Trong không khí phấn khởi mừng Đảng, mừng Xuân mới, sáng ngày 05/02/2025( mùng 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ), trường Đại học Hà Tĩnh tố chức chào cờ đầu năm, tết trồng cây; và khoa Sư phạm đã tổ chức gặp mặt đầu xuân 2025.
Trong buổi gặp mặt đồng chí Tiến sĩ Lê Văn An- trưởng khoa đã biểu dương những kết quả mà CBGV đã làm được trong năm qua, đồng thời nêu ra những nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới.
Trong không khí vui mừng chào năm mới, đồng chí trưởng khoa đã dành tặng những lời chúc tốt đẹp tới CBGV trong khoa và hy vọng một năm mới toàn thể CBGV, sinh viên khoa Sư phạm đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn đưa khoa ngày càng phát triển.
Buổi gặp mặt đã diễn ra trong không khí đầm ấm, vui tươi, khởi đầu cho chuỗi ngày làm việc, học tập hứng khởi, và hy vọng những điều tốt đẹp, thành công sẽ đến với khoa Sư phạm- Đại học Hà Tĩnh trong năm mới Ất Tỵ 2025!
Thực tập sư phạm là một trong những giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình đào tạo của sinh viên các ngành sư phạm. Đây không chỉ là cơ hội để áp dụng kiến thức đã học vào thực tế mà còn là bước đệm giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng và chuẩn bị hành trang cho sự nghiệp giảng dạy trong tương lai. Để có một đợt thực tập thành công, sinh viên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về kiến thức, kỹ năng và cả về tâm lý. Năm 2025, sinh viên các ngành Sư phạm Toán, Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non của Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh sẽ bước vào đợt thực tập sư phạm 1 (đối với Khóa 15) và thực tập sư phạm 2 (đối với Khoá 14). Bài viết này sẽ đưa ra một số lời khuyên hữu ích dành cho các bạn sinh viên chuẩn bị đi thực tập sư phạm.
Buổi đón tiếp 1 đoàn thực tập sư phạm (ảnh tư liệu năm 2024)
Kiến thức chuyên môn là nền tảng quan trọng nhất để bạn tự tin đứng lớp và truyền đạt kiến thức cho học sinh. Trước khi bước vào đợt thực tập, hãy dành thời gian ôn tập lại các kiến thức cơ bản và nâng cao liên quan đến môn học bạn sẽ giảng dạy. Đặc biệt, hãy chú ý đến các phương pháp giảng dạy hiện đại, cách thiết kế bài giảng và kỹ năng soạn giáo án. Trong đó, các bạn sinh viên nên chú ý đến:
- Ôn tập lý thuyết: Nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo.
- Cập nhật phương pháp giảng dạy mới: Tìm hiểu về các phương pháp dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy.
- Tham khảo giáo án mẫu: Học hỏi cách soạn giáo án từ các giáo viên có kinh nghiệm hoặc từ các nguồn tài liệu uy tín.
Kỹ năng giảng dạy là yếu tố quyết định sự thành công của một tiết học. Để rèn luyện kỹ năng này, bạn cần chú ý đến cách truyền đạt, tương tác với học sinh và quản lý lớp học. Quá trình học tập tại Khoa Sư phạm, sinh viên Khoá 14, 15 đều trải qua nhiều học phần về phương pháp giảng dạy. Đặc biệt, hằng năm Khoa Sư phạm đều tổ chức hoạt động “Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm” xuyên suốt nhiều tháng. Hoạt động này được tổ chức quy mô, bài bản từ từng lớp đến chung kết toàn khoa. Sinh viên sắp thực tập càng cần phải tăng cường rèn luyện các kỹ năng giảng dạy, nhất là các kỹ năng:
- Truyền đạt rõ ràng, mạch lạc: Phát âm chuẩn, nói chậm rãi và diễn đạt dễ hiểu.
- Tạo sự tương tác: Khuyến khích học sinh tham gia vào bài học bằng cách đặt câu hỏi, tổ chức hoạt động nhóm hoặc thảo luận.
- Quản lý thời gian hiệu quả: Phân bổ thời gian hợp lý cho từng phần của bài giảng để đảm bảo tiết học diễn ra suôn sẻ.
