Chiều ngày 20/6/2022, tại Hội trường Tầng 2 -Trường Đại học Hà Tĩnh, Khoa Sư phạm tổ chức Lễ tổng kết khóa học cho sinh viên Đại học K11 và Cao đẳng K26.
Tham dự buổi lễ có ThS. Trần Thị Khánh – Phó phòng Đào tạo; TS. Lê Văn An – Bí thư chi bộ, Trưởng khoa Sư phạm, cùng các cán bộ, giảng viên và đại diện sinh viên các lớp K11, K26 khoa Sư phạm.
Khóa học 2018 – 2022 hệ Đại học và 2019 – 2022 hệ Cao đẳng của khoa Sư phạm có 129 sinh viên (gồm 4 lớp: 2 lớp ĐH; 2 lớp CĐ). Với sự nỗ lực không ngừng của thầy và trò, sau 3-4 năm đào tạo, 129 sinh viên đã hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn, nhiều sinh viên đạt thành tích xuất sắc. Báo cáo tổng kết tại buổi lễ, ThS. Đặng Thị Yến - Phó Trưởng Khoa đã đánh giá các mặt thuận lợi, khó khăn, những thành tựu, kết quả nổi bật mà sinh viên K11 và K26 đạt được.
Nhiều sinh viên liên tục nhận học bổng dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc của các tổ chức trong và ngoài nước và của Nhà trường. Nhiều sinh viên là hạt nhân nòng cốt trong hoạt động của Khoa, của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Trường, được các cấp bộ Đoàn, Hội tặng thưởng bằng khen, giấy khen, nhiều sinh viên đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt, Sao tháng Giêng… Đặc biệt trong đợt thực tập sư phạm cuối khoá ở các trường Tiểu học và Mầm non trên địa bàn tỉnh, các em đã để lại những ấn tượng rất tốt đẹp trong lòng học sinh và giáo viên tại các cơ sở.
Để có được những thành tựu nói trên, bên cạnh sự nhiệt tình, tận tâm của thầy cô giáo, tinh thần rèn luyện ý chí, nghị lực, vượt khó, học tốt của các sinh viên, còn là sự ủng hộ, tạo điều kiện giúp đỡ, chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường. Ghi nhận những thành tích, những đóng góp, sự nỗ lực cố gắng của các em trong học tập cũng như các hoạt động Đoàn, Hội trong những năm học qua, tại buổi lễ, khoa Sư phạm tặng Giấy khen cho 2 tập thể, 9 cá nhân có thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc. Đoàn trường và Liên chi đoàn tặng 14 giấy khen và phần thưởng cho các đoàn viên có nhiều thành tích trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong khoá học vừa qua.
Tại buổi lễ, sinh viên Thái Thị Châu Anh (K11 GDTH) đại diện cho tất cả sinh viên K11 và K26 bày tỏ những lời tri ân sâu sắc đối với thầy cô; những tình cảm thật xúc động, thiêng liêng, trong giờ phút chia tay với thầy cô, bạn bè, với khoa Sư phạm và ngôi trường Đại học Hà Tĩnh mến yêu - ngôi nhà thứ hai, nơi nuôi dưỡng và chắp cánh cho những ước mơ của các em được bay cao, bay xa.
Kết thúc buổi Lễ, ThS. Nguyễn Khánh – Phó bí thư chi bộ, Phó Trưởng khoa Sư phạm thay mặt các thầy cô giáo và sinh viên gửi lời cảm ơn lãnh đạo Nhà trường đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho thầy và trò Khoa Sư phạm; đồng thời, chúc các em sinh viên K11, K26 sớm có được công việc phù hợp với ngành nghề đào tạo và mong muốn các em sinh viên luôn chủ động, tích cực trong suy nghĩ và hành động; không chùn bước trước những khó khăn; mở lòng với thế giới xung quanh và giáo dục các thế hệ học trò của mình bằng tầm cao của hiểu biết và lòng nhân ái.
Những mong muốn của thầy cũng là mong muốn chung của tập thể CBGV Trường ĐH Hà Tĩnh, của khoa Sư phạm đối với các em sinh viên K11, K26 tốt nghiệp ngày hôm nay. Và mong rằng các em luôn nhớ về mái trường Đại học Hà Tĩnh thân yêu của chúng ta, nơi này luôn đón chào các em với tình cảm thân thương và tinh thần trách nhiệm cao trong nghề nghiệp./.
