Nghiên cứu tế bào gốc không chỉ tiết lộ cho chúng ta biết chức năng và sự phát triển của cơ thể mà còn hứa hẹn những ứng dụng tương lai có thể giúp chúng ta điều trị các bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu tế bào gốc không chỉ giúp điều trị bệnh, bài báo này sẽ điểm lại các đột phá khoa học mới nhất để thấy hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể chuyển một tế bào da đơn giản thành một con người phát triển hoàn chỉnh nhờ sức mạnh của công nghệ tế bào gốc và các kỹ thuật di truyền.
Lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc bắt đầu vào năm 1981 nhờ sự khám phá ra các tế gốc phôi bởi Martin Evans tại đại học Cardiff, Anh. Vào năm 1998, nghiên cứu về tế bào gốc đã trở thành một chủ đề “hot” trong xu hướng truyền thông lúc bấy giờ sau khi các nhà khoa học tách được các tế bào gốc phôi và nuôi chúng trong phòng thí nghiệm lần đầu tiên. Do đột phá này, việc nghiên cứu tế bào gốc đã phải đối mặt với rất nhiều sự phản đối từ công chúng. Nó dấy lên những câu hỏi về sự sống, ý thức và nhân quyền. Tại thời điểm nào thì sự sống bắt đầu? Nếu như một phôi có thể phát triển thành một con người, thì có đúng đắn không khi chúng ta phá hủy nó hay thậm chí sử dụng nó cho mục đích khoa học? Những nghi vấn này đã khiến chính phủ Mỹ hạn chế các tài trợ liên bang (federal funding) cho việc nghiên cứu tế bào gốc trên phôi người lúc bấy giờ.
Vào cuối những năm 1990, các phôi người sử dụng cho việc nghiên cứu tế bào gốc được lấy từ sự phá thai tự nguyện hoặc được hiến tặng từ các cặp vợ chồng đã điều trị bằng thụ tinh trong ống nghiệm (In-Vitro Fertilization - IVF). Điều này đã gây ra rất nhiều tranh cãi giữa các nhà hoạt động phản đối việc phá thai, những người tin rằng cần phải có lệnh cấm đối với việc sử dụng phôi người
Chính phủ Mỹ hạn chế các tài trợ liên bang (federal funding) cho việc nghiên cứu tế bào gốc trên phôi người
Nguồn cung cấp không giới hạn tế bào gốc
Năm 2006, nhà khoa học Nhật Bản Shinya Yamanaka đã tạo thành công các tế bào tương tự phôi từ các tế bào trưởng thành. Sự kiện mang tính cách mạng này đã khiến thay đổi toàn bộ “cuộc chơi” vì từ giờ các nhà nghiên cứu sẽ không cần phải sử dụng phôi từ việc phá thai và IVF để tạo tế bào gốc nữa. Thay vào đó, chúng ta có thể chuyển các tế bào trưởng thành thành các tế bào gốc. Bằng việc nuôi cấy các tế bào gốc trưởng thành trong môi trường chứa các nhân tố phiên mã (proteins) và sự tái lập trình thì có thể chuyển chúng thành trạng thái đa tiềm năng (pluripotent) (Trạng thái đa tiềm năng (pluripotent state) là trạng thái mà các tế bào khi đó có thể biệt hóa thành bất kỳ các tế bào hoặc mô nào khác của cơ thể). Loại tế bào này được gọi là tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng (induced pluripotent stem cells (iPSCs hoặc iPS)).
Kỹ thuật tiên tiến này cho phép các nhà khoa học có thể chuyển bất kỳ tế bào nào trong cơ thể thành tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng (iPS). Các tế bào iPS này có thể sau đó được tái lập trình để trở thành một loại tế bào nào đó trong cơ thể. Credit: Genetic Science Learning Center, Dịch: Biomedia Việt Nam.
Sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới
Năm 2012, các nhà nghiên cứu thông báo rằng họ đã điều trị được bệnh mù lòa với sự trợ giúp của tế bào gốc phôi người. Hai bệnh nhân bị thoái hóa mắt đã khôi phục được thị lực trong 4 tháng sau khi được cấy ghép các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc tạo từ các tế bào gốc phôi người. Đây chỉ là một phần nhỏ ứng dụng trong “tảng băng chìm” của các tế bào gốc. Còn có rất nhiều các ứng dụng trị liệu và các phương pháp điều trị mới cho nhiều bệnh khác nhau như: chấn thương khớp, bệnh tim, chấn thương tủy sống, tiểu đường, Alzheimer, bệnh thận, u não, và các loại ung thư khác. Như dự đoán của các nhà khoa học, liệu pháp tế bào gốc thực sự đã đem lại hiệu quả. Và hiện nay, nó đã trở thành một quy trình tiêu chuẩn để điều trị nhiều bệnh khác nhau ở nhiều nước Châu Âu và Châu Á.
Ngay khi được công bố trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng về sự kỳ diệu mà liệu pháp tế bào gốc mang lại, nhiều người đã ủng hộ lĩnh vực này.
Tế bào gốc phôi và tế bào gốc trưởng thành
Việc hiểu sự khác nhau giữa tế bào gốc phôi và tế bào gốc trưởng thành là rất quan trọng. Các tế bào gốc được chia thành hai loại theo thuật ngữ về khả năng phát triển của chúng. Các tế bào gốc phôi nhìn chung khá linh hoạt và dễ thay đổi hơn so với các tế bào gốc trưởng thành. Nói cách khác, các tế bào gốc phôi có thể phát triển thành hầu hết mọi loại tế bào trong cơ thể trong khi tế bào gốc trưởng thành chỉ phát triển thành một số loại tế bào nhất định. Do vậy, các tế bào gốc phôi sẽ có nhiều lợi ích hơn! Nếu chúng ta có thể tạo ra chúng trong phòng thí nghiệm, điều này sẽ thay đổi toàn bộ mọi thứ mãi mãi!
Vào năm 2013, lần đầu tiên các nhà khoa học đã chuyển thành công các tế bào da người thành các tế bào gốc phôi. Các nhà nghiên cứu sử dụng kỹ thuật tách dòng được gọi là kỹ thuật chuyển nhân tế bào soma (Somatic Cell Nuclear Transfer - SCNT), liên quan đến việc cấy chuyển nhân của một tế bào, chứa DNA của tế bào đó vào tế bào trứng đã bị loại bỏ nhân. Tế bào trứng không được thụ tinh sau đó sẽ phát triển và tạo ra tế bào gốc. Đây là một bước nhảy vọt khổng lồ vì chúng ta đã có thể tránh sử dụng tế bào trứng cho nghiên cứu tế bào gốc để làm hài lòng tất cả mọi người và tránh các mâu thuẫn.
Sau đó các nhà nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật được gọi là kỹ thuật chuyển nhân tế bào soma (Somatic Cell Nuclear Transfer - SCNT) để tạo các tế bào gốc phôi, có thể phát triển thành hầu hết các loại tế bào trong cơ thể. Credit: Genetic Science Learning Center, Dịch: Biomedia Việt Nam.
Chuyển tế bào da thành tế bào trứng và tinh trùng
Năm 2016, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đã chuyển thành công các tế bào da chuột thành tế bào trứng trưởng thành. Những tế bào trứng giống nhau này được thụ tinh để tạo ra các con non khỏe mạnh. Để làm được điều này, đầu tiên các nhà khoa học phải chuyển tế bào da thành các tế bào gốc phôi, sau đó tái lập trình những tế bào này thành các tế bào trứng. Điều này nhắc lại cho chúng ta thấy tầm quan trọng của tế bào gốc phôi. Chúng có nhiều tiềm năng và có thể tạo ra hầu hết các loại tế bào, bao gồm cả tế bào trứng.
