foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

a an 20 11

Lời giới thiệu: Nhận lời mời của Báo Hà Tĩnh, TS. Lê Văn An – Bí thư chi bộ, Trưởng khoa đã có bài viết về đạo đức nhà giáo nhìn dưới góc độ của cơ sở đào tạo giáo viên. Bài viết đã được đăng trong phần 3 của loạt bài: “những câu chuyện ấm áp dưới mái trường” theo đường link:  https://baohatinh.vn/giao-duc/nhung-cau-chuyen-am-ap-duoi-mai-truong-bai-cuoi-su-chuan-muc-tri-thuc-va-tinh-yeu-thuong-lam-nen-moi-truong-giao-duc-nhan-van. Tuy nhiên do khuôn khổ bài viết không cho phép và cần ý kiến của các nhà quản lý khác nữa nên bài báo không đăng nguyên văn. Dưới đây là nguyên văn bài viết:

Trong xã hội hiện đại, hội nhập sâu, giao lưu văn hóa đa chiều, đa quốc gia chúng ta vẫn duy trì và phát huy nền tảng đạo đức xã hội truyền thống nhưng những yếu tố lai căng không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc ngày càng nở rộ và phát triển. Trong bối cảnh đó mối quan hệ nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đang gặp phải nhiều thách thức. Những truyền thống quý báu về đạo đức người thầy (ông đồ xứ Nghệ khoai sắn qua ngày nhưng có nhiều học trò đỗ đạt, thương yêu giúp đỡ học trò nhất là học trò nghèo học giỏi) đang bị thử thách vì những mặt trái của cơ chế thị trường. Khoa Sư phạm Đại học Hà Tĩnh là Khoa đào tạo quan trọng của Trường ĐH Hà Tĩnh với truyền thống 65 năm đào tạo giáo viên cho ngành GD Hà Tĩnh. Chi ủy, BCN Khoa luôn chú trọng đào tạo bồi dưỡng đạo đức nhân cách người giáo viên cho sinh viên sư phạm; quan tâm dìu dắt sinh viên trong mọi lĩnh vực đời sống tinh thần, hoạt động học tập, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp. Cụ thể là:

1) Tiếp tục tăng cường học tập quán triệt các nội dung học tập làm theo tấm gương, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh gắn với tu dưỡng, rèn luyện đạo đức phong cách người Đoàn viên, sinh viên và người giáo viên tương lai.

2) Xây dựng hình ảnh của Khoa Sư phạm gắn với truyền thống 65 đào tạo ngành Sư phạm. Qua đó để sinh viên nhận thức được vai trò tu dưỡng rèn luyện phẩm chất nhân cách xứng đáng với đơn vị đào tạo có tính chất truyền thống của Trường Đại học Hà Tĩnh. Sinh viên phải có trách nhiệm kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Khoa Sư phạm. Khoa là đơn vị duy nhất của Trường có phòng truyền thống được đưa vào sử dụng từ ngày 26/3/2023.

3) Đưa sinh viên xuống Trường mầm non, Trường Phổ thông thực hành từ năm thứ nhất, thứ hai để các em có những trải nghiệm nghề nghiệp ngay từ những năm đầu tiên thời sinh viên. Thế mạnh của ngành đào tạo sư phạm của Trường Đại học Hà Tĩnh ngoài truyền thống 65 năm còn có thế mạnh thực hành nghề nghiệp. Trường ĐH Hà Tĩnh hiện có trường mầm non, Trường TH, THCS, THPT thực hành tạo điều kiện cho sinh viên có điều kiện tiếp xúc sớm với môi trường nghề nghiệp. Nhà trường và khoa cũng quản lý chặt chẽ các đợt thực tập sư phạm ở những năm học thứ 3, thứ 4 nắm bắt theo dõi tiến trình tu dưỡng nghề nghiệp của từng sinh viên.