Giải Nobel là một trong những giải thưởng quốc tế nổi tiếng nhất, giải được trao cho các lĩnh vực vật lý, hoá học, y học, văn học, kinh tế và hòa bình. Lĩnh vực Toán học không được trao giải Nobel nhưng bù lại có khá nhiều giải thưởng khác dành cho các nhà toán học (như giải thưởng Fields, Abel, Wolf, Breakthough,...). Trong đó giải "Đột phá trong Toán học" là giải thưởng có giá trị lớn nhất ở thời điểm hiện tại, với số tiền thưởng lên đến 3 triệu đô-la (3.000.000 USD) cho mỗi giải, gấp ba giá trị của giải Nobel.
Giải thưởng Đột phá (Breakthrough Prize) là một tập hợp các giải thưởng quốc tế do Hội đồng Giải thưởng Đột phá trao cho ba hạng mục nhằm ghi nhận những tiến bộ khoa học, trong các lĩnh vực: Toán học (Mathematics), Vật lí (Fundamental Physics), Khoa học đời sống (Life Sciences). Giải thưởng Đột phá nó được xem là “Giải Oscar của khoa học”.
Quỹ Đột phá được ra đời vào năm 2012, sáng lập bởi các tỷ phú Sergey Brin, Anne Wojcicki, Mark Zuckerberg, Priscilla Chan, Yuri Milner, Julia Milner, Jack Ma và Pony Ma.
Trong chương trình học của học kỳ 2 năm học 2021-2022, vừa qua, các bạn sinh viên lớp K12 Giáo dục Mầm non đã cùng thực hiện bài thi thực hành chế biến món ăn cho trẻ. Đây là bài thực hành thuộc học phần Dinh dưỡng và Vệ sinh phòng bệnh.
Ngành Giáo dục Mầm non tại Khoa Sư phạm từ lâu luôn là địa chỉ tin cậy đào tạo nên biết bao thế hệ “cô nuôi dạy trẻ”. Với bề dày truyền thống gần 60 năm trong việc đào tạo giáo viên, Khoa Sư phạm, Trường ĐH Hà Tĩnh luôn chú ý phát triển, mở rộng các kỹ năng hỗ trợ cho việc nuôi dạy trẻ. Trong chương trình đào tạo hiện nay, học phần Dinh dưỡng và vệ sinh phòng bệnh được thiết kế theo hướng “học đi đôi với hành”. Việc lên thực đơn và tổ chức chế biến món ăn đảm bảo các tiêu chuẩn hợp lý, đủ dinh dưỡng và an toàn được thể hiện thông qua các bài học thực hành tại nhà ăn, căn-tin.
Bước đầu tiên là việc lên thực đơn bữa ăn. Với giả định là chuẩn bị bữa ăn chính (bữa trưa) cho trẻ 5-6 tuổi, các bạn đã dựa vào các thông số trung bình về thể trạng, đặc điểm sinh lý lứa tuổi, … để lập khẩu phần ăn và lên thực đơn. Sau khi thảo luận, lên thực đơn là chuẩn bị thực phẩm. Đa số thực phẩm được các bạn chọn mua tại các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố. Một số các bạn chủ động mang từ nhà, như: trứng, bầu, bí, khoai lang,…
Chọn nguyên liệu sạch quyết định bữa ăn an toàn
Mỗi tổ được phân công 1 khu vực bếp nấu riêng tại căn-tin (nhà Hành chính của Trường). Các bạn trong tổ phân công nhau, sơ chế, chuẩn bị nguyên liệu đảm bảo vệ sinh, phù hợp với từng loại thực phẩm.
Chế biến cầu kỳ, cẩn thận mang đến sự chân thành
Việc chế biến và bày biện các món ăn ra mâm được thực hiện cẩn thận, tỉ mỉ. Đảm bảo các món ăn được chế biến đủ về chất, về lượng, đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh, đẹp mắt.
Sau 120 phút thực hiện, các bàn ăn đã được sắp xếp với rất nhiều món ăn nhiều màu sắc, trông rất bắt mắt. Các giảng viên của bộ môn cùng với đầu bếp Hữu Hùng lắng nghe phần thuyết minh của các nhóm. Mỗi nhóm một phong cách trình bày, linh hoạt, hấp dẫn. Các bài thuyết trình chỉ rõ cách chọn nguyên liệu, cách sơ chế, cách chế biến, giá trị, ý nghĩa từng món ăn.
