Chiều ngày 06/12/2023, tại căng tin trường Đại học Hà Tĩnh, Khoa Sư phạm đã tổ chức cho sinh viên lớp K28 GDMN tham gia thực hành chế biến món ăn. Đây là một hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho trẻ trong các bữa ăn hằng ngày ở trường Mầm non, giúp sinh viên có thêm nhiều kiến thức trong việc xây dựng thực đơn và chế biến món ăn cho trẻ ở trường Mầm non, đồng thời giúp sinh viên hoàn thiện kĩ năng này trong học phần Dinh dưỡng và vệ sinh phòng bệnh.
Đầu tiên việc lên thực đơn bữa ăn cho trẻ, với yêu cầu đưa ra ở đây là chuẩn bị bữa ăn chính cho trẻ mầm non 5 – 6 tuổi. Dựa trên các nguyên tắc: đảm bảo và cân đối dinh dưỡng trong bữa ăn cho trẻ; bữa ăn đa dạng, phong phú, chế biến đúng cách, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ... các bạn sinh viên đã lên thực đơn một bữa ăn cho trẻ. Đa số các loại thực phẩm mà các bạn chế biến đều được mua tại các cửa hàng thực phẩm sạch, uy tín, đảm bảo chất lượng. Một số loại thực phẩm được các bạn mang từ nhà đến: trứng gà, đậu, lạc, rau ngót, bí,...
Các bạn sinh viên đã tự phân nhóm, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các nguyên liệu để bắt tay vào thực hiện chế biến món ăn một cách hoàn chỉnh nhất. Các bạn trong nhóm đã phân chia công việc một cách hợp lí, từ khâu chuẩn bị cho đến sơ chế đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, làm sạch nguyên liệu và giúp khâu nấu chín dễ dàng, làm sạch nhưng vẫn đảm bảm được giá trị dinh dưỡng vốn có trong nguyên liệu thực phẩm. Việc chế biến và bày biện trang trí các món ăn ra mâm được thực hiện một cách tỉ mỉ, khéo léo.
Sau thời gian 2 tiếng thực hiện thì 3 nhóm đã cho ra những món ăn hấp dẫn, cách bài trí bắt mắt; 3 nhóm đã trình bày bài thuyết trình của mình trước cả lớp và giảng viên về nguyên liệu, quy trình chế biến các món ăn, giá trị dinh dưỡng mà những món ăn đó mang lại.
Bài thực hành kết thúc, các giảng viên đã đưa ra những nhận xét của mình về món ăn của các nhóm và đánh giá cao ý thức của tập thể lớp trong việc tổ chức chế biến món ăn. Thông qua các hoạt động này, các cô giáo mầm non tương lai có cơ hội giao lưu học hỏi lẫn nhau; tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao kiến thức trong xây dựng thực đơn, lựa chọn thực phẩm, cách chế biến món ăn giàu chất dinh dưỡng, đầy đủ và hợp lý trong khẩu phần ăn hàng ngày cho trẻ mầm non, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.