Hội hoạ của El Greco đã ảnh hưởng sâu sắc lên hầu hết các tên tuổi của hội hoạ hiện đại từ Manet, Cézanne, Modigliani, Picasso, tới Delaunay, Kokoschka, Beckmann, Giacometti, Francis Bacon và cả Jackson Pollock. El Greco xứng đáng được coi là Cha Già của hội họa hiện đại. Như hiệp sĩ Don Quixote, ông tự tin dấn thân vào cuộc hành trình nghệ thuật vĩ đại và cuối đời khi mệt mỏi, El Greco nằm xuống trong vòng tay yêu mến của Toledo.
El Greco (1541 – 1614) sinh tại đảo Crete ở Hy Lạp, thời đó thuộc Cộng hòa Venice, trong một gia đình buôn bán giàu có. Ông được dạy dỗ và học vẽ theo truyền thống hội hoạ hậu Byzantine, học văn chương Hy Lạp cổ đại và tiếng Latin. Năm 22 tuổi ông đã trở thành một bậc thầy vẽ tranh thánh icon, ký tên mình là “Hoạ sư Ménegos Theotokópoulos” trên các hợp đồng đặt hàng. Năm 26 tuổi El Greco tới Venice để theo đuổi sự nghiệp hội hoạ. Tại đây ông đã học được từ hai bậc thầy Tiziano và Tintoretto cách dùng hòa sắc rực rỡ, cách dựng bố cục nhiều hình người, cách tạo khí quyển lung linh ánh sáng đặc trưng của trường phái Venice. Bên cạnh đó ông cũng vận dụng cách kéo dài, xoắn vặn các hình người, cũng như cách dùng luật viện cận tuyến tính với nhiều điểm hội tụ của các hoạ sĩ trường phái Kiểu cách (Mannerism) như Parmigianino (1503 – 1540).
El Greco-Disrobing of Christ.(Lột áo Chúa) 1577-1579. Sơn dầu.
Nguồn:http://www.abcgallery.com/E/El Greco
Khi El Greco tới Rome năm 1570, Michelangelo đã qua đời 6 năm trước, còn Raphael đã mất cách đó nửa thế kỷ; nhưng cái bóng của họ vẫn bao trùm các hoạ sĩ trẻ thời đó. Xem kiệt tác của Michelangelo, chàng hoạ sĩ 29 tuổi El Greco tuyên bố “Nếu cạo toàn bộ bức bích họa khổng lồ này đi, chàng sẽ vẽ lên chỗ đó một tác phẩm đứng đắn, tề chỉnh mà vẫn đẹp không kém”. Kiến trúc sư, hoạ sĩ và nhà thiết kế Pirro Ligorio (1513 – 1583) gọi El Greco là “tên ngoại quốc ngu dốt” (uno stupido straniero). Nhà bảo trợ nghệ thuật Hồng y Giáo chủ Alessandro Farnese đã đuổi El Greco ra khỏi palazzo Farnese, nơi hồng y cho El Greco tá túc. Năm 1577, El Greco bỏ Rome di cư sang Madrid, sau đó tới Toledo, nơi ông sống cho đến khi qua đời và vẽ những kiệt tác khiến tên tuổi ông trở thành bất tử. Song, cho đến cuối thế kỷ XVIII, El Greco vẫn bị coi là hoạ sĩ điên và hội hoạ của ông thường được đưa ra như bằng chứng cho sự điên khùng đó. El Greco chỉ bắt đầu được đánh giá lại vào khoảng từ giữa thế kỷ XIX, sau khi văn hào và nhà phê bình người Pháp Théophile Gautier đến Tây Ban Nha và thực mục sở thị các bức hoạ của El Greco vào khoảng năm 1840. Vào những năm 1890, các hoạ sĩ Tây Ban Nha sinh sống tại Paris coi El Greco là người đưa đường chỉ lối cho nghệ thuật của họ.
Hệ thống tác phẩm đồ sộ của El Greco được chia làm ba phần chính: những tác phẩm ông sáng tác khi còn trẻ ở Crete, những tác phẩm ông vẽ lúc học ở Venice và Rome mang dấu ấn Ý đậm đặc, và những tác phẩm gọi chung là “thời kỳ Tây Ban Nha” trong sự nghiệp của ông.
Trong các ghi chép của mình, El Greco đã loại bỏ các tiêu chuẩn của hội hoạ cổ điển như kích thước và tỉ lệ. Ông coi sự thanh cao là cái đích cao cả nhất trong nghệ thuật. Ông cho rằng, người hoạ sĩ chỉ đạt được sự thanh cao một khi thoát ra ngoài chính mình và giải quyết được điều phức tạp nhất một cách dễ dàng. Ông coi mô phỏng màu sắc là điều khó nhất trong nghệ thuật. El Greco phán về Michelangelo như sau: Ông ấy là người can đảm, nhưng ông ấy chưa bao giờ học được phải vẽ màu như thế nào.” hoặc “Michelangelo không biết vẽ chân dung, tóc và màu sắc da thịt, nhược điểm của ông là không có khả năng mô phỏng màu sắc như mắt ta nhìn.