4) Đưa hoạt động sinh viên rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thành phong trào sâu rộng trong toàn thể sinh viên. Khoa đã tạo điều kiện để sinh viên có thể rèn luyện nghiệp vụ sư phạm ngay trên giảng đường và khu ký túc xá. Hàng năm triển khai tháng nghiệp vụ sư phạm đến từng chi đoàn, tổ chức thi nghiệp vụ sư phạm cấp khoa. Các nội dung thi nghiệp vụ sư phạm gắn với việc hình thành nhân cách nhà giáo, kỹ năng nghề nghiệp của người giáo viên. Chẳng han như: nội dung “hùng biện sư phạm” để sinh viên nói lên tâm tư nguyện vọng, tâm huyết, đạo đức về nghề “làm thầy”; nội dung “xử lý tình huống sư phạm”, “kể chuyện” để sinh viên trau chuốt về nghề, tăng cường kỹ năng và tình yêu nghề, nội dung “thực hành giảng dạy” để các em thể hiện năng lực bản thân về nghề giáo, nội dung “làm đồ dùng dạy học” để các em yêu nghề, phát huy tính sáng tạo trong nghề nghiệp. Trước các đợt thực tập sư phạm, nhà Trường và Khoa phối hợp mời các chuyên gia, các nhà quản lý ngành giáo dục (tại SGD, các PGD) về phổ biến, cập nhật những định hướng mới về phương pháp giảng dạy, hoạt động giáo dục mới đang được triển khai trong ngành GD của tỉnh nhà.

5) Thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao gắn với các ngày hội lớn của ngành GD, của Trường. Trong các chương trình văn hóa văn nghệ đã làm nổi bật hình ảnh sáng ngời về người thầy “cõng chữ về bản”, “người thầy cũng là người chiến sĩ”, …. hình ảnh của nền giáo dục Việt Nam của truyền thống “ông đồ xứ Nghệ”, “người thầy vượt qua mưa bom bão đạn truyền thụ tri thức cho học sinh”… đã làm sáng ngời lên đạo dức cao quý của “người thầy”. Qua đó các em sinh viên cũng nhận thức sâu sắc hơn về đạo đức nghề nghiệp, củng cố niềm tin và say mê với nghề nghiệp đã chọn. Khoa khuyến khích sinh viên tham gia các câu lạc bộ đội nhóm Đoàn trường, Liên chi đoàn khoa quản lý trong đó có nhiều đội nhóm có tính giáo dục rất cao: chẳng hạn dự án “1 bức tranh nhiều hi vọng” hàng tuần đến các bệnh viện giúp đỡ cho các bệnh nhân; câu lạc bộ ENV truyền thông về môi trường, bảo vệ động vật hoang dã; câu lạc bộ đối ngoại giúp đỡ sinh viên Lào… góp phần hình thành đạo đức nhân cách, tình yêu thương, tính nhân văn trong tâm hồn của mỗi em sinh viên. Câu lạc bộ luyện chữ rèn luyện ý thức nghề nghiệp, trau dồi kỹ năng chữ viết cho sinh viên ngành sư phạm.

6) Chỉ đạo Liên chi đoàn quản lý chặt chẽ các buổi sinh hoạt chi đoàn về các đợt sinh hoạt chính trị, tuyên truyền học tập đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, rèn luyện đạo đức nhân cách nhà giáo gắn với người đoàn viên thanh niên trong thời đại Hồ Chí Minh. Tăng cường phát triển Đảng trong sinh viên để các em phấn đấu tu dưỡng đạo đức nhân cách. Phát huy tinh thần tinh thần tiền phong gương mẫu của các Đảng viên sinh viên trong từng chi đoàn và tập thể lớp.

Với truyền thống 65 ngành Sư phạm, sự tâm huyết của chi bộ, BCN khoa và toàn thể cán bộ, giảng viên và nhân viên khoa chúng tôi sẽ tiếp bước các thế hệ đi trước đào tạo các em sinh viên vừa có đạo đức trong sáng, yêu nghề mến trẻ, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng để tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đầy chông gai, gian khó mà vô cùng vẻ vang./.