foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Môn Tiếng Việt nói chung và môn Tiếng Việt ở tiểu học nói riêng giúp cho học sinh sử dụng tốt Tiếng Việt trong học tập và giao tiếp. Dạy bất cứ phần nào của môn Tiếng Việt cũng cần phải nhằm vào mục tiêu cuối cùng đó. Vì vậy, dạy từ và từ vựng trước hết là cung cấp vốn từ ngày càng mở rộng, chính xác, tinh tế theo trình độ tư tưởng, tình cảm, trí tuệ, tri thức khoa học và kinh nghiệm xã hội ngày càng được nâng cao, đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng lớn của sự diễn đạt và giao tiếp mà việc học tập trong nhà trường và sinh hoạt xã hội đặt ra cho học sinh.

          Đây không phải là quá trình một chiều, thụ động, tiến hành theo lối đưa ra rồi buộc học sinh ghi nhớ những từ mới mà còn là một quá trình hai chiều, chủ động. Cần làm cho học sinh nắm được những vận động tạo từ và tạo nghĩa của tiếng Việt, nắm được mọi cách thức sử dụng, biến hóa chúng để giúp học sinh vận dụng trong giao tiếp một cách linh hoạt. Song giảng dạy từ vựng sẽ gặp một số khó  khăn lớn. Đó là số lượng các từ ngữ cần cung cấp và rèn luyện cho học sinh rất đồ sộ. Chúng ta sẽ không có đủ số lượng giờ dạy để dạy một cách tỉ mỉ, kĩ càng dù chỉ là 1% những từ ngữ cần thiết cho học sinh. Vì vậy, việc vận dụng kiến thức về trường nghĩa trong việc dạy cho học sinh mở rộng vốn từ là hết sức cần thiết. Việc dạy cho học sinh mở rộng vốn từ theo trường nghĩa không chỉ giúp học sinh làm giàu vốn từ một cách có hệ thống, mà còn góp phân rèn luyện năng lực tư duy, năng lực liên tưởng cho các em.

1. Mở rộng vốn từ theo trường nghĩa biểu vật

Như chúng ta đã biết, trường nghĩa biểu vật là tập hợp các từ cùng phạm trù nghĩa biểu vật.

Ví dụ: Cùng phạm trù nghĩa biểu vật “đồ dùng học tập”, ta có các từ: sách, giáo trình, vở, giấy, bút, compa, ê ke, thước, bút, phấn, tẩy,...

Có thể nói hầu hết các bài mở rộng vốn từ  nói chung và các bài tập mở rộng vốn từ trong SGK Tiếng Việt tiểu học nói riêng đều sử dụng kiểu bài tập này.                      

Các dạng bài tập:

- Liệt kê các từ ngữ biểu thị cùng một phạm vi sự vật:

Ví dụ:

+ Hãy kể tên các môn em học ở lớp 2 (Tiếng Việt 2, tập 1, tr 59): Toán,

Tiếng Việt, Đạo đức, Âm nhạc, Thủ công, Thể dục,...

+ Tìm các từ nói lên ý chí, nghị lực của con người (Tiếng Việt 2, tập 1, tr 127)

+ Nói tên các đồ chơi hoặc trò chơi được tả trong các bức tranh sau (Tiếng Việt 4, tập 1, tr 147)

- Xếp các từ ngữ vào nhóm thích hợp

 Xếp các từ ngữ trong ngoặc đơn vào nhóm thích hợp nêu dưới đây:

a. Công dân

d. Quân nhân

b. Nông dân

e. Trí thức

c. Doanh nhân

g. Học sinh

          (Giáo viên, đại úy, trung sĩ, thợ điện, thợ cơ khí, thợ cấy, thợ cày, học sinh tiểu học, học sinh trung học, bác sĩ, kĩ sư, tiểu thương, chủ tiệm) (Tiếng Việt 5, tập 1, tr 27)

- Tìm các từ ngữ giới hạn trong một đoạn văn, văn bản cùng biểu thị một phạm vi sự vật:

          Tìm trong mẩu chuyện vui dưới đây những từ ngữ chỉ người, sự vật, sự việc liên quan đến bảo vệ trật tự an ninh:

LÍ DO

Hai bệnh nhân nằm chung một phòng làm quen với nhau. Một anh nói: “tôi là cảnh sát giữ trật tự trong trận bóng chiều qua. Trọng tài bắt tệ quá. Bọn hu-li-gân quậy phá quá chừng, khiến tôi phải vào đây. Thế còn anh, tại sao anh lại bị thương nặng như thế?”. Anh kia băng bó khắp người thều thào trả lời: “Tôi bị bọn càn quấy hành hung. Vì chính tôi là trọng tài trận đấu chiều qua!” (Tiếng Việt 5, tập 2, tr 49)

