foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Ngày 27/10, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin (tỉnh Thừa Thiên Huế), Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, ĐH Huế phối hợp tổ chức Lễ Tổng kết và trao thưởng 'Sinh viên nghiên cứu khoa học: và 'Khoa học - Công nghệ dành cho giảng viên trẻ' trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2018.

Đến dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc; ông Bùi Thanh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; PGS.TS Nguyễn Quang Linh – Giám đốc ĐH Huế; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, ngành Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam; cùng gần 500 cán bộ, giảng viên, sinh viên các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.

Giải thưởng “Khoa học và Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học” tổ chức 3 năm một lần nhằm mục đích biểu dương những thành tích xuất sắc và khuyến khích giảng viên trẻ tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học. Tham gia xét Giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho giảng viên trẻ năm 2018 có 71 công trình đăng ký, trong đó có 28 được xét chọn vào vòng 2. Kết quả Giải thưởng có 7 công trình đạt giải Nhất, 13 công trình đạt giải Nhì, 16 công trình đạt giải Ba và 5 công trình đạt giải Khuyến khích.

TS. Nguyễn Thị Huyền Trang, giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh đạt giải Ba tại Giải thưởng “Khoa học và Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học” năm 2018.

 

TS. Nguyễn Thị Huyền Trang chụp ảnh kỉ niệm cùng Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh TS. Đoàn Hoài Sơn tại buổi lễ tổng kết và trao giải thưởng.

Trong đó, Trường Đại học Hà Tĩnh có một đề tài đạt giải Ba của TS. Nguyễn Thị Huyền Trang, giảng viên Khoa Sư phạm với đề tài “Chế tạo cấu trúc nano trên màng kim loại bổ sung laser và nghiên cứu tính chất quang học của chúng”. Đề tài nghiên cứu sử dụng xung laser femto-giây chế tạo các cấu trúc nano như lỗ nano, hạt nano có kích thước khác nhau trên màng mỏng kim loại có độ dày khác nhau, từ đó nghiên cứu một số tính chất quang học đặc trưng của chúng như: tăng cường bề mặt hấp thụ/phản xạ hồng ngoại (SEIRA/R) của chất mầu Rhodamine 6G và tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus); quang phát quang của hạt nano. Kết quả được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế có uy tín trong đó: 7 bài báo đăng Tạp chí quốc tế; 2 bài báo đăng Tạp chí trong nước; 19 bài báo cáo tại hội nghị, hội thảo về quang học, laser, công nghệ nano, khoa học vật liệu và vật lý quang phổ uy tín trong và ngoài nước. Đặc biệt đã công bố 6 bài báo trên các Tạp chí thuộc danh mục ISI trong đó: 3 bài báo trên tạp chí Laser Physics Letter (Q1, ISI) và 3 bài trên JETP Letters (ISI) về công nghệ nano, laser, quang phổ.