Mặc dù các nhà khoa học chỉ hy vọng rằng những đột phá của họ có thể giúp chữa khỏi vô sinh và cho phép các cặp vợ chồng có thể có những đứa con đẻ thật sự của mình, nhưng thực sự có thể làm được nhiều hơn thế. Thay vì phải tách lấy trứng từ nữ giới để có được các tế bào gốc, hiện chúng ta có thể tạo ra nguồn tế bào trứng không giới hạn từ nhiều tế bào da.
Các nhà khoa học đã chuyển các tế bào da thành tế bào trứng và sử dụng chúng để tạo ra các phôi có chức năng, phát triển thành 6 chuột con khỏe mạnh. Credit: Orie Hikabe et al.
Nhưng chỉ một mình các tế bào trứng thì không đủ. Chúng ta vẫn cần phải có tinh trùng. Mặc dù nam giới có khả năng tạo tinh trùng không giới hạn có thể hiến cho khoa học, nhưng tốt nhất là nên tránh xa mọi cuộc tranh cãi và nên tìm kiếm nguồn thay thế. Vào năm 2016, các nhà khoa học đã tạo được tinh trùng có chức năng từ các tế bào gốc phôi. Những tinh trùng này sau đó được sử dụng để thụ tinh với tế bào trứng chuột và sau đó phôi được cấy vào tử cung của chuột cái. Những con chuột được tạo ra khỏe mạnh và bình thường, tiếp tục tạo ra được các thế hệ sau khỏe mạnh.
Các nhà khoa học đã chuyển các tế bào gốc phôi thành các tinh trùng có chức năng, sau đó sử dụng chúng để tạo ra các chuột con khỏe mạnh có khả năng sinh sản. Credit: Quan Zhou et al.
Tuy nhiên chỉ có một hạn chế ở thí nghiệm này là: các nhà nghiên cứu đã trực tiếp sử dụng các tế bào gốc phôi thay vì sử dụng các tế bào da. Cũng vào năm 2016, các nhà khoa học đã cố gắng chuyển thành công tế bào da thành tinh trùng. Các tế bào da được tái lập trình nhờ sự hỗ trợ của một nhóm các gen. Trong một tháng, các tế bào da đã chuyển thành công thành tế bào dòng mầm, loại tế bào mà có thể phát triển thành trứng hoặc tinh trùng phụ thuộc vào môi trường nuôi cấy. Nghiên cứu hứa hẹn này đã cho thấy rằng chúng ta có thể thực sự tạo ra tinh trùng với đầy đủ chức năng từ tế bào da, và có thể sử dụng để thụ tinh với tế bào trứng.
Tạo thành công phôi nhân tạo từ các tế bào gốc
Nếu như bạn nghĩ tinh trùng và các tế bào trứng là bắt buộc phải có để tạo ra phôi thì có lẽ bạn chưa từng nghe nói tới một nghiên cứu đột phá trong khoa học được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu đến từ đại học Cambridge vào đầu năm nay. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã có thể tạo phôi nhân tạo sử dụng hai loại tế bào gốc: tế bào gốc phôi và các tế bào gốc nguyên bào nuôi phôi (lá nuôi phôi ngoài thường được tìm thấy trong nhau thai) (extra-embryonic trophoblast stem cells). Phôi chuột trong thí nghiệm này được tạo ra bằng cách đặt hai loại tế bào gốc trên một khung đặc biệt được thiết kế 3D. Sau 4,5 ngày, các tế bào trên khung bắt đầu hình thành dạng giống như phôi chuột. Nếu những phôi như vậy có thể hoạt động chức năng như phôi tự nhiên, thì có thể tạo ra nguồn phôi không giới hạn mà không cần trứng hay tinh trùng.
