foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

GIẢI PHÁP XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA LÀNH MẠNH, TÍCH CỰC TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

ThS. Đặng Thị Yến

Khoa Sư phạm – Trường Đại học Hà Tĩnh

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÓM TẮT

Ngày nay, khi văn hoá đã trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của đời sống xã hội, vấn đề xây dựng môi trường văn hoá nói chung và môi trường văn hóa trong các nhà trường nói riêng là việc làm vô cùng quan trọng và bức thiết. Và hơn bất cứ tổ chức nào hết trong xã hội, nhà trường phải là tổ chức có “hàm lượng” văn hoá cao nhất; là nơi hội tụ, kết tinh văn hoá để đào tạo ra những chuẩn mực văn hoá cho xã hội. Vì vậy, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực trong các cơ sở giáo dục nói chung và cơ sở giáo dục đại học nói riêng là sứ mệnh, mục tiêu định hướng của mỗi nhà trường, là trách nhiệm, quyền lợi của mỗi cá nhân, tổ chức trong nhà trường, là yêu cầu của xã hội. Việc xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh, tích cực cần phải có những bước đi và những biện pháp phù hợp mới có thể kế thừa, gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa tích cực phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của nhà trường, đồng thời loại bỏ được những giá trị tiêu cực, không phù hợp hoặc cản trở sự phát triển của nhà trường. Bài viết của chúng tôi đi vào đề cập một số giải pháp về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực trong các cơ sở giáo dục đại học.

TỪ KHÓA: Môi trường văn hóa, lành mạnh, tích cực, giải pháp, cơ sở giáo dục đại học.

1. Đặt vấn đề

Trong thời đại ngày này, xu hướng hội nhập quốc tế đang mở ra không ít những triển vọng phát triển giáo dục cho các quốc gia nói chung và cho giáo dục đại học nói riêng, đồng thời, cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với việc giữ gìn, phát triển văn hóa nói chung và môi trường văn hóa nhà trường nói riêng. Vì vậy, hơn bao giờ hết, các cơ sở giáo dục nói chung và các trường đại học nói riêng cần phải nhanh chóng tìm ra các giải pháp thích hợp để xây dựng cho mình một môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực.

Hơn bất cứ một tổ chức xã hội nào, nhà trường phải là tổ chức xã hội cần chú trọng trước hết đến việc xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực. Bởi vì nhà trường là nơi  đào tạo ra những con người có ích cho xã hội, là nền tảng thúc đẩy con người hướng tới Chân - Thiện -Mĩ, ngoài việc dạy chữ thì dạy người cũng phải được quan tâm, chú trọng và cân bằng với dạy chữ. Nói về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa nhà trường lành mạnh, tích cực, tác giả Phạm Minh Hạc cho rằng “Xây dựng văn hóa học đường là việc cần thiết biết nhường nào: phải giáo dục nhân cách văn hóa, làm cho người học được trở thành người có văn hóa”. Còn Tác giả Nguyễn Khắc Hùng thì nhấn mạnh “Sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh chịu ảnh hưởng rất lớn của môi trường văn hóa học đường, vì đây không chỉ là nơi các em lĩnh hội kiến thức văn hóa, khoa học, nghề nghiệp mà còn là một môi trường xã hội thu nhỏ, có ảnh hưởng rất lớn đến những gì xung quanh. Một môi trường văn hóa học đường thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các em nhanh chóng trưởng thành, tạo nền tảng cơ bản vững chắc để các em có thể trở thành người công dân tốt cho xã hội”. Và tác giả Nguyễn Quốc Nam đã khẳng định “Phát triển văn hóa nhà trường chính là một phần quan trọng trong việc phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực, đoàn kết nội bộ được duy trì, sức mạnh tập thể được phát huy, chất lượng các mặt được nâng cao, các hệ giá trị của nhà trường được thiết lập, mục tiêu chất lượng giáo dục toàn diện được đảm bảo”.

2. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực trong các cơ sở giáo dục đại học

2.1. Môi trường văn hóa nhà trường lành mạnh, tích cực

Văn hoá  nhà trường được hiểu là hệ thống niềm tin, giá trị, chuẩn mực, thói quen và truyền thống hình thành trong quá trình phát triển của nhà trường, được các thành viên trong nhà trường thừa nhận, làm theo và được thể hiện trong các hình thái vật chất và tinh thần, từ đó tạo nên bản sắc riêng cho mỗi tổ chức sư phạm. Như vậy, văn hoá nhà trường liên quan đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của một nhà trường. Nếu một cơ sở giáo dục xây dựng được một môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực sẽ đưa lại những cơ hội thuận lợi cho người dạy và người học được hoàn thiện, phát triển và sáng tạo. Từ đó tạo nên sự phát triển bền vững, mang lại uy tín và thương hiệu riêng cho nhà trường.

