foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

1. Đặt vấn đề

Kiểm tra, đánh giá là nhiệm vụ quan trọng góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo. Kết quả của việc kiểm tra, đánh giá là cơ sở để  điều chỉnh hoạt động dạy, hoạt động học và quản lý giáo dục. Nếu kiểm tra, đánh giá sai dẫn đến nhận định sai về chất lượng đào tạo, gây tác hại trong việc sử dụng nguồn nhân lực. Ngược lại, kiểm tra, đánh giá đúng thực tế, chính xác và khách quan sẽ giúp người học tự tin, hăng say, nâng cao năng lực sáng tạo trong học tập, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục. Chính vì vậy, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá trở thành nhu cầu bức thiết của ngành Giáo dục. Để góp phần nâng cao hiệu quả dạy học theo định hướng phát triển năng lực của người học nói chung, học sinh lớp 5 nói riêng theo định hướng thực hiện mục tiêu giáo dục của Chương trình Phổ thông mới, bài viết của chúng tôi đi vào trình bày cách thiết kế đề kiểm tra định kì môn Tiếng Việt lớp 5 theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, nhằm mục đích đưa ra những chỉ dẫn, cách thức thiết kế đề kiểm tra một cách khoa học và hiệu quả, đáp ứng mục tiêu của môn Tiếng Việt nói riêng và mục tiêu của Chương trình Giáo dục Tiểu học nói chung.

2. Nội dung

2.1. Một số khái niệm về lĩnh vực kiểm tra, đánh giá

2.1.1.  Khái niệm về đánh giá trong  giáo dục.

Đánh giá là quá trình thu thập và lí giải kịp thời, có hệ thống thông tin về hiện trạng, khả năng hay nguyên nhân của chất lượng và hiệu quả giáo dục căn cứ vào mục tiêu dạy học, mục tiêu đào tạo làm cơ sở cho những chủ trương, biện pháp và hành động giáo dục tiếp theo.

 2.1.2. Đánh giá theo năng lực

Theo quan điểm phát triển năng lực, việc đánh giá học sinh không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức đã học làm trung tâm của việc đánh giá. Đánh giá học sinh theo năng lực chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng khác nhau. Nói cách khác, “đánh giá theo năng lực là đánh giá kiến thức, kĩ năng và thái độ trong bối cảnh có ý nghĩa”.

2.1.3. Đánh giá năng lực của học sinh qua môn Tiếng Việt

Trong dạy học tiếng Việt, năng lực được hiểu là năng lực giải quyết một nhiệm vụ giao tiếp - năng lực giao tiếp. Năng lực giao tiếp vừa là năng lực đặc thù của môn Tiếng Việt vừa là một năng lực chung mà trường học phải hình thành và phát triển cho học sinh.

2.2. Định hướng thiết kế đề kiểm tra định kì môn Tiếng Việt theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT

2.2.1. Kiểm tra kĩ năng đọc hiểu

+ Mức 1 (nhận biết): Câu hỏi yêu cầu học sinh dựa vào từ ngữ, hình ảnh, chi tiết trong bài để trả lời.

+ Mức 2 (thông hiểu): Câu hỏi yêu cầu học sinh phải dựa vào ngữ cảnh, suy luận để cắt nghĩa.

+ Mức 3 (vận dụng): Câu hỏi yêu cầu học sinh đánh giá giá trị nội dung của văn bản, lí giải hoặc giải quyết các tình huống, vấn đề tương tự như tình huống vấn đề trong văn bản.

+ Mức 4 (vận dụng sáng tạo): Câu hỏi  yêu cầu học sinh đánh giá giá trị nghệ thuật của văn bản, vận dụng những ý nghĩa, bài học rút ra từ văn bản để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.

2.2.2.  Kiểm tra kiến thức tiếng Việt

+ Mức độ 1 (nhận biết): Nhận biết được hoặc nêu định nghĩa đơn vị, kiểu loại đơn vị, một bộ phận nào đó hay nói cách khác định nghĩa là sự nhớ, thuộc lòng, nhận biết được và có thể tái hiện lại các dữ liệu, các sự việc đã biết hoặc đã học được trước đây. Điều đó có nghĩa là một học sinh có thể nhớ, nhắc lại một loạt dữ liệu (từ các sự kiện đơn giản đến các khái niệm lí thuyết), tái hiện trong trí nhớ những thông tin cần thiết. Đây là mức độ thấp nhất đạt được trong lĩnh vực nhận thức.