Một mô hình 3D nhân tạo của phôi chuột ở thời điểm 96 giờ (trái) và một phôi được nuôi cấy trong ống nghiệm khoảng 48 giờ từ giai đoạn phôi nang (phải). Màu đỏ để chỉ cấu trúc giống phôi trong khi màu xanh chỉ ra các lá nuôi phôi (bên ngoài phôi), mà sau này sẽ hình thành nhau thai. Credit: Sarah Ellys Harrison et al.
CRISPR và nghiên cứu tế bào gốc bắt đầu tham gia vào nghiên cứu
Các nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng việc chuyển tế bào da thành phôi chức năng có thể được sử dụng để tạo ra cơ thể hoàn chỉnh không phải là quá phức tạp. Nhưng những phôi này vẫn có những vấn đề tương tự như những phôi thông thường khác: chúng dễ bị bệnh di truyền, chúng có thể đột biến và cuối cùng sẽ gặp những vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ sau khi sinh. Chúng có thể cũng phát triển thành những con người bình thường. Tuy nhiên, chúng ta cần tìm kiếm một cái gì đó hơn thế! Một điều gì đó kỳ diệu! May mắn thay, vấn đề này được giải quyết nhờ sức mạnh của kỹ thuật di truyền.
Ở Trung Quốc, bạn có thể tiến hành chỉnh sửa phôi người người nếu tuân theo những hướng dẫn nhất định. Các quy tắc và quy định ở đây không nghiêm ngặt như châu Âu và Mỹ (xem bản đồ dưới đây), đó là lý do tại sao một số nhà khoa học đã sang Trung Quốc để tận dụng tình hình này. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thực hiện chỉnh sửa phôi người với sự trợ giúp của CRISPR-cas9, một kỹ thuật cách mạng có thể giúp chỉnh sửa bộ gen của bất kỳ tế bào nào với độ chính xác cao.
Vào năm 2015, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thông báo rằng họ đã chỉnh sửa một gen quan tới một bệnh về máu trong phôi người. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta điều chỉnh phôi người bằng kỹ thuật CRISPR-cas9 (hoặc ít nhất là một công trình trong đó đã được công bố!). Vào năm 2017, một nhóm nghiên cứu khác ở Trung Quốc đã báo cáo về việc tạo ra đột biến kháng HIV trên phôi người. 4 trên 26 phôi đã được chỉnh sửa thành công, điều đó chứng tỏ rằng việc chỉnh sửa phôi người có thể thực sự hiệu quả! Như vậy, cuối cùng chúng ta có thể sửa chữa được các rối loạn di truyền trước khi sinh.
Không chỉ ở Trung Quốc, chỉnh sửa phôi người cũng đang được chấp thuận ở các quốc gia khác. Đầu năm 2016, Anh đã cho phép một nhóm các nhà khoa học được phép chỉnh sửa phôi người. Và gần đây tại Mỹ, các nhà khoa học đã báo cáo về thành công đầu tiên trong việc sửa chữa phôi người. Họ sử dụng CRISPR-cas9 để chỉnh sửa một đột biến gen gây ra bệnh phì đại cơ tim, và cho kết quả thành công vang dội.
Bản đồ này cho thấy những hạn chế pháp lý về việc chỉnh sửa phôi người ở các quốc gia khác nhau trên toàn cầu. Một số quốc gia cho phép chỉnh sửa phôi người nếu tuân theo hướng dẫn nào đó trong khi một số khác có quy tắc mơ hồ. Nguồn: Araki and Ishii, Reproductive Biology and Endocrinology, 2014.
Với tất cả những đột phá đáng kinh ngạc mà bài viết đề ra, sẽ không mất quá lâu trước khi chúng ta làm chủ khoa học về tái thiết kế phôi người. Và khi điều đó xảy ra, các kỹ thuật tương tự có thể được áp dụng trên phôi được tạo ra từ tế bào da người. Nói cách khác, chúng ta hoàn toàn có thể biến các tế bào da người trở thành những con người được biến đổi gen một cách đầy đủ với những khả năng đáng kinh ngạc ngoài sức tưởng tượng. Thuật ngữ để gọi những người được tạo ra như vậy là "những đứa trẻ được thiết kế" vì chúng đã được tùy chỉnh hoặc được "thiết kế lại" để có những đặc điểm di truyền nhất định được kiểm soát chính xác trước khi sinh.