 Môi trường văn hóa nhà trường lành mạnh, tích cực là một môi trường chứa đựng trong đó nhiều điều tốt đẹp và những chuẩn mực để nhà trường luôn luôn cải tiến, vươn tới. Đó không chỉ là một môi trường có không gian xanh, sạch, đẹp, tiện nghi,… mà ở đó còn chứa đựng một bầu không khí hết sức cởi mở, dân chủ, hợp tác, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong nhà trường. Ở đó, con người được coi trọng, được cổ vũ hoàn thành công việc và công nhận sự thành công của mỗi người. Trong môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực, mỗi cán bộ, giảng viên đều biết rõ công việc mình phải làm, hiểu rõ trách nhiệm, luôn có ý thức chia sẻ trách nhiệm, tích cực tham gia vào các hoạt động của nhà trường; được khuyến khích tham gia đóng góp ý kiến trong mọi hoạt động của nhà trường; được khuyến khích đổi mới, sáng tạo, cải tiến phương pháp nâng cao chất lượng dạy và học; được chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi chuyên môn; được chia sẻ tầm nhìn, quyền lực và khuyến khích tính tự chịu trách nhiệm. Môi trường văn hóa nhà trường lành mạnh, tích cực không phải là một môi trường khép kín trong không gian trường học, mà đó còn là một môi trường mở, nhà trường luôn thể hiện sự quan tâm, có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng cùng tham gia giải quyết những vấn đề của giáo dục.

2.2. Các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực trong các cơ sở giáo dục đại học

Văn hóa nhà trường không phải tự nhiên mà có, mà là những giá trị được tích lũy theo thời gian, qua quá trình hoạt động và tương tác lẫn nhau giữa các thành viên trong nhà trường. Việc xây dựng và phát triển môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực trong trường học là một quá trình lâu dài, kiên trì và bền bỉ, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các thành viên trong nhà trường, trong đó lãnh đạo, quản lí đóng vai trò then chốt. Xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh, tích cực cần phải có những bước đi và những biện pháp phù hợp mới có thể kế thừa, gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa tích cực phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của nhà trường, đồng thời loại bỏ được những giá trị tiêu cực, không phù hợp hoặc cản trở sự phát triển của nhà trường.

Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực trong các cơ sở giáo dục đại học, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, nhân viên, giảng viên và HSSV trong toàn trường về vai trò, tầm quan trọng của môi trường văn hóa nhà trường:

 Muốn xây dựng môi trường văn hóa nhà trường lành mạnh, tích cực, trước hết cán bộ, giảng viên, nhân viên và HSSV cần phải có nhận thức đầy đủ, đúng đắn, rõ nét về nó; phải thấy rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung và phương thức, con đường xây dựng văn hóa nhà trường; về mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà trường; về tình hình thực trạng cũng như mục tiêu, nhu cầu mong muốn của cá nhân, tổ chức trong việc xây dựng, phát triển văn hóa nhà trường của trường mình.

Để giúp tất cả các thành viên trong nhà trường thấy được vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa và sức tác động của môi trường văn hóa trong việc nâng cao và phát triển chất lượng đào tạo, tạo uy tín và thương hiệu của nhà trường, Nhà trường nói chung, các tổ chức đoàn thể, các khoa, các phòng ban nói riêng nên tổ chức các hội thảo, các câu lạc bộ bàn luận về vấn đề xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh, tích cực. Qua các hội thảo đó, các thành viên trong nhà trường sẽ nhận thức được việc xây  dựng văn hóa nhà trường lành mạnh, tích cực là sứ mệnh, mục tiêu, là trách nhiệm, quyền lợi của mỗi cá nhân, tổ chức trong nhà trường, là yêu cầu của xã hội. Để từ đó, mỗi cá nhân trong nhà trường đều ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng môi trường văn hóa nhà trường lành mạnh, tích cực - một môi trường ngay nơi mình đang công tác và học tập.

