Một trong những nét văn hoá của người Việt là tín ngưỡng thờ Thành Hoàng. Đối với người Việt, Thành Hoàng là vị thần luôn được coi trọng, giống như Thổ Công trong một nhà, Thành Hoàng trong một làng là vị thần cai quản, che chở và định đoạt phúc hoạ cho dân làng đó. Có khi Thành Hoàng là người có công với dân trong các cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, hoặc là người có công lập ra làng, hoặc truyền dạy một nghề nào đó cho dân làng. Do vậy hầu hết ở mỗi làng quê đều lập đình (hoặc đền, miếu) thờ vị Thành Hoàng của làng mình.
Từ khóa: Thành Hoàng, tín ngưỡng, văn hóa, Việt Nam, đạo lí.
Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, truyền sang nước ta từ thời Đường. Sau khi du nhập vào Việt Nam nó đã nhanh chóng hoà vào dòng tín ngưỡng dân gian (đã có từ trước) và trở thành hiện tượng phổ biến trong đời sống của người Việt. Không làng nào là không có Thành Hoàng. Tôn thờ Thành Hoàng làng là việc thể hiện cho một truyền thống cao đẹp “uống nước nhờ nguồn”, là một nhu cầu tâm lý không thể thiếu của người Việt. Người dân thờ Thành Hoàng làng để phục vụ cho hiện thực cuộc sống, làm chỗ dựa tinh thần và để quy tụ cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết trong làng và cũng là động lực thúc đẩy sản xuất, ổn định cuộc sống.
Theo sách Việt Nam phong tục chép: “Xét về cái tục thờ Thần Hoàng (hiểu là thần Thành Hoàng) này từ trước đời Tam Quốc (Trung Quốc) trở về trước vẫn đã có, nhưng ngày xưa thì nhà vua nhân có việc cầu đảo gì mới thiết đàn cúng tế mà thôi. Đến đời nhà Đường, Lý Đức Dụ làm tướng, mới bắt đầu lập miếu Thần Hoàng ở Thành Đô; kế đến nhà Tống, nhà Minh, thiên hạ đâu đâu cũng có lập miếu thờ.
Nước ta thuở bấy giờ đang lúc nội thuộc, tục Tàu truyền sang đến bên này, kế đến Đinh, Lê thì việc thờ quỷ thần đã thịnh hành rồi. Nhưng cứ xét cái chủ ý lúc trước, thì mỗi phương có danh sơn (ngọn núi có tiếng), đại xuyên (sông lớn); triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên (núi sông) ấy để làm chủ tể (người đứng đầu) cho việc ấm tí một phương thôi. Kế sau, triều đình tinh biểu (làm cho thấy rõ công trạng, tiết tháo) những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước, thì cũng lập đền cho dân xã ở gần đấu thờ đấy. Từ đó dân gian lần lần bắt chước nhau, chỗ nào cũng phải thờ một vị để làm chủ tể trong làng mình... Dân ta tin rằng: Đất có Thổ công, sông có Hà bá; cảnh thổ nào phải có Thần Hoàng ấy; vậy phải thờ phụng để thần ủng hộ cho dân, vì thế mỗi ngày việc thờ thần một thịnh”...
Còn ở trong văn học Việt, theo các nhà nghiên cứu, thì việc thờ Thần Hoàng được đề cập lần đầu tiên ở bài Chuyện thần Tô Lịch trong sách Việt điện u linh: “Thời Đường Mục Tông, niên hiệu Trường Khánh thứ 2 (năm 822) tên Đô hộ Lý Nguyên Hỷ (hoặc Gia) thấy ngoài cửa bắc thành Long Biên có một dòng nước chảy ngược mà địa thế khả quan, mới tìm khắp, chọn một nơi cao ráo tốt, để có dời phủ lỵ đến đó...Nhân dịp ấy, y mới giết trâu đặt rượu, mời khắp các vị kỳ lão hương thôn đến dùng và thuật rõ là muốn tâu vua Tàu xin phụng Vương (ý nói đến thần sông Tô Lịch) làm Thành Hoàng. Trên dưới đều đồng lòng... Đến khi Cao Biền đắp thành Đại La, nghe đủ sự linh dị, thì lập tức sắm lễ điện tế, dâng cho hiệu là Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân. Đời Lý Thái Tổ lúc dời đô, thường mộng thấy một cụ đầu bạc, phảng phất trước bệ rồng...(Sau khi hỏi rõ lai lịch) nhà vua liền khiến quan Thái Chúc (chức quan lo việc cầu đảo phúc lành) đưa rượu chè đến tế, phong làm Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương. Dân cư (đến) cầu đảo hay thề nguyền điều chi, thì lập tức họa phúc linh ứng ngay”... Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng của người Việt bắt đầu có từ đó.
Cũng giống như việc thờ cúng tổ tiên, việc thờ cúng Thành Hoàng làng ở Việt Nam vừa là tín ngưỡng, vừa là đạo lí sống của hậu thế đối với các bậc tiền bối có công với làng xóm, quê hương, đất nước. Nếu như việc thờ cúng tổ tiên là một đạo lí thể hiện ý thức hướng về cội nguồn của gia đình, dòng họ thì việc thờ Thành Hoàng cũng là sự tôn vinh các bậc tiền bối, luôn gắn kết và che chở cho dân làng, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Ở kỷ nguyên độc lập, các vương triều như Lý, Trần, Lê đều duy trì tục thờ Thành Hoàng của Thăng Long. Nhà Nguyễn cho xây miếu thờ thần Thành Hoàng ở các tỉnh và lập bài vị thờ thần Thành Hoàng các tỉnh trong miếu thờ ở kinh đô Huế.
Với mỗi người dân ở làng quê Việt Nam, vị thần Thành Hoàng được coi như một vị thánh. Mỗi làng quê đều có vị thánh của mình: “Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ”. Thành Hoàng cũng được gọi là phúc thần, tức vị thần ban phúc cho dân làng. Thành Hoàng có thể là nam thần hay nữ thần, tuỳ sự tích mỗi làng. Đó có thể là một vị thần như Phù Đổng Thiên Vương, thần núi như Tản Viên Sơn thần, thần có công với dân với nước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Dã Tượng, hoặc có thể là người đã có công khai hoàng lập ấp, người được sắc vua phong... lại có khi là các yêu thần, tà thần (nhưng số này không nhiều).
Tương truyền rằng: những vùng đất dưới chân núi Hồng Lĩnh, Thiên Lộc (Can Lộc), Thạch Hà, Thành phố Hà Tĩnh - Tỉnh Hà Tĩnh ngày nay là những vùng đất được khai khẩn từ thời Lý. Nhân vật được thờ cùng với Lý Nhật Quang là Tô Hiến Thành (Tô Đại Liêu) là một nhà chính trị nổi tiếng, hiệu là Phi Diên quê ở Hà Tây, thời trẻ có tài văn, võ được vua Lý Anh Tông trọng dụng cử làm tướng chỉ huy quân sỹ dẹp giặc và đã có nhiều công lớn. Nhân dân ở nhiều nơi trong tỉnh Hà Tĩnh lập đền thờ và tôn hai vị là Thành Hoàng. Ở làng Kinh Thượng (Thạch Hưng) vào vụ mùa hàng năm thường làm lễ xin keo, nếu keo thứ nhất được thì làm mùa sớm, keo thứ hai được thì làm mùa trung, keo thứ ba thì làm mùa muộn “làm mùa thì coi vua Kinh Thượng”.
Theo sách Địa chí Cẩm Nhượng có ghi lại, sự hình thành xã Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) gắn với một truyền thuyết đẹp về bà Hoàng Càn, cung phi của vua Trần Khoảng (1225-1400). “Tương truyền: Cuối đời Trần trên vùng đất huyện Hà Hoa, có người con gái tên là Hoàng Càn, đẹp người đẹp nết, lại có giọng hát hay được tiến vào hầu ở trong cung và được nhà vua sủng ái. Bấy giờ trên mảnh đất này, dân thì nghèo, đất thì hẹp lại luôn có người từ xã khác đến lấn chiếm. Nhân dịp bà Càn về thăm quê, theo chủ trương của triều đình, nhà Trần cho phép các vương hầu, cung phi về chiêu dân lập ấp miền đất ven biển. Dân bản địa trình bày nỗi khổ này và nhờ bà giải quyết. Sẵn lòng thương dân, bà Càn thương lượng với dân làng lân cận nhường lại đất này cho dân bản địa. Để tránh khỏi sự hiềm nghi và tranh chấp về sau, bà cho cắm bia mốc rõ địa giới và đặt tên là làng Nhường Bờ. Từ đó cắt nghĩa chữ “Nhường” sang “Nhượng” và từ “Bờ” sang “Bạn” có nghĩa là vùng đất Nhường Bờ nhường lại cho bạn. Sau đó mới có tên Nhượng Bạn.
Truyền thuyết này được giữ nguyên từ thời “khai cơ lập ấp” với tên làng Nhượng Bạn. Sau khi bà Hoàng Càn mất, để tưởng nhớ công ơn của bà, nhân dân lập đền thờ bà. Đôi câu đối ở đền thờ bà còn lưu lại:
Thúc đức tá tiền triều, Nhượng Bạn do truyền phong hoá cựu
Thần ân lưu hậu thế, Lạc Giang trường ức bản nguyên thâm
Có nghĩa là:
Công bà giúp thủa trước lập nên làng Nhượng Bạn từ xưa
Ân người để đời sau như dòng sông Lạc Giang vẫn chảy dài vô tận”.
Đại đa số sự tích về Thành Hoàng làng đều là những truyền thuyết, những truyền thuyết ấy được các địa phương ghi chép lại và trở thành văn bản chính thức được Nhà nước công nhận, từ đó đã ra đời các Thần tích, Thần phả, Sắc phong. Thành Hoàng làng có nhiều nguồn gốc, có thể là nhân thần, có thể là nhiên thần, nhưng tựu trung lại là các vị thần đã được lịch sử hóa hay huyền thoại hóa. Tuy nhiên các Thành Hoàng được sắc vua phong (trừ những tà thần, yêu thần...) luôn luôn tượng trưng cho làng xã mà mình cai quản là biểu hiện của lịch sử, của đạo đức, phong tục, pháp luật cũng như hy vọng sống của cả làng.
Dù có lai lịch hay không có lai lịch; và dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, thì thần Thành Hoàng cũng là chủ tể trên cõi thiêng của làng và đều mang tính chất chung là hộ quốc tỳ dân (hộ nước giúp dân) ở ngay địa phương đó. Đối với người dân đất Việt thần Thành hoàng đã trở thành một biểu tượng tâm linh. Vì vậy, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng Làng mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Việc thờ cúng tôn nghiêm của tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng đã phát huy được truyền thống đạo đức, lễ nghĩa, tôn ti, trật tự. Dù dân làng có đi đâu, ở đâu, làm gì đều hướng về làng xã trong các ngày lễ hội. Chính sự thờ phụng này là sợi dây liên lạc vô hình, giúp dân làng đoàn kết, nếp sống cộng đồng với nhiều ưu điểm của nó luôn được bảo tồn và phát huy.
Việc thờ cúng Thành Hoàng thường được làng tổ chức trong các ngày lễ hội đầu năm, ngày Tết cổ truyền hoặc vào những ngày nhất định trong năm mà Thần tích đã quy định. Vì vậy, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng không chỉ là chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, mà còn là sự giao lưu văn hoá giữa các làng xóm với nhau, là sự kết tinh ý thức hệ tôn giáo quanh một hình thái thờ phụng tập thể.
Đình làng là nơi thờ phụng Thành Hoàng và trở thành một biểu tượng văn hoá tâm linh của mỗi người dân quê Việt. Làng nào cũng có đình, có khi mỗi thôn lại có một đình riêng. Đình để thờ Thành Hoàng nhưng đồng thời cũng là trung tâm hành chính, văn hoá, tôn giáo; là nơi sinh hoạt, giao lưu tình cảm... của cộng đồng làng xã. Vì thế, mọi hoạt động của làng đều xảy ra ở đình cùng với sự chứng kiến của Thành Hoàng. Trong tâm thức người dân quê Việt, Đức Thành Hoàng là vị thần tối linh, có thể bao quát, chứng kiến toàn bộ đời sống của dân làng, bảo vệ, phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, khoẻ mạnh và trở thành chứng tích của một làng qua những biến cố, thăng trầm trong cuộc sống.
Ngày nay, tục thờ cúng Thành Hoàng càng được chú trọng. Ngày giỗ Thành Hoàng là ngày hội đông vui nhất của làng, của phố. Trong những ngày lễ hội, ngoài việc làm cỗ, ăn uống còn rất nhiều nghi lễ như diễn lại sự tích về Thành Hoàng, tế lễ, rước kiệu hay các trò vui như đấu võ, chọi gà, thổi cơm thi, bơi chải, đánh đu, đánh cờ người, hát chèo, diễn tuồng... Không khí vui vẻ cả ngày lẫn đêm, từ những người cao tuổi đến các em nhỏ, hay những nam thanh nữ tú... ai ai cũng thành tâm, hồ hởi, mong chờ đến ngày giỗ Thành Hoàng. Bởi đây chính là một nhu cầu tâm lý, là chỗ dựa tinh thần, đồng thời là động lực giúp con người sống tốt hơn, đẹp hơn và có ích hơn.
Tài liệu tham khảo
1. Đinh Gia Khánh. Văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hoá Đông Nam Á; NXB KHXH; H., 1993.
2. Phan kế Bính. Việt Nam Pong tục; NXB TP HCM; năm 1992.
3. Phạm Lê (chủ biên). Địa Chí Cẩm Nhượng; HN 2008.
4. Trần Ngọc Thêm (chủ biên)- Phạm Hồng Quang. Giáo trình Văn hoá học và văn hoá Việt Nam; NXB ĐHSP; Năm 2004.
5. vi.wikipedia.org/wiki/Thành_hoàng.