(còn nữa)
Tài liệu tham khảo:
Hashem Al-Ghaili, "Creating Human Beings From Skin Cells Is Possible", Sciencr, September 21, 2017.
Theo Biomedia Việt Nam
Sáng ngày 30/5/2023, Khoa Sư phạm đã tổ chức thành công buổi lễ Bảo vệ Khóa luận tốt nghiệp Đại học hệ Chính quy cho sinh viên K12 Khóa 2019 – 2023 ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học. Đây là cơ hội để các bạn thể hiện được kiến thức chuyên môn, năng lực nghiên cứu cũng như kỹ năng làm việc đã được tích lũy sau 4 năm học tập ở giảng đường Đại học Hà Tĩnh.
Tập thể giảng viên Khoa Sư phạm và sinh viên bảo vệ khóa luận tốt nghiệp
Đến dự lễ khai mạc có TS. Trần Thị Ái Đức – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh, ThS. Nguyễn Hải Trung – Phó Trưởng phòng Đào tạo; ThS. Ngô Tất Đạt – Trưởng Phòng CTCT - HSSV; TS. Lê Văn An – Trưởng Khoa Sư phạm cùng các thầy cô giáo trong Hội đồng chấm khóa luận, các giáo viên hướng dẫn và các bạn sinh viên bảo vệ khóa luận.
Thay mặt Ban giám hiệu nhà trường, TS. Trần Thị Ái Đức chúc mừng Khoa và có đôi lời căn dặn, động viên các bạn sinh viên. Với sự đóng góp là 10 khóa luận của riêng Khoa Sư phạm, đây sẽ chính là kết quả, là sự ghi nhận công sức và trí tuệ của thầy và trò. Kết quả đó sẽ là thước đo chính xác để đánh giá quá trình đào tạo của Khoa trong 4 năm qua.
Thay mặt Ban lãnh đạo Khoa, TS. Lê Văn An gửi lời cảm ơn đến Đảng ủy, Ban giám hiệu cùng tất cả các đơn vị Phòng ban đã luôn giúp đỡ, tạo điều kiện, quan tâm các em để ngày hôm nay các em trưởng thành hơn, các em có được những thành quả là những khóa luận tốt nghiệp được bảo vệ hôm nay.
Thay mặt các bạn sinh viên bảo vệ khóa luận, bạn Phan Thị Minh Hạnh gửi đến Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô trong trường nói chung và khoa Sư phạm nói riêng lời cảm ơn chân thành nhất. Với sự tần tảo hy sinh, thầy cô là những người chiến sĩ thầm lặng, ngày đêm miệt mài góp nhặt những kiến thức để vun tưới cho thế hệ mai sau.
Sau lễ khai mạc, các hội đồng về địa điểm được phân công để tiến hành làm việc. Mỗi sinh viên có 10 phút thuyết trình trước hội đồng về đề tài khóa luận của mình. Sau đó, các bạn sẽ được nghe các nhận xét và ý kiến góp ý của các thầy cô giáo trong hội đồng và trả lời các câu hỏi của giảng viên phản biện. Các tranh luận sôi nổi, dân chủ và trao đổi thẳng thắn. Mặc dù không giấu được sự căng thẳng trước một bài trình bày với tầm quan trọng lớn, song với sự cổ vũ của bạn bè, gia đình, các bạn sinh viên đều thể hiện một cách tự tin và thuyết phục.
Các sản phẩm Khóa luận sau khi chỉnh sửa sẽ được lưu tại thư viện của Trường Đại học Hà Tĩnh, Phòng Truyền thống, Văn phòng khoa, đó sẽ là minh chứng về quá trình phấn đấu và cố gắng của các bạn sinh viên và là nguồn tham khảo hữu ích cho các sinh viên các khóa sau này.