Các động từ thường dùng ở mức độ 1 này là: kể, liệt kê, nêu tên, xác định, viết, tìm, nhận ra.

+ Mức độ 2 (thông hiểu): Lấy ví dụ cho một loại đơn vị, kiểu loại đơn vị, một bộ phận nào đó hoặc giải thích được vì sao một trường hợp cụ thể nào đó thuộc một đơn vị, kiểu loại, quan hệ nào đó. Nghĩa là có khả năng nắm bắt được ý nghĩa của tài liệu. Học sinh hiểu được các khái niệm cơ bản, có khả năng giải thích, diễn đạt được kiến thức đã học theo cách hiểu của mình, nêu câu hỏi và trả lời được các câu hỏi tương tự hoặc gần với các ví dụ đã được học trên lớp. Mức độ hiểu cao hơn so với mức độ nhận biết.

Các động từ: giải thích, diễn giải, phác thảo, thảo luận, phân biệt, dự đoán, khẳng định lại, so sánh, mô tả,…

+ Mức 3 (vận dụng trực tiếp): Lựa chọn, sử dụng đúng một đơn vị, kiểu loại đơn vị, một bộ phận nào. Biết vận dụng kiến thức kĩ năng đã học để giải quyết những vấn đề quen thuộc tương tự trong học tập, cuộc sống. Học sinh vượt qua cấp độ hiểu đơn thuần và có thể sử dụng, xử lý các khái niệm của chủ đề trong các tình huống tương tự hoặc gần giống như tình huống đã gặp trên lớp. Điều đó có thể bao gồm việc áp dụng các quy tắc, phương pháp, khái niệm đã học vào xử lí các vấn đề trong học tập, trong đời sống thường ngày. Mức độ này cao hơn so với mức độ nhận biết và thông hiểu.

Các động từ thường dùng là: giải quyết, thể hiện, sử dụng, làm rõ, xây dựng, làm sáng tỏ.

+ Mức 4 (vận dụng trong tình huống mới hoặc có nội dung thực tiễn): Lựa chọn để sử dụng một đơn vị, kiểu loại đơn vị, một bộ phận nào đó một cách nghệ thuật. Vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết những vấn đề mới hoặc sắp xếp cấu trúc lại các bộ phận để hình thành một tổng thể mới. Học sinh có khả năng sử dụng các khái niệm cơ bản để giải quyết một vấn đề mới hoặc không quen thuộc chưa từng được học hoặc trải nghiệm trước đây. Mức độ này cao hơn so với các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thông thường.

2.2.3. Kiểm tra  khả năng tập làm văn

+ Mức 1: Yêu cầu học sinh làm đủ bố cục của một bài văn hoàn chỉnh có (mở bài, thân bài, kết bài).

+ Mức 2: Các câu văn diễn đạt trong sáng, rõ ý; biết cách sử dụng dấu câu.

+ Mức 3 - 4: Các câu văn miêu tả có hình ảnh so sánh, nhân hóa,  hình ảnh ẩn dụ,.., bộc lộ được thái độ, tình cảm của bản thân đối với đối tượng được nói đến,..

2.3. Quy trình thiết kế đề kiểm tra định kì môn Tiếng Việt lớp 5 theo định hướng phát triển năng lực của học sinh

2.3.1. Xác định mục đích kiểm tra, đánh giá

Mục đích của việc kiểm tra, đánh giá là phải hướng tới vì sự tiến bộ của học sinh, nghĩa là quá trình kiểm tra, đánh giá phải cung cấp những thông tin phản hồi giúp học sinh nhận biết mình tiến bộ đến đâu, mảng kiến thức, kĩ năng nào còn yếu để điều chỉnh quá trình dạy và học. Kết quả thực hiện bài kiểm tra của học sinh cũng là một kênh thông tin để giáo viên đánh giá lại phương pháp giảng dạy của mình và học sinh xem lại cách học của các em.

Để xác định chính xác mục đích của một đề kiểm tra, đánh giá định kì, người ra đề phải đặt ra và trả lời các câu hỏi:  Kiểm tra, đánh giá việc học sinh nắm bắt những kiến thức, kĩ năng tiếng Việt nào? Kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng đó vào những tình huống mới ra sao? Kiểm tra thái độ, ý thức của học sinh trong học tập và chuẩn bị bài như thế nào? Đề kiểm tra được dùng vào giai đoạn nào của năm học: giữa kì 1, giữa kì 2 hay cuối kì 1, cuối kì 2? Đề kiểm tra này, dùng cho đối tượng học sinh lớp mấy?