Một tiết thi giảng dạy trong Hội thi Nghiệp vụ sư phạm (năm 2024)
Giáo án là "kịch bản" cho tiết học của bạn. Một giáo án chi tiết và sáng tạo sẽ giúp bạn tự tin hơn khi đứng lớp và thu hút sự chú ý của học sinh. Trong xu hướng công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay, việc chuẩn bị giáo án càng trở nên “tiện ích” hơn. Giáo án mà sinh viên thực tập xây dựng cần phải:
- Xác định mục tiêu bài học: Rõ ràng về kiến thức, kỹ năng và thái độ mà học sinh cần đạt được.
- Thiết kế hoạt động đa dạng: Kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, sử dụng hình ảnh, video hoặc trò chơi để tạo hứng thú cho học sinh.
- Dự trù các tình huống: Chuẩn bị sẵn cách xử lý các tình huống có thể xảy ra trong lớp học, chẳng hạn như học sinh không tập trung hoặc không hiểu bài.
Đợt thực tập sắp tới, sinh viên sẽ nhận được sự hướng dẫn của giáo viên tại các cơ sở giáo dục uy tín. Giáo viên hướng dẫn được các cơ sở giáo dục chọn lựa, là người có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực giảng dạy. Quá trình thực tập, các bạn sinh viên nên tận dụng cơ hội này để học hỏi từ họ. Cụ thể, các bạn nên:
- Lắng nghe phản hồi: Ghi nhận những nhận xét, góp ý từ giáo viên hướng dẫn để cải thiện kỹ năng giảng dạy.
- Quan sát cách giảng dạy: Học hỏi cách quản lý lớp học, truyền đạt kiến thức và xử lý tình huống của giáo viên.
- Đặt câu hỏi: Đừng ngần ngại hỏi giáo viên hướng dẫn về những điều bạn chưa rõ hoặc cần hỗ trợ.
Không chỉ trong quá trình thực tập sư phạm, mà trong quá trình sống và công tác lâu dài sau này, bên cạnh tích luỹ kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm cũng đóng vai trò quan trọng. Đối với sinh viên Khoá 14, đã có kinh nghiệm từ đợt thực tập sư phạm 1 (năm 2024), còn sinh viên Khoá 15 thì đây là đợt thực tập sư phạm đầu tiên. Để đạt được hiệu quả cao nhất và có được kết quả tốt nhất trong đợt thực tập sắp tới, các bạn sinh viên cần không ngừng rèn luyện kỹ năng, như:
- Kỹ năng giao tiếp: Giao tiếp hiệu quả với học sinh, giáo viên hướng dẫn và đồng nghiệp.
- Kỹ năng quản lý thời gian: Sắp xếp thời gian hợp lý để cân bằng giữa việc soạn giáo án, giảng dạy và các hoạt động khác.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Linh hoạt xử lý các tình huống phát sinh trong lớp học.
Đợt thực tập sư phạm chắc chắn sẽ có nhiều hoạt động ngoại khoá khác nhau liên quan đến Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; Ngày Thanh lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3. Các bạn sinh viên cũng cần sẵn sàng tâm thế, chuẩn bị cho việc tổ chức (hoặc phối hợp tổ chức) các hoạt động này. Sẽ không thừa nếu mỗi bạn sinh viên, mỗi đoàn thực tập sớm chuẩn bị những tiết mục văn nghệ giao lưu.
Sinh viên thực tập biểu diễn văn nghệ trong buổi ra mắt (tại Trường Tiểu học Cẩm Bình, năm 2024)
Có thể nói rằng, thực tập sư phạm là cơ hội quý giá để sinh viên trải nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng và chuẩn bị cho sự nghiệp giảng dạy trong tương lai. Để có một đợt thực tập thành công, hãy chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, kỹ năng và cả về mặt tâm lý. Đồng thời, luôn giữ tinh thần học hỏi, cầu tiến và sẵn sàng đón nhận mọi thử thách.
Chúc các bạn sinh viên có một đợt thực tập ý nghĩa và thành công!
