học kỳ và năm học, biết lập kế hoạch bài học theo định hướng đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá ở tiểu học.

- Tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp với điều kiện có thể của học sinh và địa phương nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập. Biết dạy cho học sinh phương pháp học, đặc biệt là phương pháp tự học, phát triển ở học sinh năng lực tự đánh giá. Biết sử dụng các phương tiện công nghệ dạy học, đặc biệt là công nghệ thông tin vào quá trình dạy học ở tiểu học.

- Dạy lớp ghép, dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc, dạy học sinh khuyết tật, tàn tật theo hướng hòa nhập.

- Làm tốt công tác chủ nhiệm lớp, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động Sao nhi đồng, Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Quản lý tốt lớp học, xây dựng lớp thành tập thể đoàn kết, tự quản; giáo dục học sinh cá biệt. Lập sổ sách, xây dựng và lưu trữ hồ sơ về quá trình học tập rèn luyện đạo đức của học sinh.

- Giao tiếp và ứng xử thích hợp với học sinh, gia đình học sinh, với đồng nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng.

  1. THÔNG TIN LIÊN HỆ

Khoa Sư phạm, Trường Đại Học Hà Tĩnh.

- Tầng 6, nhà 15 tầng, Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

- Hotline: 0967.783.783

- Website: https://nse.htu.edu.vn/

- FB: https://www.facebook.com/KhoaSuphamHTU

Mỗi một sinh viên chúng ta khi ngồi trên ghế giảng đường đại học đều luôn được nhà trường tạo điều kiện, cơ hội để tích lũy cho mình những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết để làm hành trang bước vào nghề. Và những đợt thực tế, kiến tập, thực tập là cơ hội quý báu để sinh viên chúng tôi vận dụng những kiến thức mà thầy cô đã truyền thụ đưa vào thực tế để hoàn thiện bản thân và vững vàng bước vào nghề mình đã chọn sau này.

SV 8 4 1

Bản thân tôi cũng như bao bạn sinh viên K12 và K27 khác, chúng tôi vừa bước qua kỳ thực tập tốt nghiệp kéo dài 2 tháng của mình. Khi bước qua kỳ thực tập đó, chắc hẳn sẽ có những bạn vui vì đạt được kết quả như mình mong muốn và cũng có bạn sẽ cảm thấy buồn vì chưa đạt được kết quả như mình mong đợi. Nhưng....chúng tôi đều mang trong mình một niềm tiếc nuối...giá như thời gian có thể trôi chậm lại để kỳ thực tập của mình diễn ra thật lâu hơn...

Nhớ lại những ngày đầu khi mới nhận được thông báo bản thân mình sẽ về thực tập ở Trường Mầm non Đại Nài, lúc đó trong tôi hiện lên cảm giác hồi hộp, lo lắng nhưng cũng đầy hứng thú và hy vọng. Tôi và các bạn trong đoàn đã tìm cho mình những người chị, người bạn từng thực tập ở ngôi trường này để tìm hiểu thêm về Ban giám hiệu, các cô ở đó. Cảm giác tò mò làm sao.

Rồi đến ngày ra mắt đoàn thực tập lại càng hiện lên trong bản thân tôi niềm khát khao muốn được thể hiện mình, niềm hy vọng lớn lao sẽ hoàn thành xuất sắc kỳ thực tập. Sau khi nghe báo cáo của trường, phát biểu của thầy hướng dẫn thì chúng tôi được nhà trường giới thiệu về cô chủ nhiệm và lớp mình sẽ thực tập. Bản thân tôi được phân vào lớp 5 tuổi B, có cô Nguyễn Thị Anh và cô Huỳnh Thị Minh Hòa làm chủ nhiệm. May mắn thay, năm nay thực tập tôi được đồng hành cùng bạn Hà Nhi - người bạn đã thực tập chung một lớp với tôi trong khoảng thời gian thực tập 1 của mình.