Nhà thơ Hortensio Félix Paravicino nhận xét: El Greco trải qua một cuộc “lột xác” từ một họa sĩ hạng hai ở Venice trở thành bậc thầy vĩ đại không chỉ riêng của Tây Ban Nha, mà còn của cả nhân loại. Theo August Mayer, xu hướng hiện nay ở Tây Ban Nha là đương nhiên coi El Greco như một người con của đất nước mình, một phần tất yếu của lịch sử Tây Ban Nha. Người ta bảo Velasquez cũng phải học El Greco rất nhiều khi vẽ giáo hoàng Innocent X.
Chủ nghĩa Biểu hiện, hay Trường phái Biểu hiện (Expressionism) là một trào lưu nghệ thuật xuất hiện và phát triển ở châu Âu vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, có đặc điểm nhấn mạnh, thậm xưng trong sự thể hiện cảm tính, xúc cảm của chủ thể...Tuy nhiên đối với El Greco, ngừơi ta cũng thấy những bức tranh của ông mang tính biểu hiện, mặc dù bối cảnh vào thời ấy chắc chắn sẽ chưa có những bế tắc, xung đột về xã hội như những năm của thế kỷ XIX, XX mà các họa sĩ hiện đại gặp phải và thể hiện trong tranh. Người ta cũng đặt ra những vấn hỏi là, chẳng lẽ El Greco cũng gặp những cảm xúc được gây ra bởi một sự kiện đặc biệt nào đó, cũng có thể bởi sự giao lưu của ông; hoặc ông chứng kiến sự giao lưu của những xu hướng hội họa của Trung cổ và Phục hưng; hay là những tác phẩm của ông chỉ đơn thuần là đi tìm sự khác biệt nào mà ông tập trung miêu tả thế giới, dựa trên những xúc cảm mang tính chất tự nhiên, mạnh mẽ ban đầu; hay ông cũng có những thái độ hoài nghi, bất đồng, lo ngại đối với xã hội trong bối cảnh đương thời.
Về quan điểm, El Greco không có ý định miêu tả thế giới như chính nó đang tồn tại, hình như ông không bằng lòng với những thỏa hiệp về thị giác, ông cho rằng nghệ thuật sẽ trở nên thiếu nhiệt tình khi cố sức chạy đuổi theo sự trau chuốt của hình, ánh sáng như các họa sĩ đương thời. Rõ ràng về cấu trúc, kĩ thuật đơn giản và sức diễn tả mạnh mẽ của những bức tranh của El Greco hình như không hề mang những băn khoăn về sự thật, tính tự nhiên hay cái đẹp lý tưởng, những thứ mà nghệ thuật châu Âu trong lúc trăn trở tìm kiếm nên đã biến chúng trở nên khô cứng. Và vì thế, những gì mà ông thể hiện trong tranh có thể đưa người xem đến chỗ khó hiểu, mơ hồ, ngỡ như những vấn đề đó là siêu thực. Người ta thấy El Greco không sao chép hiện thực, mà vẫn nói lên được hiện thực bằng cách khái quát và thể hiện các vật thể với những nét cô đọng, đặc thù nhất; có nhiều nhịp điệu, thần thái như trong hội hoạ cổ điển Phương Đông.
Không phải đơn thuần mà sau này, cùng với các bức họa khác, Greco được xem là “hiện đại nhất” trong số các họa sĩ nổi tiếng của thế kỷ XVI, XVII và là người có ảnh hưởng nhiều tới các họa sĩ của những thế kỷ sau. Chứng minh cho điều này, chúng ta hãy thưởng ngoạn kiệt tác “The Burial of Count Orgaz” (An táng bá tước Orgaz-H24)
Có thể thấy trong tranh của El Greco nổi lên nhiều tính hiện sinh, là những gì liên quan đến sự hiện hữu của Tạo hóa, đến sự tự do, đến thực tại mà Tạo hóa hiện hữu, đến ý nghĩa cuộc sống và niềm tin. [13, tr 56] Mặc dù chủ nghĩa hiện sinh xét như một phong trào triết học chỉ bắt đầu sau này, vào hậu bán thế kỷ 19, nhưng thực ra nó đã có những đường nét hay mầm sống ở những tác phẩm của El Greco. Tư tưởng “hiện sinh” trong hội họa El Greco được hiểu như những chấm phá cụ thể và nhất là không thể nhìn các tác phẩm mỹ thuật đương thời, vì tranh của El Greco nặng về tư tưởng thần học hơn là tường thuật sự kiện.