Một mùa hiến chương Nhà giáo nữa lại về, em rất vui và vinh dự khi được đại diện cho tập thể k15-GDTH bày tỏ những cảm xúc của mình trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Alexander the Great đã từng nói rằng: “tôi mang ơn cha mẹ cho tôi sự sống, nhưng tri ân thầy tôi đã dạy tôi cách sống đẹp”. Có lẽ trong cuộc đời của mỗi con người, cha mẹ chính là đấng sinh thành, là người đã dạy dỗ ta nên người. Thế nhưng bên cạnh đó còn có những người luôn đồng hành trong những năm tháng tuổi thanh xuân của chúng ta đó chính là những người thầy người cô – những người lái đò thầm lặng.
Tháng 11 ùa về mang theo cơn gió thu nhè nhẹ, cùng với cái nắng dịu êm thì cũng là lúc sinh viên chúng em hướng lòng mình về thầy cô, người đã tận tình giúp đỡ chúng em trong những năm tháng qua. Là sinh viên năm nhất, đang chập chững bước những bước chân đầu tiên vào đời, chúng em có rất nhiều bỡ ngỡ ở môi trường đại học, nó khác xa hoàn toàn với môi trường ở cấp 3. Nhưng may thay, trong sự bỡ ngỡ ấy chúng em lại gặp được những người thầy, người cô vô cùng tận tụy, giúp đỡ chỉ bảo cho chúng em rất nhiều điều trong học tập cũng như trong cuộc sống. Có lẽ đây cũng chính là lí do mà chúng em đã chọn nghề giáo.
Nghề giáo, cái nghề bụi phấn bám đầy tay, là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Chẳng biết ai đã yêu quý trân trọng gọi những người thầy người cô là những người lái đò thầm lặng nhỉ? Khi chúng ta sinh ra, cha mẹ đã cho ta hình hài, cho ta dòng sữa mát lành và nuôi ta lớn khôn. Rồi cuộc đời chúng ta lại sang một trang mới khi chúng ta cắp sách tới trường, nơi đó dòng sữa ngọt chính là nguồn tri thức mà thầy cô đã dành cho ta. Thầy cô đã dạy cho ta cách đọc, cách viết, cách cảm nhận cuộc sống. Thầy cô là người dạy chúng ta những nét chữ đầu tiên của cuộc đời để rồi bây giờ lớn lên là sinh viên năm nhất chúng ta mới nhận ra rằng những nét chữ đó không đơn thuần chỉ là dạy ta biết viết mà nết người của ta cũng được bắt đầu từ những nét chữ đó. Khi bước vào cổng trường đại học, một cô gái 18 tuổi lần đầu tiên trải nghiệm cuộc sống sinh viên mang trong mình rất nhiều sự bỡ ngỡ lẫn sự lo lắng nhưng may mắn thay chúng em đã gặp được thầy cô, để bây giờ chúng em đã dần làm quen được môi trường mới.