SV 8 4 2

Sau khi kết thúc buổi ra mắt, đoàn thực tập chúng tôi được các cô chủ nhiệm dẫn về các lớp. Vừa đi vừa được nghe các cô trò chuyện, giới thiệu về lớp học mà mình sẽ thực tập, cảm giác hào hứng biết bao. Lớp 5 tuổi B mà tôi sẽ gắn bó 2 tháng tiếp theo là một lớp có tổng số 34 bạn, 20 bạn nam và 14 bạn nữ, lớp học có tổng số đông nhất trường. Bấy giờ trong đầu tôi hiện lên suy nghĩ vừa mừng, vừa lo: “ Khi gặp các bạn nhỏ không biết các bạn sẽ cảm thấy như thế nào? 2 tháng tiếp theo mình thực tập mình có làm tốt nhiệm vụ của mình không? Đây là lần đầu tiên được thực tập ở lớp 5 tuổi, không biết mọi thứ có khó quá không?...” Bao nhiêu câu hỏi hiện hữu trong đầu và chưa có câu trả lời thì lớp học mà tôi sẽ thực tập 2 tháng đã ở ngay trước mắt...Chúng tôi được cô chủ nhiệm giới thiệu sẽ về thực tập ở lớp 2 tháng cho các bạn nhỏ nghe. Các bạn đứng dậy lễ phép chào chúng tôi, cảm giác lúc đó thật hồi hộp.

Trong tuần đầu tiên thực tập chúng tôi được các cô chủ nhiệm hướng dẫn các phần việc cần làm trong quá trình thực tập và được dành nhiều thời gian để làm quen với trẻ. Các bạn nhỏ trong lớp đã bắt đầu quen với việc có chúng tôi và luôn thân thiện, gần gũi với chúng tôi mọi lúc trong lớp học, điều đó đã giúp chúng tôi cảm nhận được tình yêu thương của trẻ dành cho chúng tôi mỗi ngày một lớn. Những ngày đầu tiên trôi qua dù có chút chán nản vì chưa quen công việc mới, môi trường mới nhưng vì sự động viên, quan tâm của các cô giáo chủ nhiệm; nụ cười ngây thơ và sự đáng yêu của các bạn nhỏ, đó là động lực để chúng tôi thích nghi và làm tốt công việc của mình.

SV 8 4 3

Ở tuần thứ 2 chúng tôi thực hiện công tác tập làm chủ nhiệm. Mỗi sáng chúng tôi đến sớm để đón trẻ, sau đó lấy đồ ăn sáng và cho trẻ ăn. Sau khi ăn sáng xong, cho trẻ xuống sân tập thể dục buổi sáng và sau đó quay lại lớp học, hướng dẫn trẻ hoạt động theo kế hoạch hằng ngày mà cô chủ nhiệm lớp đã lên. Mỗi buổi sáng trôi qua thật nhẹ nhàng và vui vẻ.....

Sau những hoạt động buổi sáng của trẻ là giờ ăn trưa, chúng tôi cho trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ để ngồi vào bàn ăn. Khi ăn xong trẻ vệ sinh sạch sẽ để đi vào phòng ngủ. Sau khi ngủ dậy trẻ ăn chiều và thực hiện các hoạt động chiều cũng như học của các môn năng khiếu như trong thời khóa biểu. Học xong trẻ uống sữa; đến giờ trả trẻ, trẻ nhẹ nhàng đi cất ghế và chào các cô ra về. Mỗi một ngày ở trường trôi qua thật nhanh. Chúng tôi cảm thấy mỗi ngày đến trường của mình thật hạnh phúc, hạnh phúc từ khi trẻ âu yếm chào cô mỗi buổi sáng đến lúc trẻ lễ phép chào cô để ra về mỗi buổi chiều tà. Mỗi một phút giây trôi qua ở bên trẻ thật ý nghĩa làm sao.