Bài trí đẹp, màu sắc đa dạng, hấp dẫn kích thích trẻ ăn ngon
Bài thực hành kết thúc, các thầy giám khảo nhận xét đánh giá cao ý thức của tập thể và các bạn sinh viên trong lớp đã tổ chức chế biến món ăn đúng yêu cầu, đảm bảo chất lượng, khẩu phần, đủ dinh dưỡng; trình bày đẹp. Bên cạnh đó, các giảng viên cũng góp ý các chi tiết cần lưu ý khi chế biến món ăn, giúp các bạn hiểu thêm những kỹ thuật cần rèn luyện thêm để hoàn thiện kỹ năng chế biến món ăn.
Luôn lắng nghe để tiếp thu ý kiến hoàn thiện kỹ năng
Với bài thực hành này, mỗi sinh viên sẽ có thêm sự tích lũy kỹ năng, giúp cho các bạn thêm yêu môn học, ngành học; không ngừng nỗ lực học tập ngày một tốt hơn, sớm trở thành cô giáo được các em nhỏ yêu mến!
Ngày 06 tháng 06 năm 2022, Hội đồng khoa học Trường Đại học Hà Tĩnh đã tổ chức đánh giá và nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học năm học 2020-2021 do TS. Lê Văn An, chủ nhiệm đề tài và ThS. Nguyễn Thị Hải Anh làm thư ký đề tài.
Thực hiện Quyết định số 682/QĐ-TĐHHT ngày 27/11/2020 của Trường Đại học Hà Tĩnh về việc trển khai thực hiện các đề tài NCKH cấp trường năm học 2020-2021, TS. Lê Văn An và ThS. Nguyễn Thị Hải Anh đã tiến hành nghiên cứu, thực hiện đề tài: “Một số vấn đề về môđun với điều kiện (C2) suy rộng”. Sau một thời gian thực hiện, nhóm nghiên cứu đề tài đã hoàn thành các kết quả nghiên cứu đặt ra trong thuyết minh. Nhằm đảm bảo tính chính xác, tính khoa học trong thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, Ngày 06 tháng 06 năm 2021, Hội đồng khoa học Nhà trường tiến hành bảo vệ và nghiệm thu đề tài theo hình thức trực tuyến.
Có mặt tại buổi nghiệm thu, về phía Nhà trường, có ThS. Dương Thị Quỳnh Lưu và Th.S Đặng Thị Thái Linh, phòng QLKH - Đối ngoại - Truyền thông.
Hội đồng nghiệm thu được thành lập theo Quyết định số 237/QĐ-TĐHHT ngày 27/05/2022, gồm 05 thành viên. PGS. TS. Nguyễn Huy Chiêu – Giảng viên Đại họcVinh, làm Chủ tịch Hội đồng. Trong hội đồng còn có các ủy viên phản biện: TS. Đào Thanh Hà – Giảng viên Đại học Vinh và TS. Nguyễn Thị Thanh Tâm – Trường ĐH Hà Tĩnh. Buổi bảo vệ diễn ra đồng thời bằng 2 hình thức online (cho các thành viên Hội đồng là giảng viên Đại học Vinh) và bằng hình thức ofline cho các thành viên hội đồng của Đại học Hà Tĩnh.
Sau phần tuyên bố lý do, công bố Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở và phát biểu khai mạc của ThS. Dương Thị Quỳnh Lưu – Phó Trưởng phòng QLKH - Đối ngoại - Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng đã tiến hành chủ trì buổi bảo vệ. Chủ nhiệm đề tài TS. Lê Văn An đã báo cáo tóm tắt nội dung của đề tài. Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài gồm 2 chương với 33 trang, Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài đã đạt được những kết quả nghiên cứu như phần Thuyết minh đã được thông qua, đảm bảo tính khoa học, tính chính xác. Sản phẩm của đề tài là 01 bài báo Tiếng Anh được đăng trên Tạp chí Đại học Hà Tĩnh và 01 bài báo khác cũng bằng tiếng Anh được nhận đăng trên tạp chí Đại học Hà Tĩnh. Đề tài đã nghiên cứu tính chất của tổng trực tiếp vô hạn các môđun con đều thông qua điều kiện (C2) suy rộng từ đó đưa ra một đặc trưng mới của lớp môđun tựa nội xạ; sau đó đề tài đưa ra các kết quả đặc trưng cho lớp vành Artin nửa đơn và QF.
Với 5/5 thành viên Hội đồng bỏ phiếu đánh giá xếp loại tốt, đề tài được thông qua. Hội đồng đã đề xuất, kiến nghị chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng, chỉnh sửa như kết luận của Hội đồng và hoàn thiện các sản phẩm
của đề tài.