Giáo viên phải trả lời được những câu hỏi trên một cách chính xác, tường minh thì mới có thể tiến hành xây dựng được một đề kiểm tra phù hợp với mục đích đã được xác định, đảm bảo tính khoa học, tính vừa sức, tính phân loại,...

Việc ra đề kiểm tra, đánh giá môn Tiếng Việt lớp 5 theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, cần phải chú trọng vào các mục đích sau: Xác định việc đạt kiến thức, kĩ năng theo mục tiêu chuẩn kiến thức, kĩ năng của môn Tiếng Việt đã được xác định;  Đánh giá khả năng của học sinh vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn của cuộc sống; Giúp người học thấy được sự tiến bộ của các em so với chính các em; Giúp cho giáo viên có cơ sở thực tiễn để nhận ra những điểm mạnh và điểm yếu của mình, tự hoàn thiện hoạt động dạy, phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học.

2.3.2.  Xây dựng nội dung kiểm tra, đánh giá

Những kiến thức, kĩ năng về tiếng Việt trong Chương trình Tiểu học nói chung và lớp 5 nói riêng có thể chia thành 3 nội dung sau:

2.3.2.1. Kiểm tra, đánh giá tri thức tiếng Việt

Tri thức tiếng Việt ở môn Tiếng Việt lớp 5 cần đưa vào để kiểm tra, đánh giá việc nắm bắt, tiếp thu, vận dụng của học sinh bao gồm: kiến thức thức ngữ âm - chữ viết, từ vựng, ngữ pháp. Cụ thể là:

- Giữa học kì I: Học sinh phải nhận biết được cấu tạo của vần: âm đệm, âm chính, âm cuối. Biết ghi dấu thanh trên âm chính, viết đúng các cặp c/k, g/gh, ng/ngh. Hiểu nghĩa và sử dụng được một số từ ngữ thuộc các  chủ  điểm: Tổ quốc, Nhân dân, Hòa bình, Hữu nghị - Hợp tác, Thiên nhiên. Nhận biết và sử dụng được từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa, nhận biết từ đồng âm. Nhận biết và sử dụng được các đại từ xưng hô.

Cuối học kì I: Học sinh phải hiểu nghĩa và sử dụng được một số từ ngữ thuộc các chủ điểm:  Bảo vệ môi trường, Hạnh phúc. Hiểu và sử dụng được từ ngữ theo các chủ đề được ôn tập. Nhận biết và sử dụng được các quan hệ từ, phân biệt được từ loại của các từ. Phân biệt được các kiểu câu được ôn tập.

Giữa học kì II: Viết đúng quy tắc viết hoa tên người, tên địa lí Việt Nam, quy tắc viết hoa tên người, tên địa lí nước ngoài. Hiểu nghĩa và sử dụng được một số từ ngữ thuộc các chủ điểm: Công dân, Trật từ - An ninh, Truyền thống. Nhận biết được câu ghép, cách nối các vế câu ghép, nối các vế câu ghép bằng quan hệ từ. Nhận biết và sử dụng được một số biện pháp liên kết câu (lặp từ ngữ, thay thế từ ngữ, dùng từ ngữ nối).

Cuối học kì II: Biết viết hoa từ chỉ huy chương, danh hiệu và giải thưởng. Biết viết hoa tên cơ quan, đơn vị, tổ chức. Hiểu nghĩa và sử dụng được một số từ ngữ thuộc các chủ điểm: Nam và nữ, Trẻ em. Sử dụng được dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu phẩy, dấu hai chấm, dấu ngoặc kép, dấu gạch ngang.

Để xây dựng các đề kiểm tra định kì môn tiếng Việt lớp 5 theo hướng phát triển năng lực của học sinh, giáo viên nên giảm bớt các câu hỏi yêu cầu học sinh nhận biết, phân tích, phân loại các đơn vị ngôn ngữ và cần tăng cường các câu hỏi yêu cầu học sinh sử dụng từ và câu.