Buổi lễ bảo vệ Khóa luận là sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với các bạn sinh viên, đó là cột mốc thành công cuối cùng của các bạn trước khi chính thức trở thành những tân cử nhân và bước đi trên những hành trình mới.
Bánh xe thời gian cứ lặng lẽ quay đều, thấm thoắt một mùa hè nữa lại đến. Tiếng ve kêu râm ran, những tia nắng oi ả và cả những tán phượng đỏ rực... tất thảy chầm chậm hiện ra trước mắt tôi. Lúc này, bất giác giật mình, cũng là mùa hè đến nhưng sao mùa hè năm nay lạ quá. Nhớ thương, lưu luyến và bâng khuâng đến lạ thường. Có lẽ bởi mải mê trong những con chữ ở buổi học tuần công dân đầu tiên tới những tiết học online vì đại dịch COVID 19 hay cả những buổi tập giảng mà tôi và chúng bạn đã quên mất rằng ngày chúng tôi ra trường và có những định hướng riêng cho bản thân không còn xa nữa.
Mới ngày nào còn cầm tập hồ sơ vào trường nhập học, là một sinh viên ngoại tỉnh, lúc đấy, tôi đã có nhiều sự lo lắng và rụt rè bởi sợ rằng liệu mình có thể học tập tốt hay không, bản thân mình có phù hợp với môi trường ở đây hay không. Nhưng giờ đây, tôi tự hào khi bản thân là một sinh viên của trường Đại học Hà Tĩnh và tôi thấy mình may mắn vì được “nuôi lớn” trong mái trường thân yêu này. Tôi bén duyên với trường Đại học Hà Tĩnh với nguyện vọng theo học ngành Giáo dục Tiểu học. Gần 4 năm học tại trường, tôi được thầy cô trang bị không chỉ là kiến thức trên những trang giáo trình mà còn là những buổi tập giảng được thầy cô cùng cả lớp theo dõi và nhận xét. Thầy cô còn truyền cho chúng tôi lòng yêu nghề vô tận, tỉ mẫn chỉ cho chúng tôi kĩ năng lên lớp một tiết dạy sao cho buổi học trở nên hấp dẫn hơn, hay cách dùng từ khi hỏi học sinh. Tất thảy là một hành trang vô cùng quý báu đối với tôi để tôi có thể bước vào nghề. Bên cạnh đó, chúng tôi được nhà trường cũng như ban chủ nhiệm Khoa Sư phạm tạo điều kiện để có cơ hội trau dồi kinh nghiệm cho bản thân cũng như rèn luyện kĩ năng qua các cuộc thi nghiệp vụ sư phạm, nghiên cứu khoa học... Chúng tôi còn nhận được sự quan tâm sát sao của ban chủ nhiệm Khoa từ những điều nhỏ nhất, đó là món quà thăm hỏi sinh viên khi sinh viên đang thực hiện cách ly ở khu ký túc xá, hay là kê thêm bàn ghế và bảng ở phòng học kí túc xá để sinh viên có thể luyện chữ hoặc tập giảng hằng ngày. Ngoài ra, chúng tôi còn được tham gia các hoạt động tình nguyện và các hoạt động của câu lạc bộ đội nhóm dưới sự dẫn dắt và quản lý của BGH nhà trường. Tôi may mắn được tham gia vào câu lạc bộ Tình nguyện quốc tế. Tại đây, tôi có cơ hội được tiếp xúc với các bạn du học sinh Lào và dạy Tiếng Việt cho các bạn ấy. Ngoài ra, tôi còn tham gia các chiến dịch như Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh... Qua đó, tôi có thêm cho mình những trải nghiệm bổ ích, giúp tôi trưởng thành và tự tin hơn. Và còn thật nhiều tình cảm và sự quan tâm của quý thầy cô dành cho chúng tôi mà chúng tôi không thể kể xiết. Chúng tôi biết rằng sâu thẳm trong sự nghiêm khắc của thầy cô là sự bao dung, ân cần và sự tận tụy của thầy cô đối với chúng tôi. Bởi vậy, chúng tôi thêm yêu những trang giáo trình, những slide bài học, những nét chữ trên bảng và cả những giọt mồ hôi còn vương trên trán của thầy cô khi giảng bài.