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng em muốn gửi lời cảm ơn đến thầy cô đã giúp đỡ chúng em trong thời gian vừa qua:
“ Lòng sâu biển rộng mênh mông
Không sao bằng được tấm lòng thầy cô ”
Có ai đó đã từng nói rằng: “Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó nhưng đừng quên người cầm đèn đang đứng trong bóng đêm”. Thầy cô chính là những người cầm ngọn đèn của tri thức, trí tuệ soi sáng con đường tương lai cho chúng em, chắp cánh cho những ước mơ bay cao bay xa. Là những người bạn lớn tuổi, vừa là người cha, người mẹ hướng về phía những đứa nhỏ với cái nhìn ấm áp, trìu mến thân thương. Dạy cho ta biết khóc, biết cười trước những mảnh đời, biết đứng lên sau mỗi lần vấp ngã, biết yêu gia đình và yêu quê hương. Thầy cô còn dạy chúng ta biết quý thời gian, trọng chữ tín, biết giữ lòng trong sạch…. Những lời giảng đầy nhiệt huyết cùng sự quan tâm ân cần của thầy cô đã dìu dắt bao thế hệ học trò trưởng thành. Thầy cô đã dạy đàn con thơ từng con chữ, dạy cả cách làm người. Như những người lái đò tận tụy ngày đêm, thầy cô đưa biết bao thế hệ học trò đến bến bờ hạnh phúc. Rồi thời gian trôi qua, năm tháng sẽ làm nhạt nhòa tất cả, nhưng có điều chắc chắn là chúng em sẽ không bao giờ quên được những năm tháng được học ở mái trường này, công lao to lớn của thầy cô:
“Có một nghề bụi phấn dính đầy tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây trên đất
Lại nở cho đời những đóa hoa thơm”
Thầy cô không chỉ hy sinh công sức và thời gian của mình mà còn dành trọn cả tình yêu thương và sự bảo bọc cho “những đứa trẻ” non nớt vẫn còn bỡ ngỡ trước cái xã hội rộng lớn này. Những đứa trẻ ngơ ngác ấy nhìn cuộc đời với sự chỉ bảo tận tình của thầy cô. Chính thầy cô đã truyền cho tôi niềm tin và nghị lực để theo đuổi ước mơ nghề giáo của mình. Thầy cô đã tận tụy, dồn hết công sức vào bài giảng, dạy bảo ta không chỉ kiến thức mà còn dạy ta cách làm người, đối nhân xử thế. Nếu không có lòng yêu thương dành cho học sinh của mình thì liệu họ có tận tụy, hy sinh nhiều như vậy được không? Phải, công việc hằng ngày của thầy cô xuất phát từ trái tim yêu thương của người cha, người mẹ dành cho chính đứa con thơ của mình. Tình yêu ấy luôn cháy bỏng trong tim mỗi người thầy, người cô, sẵn sàng sưởi ấm những cô cậu học trò bé nhỏ vẫn còn chập chững bước đi trên đường đời.
Thời gian vẫn cứ trôi, bốn mùa luôn luân chuyển, chúng ta dần trưởng thành sau mỗi bài học, sau những buổi đứng lớp của các thầy cô. Nhớ lắm những bài học làm người mà những năm qua tôi đã học được. Lòng tôi lại bồi hồi khi nhìn lại hình bóng của những người thầy cô xưa kia đã giảng dạy bằng một tấm lòng tận tụy. Và mỗi năm cứ đến ngày 20/11 toàn thể học sinh, sinh viên trên khắp đất nước lại nhiệt liệt chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam. Những nỗi vất vả của người làm nghề giáo giờ đây được đền đáp bằng những bó hoa tươi thắm, những lời chúc vô cùng ý nghĩa từ những cô cậu học sinh.
Cuộc sống sẽ luôn thay đổi nhưng không thể làm phai mờ đi tìm cảm người thầy người cô dành cho học sinh của mình. Chính tình yêu thương ấy đã sưởi ấm tâm hồn của bao thế hệ học sinh, sinh viên trong suốt quãng đời đi học. Nếu một mai tôi không còn là một đứa trẻ, phải rời xa vòng tay cha mẹ và thầy cô để bước đi trên con đường của mình thì tôi sẽ không bao giờ quên được công lao to lớn của thầy cô, những người đã đồng hành trong những năm tháng tuổi trẻ của tôi. Cũng không biết nói gì hơn, nhân ngày 20/11, chúng em xin chúc thầy cô nhiều sức khỏe, hạnh phúc và luôn thành công trong cuộc sống, sẽ mãi luôn là những người lái đò thầm lặng. Cuối cùng chúng em xin cảm ơn thầy cô trong khoảng thời gian vừa qua. Cảm ơn thầy cô vì tất cả!