Ví dụ: Khi kiểm tra khả năng hiểu và nắm bắt về từ đồng nghĩa của học sinh lớp 5, giáo viên có thể sử dụng câu hỏi kiểm tra, đánh giá năng lực lựa chọn và sử dụng từ đồng nghĩa của học sinh theo kiểu câu hỏi: Các từ in đậm trong hai câu sau có phải là từ đồng nghĩa không? Hai từ đó có thể thay thế vị trí của nhau trong các câu không? Vì sao? : “Quê hương em rất đẹp.” Và “Bé Hà rất xinh.”. Loại câu hỏi này sẽ giúp học sinh hiểu sâu sắc một điều rằng học từ đồng nghĩa không chỉ là giúp học sinh tìm ra nghĩa giống nhau giữa các từ đồng nghĩa, mà điều quan trọng là phải thấy được sự khác biệt về nghĩa và cách sử dụng của chúng. Và chính sự khác biệt về nghĩa của các từ sẽ giúp học sinh biết cách lựa chọn, sử dụng từ một cách chính xác, tinh tế mang lại hiệu quả cao trong biểu đạt.

Như vậy, để phát triển năng lực dùng từ, đặt câu cho học sinh, giáo viên cần chỉ  dẫn được cho các em trong tình huống nào thì chọn từ nào, ngữ nào, câu nào... để sử dụng.  Có như vậy, khi viết văn, học sinh mới có ý thức, thói quen trong việc lựa chọn từ ngữ để diễn đạt một cách chính xác, tinh tế và hấp dẫn.

2.3.2.2. Kiểm tra, đánh giá năng lực tiếp nhận ngôn bản (nghe, đọc hiểu)

Để kiểm tra, đánh giá học sinh về năng lực tiếp nhận ngôn bản, giáo viên cần giảm bớt các câu hỏi nhận biết, tái hiện các tình tiết của văn bản (đọc nhớ) mà cần chú trọng dạy học sinh hồi đáp (đánh giá, liên hệ), vận dụng sáng tạo. Để từ đó những kiến thức, hiểu biết mà các em nhận thức được trong các văn bản mới thực sự được vận dụng vào trong cuộc sống một cách có hiểu quả.

Ví dụ: Kiểm tra khả năng đọc hiểu của học sinh với văn bản sau:

                                                                   MUỐI

Một chàng trai trẻ đến xin học một ông giáo già. Anh ta lúc nào cũng bi quan và phàn nàn về mọi khó khăn. Đối với anh, cuộc sống chỉ có những nỗi buồn, vì thế học tập cũng chẳng hứng thú gì hơn. Một lần khi chàng trai than phiền về việc mình học mãi mà không tiến bộ, người thầy im lặng lắng nghe rồi đưa cho anh một thìa muối thật đầy và một cốc nước nhỏ.

- Con cho thìa muối này vào cốc nước và uống thử đi. Lập tức chàng trai làm theo rồi uống thử.

 - Cốc nước mặn chát. Chàng trai trả lời. Người thầy lại dẫn anh ra một hồ nước gần đó và đổ một thìa muối đầy xuống nước. Bây giờ con hãy nếm thử nước trong hồ đi.

- Nước trong hồ vẫn vậy thôi, thưa thầy. Nó chẳng hề mặn lên chút nào. Chàng trai vừa nói vừa múc một ít nước dưới hồ nếm thử.

Người thầy chậm rãi nói: "Con của ta, ai cũng có lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Và những khó khăn đó giống như thìa muối này. Nhưng mỗi người hoà tan nó theo một cách khác nhau. Những người có tâm hồn rộng mở giống như một hồ nước thì nỗi buồn không làm họ mất đi niềm vui và sự yêu đời. Nhưng với những người tâm hồn chỉ nhỏ như một cốc nước họ sẽ tự biến cuộc sống của mình trở thành đắng chát và chẳng bao giờ học được điều gì có ích”.                        

                                                                                                                  (Quà tặng cuộc sống)

Khi cho học sinh đọc xong văn bản trên, giáo viên cần đưa ra những câu hỏi mang tính chất phản hồi, đánh giá, liên hệ của học sinh. Giáo viên có thể hỏi nhứng câu hỏi, như: Em có đồng ý với lời khuyên của thầy giáo già trong câu chuyện không? Nếu được khuyên chàng trai, em sẽ nói gì với chàng trai?; …

2.3.2.3. Kiểm tra, đánh giá năng lực tạo lập ngôn bản ( viết, trình bày)

Để tránh tình trạng học sinh nhớ, thuộc bài văn mẫu để chép, giáo viên cần phải ra được những đề làm văn tạo điều kiên cho học sinh có thể nói lên được những suy nghĩ, ý tưởng riêng của mình và có cách thể hiện, trình bày những suy nghĩ, ý tượng đó một cách độc đáo, sáng tạo.