Trong tuần thứ 3,4,5,6 của thời gian thực tập chúng tôi cũng đã làm tốt công tác chủ nhiệm lớp của mình.  Chúng tôi soạn giáo án và tập dạy đồng thời thực hiện công tác chủ nhiệm lớp. Dường như lúc này chúng tôi đã thân thuộc hơn với các bạn nhỏ nên các bạn cũng quấn quýt chúng tôi nhiều hơn. Ngoài những thời gian của hoạt động học ra, các bạn nhỏ thường xuyên kể cho chúng tôi nghe về những chuyện hằng ngày, những câu chuyện về gia đình,... những câu chuyện dài chẳng có hồi kết.

SV 8 4 4

Tuần thứ 7 của thời gian thực tập, sau khoảng thời gian soạn giáo án, tập giảng thì đây cũng là tuần quan trọng để chúng tôi thực hiện những tiết thi giảng của mình. So với những tuần trước đó thì tuần này chúng tôi cảm thấy áp lực hơn, lo lắng hơn về giờ thi dạy. Tôi còn nhớ rất rõ cái khoảng thời gian này các chị chủ nhiệm lớp tôi đã hỗ trợ và giúp đỡ cho chúng tôi từng li từng tí. Các chị luôn động viên, chia sẻ và luôn tạo cho chúng tôi tâm lý thoải mái nhất có thể để bước vào tiết dạy của mình. Tôi nhớ về cái ngày gần thi dạy của mình, các chị đã thức đến khuya để sửa giúp tôi từng trang giáo án, khi chúng tôi tập giảng các chị đồng hành góp ý để những câu chữ được trau chuốt hơn.  Hay là khoảng thời gian gần 12 giờ đêm vẫn cùng chúng tôi trang trí lớp học và chuẩn bị đồ dùng để chúng tôi có một tiết dạy xuất sắc nhất... Những kỷ niệm bên các chị thật đáng nhớ biết bao!

Ở tuần này, chúng tôi vẫn thực hiện công tác chủ nhiệm lớp của mình. Công việc của chúng tôi vẫn diễn ra như mọi ngày. Nhưng những tuần này, chúng tôi cảm thấy nó đặc biệt hơn so với khoảng thời gian đầu, bây giờ các bạn nhỏ đến lớp không chỉ chào chúng tôi bằng những câu nói: “Em chào cô Nhân, Em chào cô Nhi” nữa. Bây giờ mỗi ngày đến lớp các bạn chào chúng tôi bằng những cái ôm thân thiết. Ôi! Cảm xúc thật khó tả! Ước gì thời gian có thể trôi chậm lại. Để chúng tôi mãi được chìm đắm trong những khoảnh khắc yêu thương này.....

SV 8 4 5

Rồi thời gian thực tập của 7 tuần đã trôi qua, khoảng thời gian thực tập tuần cuối cùng cũng đã tới....Bây giờ đây mọi thứ xung quanh chúng tôi trở nên thật thân thuộc. Chúng tôi đã quen với việc mỗi ngày đến trường đều có trẻ để yêu thương, quen với cuộc sống có các cô giáo chủ nhiệm luôn đùm bọc; quen với những lời quan tâm, hỏi han của Ban giám hiệu nhà trường và các cô giáo từ nhà bếp đến các cô giáo của các lớp học thân thương; quen với cảnh bác bảo vệ luôn miệt mài làm việc,... mọi thứ xung quanh đã trở nên quen thuộc.. nhưng chúng tôi buộc phải tạm xa để về trường tiếp tục học tập những môn học còn giang dở của mình.

Bây giờ đây, khi ngồi nghĩ lại khoảng thời gian thực tập, chúng tôi đã mang trong mình thật nhiều cảm xúc đan xen. Thật buồn khi phải xa những bạn nhỏ đáng yêu; xa các cô giáo đã trở nên thân thuộc... Nhưng cũng thật vui vì mỗi chúng tôi đã hoàn thành trọn vẹn nhất kỳ thực tập của mình, 2 tháng qua chúng tôi đã được sống như những giáo viên thực thụ, đã luôn được trẻ yêu thương và là nơi tin tưởng để trẻ gửi gắm những tình cảm chân thành nhất.

