foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Từ địa phương là đề tài thu hút được sự quan tâm của nhiều người yêu thích về ngôn ngữ. Bởi thông qua ngôn ngữ, chúng ta sẽ hiểu hơn về cách nhìn, nếp nghĩ, văn hóa của một dân tộc, một cộng đồng nói chung và của một địa phương nào đó nói riêng. Nghiên cứu phương ngữ cũng chính là nghiên cứu văn hóa của từng vùng miền với những nét độc đáo riêng biệt. Là những  người con của quê hương Hà Tĩnh, chúng tôi muốn đóng góp một góc nhìn mới về từ địa phương Hương Sơn trong sự so sánh với từ toàn dân trên bình diện ngữ âm.

Từ khóa: từ địa phương, từ toàn dân, đặc điểm ngữ âm, Hương Sơn - Hà Tĩnh

1. Đặt vấn đề

Trong nhịp sống hối hả của xã hội ngày nay, việc con người du nhập và tiếp cận những văn hóa và phong tục từ bên ngoài diễn ra hết sức nhanh chóng. Trong đó có sự tiếp cận, giao thoa của ngôn ngữ, đặc biệt có một vấn đề tạo được sự quan tâm của nhiều người đó là “Từ địa phương” hay còn gọi là phương ngữ. Từ địa phương là tiếng nói thân thuộc của từng địa phương và việc sử dụng từ địa phương như thế nào cho hợp lí và biểu cảm, cũng như giữ gìn và bảo tồn nó như thế nào là một việc hết sức quan trọng . Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện đề tài này với các lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, việc tìm hiểu về các từ địa phương giúp chúng tôi hiểu biết hơn về từ địa phương của huyện Hương Sơn.

Thứ hai, khi đi tìm hiểu các quy luật biến đổi ngữ âm của từ địa phương Hương Sơn so với từ toàn dân giúp chúng tôi hiểu được phần nào về sự xuất hiện của các từ địa phương, nhận thấy được nét độc đáo trong cách sử dụng từ địa phương của huyện Hương Sơn. Từ đó, chúng tôi mong góp phần nhỏ vào việc cung cấp ngữ liệu về từ địa phương.

Thứ ba, đó là việc sử dụng, bảo tồn từ địa phương như thế nào để đạt hiệu quả.

Từ những lý do trên, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Tìm hiểu đặc điểm ngữ âm của từ địa phương huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh”.

Từ địa phương Hà Tĩnh là một đề tài đã được đề cập ở một số công trình nghiên cứu về từ địa phương. Ta có thể kể đến một số công trình như sau: “Phương ngữ Nghệ Tĩnh với các đặc trưng của dân ca xứ Nghệ” của tác giả Hoàng Trọng Canh; “Từ địa phương Nghệ Tĩnh” của tác giả Hoàng Thị Châu; “Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh” của Nguyễn Nhã Bản; “Tản mạn về ngôn ngữ địa phương Hà Tĩnh” của Tống Trần Tùng,… Những công trình nghiên cứu này chỉ nghiên cứu từ địa phương trên phạm vi rộng, mà chưa có công trình nào đi vào nghiên cứu về đặc điểm ngữ âm của từ địa phương huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh. Vì vậy, chúng tôi đã vào nghiên cứu  đặc điểm về ngữ âm của từ địa phương Hương Sơn để góp phần tìm hiểu về nét đẹp, nét độc đáo của nó. Qua đó góp phần cung cấp nguồn ngữ liệu về từ địa phương, cũng như góp phần bảo vệ và gìn giữ từ địa phương nói chung và từ địa phương thuộc huyện Hương Sơn nói riêng..

2. Tìm hiểu đặc điểm ngữ âm của từ địa phương huyện Hương Sơn -Hà Tĩnh

2.1. Ngữ âm tiếng Việt

2.1.1. Ngữ âm

  • Ngữ âm là âm thanh của ngôn ngữ, là hình thức, là vỏ vật chất của

ngôn ngữ.

  • Âm thanh của ngôn ngữ tồn tai dưới 2 dạng: dạng nói và dạng viết.

         2.1.2. Âm tiết tiếng Việt

  • Âm tiết tiếng Việt là đơn vị phát âm tự nhiên nhỏ nhất của lời nói,

bao gồm một số âm, tạo ra sự thống nhất chặt chẽ, hoàn chỉnh về ngữ âm. Âm tiết tiếng Việt có cấu tạo chặt chẽ, rõ ràng: gồm 2 bộ phận :

+ Bộ phận âm đoạn: các nguyên âm, phụ âm

+ Bộ phận siêu âm đoạn: thanh điệu

Ở dạng tối đa, âm tiết tiếng Việt gồm 5 yếu tố: âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối, thanh điệu; dạng tối thiểu gồm 2 yếu tố: âm chính, thanh điệu.

           2.2. Từ địa phương và từ toàn dân

- Từ địa phương là những từ được sử dụng trong một phạm vi hẹp và nhất định như một vùng, một làng, một huyện,..được hình thành nên để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày của những người dân ở những nơi mà từ địa phương hình thành.

- Từ vựng toàn dân là những từ được toàn dân hiểu và toàn dân sử dụng. Nó bao gồm tất cả các vốn từ chung cho những người nói ngôn ngữ đó, thuộc các phương ngữ khác nhau, các tầng lớp xã hội khác nhau để có thể sử dụng được.

           2.3. Đặc điểm ngữ âm của từ địa phương huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh

Hương Sơn là một huyện trung du miền núi phía tây bắc tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Về tình hình chung thìHương Sơn là một huyện thuộc vùng biên giới có tình hình chính trị tương đối ổn định, với nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Với sự phát triển của đất nước, Hương Sơn cũng theo đó ngày càng phát triển và đi lên.

         Với những đặc điểm chung trên, qua quá trình  khảo sát, thống kê và phân tích các từ địa phương ở huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh, chúng tôi xin đưa ra một số nhóm từ địa phương như sau:

           2.3.1.  Từ địa phương có hình thức ngữ âm hoàn toàn khác biệt với hình thức ngữ âm của từ toàn dân

Đó là những từ địa phương có vỏ ngữ âm hoàn toàn khác so với từ toàn dân nhưng có nghĩa tương đồng.

Ví dụ: “ “đâu” ->“mô”, “đầu” -> “trốc”, “đầu gối” ->“trục cúi”, “gói”

  •  

            2.3.2.Từ địa phương được hình thành trên sự biến đổi ngữ âm so với từ toàn dân

a, Biến đổi có tính quy luật:

  • Biến đổi phụ âm đầu:

Nhóm 1: Biến đổi phụ âm đầu “ch” (toàn dân) thành phụ âm đầu “tr” (địa phương).

Ví dụ: “chạp” ->“trạp”, “chày” -> “trày”, “chậm” -> “trậm”,“chìm” -> “trìm”, “chiều”->“triều”, “chọi”->“trọi”, “chục” ->“trục”, “chữ” -> “trự”,…

  • Nhận xét:

Giống nhau:

+ Về tiêu chí cấu âm: Cả hai phụ âm “ch” và “tr” đều được phát ra khi luồng hơi bị cản trở. Sự cản trở này do hai bộ phận cấu âm khép đường thông từ phổi ra ngoài miệng.

Xét về phương thức cấu âm: chúng đều là phụ âm tắc, tức là luồng hơi bị cản trở hoàn toàn sau đó mới phát ra.

Xét về vị trí cấu âm: chúng đều được phát ra ở vị trí lưỡi.

Xét về tiêu chí âm học: hai phụ âm “tr” và “ch” đều là phụ âm vô thanh.

Khác nhau:

+ Giữa chúng vẫn có những đặc điểm khác nhau: phụ âm “ch” được phát âm ở mặt lưỡi, phụ âm “tr” được phát âm ở đầu lưỡi, là âm cao, âm thăng.

 Nhóm 2: Biến đổi phụ âm “g” sang “kh”.

- Ví dụ: “gãi” ->“khải”, “gõ” -> “khỏ, “gỡ” ->“khở”

- Nhận xét:

+ Giống nhau: Cả hai phụ âm này đều có sự giống nhau theo vị trí cấu âm đó là cả hai âm đều được phát ra ở vị trí cuối lưỡi.

+ Khác nhau:

Phụ âm “g” được cấu tạo theo phương thức tắc, là phụ âm hữu thanh.

Phụ âm “kh” được cấu tạo theo phương thức xát, là phụ âm vô thanh.

Nhóm 3: Phụ âm đầu “nh” sang “l”.

- Ví dụ: “nhạt”->“lạt”, “nhặng” -> “lằng”, “nhặt” ->“lặt”, “nhọ”->“lọ”.

- Nhận xét:

+ Giống nhau: dựa theo tiêu chí độ vang thì cả hai đều là phụ âm vang.

+ Khác nhau:

+ Xét theo tiêu chí phương thức cấu âm: phụ âm đầu”nh” là phụ âm tắc; phụ âm đầu “l” là phụ âm xát.

+ Xét về vị trí cấu âm: phụ âm đầu “nh” được phát âm ở mặt lưỡi, phụ âm đầu “l” được phát âm ở đầu lưỡi – răng.

+ Về tiêu chí độ vang: phụ âm đầu “nh” là phụ âm vang mũi, phụ âm đầu “l” là phụ âm vang bên.

  • Biến đổi âm chính:

Nhóm 1: Âm chính “a” sang “â”.

- Ví dụ: “cái” -> “cấy”, “gai” ->  gây”, “gái” -> “gấy”, “sai” -> “sây”, “trái” -> “trấy”.

- Nhận xét:

Nguyên âm ‘a’ sang nguyên âm ‘â’, từ đó kéo theo sự thay thế con chữ ‘i’ bằng con chữ ‘y’ (quy tắc kết hợp âm chính với âm cuối).

            Giống nhau: cả hai nguyên âm “a” và “â” đều giống nhau ở:

+ Vị trí đặt lưỡi: nguyên âm hàng sau.

+ Hình dáng môi: nguyên âm không tròn môi.

 Khác nhau:

+ ‘a’ là nguyên âm có độ há rộng.

+ ‘â’ là nguyên âm có độ há hơi hẹp.

Sự biến đổi: âm phát ra tối hơn so với âm ban đầu.

Nhóm 2: Âm chính “o ngắn” sang “o”.

- Ví dụ: “bóc” ->“boóc”, “cái vòng” ->“cái voòng”, “con ong” ->“con oong”, “đong” ->“đoong”, “học” ->“hoọc”, “khóc” ->“khoóc”, “lóc” ->“loóc”,...

- Nhận xét:

Giống nhau:

+ Nguyên âm ‘o ngắn’ và ‘o’ đều là nguyên âm hàng sau, tròn môi, có độ há hơi rộng.

Sự biến đổi: âm tiết kéo dài hơn.

Nhóm 3: Âm chính “e ngắn”(được biểu hiện bằng chữ cái “a” sang “e”.

  • Ví dụ:“anh” ->   “eng”, “canh” -> “ceng”, “lành” ->  “lèng”, “lạch” ->“lẹc”, “mách” ->  “méc”, “nạnh” ->  “nẹng”, “nách” ->  “néc”, “quanh” ->   “queng”, “sạch”->   “sẹc”,...
  • Nhận xét:

Âm chính: biến đổi từ nguyên âm ‘e ngắn’ sang nguyên âm ‘e’.

 Giống nhau:

+ Nguyên âm ‘e ngắn’  và ‘e’ đều là nguyên âm hàng trước, không tròn môi, có độ há hơi rộng.

Sự biến đổi: âm tiết kéo dài hơn.

Nhóm 4: Âm chính “â” sang “u”.

  •  Ví dụ: “dâu” -> “du”, “nâu” ->“nu”, “sâu” -> “su”, “tâu” -> “tu”,…
  • Nhận xét:

Nhóm các từ này có sự tiêu biến nguyên âm ‘â’ và âm cuối ‘u’ dịch lên thay thế vị trí âm chính ‘â’, đồng thời các từ này tiêu biến âm cuối.

Giống nhau:

+ Nguyên âm “â” và “u” đều là nguyên âm hàng sau.

            Khác nhau:

+ ‘â’ là nguyên không tròn môi, có độ há hơi hẹp.

+ ‘u’ là nguyên âm tròn môi, có độ há hẹp.

Sự biến đổi: chuyển từ nguyên âm không tròn môi sang nguyên âm tròn môi làm cho âm phát ra thấp hơn âm tiết ban đầu kết hợp với sự tiêu biến âm cuối làm cho âm phát ra vừa ngắn vừa thấp hơn so với âm tiết ban đầu.

Nhóm 5: Âm chính “ư” sang “ơ”.

- Ví dụ: “bưng” ->  “bơng”, “gửi” ->  “gởi”, “hứng” ->  “hớng”, “mừng”->   “mờng”, “trứng” -> “trớng”.

- Nhận xét:

            Giống nhau:

+ Nguyên âm “ư” và “ơ” đều là nguyên âm hàng sau.

            Khác nhau:

+  ‘ư’ là nguyên không tròn môi, có độ há hẹp.

+ ‘ơ’ là nguyên âm không tròn môi, có độ há hơi hẹp.

Sự biến đổi:  chuyển từ nguyên âm có độ há hẹp sang nguyên âm có độ há  hơi  hẹp làm cho âm phát ra sáng hơn so với âm tiết ban đầu.

Nhóm 6: Âm chính “ô” sang “u”.

- Ví dụ: “chổi” -> “chủi”, “hôn” ->“hun”, “khôn” ->“khun”, “môi”->“mui”, “mối” ->“múi”, “tôi” -> “tui”, “tối” ->“túi”, “thối” ->“thúi”.

- Nhận xét:

Giống nhau:nguyên âm “ô” và “u” đều là nguyên âm hàng sau.

Khác nhau:

+ ‘ô’ là nguyên âm tròn môi, có độ há hơi hẹp.

          + ‘u’ là nguyên âm tròn môi, có độ há hẹp.

Sự biến đổi: chuyển từ nguyên âm có độ há hơi hẹp sang nguyên âm có độ há hẹp làm cho âm tiết phát ra trở nên tối hơn so với âm tiết ban đầu.

Nhóm 7: Âm chính “uô” sang “o”.

- Ví dụ: “muỗi” ->“mọi”, “muối” -> “mói”, “ruồi” -> “ròi”.

- Nhận xét:

 Giống nhau: nguyên âm đôi “uô” và nguyên âm “o” đều là nguyên âm hàng sau.

Khác nhau:

+ ‘uô’ là nguyên âm đôi tròn môi, có độ há nằm giữa hẹp và hơi hẹp.

+ ‘o’  là nguyên âm hàng sau, tròn môi, có độ há hơi rộng.

Sự biến đổi: chuyển từ nguyên âm đôi có độ há nằm giữa hẹp và hơi hẹp sang nguyên âm có độ há hơi rộng làm cho âm tiết sáng ra đáng kể so với âm ban đầu.

Nhóm 8: Âm chính “ô” sang “ôô”.

- Ví dụ: “ông” ->“ôông”, “không” -> “khôông”, “rộng” ->“rôộng”, đồng -> đôồng…

- Nhận xét:

+ Nguyên âm “ô" là nguyên âm hàng sau, tròn môi, có độ há hơi hẹp.

+ Sự biến đổi: âm tiết kéo dài hơn.

Nhóm 9: Âm chính “ư” sang “i”.

- Ví dụ: “nứt” ->“nít”, “bứt” -> “bít”, “cắn rứt” -> “cắn rít”,…

- Nhận xét:

Giống nhau: nguyên âm “ư” và nguyên âm “i” đều có độ há hẹp.

Khác nhau:

+ “ư” là nguyên âm hàng sau, tròn môi.

+ “i” là nguyên âm hàng trước, không tròn môi.

Sự biến đổi: âm phát ra cao hơn và thấp hơn so với âm ban đầu.

b, Biến đổi không có tính quy luật:

* Biến đổi phụ âm đầu, âm chính giữ nguyên

            Ví dụ: “cát” -> “gát”, “thiu” -> “siu”, “thưa” -> “sưa”,…

* Biến đổi âm chính, phụ âm đầu giữ nguyên

Ví dụ: “cân” -> “con”, “cây” -> “cơn”, “củ” -> “cổ”,…

3. Kết luận

Qua kết quả nghiên cứu về từ địa phương trên địa bàn huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh, chúng tôi thấy rằng:

- Thứ nhất, so với từ toàn dân, từ địa phương huyện Hương Sơn - Hà

Tĩnh có sự biến đổi về ngữ âm và phần lớn sự biến đổi đó là có tính quy luật. Sau đây chúng tôi xin đưa ra một số kết quả nghiên cứu được như sau:

* Có hai nhóm từ địa phương cơ bản ở Hương Sơn:

  •  

khác biệt với hình thức ngữ âm của từ toàn dân.

  •  

đổi ngữ âm so với từ toàn dân. Ở nhóm này lại chia làm hai nhóm nhỏ, đó là:

+ Nhóm từ biến đổi có tính quy luật: Tiêu biểu ở đây là phụ âm đầu và âm chính. Đặc biệt với âm chính, chúng tôi nhận thấy rằng: phần lớn các nhóm này đều có sự biến đổi âm chính cùng hàng (vị trí đặt lưỡi) với nhau còn biến đổi về âm chính khác hàng là rất ít. Đặc biệt đối với nhóm từ biến đổi có tính quy luật, thanh điệu của từ toàn dân và từ địa phương phần lớn là không biến đổi.

+ Nhóm từ biến đổi không theo quy luật.

- Về phương diện phạm vi sử dụng, từ địa phương thuộc địa bàn Hương

Sơn - Hà Tĩnh là những từ được sử dụng phổ biến ở trong huyện và cũng có một số từ cũng được sử dụng ở các huyện lân cận. Tuy nhiên, có một số từ địa phương mà chỉ ở Hương Sơn mới có. Ví dụ: cân (một thằng hai cân), năng rứa (răng rứa),…

- Về ý nghĩa, từ địa phương Hương Sơn có ý nghĩa đặc biệt, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây. Nó vừa biểu hiện văn hóa, phong tục, tập quán, con người vùng đất Hương Sơn vừa có nét chung của Hà Tĩnh nhưng cũng mang những nét rất riêng của vùng rừng núi này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1]. Nguyễn Nhã Bản, Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1999

[2]. Hoàng Thị Châu, Phương ngữ học tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia, 2000.

[3]. Nguyễn Thiện Giáp, Dẫn luận ngôn ngữ học, NXB Giáo dục, năm 2012.

[4]. Nguyễn Quang Hồng, Các lớp từ địa phương trong mối quan hệ vớichuẩn từ vựng toàn dân, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981.

[5]. http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/C%E1%BB%A7a
6.https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C6%B0%C6%A1ng_ng%E1%BB%AF_ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t

Và một số tài liệu khác.