Chiều ngày 17/01/2025, trường Đại học Hà Tĩnh tổ chức tập huấn cho giảng viên, giáo viên về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Buổi tập huấn diễn ra vào lúc 14h tại Hội trường 2 trường Đại học Hà Tĩnh với các chủ đề hấp dẫn, thiết thực đến từ các báo cáo viên.
Với trình độ chuyên môn cao, với nhiều kinh nghiệm dày dặn trong quá trình dạy học, với khả năng vận dụng công nghệ trong nghiên cứu, giảng dạy phong phú và hiệu quả, khoa Sư phạm trường đại học Hà Tĩnh có ba giảng viên là báo cáo viên tập huấn cho giảng viên, giáo viên toàn trường về ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo trong dạy học giai đoạn hiện nay. Các báo cáo phong phú về mặt nội dung và hình thức, nêu rõ những định hướng cơ bản trong ứng dụng công nghệ trong dạy học, một số định hướng sử dụng AI hỗ trợ quá trình dạy học, giới thiệu các phần mềm hỗ trợ nghiên cứu, giảng dạy ở bậc Đại học và bậc phổ thông. Bên cạnh đó, các báo cáo cũng đưa ra một số bất cập trong việc lạm dụng công nghệ thông tin trong dạy học và đề xuất các biện pháp hạn chế những bất cập đó để việc vận dụng công nghệ trong giảng dạy đạt hiệu quả cao.
Mở đầu buổi tập huấn, tiến sĩ Nguyễn Văn Ái báo cáo nội dung “Định hướng ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo trong dạy học”. Trong báo cáo của mình, tiến sĩ Nguyễn Văn Ái cho rằng, với các ưu thế vượt trội của công nghệ trong hỗ trợ dạy học, việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới sáng tạo là một tất yếu, tuy nhiên, người giáo viên cần có năng lực sử dụng CNTT đúng cách, phù hợp để quá trình dạy học sáng tạo, hiệu quả. Bên cạnh đó, báo cáo viên đề xuất một số phần mềm AI hỗ trợ quá trình dạy học.
Là một giảng viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc và kinh nghiệm dạy học ở cả bậc đại học và bậc phổ thông dày dặn, tiến sĩ Lê Văn Hiển báo cáo về chủ đề “Ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu và giảng dạy các môn Khoa học tự nhiên”. Bài báo cáo giới thiệu các phần mềm hỗ trợ giảng viên trong nghiên cứu khoa học và một số phần mềm hỗ trợ dạy học hiệu quả cho giáo viên bậc đại học và phổ thông.
Bên cạnh những lợi thế, việc ứng dụng công nghệ trong dạy học cũng có một số bất cập, đặc biệt trong giảng dạy các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Tiến sĩ Nguyễn Văn Loan mang đến buổi tập huấn bài báo cáo về “Mặt trái của việc trình chiếu trong giảng dạy các môn Khoa học xã hội”, tác giả cho rằng những lợi thế của sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học các môn thuộc khoa học xã hội là không thể phủ nhận, tuy nhiên người giáo viên cần có sự hiểu biết và vận dụng hợp lý công nghệ trong dạy học, bởi nếu quá lạm dụng công nghệ trong dạy học sẽ gây ra những hệ lụy đối với cả người dạy và người học. Trên cơ sở đó, bài báo cáo đề xuất những phương án sử dụng công nghệ hiệu quả trong quá trình giảng dạy các môn khoa học xã hội.
Tại buổi tập huấn, giảng viên và giáo viên toàn trường cũng được nghe báo cáo đến từ tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng khoa CNTT về chủ đề “Ứng dụng AI, tương lai trong giáo dục”.
Trong những năm vừa qua, cán bộ giảng viên khoa Sư phạm luôn nêu cao tinh thần cầu tiến, học hỏi, đổi mới sáng tạo trong dạy học. Khả năng thích ứng với công nghệ và vận dụng công nghệ vào dạy học hiệu quả của giáo viên khoa Sư phạm góp phần khẳng định uy tín, chất lượng của đội ngũ giảng viên của khoa cũng như thương hiệu ngành Sư phạm trường Đại học Hà Tĩnh, qua đó truyền cảm hứng nghiên cứu, sáng tạo cho thầy và trò của trường thêm năng động bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn hiện nay.