2.3.3. Xây dựng ma trận đề kiểm tra định kì

Ma trận đề kiểm tra được xây dựng dựa trên chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình và bảng tham chiếu chuẩn đánh giá của từng học kì môn Tiếng Việt lớp 5. Ma trận kiểm tra, với những cột mục cần thiết giúp giáo viên trực quan hơn với phân bố số lượng các câu hỏi cần có trong các chương mục, theo tổng số nội dung đã xác định, mức độ khó dễ, cấp độ tư duy cần đánh giá cho từng phần v.v… Việc xây dựng ma trận cần phải tuân thủ các bước sau: Bước 1, cần lựa chọn các chủ đề (nội dung, chương...) cần kiểm tra; Bước 2, viết các chuẩn cần đánh giá đối với mỗi cấp độ tư duy; Bước 3, phân bố tỉ lệ % tổng điểm cho mỗi chủ đề; Bước 4, quyết định tổng số điểm của bài kiểm tra; Bước 5, tính số điểm cho mỗi chủ đề tương ứng với tỉ lệ %; Bước 6, tính tỉ lệ %, số điểm và quyết định số câu hỏi cho mỗi chuẩn tương ứng; Bước 7, tính số điểm và tổng số câu hỏi cho mỗi cột; Bước 8, tính tỉ lệ % tổng số điểm phân phối cho mooix cột; Bước 9, đánh giá lại ma trận và chỉnh sửa nếu thấy cần thiết.

2.3.4. Lựa chọn ngữ liệu và biên soạn câu hỏi theo ma trận

* Bài đọc hiểu kêt hợp với việc kiểm tra kiến thức, kĩ năng tiếng Việt

Bài đọc hiểu gồm 1 - 2 văn bản là câu chuyện, bài văn, văn bản khoa học thường thức, tổng độ dài của các văn bản khoảng 250 - 300 chữ, thời gian đọc thầm khoảng 2 - 3 phút. Các văn bản được chọn nên nằm ngoài sách giáo khoa. Điều này sẽ giúp giáo viên đánh giá đúng năng lực đọc hiểu của học sinh. Việc lựa chọn một văn bản ngoài sách giáo khoa buộc học sinh phải có khả năng vận dụng kĩ năng đọc hiểu của mình vào việc giải quyết một nhiệm vụ trong tình huống mới. Tuy nhiên văn bản được lựa chọn cần có độ dài phù hợp, đống thời phải có giá trị thẩm mĩ và giá trị giáo dục cao.

- Dạng câu hỏi thiết kế trong đề kiểm tra định kì môn Tiếng Việt bao gồm hai dạng câu hỏi trắc nghiệm và tự luận:

+ Đối với câu hỏi trắc nghiệm khách quan dùng trong đề kiểm tra gồm: Khoanh tròn vào câu trả lời đúng nhất, câu hỏi yêu cầu điền ngắn (một từ hoặc cụm từ vào chỗ trống), câu hỏi nối cặp đôi, câu hỏi đúng /sai…

+ Câu hỏi tự luận trong đề bài này giáo viên nên giảm bớt câu hỏi nhận biết bằng những câu yêu cầu học sinh vận dụng sáng tạo: nêu ý kiến cá nhân về một chi tiết trong bài đọc, nêu ý kiến giải thích ngắn về một chi tiết trong bài đọc, trình bày cách phân loại hoặc sắp xếp ý trong bài đọc theo yêu cầu, viết câu có các hiện tượng từ vựng, ngữ pháp đã học,…

+ Thời gian tính trung bình để học sinh làm một câu hỏi trắc nghiệm khách quan: 1 phút;  Thời gian tính trung bình để học sinh làm một câu hỏi tự luận dao động từ 2 – 4 phút.

* Phần viết chính tả: Viết 1 đoạn văn hay 1 đoạn thơ (M2) (Theo chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình) nhằm kiểm tra kĩ năng viết chính tả của học sinh. Giáo viên đọc cho học sinh cả lớp viết (Chính tả - viết) một đoạn văn (hoặc thơ) phù hợp với chủ điểm đã học (khoảng 80 - 100 chữ).