“Nét chữ nết người” là câu thành ngữ mà ắt hẳn người dân Việt Nam nào cũng biết và được nghe ngay từ những ngày đầu tiên làm quen với con chữ, từ lời răn của bà, từ lời khuyên của mẹ, từ lời dạy của cô. Cũng từ những ngày bé xíu ấy, chúng ta luôn được nhắc nhở rằng phải viết thật đẹp, thật sạch mới thành người giỏi giang và tư tưởng này đã luôn được mặc định trong tâm trí mỗi chúng ta ngay từ khi biết cắp sách tới trường. Những người viết chữ đẹp luôn mang lại thiện cảm rất tốt cho mọi người xung quanh ngay từ giây phút tiếp xúc đầu tiên với những con chữ ấy. Người ta thường suy nghĩ rằng, chữ viết đẹp đồng nghĩa với người viết chữ cũng “đẹp”, đây chính là vẻ đẹp cả về hình thức lẫn tính cách và tâm hồn của người viết.
Lịch sử phát triển của một nền văn minh gắn liền với ngôn ngữ và chữ viết. Những loại chữ viết cổ xưa nhất đều bắt nguồn từ những nền văn minh lâu đời như Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc. Lịch sử chữ viết Việt Nam ghi nhận ba loại văn tự được dùng để ghi chép tiếng Việt. Đó là: chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Quan niệm giáo dục của Việt Nam nói riêng và các nước Á Đông nói chung rất đề cao chữ viết và việc rèn chữ. Người Trung Hoa nâng tầm việc viết chữ đẹp thành nghệ thuật thư pháp, còn người Việt Nam ta coi "vở sạch, chữ đẹp" là mục tiêu hàng đầu của học sinh tiểu học. Chữ viết đẹp không chỉ thể hiện nét chỉn chu, trau chuốt của người viết, còn là đức tính kiên nhẫn, cầu toàn, được mài giũa qua quá trình rèn chữ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.
Hiểu được tầm quan trọng của chữ viết đối với giáo viên tiểu học, tăng thêm cơ hội rèn nghề cho sinh viên, LCĐ khoa Sư phạm – trường Đại học Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc thi “nét chữ - nét người”. Cuộc thi đã được các bạn sinh viên tham gia hưởng ứng rất nhiệt tình với hơn 300 bài dự thi công phu, chất lượng. Buổi lễ vinh dự có sự tham dự của TS. Hồ Thị Nga - Phó hiệu trường Trường Đại học Hà Tĩnh; TS. Nguyễn Văn Hòa – Phó Trưởng Phụ trách phòng Đào tạo trường Đại học Hà Tĩnh; ThS. Biện Văn Quyền - UVBTV Tỉnh Đoàn, Bí thư Đoàn trường Đại học Hà Tĩnh; thầy Nguyễn Viết Thừa – Phó Trường phòng Chính trị Công tác HSSV trường Đại học Hà Tĩnh; Anh Phan Tuấn Dũng – đại diện đơn vị đồng hành Công ty TBGD Hà Thanh. Về phía Khoa Sư phạm có sự tham dự của TS. Lê Văn An – Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa Sư phạm cùng các thầy cô giáo và các bạn sinh viên trong Khoa.
Các bạn sinh viên tham gia hưởng ứng cuộc thi rất nhiệt tình.
Sau gần 1 tháng triển khai, vào chiều ngày 13/5/2022, sau 2 vòng tuyển chọn kĩ càng, Ban tổ chức đã công bố kết quả gồm 1 giải nhất (thuộc về bạn Nguyễn Thị Hà Ly – K11GDTH), 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích cho các cá nhân; 1 giải tập thể dành cho LCĐ có số sinh viên tham gia nhiều nhất là lớp K13-GDTH; 1 cá nhân có số lượng bình chọn cao nhất thuộc về bạn Lê Nguyễn Khánh Vy – K14D GDTH.
TS. Hồ Thị Nga - Phó hiệu trường Trường Đại học Hà Tĩnh trao giải nhất cho bạn Nguyễn Thị Hà Ly – K11GDTH
Ngoài ra, Khoa Sư phạm đã ra mắt Câu lạc bộ “Luyện chữ đẹp trường Đại học Hà Tĩnh” nhằm tạo môi trường cho các sinh viên kết nối, giao lưu, chia sẻ đam mê luyện chữ viết và cùng nhau rèn luyện chữ đẹp, rèn nghề.
Sau buổi lễ, đơn vị đồng hành đã mời cô Đỗ Thúy Hằng giao lưu, hướng dẫn viết thư pháp cho các bạn sinh viên và viết tặng chữ cho các đại biểu và các bạn sinh viên.