2. Mở rộng vốn từ theo trường nghĩa biểu niệm

Như ta đã biết trường nghĩa biểu niệm là tập hợp tất cả các từ có chung cấu trúc nghĩa biểu niệm. Chẳng hạn cùng cấu trúc nghĩa biểu niệm: (hoạt động) (dùng dụng cụ lao động cầm tay) ( để chia tách vật), ta có các từ: cắt, chặt, băm, vằm, thái, chẻ, bổ, cưa, đẵn, xẻ,...

Các dạng bài tập:

          - Dựa trên một nét nghĩa trong cấu trúc nghĩa biểu niệm tìm từ tương ứng

          Ví dụ: Dòng nào dưới đây nêu đúng nghĩa của từ “tự trong” (Tiếng Việt 4, tập 1, tr 49):

          + Tin vào bản thân mình.

          + Quyết định lấy công việc của mình.

          + Coi trọng và giữ gìn phẩm giá của mình.

          + Đánh giá mình quá cao và coi thường người khác.

Ví dụ: Dòng nào dưới đây nêu đúng nghĩa của từ “hòa bình” (Tiếng Việt 5, tập 1, tr 47):

          + Trạng thái bình thản.

          + Trạng thái không có chiến tranh.

          + Trạng thái hiền hòa, yên ả.

          - Dựa vào những nét nghĩa chung của nhiều từ trong cấu trúc nghĩa biểu niệm để tìm từ đồng nghĩa.

          Ví dụ: Xếp các từ ghép trong ngoặc đơn theo hai nhóm dựa theo nghĩa của tiếng “trung” (trung bình, trung thành, trung nghĩa, trung thực, trung thu, trung hậu, trung kiên, trung tâm)

  1. “trung” có nghĩa là “ở giữa”
  2. “trung” có nghĩa” “một lòng một dạ”

                        (Tiếng Việt 4, tập 1, tr 63)

          Ví dụ: Từ nào dưới đây đồng nghĩa với từ “hòa bình”

+ bình yên

+ bình thản

+ lặng yên

+ thái bình

+ hiền hòa

+ thanh thản

+ thanh bình

+ yên tĩnh

- Dựa vào nét nghĩa đối lập của các từ cùng xuất hiện trong cấu trúc nghĩa biểu niệm (với những nét nghĩa khái quát), tìm từ trái nghĩa

          Ví dụ:

+ Tìm từ trái nghĩa với từ “nhân hậu” hoặc “yêu thương”

+ Tìm từ trái nghĩa với từ “đùm bọc” hoặc “giúp đỡ

3. Mở rộng vốn từ theo trường nghĩa tuyến tính (trường nghĩa ngang)

          Như chúng ta đã biết trường nghĩa tuyến tính là tập hợp các từ theo quan hệ ngữ đoạn, bao gồm một từ trung tâm và những từ có khả năng kết hợp với từ trung tâm ấy trong ngữ đoạn.

          Ví dụ: từ trung tâm là “đi” có thể có những từ cùng trường nghĩa tuyến tính với nó là: anh - , tôi - , chúng tôi - , chúng ta -, nó - , họ - , học sinh - ; đã - , sẽ - , vẫn - , chưa - , không - , có - , sắp - ;  - chơ, - học, - làm, - buôn , - xe, - bộ, - nhanh, - chậm, - ra, - vào, - lên, - xuống; - tập tễnh, - khập khiễng; - tất, - găng,... (các dấu ngang thay thế cho từ “đi”).

          Sách giáo khoa Môn Tiếng Việt ở tiểu học, thường xuyên xây dựng bài tập mở rộng vốn từ theo cách này.

Các dạng bài tập:

- Ghép một từ cho trước vào vị trí trước hoặc sau của những từ ngữ cho

trước khác

Ví dụ: Ghép từ “công dân” vào trước hoặc sau từng từ dưới đây để tạo thành

những cụm từ có nghĩa : nghĩa vụ, quyền, ý thức, bổn phận, trách nhiệm, gương mẫu, danh dự (Tiếng Việt 5, tập 2, tr 28)

          - Cho trước một từ, tìm các từ có thể kết hợp với nó

          Ví dụ: Tìm những danh từ và động từ có thể kết hợp với từ “an ninh” (Tiếng Việt 5, tập 2, tr 28)

- Cho một đoạn văn, trong đoạn văn đó, người ta nhặt ra một số từ, yêu cầu học sinh đặt lại những từ đó vào vị trí thích hợp:

          Ví dụ: Em chọn từ nào trong ngoặc đơn (nghị lực, quyết tâm, nản chí, quyết chí, kiên nhẫn, nguyện vọng) để điền vào chỗ trống ?