* Kiến thức kĩ năng tập làm văn : Viết 1 đoạn hay 1 bài văn thuộc các dạng văn đã học (trong bài văn bao gồm các mức M1, 2, 3, 4 theo ba rem điểm). Đề tập làm văn phải có sự sáng tạo, mới lạ, hấp dẫn để khơi gợi hứng thú, trí tưởng tượng của học sinh khi làm bài. Nội dung của đề thiết kế phải phù hợp với chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình, phải có giá trị thẫm mĩ và giáo dục cao.

2.2.5. Xây dựng đáp án, thang điểm

- Kiểm tra định kì môn Tiếng Việt được tiến hành với 2 bài kiểm tra: Đọc, Viết, bao gồm:

+ Bài kiểm tra đọc (10 điểm). Trong đó đọc thành tiếng (3 điểm): Giáo viên cho học sinh bốc thăm các đoạn, bài để đọc. Đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức Tiếng Việt (7 điểm). Học sinh đọc một đoạn văn trong các bài tập đọc đã học ở sách giáo khoa Tiếng Việt hoặc một đoạn văn không có trong sách giáo khoa sau đó học sinh trả lời câu hỏi về nội dung đoạn đọc do giáo viên nêu ra và làm các bài tập về kiến thức tiếng Việt.

+ Bài kiểm tra viết (10 điểm). Trong đó viết chính tả (3 điểm). Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày sạch sẽ và đúng theo đoạn văn (3 điểm). Tập làm văn (7 điểm). Bài văn được đánh giá về kiểu loại văn bản, khả năng tạo lập văn bản (khả năng sắp xếp ý, khả năng dùng từ, đặt câu, liên kết câu, khả năng thể hiện suy nghĩ, cảm xúc thái độ trước những sự vật, sự việc, hiện tượng,.. trong cuộc sống).

Điểm kiểm tra định kì môn Tiếng Việt (điểm chung) là trung bình cộng của 2 bài kiểm tra Đọc, Viết quy về thành điểm 10 (chia số điểm thực tế cho 2).

2.2.6. Hoàn chỉnh đề kiểm tra

Sau khi biên soạn xong đề kiểm tra cần xem xét lại việc biên soạn đề kiểm tra, gồm các bước sau:

1) Đối chiếu từng câu hỏi với hướng dẫn chấm và thang điểm, phát hiện những  sai sót hoặc thiếu chính xác của đề và đáp án. Sửa các từ ngữ, nội dung nếu thấy cần thiết để đảm bảo tính khoa học và chính xác.

2) Đối chiếu từng câu hỏi với ma trận đề, xem xét câu hỏi có phù hợp với chuẩn cần đánh giá không? Có phù hợp với cấp độ nhận thức cần đánh giá không? Số điểm có thích hợp không? Thời gian dự kiến có phù hợp không?

3) Kiểm tra lại đề để tiếp tục điều chỉnh đề cho phù hợp với mục tiêu, chuẩn chương trình và đối tượng học sinh (nếu có điều kiện).

4) Hoàn thiện đề, hướng dẫn chấm và thang điểm.

3. Kết luận

Bài kiểm tra có vai trò quan trọng đối với cả học sinh và giáo viên. Nó không những là công cụ để đo lường sự tiến bộ của người học, mà còn là một kênh thông tin để giáo viên đánh giá lại phương pháp giảng dạy của mình và học sinh xem lại cách học của các em. Để có một đề kiểm tra môn Tiếng Việt nói chung và môn Tiếng Việt lớp 5 nói riêng đạt chuẩn mực, giáo viên cần phải nắm vững yêu cầu của việc ra đề kiểm tra theo Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nắm vững quy trình 6 bước xây dựng đề kiểm tra mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Riêng đối với môn Tiếng Việt, khi xây dựng đề kiểm tra, giáo viên phải đặc biệt chú trọng thiết kế các câu hỏi hướng tới sự phát triển năng lực sử dụng tiếng Việt - năng lực tiếp nhận và tạo lập văn bản trong những tình huống mới, mang tính sáng tạo của các em.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Vũ Thị Phương Anh, Ths. Hoàng Thị Tuyết (2006), Đánh giá kết quả học tập ở Tiểu học, NXB Giáo dục.

[2]. Lê Phương Nga (2013), Ôn tập - kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh môn Tiếng Việt lớp 5 học kì II, NXBĐH Sư phạm

[3]. Bộ giáo dục và đào tạo trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Tài liệu tập huấn hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học môn Tiếng Việt (theo thông tư 22/2016/TT-BGDĐT