Kỳ thực tập tốt nghiệp này chính là cơ hội để chúng tôi được va chạm, trải nghiệm và hoàn thiện hơn bản thân mình, đây cũng là môi trường tốt để chúng tôi có thể thử sức và rèn nghề. Có đi thực tập, thâm nhập vào thực tế thì chúng tôi mới hiểu rõ được năng lực, trình độ, kiến thức mà mình có đến đâu để nhắc nhở bản thân mình phải luôn biết học hỏi và không ngừng phấn đấu để đạt được những gì mình mong muốn.

Hai tháng thực tập ở trường Mầm non Đại Nài đã để lại cho chúng tôi nhiều bài học quý giá và đó sẽ là hành trang quan trọng để chúng tôi mang theo bên mình. Sau này, dù ở bất cứ môi trường nào chúng tôi cũng sẽ luôn cố gắng trau dồi để hoàn thiện bản thân để xứng đáng là những cô giáo mầm non có đủ tâm – trí – lực để đưa những con thuyền cập bến bờ tri thức thành công.

Sáng ngày 26/3/2023, Đoàn cán bộ giảng viên khoa Sư phạm do TS. Lê Văn An – Bí thư chi bộ - Trưởng khoa làm trưởng đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại khu mộ và nhà thờ ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác (1720 – 1791). Ông sinh ra tại tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học: Ông nội, các chú các bác đều đỗ Tiến sĩ và làm quan trong triều.Thân sinh của ông từng đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông. Tuy là người tinh thông y học, dịch lý, văn chương, nhưng ông được biết đến nhiều hơn với vai trò lương y.
Ông qua đời vào ngày rằm tháng 1 năm Tân Hợi (1791) tại Bầu Thượng, (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), thọ 71 tuổi. Lê Hữu Trác là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, trong đó có thuốc Nam, kế thừa xuất sắc sự nghiệp "Nam dược trị Nam nhân" của Tuệ Tĩnh thiền sư.
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không những là một nhà y dược học vĩ đại, đã góp phần to lớn xây dựng nền y học dân tộc nước nhà, mà ông còn là nhà thơ, nhà vǎn tài hoa, nhà tư tưởng tiến bộ, thấm nhuần tinh thần nhân đạo sâu sắc. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được kết tinh bởi tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng, thể hiện qua những tác phẩm đồ sộ mà giá trị còn mãi đến ngày nay. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam”.

Với thân thế, sự nghiệp, những công lao, đóng góp và tầm ảnh hưởng to lớn của Đại danh y, hiện Việt Nam đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Dâng hương, hoa tại khu mộ và nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đoàn thành kính tưởng nhớ công lao và những giá trị mà Đại danh y để lại cho hậu thế. Những di sản về y đức, y đạo, y thuật mà của Đại danh y trở thành “cẩm nang” cho nền y dược học Việt Nam.

D Minh 29 3 1

Đoàn  Khoa Sư phạm thăm viếng mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông

D Minh 29 3 2

Tượng đài Lê Hữu Trác: nằm ở trên núi có thân cao 15m, được kết hợp bởi hơn 1.600 tấn đá cẩm thạch. Trên tượng có mặt trước được khắc rõ nét 3 chữ “Đức - Lưu - Quang”, mặt sau ghi lại những lời răn dạy của ông về y đức, y thuật.

Nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải đáp những thắc mắc của sinh viên, chiều ngày 28/3/2023 Ban chủ nhiệm Khoa Sư phạm tổ chức chương trình “Gặp mặt và đối thoại giữa BCN Khoa, cán bộ, giảng viên với sinh viên”. Qua đây, kịp thời có những lời giải đáp và định hướng chung cho sinh viên Khoa Sư phạm.

hoang 31 3 1

Tham dự buổi gặp mặt và đối thoại, về phía BCN Khoa, có thầy giáo TS. Lê Văn An , Bí thư chi bộ - Trưởng Khoa Sư phạm; cô Đặng Thị Yến – Phó trưởng Khoa Sư phạm; thầy Biện Văn Quyền – Phó trưởng Khoa Sư phạm; cô Võ Thị Diệu Hồng – PBT Liên chi đoàn; cô Nguyễn Thị Loan – quản sinh; thầy Lê Danh Minh, cô Tống Thị Cẩm Lệ; BCH LCĐ, BCS các lớp thuộc Khoa Sư phạm, các thí sinh tham gia vòng chung kết MISS HTU và tập thể lớp K15 GDTH.

Mở đầu chương trình, thầy giáo Lê Văn An đã có những lời phát biểu, chia sẻ hết sức tâm huyết, thực tế, giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp mà bản thân đang theo học và ý thức được trách nhiệm cá nhân khi là 1 sinh viên của Khoa. Qua đây, xóa bỏ những e ngại, rụt rè, giúp sinh viên mạnh dạn, tự tin nói lên những thắc mắc và được giải đáp một cách chính xác, rõ ràng.

hoang 31 3 2

Ngoài ra, với những câu hỏi mà sinh viên đưa ra, cô Đặng Thị Yến cũng đã có những lời giải đáp hết sức sát sao, chi tiết, cụ thể, giúp sinh viên có những hiểu biết đúng đắn hơn.

hoang 31 3 3

Tin tưởng rằng, với sự quan tâm sát sao, lãnh đạo, định hướng của BCN Khoa, Sinh viên toàn Khoa sẽ có những suy nghĩ, hành động và ý thức được trách nhiệm của bản  thân khi đang học tập trong một môi trường Sư phạm, dưới sự dạy bảo của một tập thể Hội đồng Sư phạm vững vàng về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, kỹ năng.

Qua chương trình, sinh viên đã tự tin hơn rất nhiều, được trực tiếp trình bày, nêu lên vấn đề. Xóa bỏ những khoảng cách giữa thầy và trò, giữa chính những bạn sinh viên với nhau để xây dựng Khoa Sư phạm ngày càng vững mạnh, luôn tiên phong, đổi mới, phát huy tính tích cực, tự chủ và luôn là Khoa vững mạnh, là cánh chim đầu đàn, là lá cờ đầu trong tất cả hoạt động.

hoang 31 3 4

Tháng 3 về, tháng của tuổi trẻ, của thanh niên, của thế hệ tương lai đất nước. Hòa trong không khí sôi nổi, thi đua lập nhiều thành tích chào mừng kỉ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2023), tuổi trẻ Liên Chi Đoàn Khoa Sư phạm đã có nhiều chương trình, hoạt động hưởng ứng tích cực, sôi nổi, đa dạng, phong phú. Đặc biệt, một trong những nội dung nổi bật nhất trong tháng 3 của Tuổi trẻ khoa Sư Phạm chính là sự kiện “Ra mắt Nội San Khoa học và Giáo dục số 2 và trưng bày, trang trí phòng truyền thống Khoa” vào chiều ngày 24/3/2023 tại Phòng Truyền thống của Khoa.

yenNhi 28 3 1   

Buổi lễ ra mắt vinh dự có sự tham dự của thầy giáo TS. Lê Văn An – Bí thư chi bộ - Trưởng khoa Sư Phạm, thầy giáo ThS. Biện Văn Quyền – Phó Trưởng khoa Sư phạm, các thầy cô giáo trong Khoa và đông đủ các đồng chí ủy viên BCH LCĐ Khoa Sư phạm, các bí thư, lớp trưởng của các chi đoàn thuộc khoa Sư phạm.