Lúc này đây, xin phép được gọi tiếng “thầy”, tiếng “cô” bằng một sự trân quý và biết ơn sâu sắc nhất và để những âm thanh ấy mãi vang vọng trong tâm hồn mỗi sinh viên chúng tôi trên chặng đường tương lai phía trước. Em xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới BGH nhà trường, Ban Chủ nhiệm Khoa và quý thầy cô giáo đã dìu dắt và chỉ bảo cho chúng em. Kính chúc thầy cô luôn dồi dào sức khỏe, mãi rực ngọn lửa nhiệt huyết để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, nâng bước và chắp cánh ước mơ cho các thế hệ sinh viên.
Và tôi cũng có đôi lời muốn gửi tới các em sinh viên khóa dưới. Các em thân mến! Anh chị đã đi qua bốn mùa hoa phượng nở rực, đã sắp đi hết chặng đường sinh viên tươi đẹp. Anh chị hi vọng các em sẽ tiếp tục giữ lửa cho trường mình, viết tiếp những trang vàng thành tích làm rạng danh mái trường của chúng ta. Mong các em trân trọng giây phút bên thầy cô và bạn bè trong quá trình học tập tại trường. Chúc các em thành toại ước mơ. Và cuối cùng, tôi mong được lưu lại thật nhiều ký ức đẹp, kỉ niệm đẹp trên mái trường thân yêu cùng thầy cô và các bạn. Chúc các bạn đồng khóa ra trường đúng hạn và thành công trên con đường mình đã chọn. Hiện tại, ngày mai và sau này chúng tôi sẽ không bao giờ quên đại gia đình Đại học Hà Tĩnh thân yêu.
Các hoạt động của con người đã khiến 7/8 ranh giới trong hệ thống Trái đất vượt giới hạn an toàn, đe dọa sức khỏe hành tinh và nhân loại, theo nghiên cứu.
Người dân Ấn Độ trốn nóng dưới gầm cầu
Nghiên cứu do các nhà khoa học hàng đầu thế giới thuộc Ủy ban Trái đất tiến hành và đăng trên tạp chí Nature ngày 31-5. Nghiên cứu xác định các hoạt động của con người đã khiến 7/8 ranh giới trong hệ thống Trái đất vượt quá "giới hạn an toàn và đúng mức", đe dọa sức khỏe hành tinh và con người.
8 ranh giới trong hệ thống Trái đất - được hình thành từ các quá trình phụ thuộc lẫn nhau để giữ cho hành tinh ổn định, gồm khí hậu, đa dạng sinh học, nước, hệ sinh thái tự nhiên, sử dụng đất, tác động của phân bón và phun thuốc trừ sâu...
Ông Johan Rockström, giám đốc Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Đức) và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết việc Trái đất vượt quá hầu hết các ranh giới an toàn là rất đáng lo ngại.
Điều này không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt do biến đổi khí hậu mà còn dẫn tới nguy cơ an ninh lương thực không được đảm bảo, chất lượng nước xấu đi, nguồn nước ngầm cạn kiệt và các điều kiện sinh kế tồi tệ hơn, đặc biệt đối với các nhóm đa số dễ bị tổn thương trên thế giới.
Theo nghiên cứu trên, giới hạn "an toàn và đúng mức" đối với mức tăng nhiệt độ toàn cầu có tính đến tác động đối với hành tinh và con người là 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tuy nhiên mức tăng này hiện ở mức 1,1 độ C, hoặc thậm chí 1,2 độ C.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, các chính phủ trên thế giới cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất ở mức 2 độ C và lý tưởng là 1,5 độ C. Vượt qua mức tăng này sẽ tạo nên những thay đổi toàn cầu không thể đảo ngược.