          “ Nguyễn Ngọc Ký là một thiếu niên .... Bị liệt cả hai tay, em buồn nhưng không ... Ở nhà, em tự tập viết bằng chân. ...của em là làm cô giáo cảm động, nhận em vào học. Trong quá trình học tập, cũng có lúc Ký thiếu ... , nhưng được cô giáo và bạn bè luôn tận tình giúp đỡ, em càng ... học hành. Cuối cùng, Ký đã vượt qua mọi khó khăn. Tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, Nguyễn Ngọc Ký ... trở thành thầy giáo và được tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú.”

                                                                         (Tiếng Việt 4, tập 1, tr 118)

  • Đặt câu với từ cho trước, hoặc từ vừa tìm được

Đặt câu với một từ cùng nghĩa với trung thực hoặc một từ trái nghĩa với trung thực. (Tiếng Việt 4, tập 1, tr 49)

          4. Mở rộng vốn từ theo trường nghĩa liên tưởng

          Như chúng ta đã biết trường nghĩa liên tưởng là tập hợp các từ theo quan hệ liên tưởng xoay quanh một từ trung tâm có tác dung “kích thích”. Trường nghĩa liên tưởng bao gồm cả những từ cùng trường nghĩa biểu vật, trường nghĩa biểu niệm, trường nghĩa tuyến tính. Đồng thời trường nghĩa liên tưởng còn bao gồm cả những từ không thuộc ba trường nghĩa trên, do chúng xuất hiện đồng thời với từ trung tâm trong những ngữ cảnh co chủ đề tương đối đồng nhất, lặp đi lặp lại.

Các dạng bài tập:

Từ một đề tài cho trước, yêu cầu học sinh viết một đoạn văn với đề tài đã cho:

          Ví dụ: Bài tập 3 (Tiếng Việt 5, tập 1, tr 127): Chọn một trong các cụm từ ở bài tập 2 làm đề tài (M: phủ xanh đồi trọc), em hãy viết một đoạn văn khoảng 5 câu về đề tài đó.

          - Thêm những hình ảnh liên tưởng vào mỗi từ, cụm từ cho trước:

          Ví dụ: Bài tập 2: Thêm hình ảnh so sánh vào sau mỗi từ dưới đây:

          + đẹp, cao, khỏe;

          + nhanh, chậm, hiền;

          + trắng, xanh, đỏ.

          M: đẹp -> đẹp như tiên

           Bài tập 3: Dùng cách nói trên để viết tiếp các câu sau:

  1. Mắt con mèo nhà em tròn ...
  2. Toàn thân nó phủ một lớp lông màu tro, mượt ...
  3. Hai tai nó nhỏ xíu ...            

                                             (Tiếng Việt 2, tập 1, tr 143)

          - Tìm các hình ảnh để diễn tả một đối tượng nào đó:

          Bài tập 2: Tìm những từ tả bầu trời trong mẫu chuyện trên. Những từ ngữ nào thể hiện sự so sánh? Những từ ngữ nào thể hiện sự nhân hóa...;

          + Mặt trời xanh như mặt nước mệt mỏi trong ao.

          + Bầu trời được rửa mặt sau cơn mưa.

          + Bầu trời xanh biếc.        

          + Bầu trời dịu dàng.

          + Bầu trời buồn bã...

          + Bầu trời trầm ngâm.... (Tiếng Việt 5, tập1, tr 87)

 

KẾT LUẬN

          Việc dạy từ ngữ theo các chủ đề, chủ điểm từ ngữ hiện nay ở trường tiểu học thực chất là dạy từ ngữ theo các trường nghĩa, cũng có nghĩa là dạy ngôn ngữ theo hệ thống. Để có được kĩ năng xây dựng bài tập cũng như hướng dẫn học sinh giải bài tập mở rộng vốn từ theo trường nghĩa, giáo viên phải có những hiểu biết chắc chắn về trường nghĩa và các loại trường nghĩa trong hệ thông ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đỗ Hữu Châu. Từ vựng - Ngữ nghĩa tiếng Việt. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 1999.

[2]. Đỗ Hữu Châu. Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng. NXB Giáo dục.1998.

[3]. Đỗ Hữu Châu. Các bình diện của từ Tiếng Việt. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 1998.

 [4]. Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, 2, 3, 4, 5. NXB giáo dục 2004.