Buổi tập đã huấn diễn ra nghiêm túc và kết thúc vào 17h cùng ngày.
Chiều ngày 20/01/2025, Khoa Sư phạm phối hợp với phòng Đào tạo, Trường Đại học Hà Tĩnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành cho sinh viên trước khi đi thực tập năm học 2024 - 2025. Đây là một hoạt động chuyên môn hàng năm nhằm góp phần trang bị kiến thức, kĩ năng để sinh viên có thể chủ động, tự tin hơn trong quá trình thực tập chuyên ngành.
Tại buổi tập huấn lần này, sinh viên K14 ngành GDTH đã được nghe GV, ThS. Nguyễn Thị Minh Hưng trao đổi, chia sẻ những nội dung trong công tác kiến tập, thực tập sư phạm; chia sẻ kinh nghiệm giúp sinh viên nâng cao hiệu quả trong công tác kiến tập, thực tập sư phạm ngành Giáo dục tiểu học.
Nội dung tập huấn tập trung vào các vấn đề xử lý các tình huống sư phạm thường gặp trong quá trình thực tập. Đối với sinh viên khối ngành sư phạm, các giảng viên đã tập trung hướng dẫn, phân tích, đánh giá chuyên sâu về môn học và hoạt động giáo dục ở các trường học trên địa bàn tỉnh; các thông tin về đổi mới phương pháp dạy học, sách giáo khoa, tài liệu, ứng dụng các phương pháp giáo dục mới trong dạy học nhằm đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 của Bộ giáo dục & Đào tạo, qua đó sinh viên có thể vận dụng và hoạt động thực hành nghề nghiệp trong thời gian thực tập và sau khi tốt nghiệp.
Tại diễn đàn này, sinh viên đã sôi nổi thảo luận, đặt các câu hỏi, các vấn đề liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ mà bản thân còn thắc mắc để được giải đáp và đưa ra những định hướng trong thời gian thực tập tới. Việc này cũng giúp cho sinh viên tự tin hơn khi đến môi trường mới và dễ dàng xử lí tốt các tình huống mà bản thân gặp phải.
Chương trình tập huấn đã góp phần cung cấp thêm cho sinh viên kiến thức, kỹ năng, phân tích chương trình, thu thập tài liệu, tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh; đồng thời chuẩn bị cho sinh viên có một tâm thế sẵn sàng tham gia hoạt động thực tiễn nghề nghiệp, phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo trong thời gian thực tập.
Từ ngày 13/01-16/01/2025, tại tòa nhà 15 tầng- tầng 6 của Phòng Truyền thống của Khoa Sư phạm đã tổ chức giới thiệu sản phẩm đồ dùng dạy học của các bạn sinh viên Khoa Sư phạm - Trường Đại học Hà Tĩnh cho các bạn sinh viên Trường Đại học INDUK ( Hàn Quốc).
Các bạn sinh viên Hàn Quốc đã học hỏi được rất nhiều kiến thức cũng như là kĩ năng làm thủ công kết hợp với các động cơ thiết bị điện tử của các bạn sinh viên Khoa Sư phạm. Qua đó, quảng bá mạnh mẽ hơn nữa hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè Hàn Quốc cũng như là cơ hội để người dân Việt Nam, đặc biệt là các học sinh, sinh viên tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa Hàn Quốc.
Các bạn sinh viên Hàn Quốc rất ngưỡng mộ và khâm phục kĩ năng làm thủ công sắc sảo và đẹp đến từ các bạn sinh viên Khoa Sư phạm
Đây là một hoạt động hữu ích trong việc tăng cường sự hiểu biết, giao lưu và hợp tác giữa hai nước, đồng thời cũng giúp các sinh viên của hai trường, nhất là Trường Đại học Hà Tĩnh và Trường Đại học INDUK ( Hàn Quốc), hiểu rõ hơn về văn hóa, nghệ thuật và phong cách giao tiếp của mỗi nước.
Sự kiện giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt Nam - Hàn Quốc, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo của cả sinh viên hai trường, đồng thời cũng là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là cơ hội để các sinh viên và học sinh có thể tìm hiểu và trao đổi văn hóa, đồng thời tạo cầu nối gắn kết giữa các quốc gia.