Hòa chung không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2022) nhằm tôn vinh, ngợi ca người thầy cũng như thúc đẩy phong trào thi đua, giao lưu học hỏi, tạo sân chơi bổ ích cho sinh viên. Tối ngày 15/11/2022, Liên chi đoàn khoa Sư phạm tổ chức chương trình liên hoan văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, với sự tham gia của hơn 300 sinh viên với 15 tiểt mục văn nghệ đặc sắc đến từ các lớp.
Tham dự chương trình có thầy Nguyễn Văn Hoà - Phó trưởng phòng phụ trách phòng Đào tạo, thầy Nguyễn Viết Thừa - Phó trưởng phòng CTCT HSSV, thầy Lê Văn An - Bí thư Chi bộ, Trưởng khoa Sư phạm, cô Đặng Thị Yến - Phó bí thư Chi bộ, Phó trưởng Khoa khoa Sư phạm, thầy Nguyễn Khánh - Phó trưởng khoa Sư Phạm, thầy Biện Văn Quyền - Phó trưởng khoa Sư phạm, cùng các cán bộ giảng viên và toàn thể sinh viên trong Khoa.
Chương trình liên hoan Văn nghệ là hoạt động thường niên của tuổi trẻ Liên chi đoàn nhằm tri ân các thầy, cô giáo nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đồng thời cũng là sân chơi bổ ích cho toàn thể sinh viên Khoa, chương trình cũng giúp Liên chi đoàn tìm ra được những nhân tố văn nghệ mới, các bạn có năng khiếu để bồi dưỡng và phát triển thêm.
Tại chương trình, thay mặt cho toàn thể sinh viên Khoa Sư phạm, bạn Nguyễn Thị Hải Yến - K12 GDTH phát biểu tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) và tặng hoa chúc mừng cho tập thể các thầy cô giáo.
Chương trình liên hoan văn nghệ chào mừng ngày 20/11 năm nay có sự góp mặt của 15 tiết mục đến từ 14 chi đoàn với nhiều thể loại khác nhau: đơn ca, song ca, tốp ca, múa, nhảy… Các tiết mục đều có sự chuẩn bị tập luyện kỹ lưỡng, dàn dựng công phu, về cả nội dung lẫn hình thức, các chủ đề đều có ý nghĩa thiết thực, mang những lời ca tiếng hát tri ân thầy cô, chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam.
Thực hiện các phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”; “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” Bộ môn Sinh – Địa đã tổ chức nhiều hoạt động: Thao giảng – Dự giờ, Sinh hoạt chuyên môn, Báo cáo chuyên đề … thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022).
Cô Đặng Thị Thu Hiền thao giảng
Các hoạt động được diễn ra với không khí hết sức sôi nổi, tạo điều kiện cho các thầy cô giáo thể hiện năng lực chuyên môn, học tập, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy, tổ chức hoạt động học tập cho sinh viên, khai thác sử dụng hiệu quả, sáng tạo phương tiện, đồ dùng dạy học để nâng cao chất lượng dạy và học.
Tổ chuyên môn góp ý giờ giảng
Mỗi tiết học, giảng viên đều tìm tòi sáng tạo, chuẩn bị bài giảng chu đáo, công phu nên các tiết dạy đều diễn ra tự nhiên, nhẹ nhàng và đạt hiệu quả cao. Sau mỗi tiết dạy, các thành viên trong tổ chuyên môn chia sẻ, góp ý nghiêm túc, với đồng nghiệp về nội dung, phương pháp, kỹ thuật dạy học... Sinh viên tham gia các hoạt động học tập tích cực, sôi nổi.
Ngoài Hội giảng, Tổ Sinh Địa còn tổ chức các seminar, báo cáo chuyên đề…
Thầy Biện Văn Quyền báo cáo chuyên đề
Các hoạt động của Tổ bộ môn giúp giảng viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, góp phần thực hiện xuất sắc nhiệm vụ năm học.
Chiều ngày 5/11/2022, tại Sân bóng Trường Đại học Hà Tĩnh, cơ sở Cẩm Vịnh, Liên chi đoàn Khoa Sư phạm tổ chức trận Chung kết và Lễ Bế mạc Giải bóng đá nữ 7 người Liên chi đoàn Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh Lần I – năm 2022.