yenNhi 28 3 2

Với mong muốn sẽ tạo ra một diễn đàn cho sinh viên toàn Khoa có cơ hội vận dụng những phương pháp nghiên cứu khoa học, những kiến thức đã học được vào việc giải quyết những vấn đề khoa học do thực tiễn cuộc sống đặt ra, có những cảm nhận, những chia sẻ tình cảm, kinh nghiệm của mình cho các bạn đoàn viên trong Khoa, giúp rút ngắn khoảng cách giữa các thành viên, tạo  môi trường hòa đồng thân thiện. Đây cũng là cách giúp các bạn sinh viên thể hiện tài năng văn chương với những áng văn lay động lòng người hay những kinh nghiệm xương máu của mình trong chuyên ngành. Những bài viết chân thành, có sức lôi cuốn sẽ tạo động lực giúp các bạn Đoàn viên nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự mở rộng, đào sâu vốn hiểu biết của mình, phát triển năng lực dạy học và năng lực thích ứng nghề nghiệp trong tương lai.

Trong số này, tập Nội san được chia làm 3 nội dung chính.

- Phần 1 là phần Trang tin với 3 nội dung chính là tóm tắt lại cá hoạt động đoàn và các bài viết về đoàn gồm các bài: Điểm tin một số hoạt động của Liên chi đoàn; Đoàn trong trái tim tôi; Tháng Ba về.

- Phần 2 là phần Diễn đàn khoa học và Giáo dục với các bài được chọn đăng: Những phẩm chất và năng lực cần có của giáo viên mầm non trong thời đại mới; Nhận thức của sinh viên vê nghề Giáo viên Tiểu học; Lý thuyết đồng dư và một số ứng dụng trong chương trình Toán tiểu học; Giúp học sinh lớp 4 giải tốt các bài Toàn có lời văn về tỉ số, phân số; Các dạng toán về “ Bài toán về dấu hiệu chia hết cho học sinh lớp 4,5”; Một số biện pháp khắc phục lỗi viết sai chính tả cho học sinh lớp 3; Sử dụng câu đố trong việc dạy học cho học sinh Tiểu học; Một số trò chơi học tập để luyện phát âm cho trẻ mẫu giáo.

- Phần 3 là phần trang thơ với các bài thơ sưu tầm, tự sáng tác.

yenNhi 28 3 3

Ngoài ra, trong buổi ra mắt các bạn đoàn viên của Khoa cũng trang trí lại phòng truyền thống, trưng bày các sản phẩm, kỷ niệm của sinh viên và giảng viên Khoa, để khi cá bạn sinh viên, cự sinh viên và CBGV đến văn phòng Khoa sẽ có không gian tìm lại ký ức, tự hào với những kỷ niệm, thành tích đã đạt được.

yenNhi 28 3 4

Bằng sức trẻ, tài năng, lòng nhiệt huyết của mình, các Đoàn viên thanh niên của Liên chi đoàn Khoa Sư phạm đã và đang phát huy vai trò tuổi trẻ một cách xung kích, tiên phong, không ngừng đổi mới và sáng tạo. Tập Nội san số 2 chính là minh chứng cho một Liên chi đoàn vững mạnh hàng đầu của Đoàn trường Đại học Hà Tĩnh. Ban biên tập rất mong muốn sẽ nhận được sự yêu thích, theo dõi của quý bạn đọc, đặc biệt và các ý kiến góp ý, tham mưu và phản hồi để BBT hoàn thiện các tập nội san của các số sau được hoàn thiện, trọn vẹn, hấp dẫn hơn nữa.

yenNhi 28 3 5

Tin tưởng rằng, bằng sự lãnh đạo của BCN Khoa, BCH LCĐ Khoa Sư phạm sẽ ngày càng có nhiều hoạt động, phong trào, chương trình ý nghĩa. Góp phần khẳng định vai trò, vị thế của LCĐ trên mọi mặt trận, mãi là cánh chim đầu đàn, vươn cao, bay xa, tỏa sáng.