Các dòng hải lưu biển sâu ở Nam Cực đang chảy chậm lại
Các nhà nghiên cứu của Ủy ban Trái đất cho biết với việc nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C, hơn 200 triệu người sẽ phải chịu mức nhiệt độ trung bình hằng năm cao chưa từng có và hơn 500 triệu người có thể phải đối mặt với mực nước biển dâng.
Nghiên cứu cũng kết luận việc sử dụng nitơ làm phân bón cần giảm một nửa để giảm sự phát triển quá mức của thực vật và tảo nở hoa trên mặt nước, đồng thời giảm lượng khí thải amoniac và oxit nitơ.
Cũng theo ông Rockström, tất cả các ranh giới trong hệ thống Trái đất được xác định trong nghiên cứu đều "có mối liên hệ với nhau", nghĩa là việc vượt quá giới hạn an toàn trong một lĩnh vực có thể gây tác động trực tiếp đến những lĩnh vực khác. Ông nhấn mạnh nếu muốn giải quyết khủng hoảng khí hậu, các ranh giới khác cũng cần được bảo vệ.
(st)
Để hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành Toán tiếp cận với các gói hỗ trợ và các loại học bổng, chúng tôi giới thiệu một số gói hỗ trợ và học bổng trong nước mà sinh viên ngành sư phạm nói chung và sinh viên Sư phạm Toán có thể tiếp cận được.
Trước hết, sinh viên sư phạm có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực từ ngày 15-11-2020. Theo đó, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí và 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Tuy nhiên, để tiếp cận chính sách này cần có một số yêu cầu, điều kiện kèm theo như sinh viên phải hoàn thành chương trình học, Đảm bảo thời gian công tác trong ngành giáo dục, nằm trong chỉ tiêu đặt hàng của địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với sinh viên ngành Toán còn có một số hỗ trợ học bổng đặc thù ngành. Theo thông tư 22/2022/TT-BTC về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2023 “Chi học bổng khuyến khích để thu hút và nâng cao chất lượng đối với sinh viên ngành Toán được Hội đồng xét cấp học bổng xét chọn theo tiêu chí quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Mức học bổng bằng mức trần học phí của năm học hiện hành đối với chuyên ngành Toán tại các cơ sở giáo dục đại học quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo”. Như vậy, theo thông tư 22 của Bộ tài chính, những sinh viên ngành Toán “xuất sắc” có thể nhận được học bổng từ 1,35 – 2,76 triệu đồng/tháng trong năm học 2023-2024 từ ngân sách nhà nước. Chương trình học bổng sinh viên của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF). Theo đó, nếu cơ sở đào tạo đăng ký và được xét duyệt hợp tác với VINIF thì sinh viên có cơ hội nhận học bổng 60 triệu/năm (50 suất học bổng danh cho sinh viên thuộc cơ sở đào tạo được xét hợp tác). Học bổng theo chương trình hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho sinh viên đại học tiềm năng tại Viện Toán học, theo đó sinh viên có thể được nhận 5,5 triệu đồng/tháng và tối đa 5 triệu cho chi phí đi lại. Theo chương trình này, khi được tuyển chọn, sinh viên còn được làm việc dưới sự hướng dẫn của chuyên gia tại Viện toán học và được ưu tiên tham gia chương trình thạc sỹ và tiến sỹ của viện, đồng thời được ưu tiên đăng ký học bổng của Quỹ VINIF theo thỏa thuận giữa hai cơ quan.
Ngoài ra, sinh viên còn nhận được các loại học bổng khuyến khích học tập của cơ sở đào tạo, các học bổng đồng hành của các tổ chức cá nhân khác. Sinh viên sư phạm Toán cũng có thể được tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc đề tài nhóm các đề tài dành cho tài năng trẻ của Viện Toán học, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup,…