Tới cổ vũ trận chung kết và dự Lễ Bế mạc giải bóng đá nữ 7 người Liên chi đoàn Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh Lần I – năm 2022 có các đại biểu: TS. Lê Văn An - Bí thư Chi bộ, Trưởng khoa Sư phạm, ThS. Đặng Thị Yến - Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng khoa Sư phạm cùng các cán bộ, giảng viên, cầu thủ của 14 đội bóng và đông đảo cổ động viên trong và ngoài khoa.
Giải bóng đá nữ sinh viên Khoa Sư phạm năm nay diễn ra từ ngày 15/10/2022 đến ngày 05/11/2022 với sự tham gia của 14 đội bóng - trải qua 29 trận đấu sôi nổi, kịch tính với nhiều pha bóng hay, nhiều tình huống gay cấn và có tới 54 bàn thắng. Vượt qua các đối thủ, 2 đội bóng xuất sắc nhất giải là K14D GDTH và K13 GDMN đã lọt vào chung kết và thi đấu hết mình, cống hiến nhiều pha bóng đẹp cho khán giả. Với tinh thần đoàn kết, ý chí, sức trẻ, kỹ thuật vượt trội, đội bóng đá nữ K14D GDTH đã xứng đáng vô địch giải năm nay với tỷ số 3-0 ở trận chung kết.
Kết quả cụ thể:
+ Đội vô địch: K14D GDTH
+ Á quân: K13 GDMN
+ Giải Ba: K14A GDMN
+ Giải Phong cách: K13 GDTH
+ Vua phá lưới: Cầu thủ Trần Dương Khánh Huyền - K14D GDTH (9 bàn thắng)
Giải bóng đá nữ sinh viên Khoa Sư phạm năm 2022 đã tạo ra một sân chơi thể thao bổ ích cho nữ sinh viên, giúp nâng cao sức khỏe, đẩy mạnh phong trào luyện tập thể dục thể thao, giải tỏa căng thẳng sau những giờ học, đồng thời tăng cường tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các lớp, các đoàn viên, sinh viên trong toàn Khoa. Đây thực sự là hoạt động có ý nghĩa thiết thực của đoàn viên, sinh viên Liên chi đoàn Khoa Sư phạm chào mừng Ngày truyền thống Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam 15/10, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, hướng đến chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Chiều tối ngày 26/10, lượt trận cuối cùng vòng bảng Giải bóng đá nữ sinh viên Khoa Sư phạm năm 2022 đã diễn ra. Kết thúc lượt đấu, 8 đội bóng mạnh nhất ở 4 bảng đấu giành vé vào đá vòng tứ kết đã được xác định.
Sau 12 ngày thi đấu sôi nổi, vòng bảng Giải bóng đá nữ sinh viên Khoa Sư phạm năm 2022 đã chứng kiến 21 trận đấu vòng bảng với vô số những bàn thắng đẹp, những pha bóng ấn tượng và những ứng viên sáng giá của Giải cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất.
Bảng xếp hạng vòng bảng
Các đội lọt vào vòng tứ kết gồm K14D GDTH; K14C GDTH (1); K12 GDTH; K13 GDMN; K15 GDTH; K13 GDTH (2); K14A GDMN và K27 GDMN. Theo thể lệ của giải, 8 đội bóng mạnh nhất vượt qua vòng bảng sẽ thi đấu tứ kết trong các ngày 29 và 30/10. Sau vòng tứ kết, 4 đội mạnh nhất sẽ thi đấu bán kết vào các ngày 2 và 3/11.
Trận chung kết dự kiến diễn ra vào ngày 5/11. Giải bóng đá nữ sinh viên Khoa Sư phạm là giải đấu thường niên được tổ chức nhằm hưởng ứng phong trào “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và chào mừng Ngày truyền thống Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam 15/10, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, hướng đến chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Một số hình ảnh tại vòng bảng: