Viện Khoa học Vật liệu phối hợp với Học viện Khoa học và Công nghệ tổ chức lớp học “Nâng cao kinh nghiệm viết bài công bố trên tạp chí quốc tế ISI” do GS.TS Nguyễn Sơn Bình (Đại học Northwestern, Mỹ) trực tiếp tham gia giảng dạy từ ngày 02 đến 05/10/2017 tại hội trường Viện Khoa học Vật liệu.
Tham gia lớp học có hơn 100 học viên là cán bộ nghiên cứu, giảng viên, sinh viên của các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước. Trường Đại học Hà Tĩnh cử 2 giảng viên Lê Danh Minh và Trần Viết Cường - Khoa SPTN tham gia.
Lớp học bao gồm 16 bài giảng được chia làm 2 Workshop chính:
- Workshop 1: Khoa học hiện đại: từ ý tưởng và thí nghiệm đến việc viết các bài báo học thuật trên các tạp chí có ảnh hưởng.
- Workshop 2: Xuất bản trong các tạp chí học thuật có ảnh hưởng lớn: Hướng dẫn cho các nhà khoa học mới bắt đầu nghiên cứu.
Với khối lượng kiến thức rất lớn trong thời gian 04 ngày, GS.TS Nguyễn Sơn Bình đã giúp các học viên nắm bắt được một số vấn đề, tìm hiểu thực trạng, quy trình, cách biên tập một bài báo ISI. Để học viên nắm bắt nhanh các kiến thức, GS.TS đã lồng ghép vào bài giảng những câu chuyện thực tế của chính GS. đã trải nghiệm thông qua quá trình viết bài, gửi bài qua những bài báo mà chính GS. đã tham gia phản biện.
Theo đó, để bài viết được đăng thì trước hết nội dung phải có tính mới, phương pháp nghiên cứu rõ ràng và phù hợp, và cách trình bày bài viết mang tính chuyên nghiệp theo chuẩn mực khoa học, công bố quốc tế phản ánh chất lượng kết quả nghiên cứu khoa học thực tế của tác giả. Đáng lưu ý, quá trình viết bài phải được chuẩn bị ngay từ những khâu đầu tiên từ khi bắt đầu lập đề cương nghiên cứu.
Ngôn ngữ và cách trình bày rất quan trọng quyết định bài báo có được đăng hay không, ngôn ngữ sử dụng trong bài báo ISI đòi hỏi rất cao về sự chính xác, hay và hấp dẫn giống như đang kể một câu chuyện. Ở đây, cần nhấn mạnh vai trò then chốt của tiếng Anh, GS. cho rằng, nhiều nhà phản biện rất khó đọc các bài báo của các tác giả được gửi từ các nước không sử dụng tiếng Anh như: Trung Quốc, Các nước Đông Nam Á, Nam Á,...Khi hoàn tất bài báo khoa học, vấn đề đối với tác giả chính là chọn tạp chí để gửi bài, công trình phải liên quan đến phạm vi nghiên cứu của tạp chí.
Sau khi gửi bài, căn cứ vào quy định của tạp chí và nội dung của công trình, ban biên tập tạp chí sẽ phản hồi thông tin về bài báo, nội dung phản hồi có thể là từ chối đăng bài hoặc có thể được đăng nhưng kèm theo yêu cầu chỉnh sửa bổ sung theo ý kiến của các phản biện. Quá trình đợi phản hồi và sửa bài thường diễn ra khá lâu và đòi hỏi tác giả cần có sự kiên trì. Trong thời gian đó, một trong những thử thách nhất đối với các tác giả chính là việc đọc, phân tích và xử lý các bình duyệt khi nhận được phản hồi.
Lớp học kết thúc, đã để lại nhiều ấn tượng, kinh nghiệm bổ ích cho các học viên trong viết bài đăng tạp chi quốc tế. Hứa hẹn trong thời gian tới sẽ có nhiều bài báo chất lượng gửi đăng trong tạp chí quốc tế.
Ảnh : Các giảng viên và học viên lớp học