Thứ hai, lãnh đạo trường cần phải nghiên cứu kĩ lưỡng và tham khảo các mô hình xây dựng văn hóa hiệu quả, ưu Việt để từ đó vận dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của trường mình trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực:

   Có nhiều mô hình xây dựng văn hóa nhà trường được các nhà nghiên cứu đề xuất. Dưới đây là mô hình xây dựng văn hóa nhà trường dựa trên cơ sở mô hình xây dựng văn hóa tổ chức gồm 11 bước cụ thể do hai tác giả Julie Heifetz & Richard Hagberg đề xuất là một mô hình được nhiều nhà nghiên cứu môi trường văn hóa nhà trường trong nước giới thiệu:

1) Tìm hiểu môi trường và các yếu tố ảnh hưởng tới chiến lược phát triển của nhà trường trong tương lai xem những yếu tố nào có ảnh hưởng nhất làm thay đổi chiến lược phát triển của tổ chức nhà trường;

2) Xác định đâu là giá trị cốt lõi làm cơ sở cho thành công. Đây là bước cơ bản nhất. Các giá trị cốt lõi phải là các giá trị không phai nhòa theo thời gian và là trái tim và linh hồn của nhà trường;

3) Xây dựng tầm nhìn – một bức tranh lý tưởng trong tương lai – mà nhà trường sẽ vươn tới. Đây là định hướng để xây dựng văn hóa nhà trường, thâm chí có thể tạo lập một nền văn hóa tương lai cho nhà trường khác hẳn trạng thái hiện tại;

4) Đánh giá văn hóa hiện tại và xác định những yếu tố văn hóa nào cần thay đổi. Văn hóa thường tiềm ẩn, khó thấy nên việc đánh giá là cực kỳ khó khăn, dẽ gây nhầm lẫn vì các chủ thể văn hóa vốn đã hòa mình vào nền văn hóa đương đại, khó nhìn nhận một cách khách quan sự tồn tại của những hạn chế và những mặt trái, mặt tiêu cực cần thay đổi;

5) Tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp làm gì và làm thế nào để thu hẹp khoảng cách của những giá trị văn hóa hiện có và văn hóa tương lai của nhà trường;

6) Xác định vai trò của lãnh đạo trong việc dẫn dắt thay đổi và phát triển văn hóa nhà trường. Lãnh đạo phải thực hiện vai trò người đề xướng, người hướng dẫn các nỗ lực thay đổi. Lãnh đạo lại có vai trò hoạch định tầm nhìn, truyền bá cho mọi thành viên nhận thức đúng tầm nhìn đó, có sự tin tưởng và cũng nỗ lực thực hiện; cũng như chính lãnh đạo là người có vai trò xua đi những đám mây ngờ vực, lo âu của các thành viên trong tổ chức nhà trường;

7) Soạn thảo một kế hoạch, một phương án hành động cụ thể, chi tiết tới từng việc, từng người, phù hợp với các điều kiện thời gian và nguồn lực khác để có thể thực thi được kế hoạch đó;

8) Phổ biến nhu cầu thay đổi, viễn cảnh tương lai để mọi người cùng chia sẻ, từ đó, động viên tinh thần, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ giáo viên trong nhà trường có sự đồng thuận, hiểu rõ vai trò, vị trí, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc nỗ lực tham gia xây dựng, phát triển văn hóa mới cho nhà trường;

9) Giúp cho mọi người, mọi bộ phận nhận rõ những trở ngại của sự thay đổi một cách cụ thể, từ đó, động viên, khích lệ các cá nhân mạnh dạn từ bỏ thói quen cũ không tốt, chấp nhận vất vả để có sự thay đổi tích cực hơn;

10) Thể chế hóa, mô hình hóa và củng cố, cải thiện liên tục sự thay đổi văn hóa; coi trọng việc xây dựng và động viên mọi người noi theo các hình mẫu lý tưởng phù hợp với mô hình văn hóa nhà trường đang hướng tới. Sự khích lệ kèm theo một cơ chế khen thưởng có sức động viên thiết thực là rất cần thiết;

11) Thường xuyên đánh giá văn hóa nhà trường và thiết lập các chuẩn mực mới, những giá trị mới mang tính thời đại; đặc biệt là các giá trị học tập không ngừng và thay đổi thường xuyên. Việc truyền bá các giá trị mới cho mọi thành viên trong nhà trường cần được coi trọng song song với việc duy trì những giá trị, chuẩn mực tốt đã xây dựng được là lọc bỏ những chuẩn mực, giá trị cũ lỗi thời hoặc gây ra ảnh hưởng tiêu cưc cho tiến trình phát triển của văn hóa nhà trường.

* Thứ ba, thường xuyên tìm hiểu, đánh giá thực trạng văn hóa nhà trường:

Việc tìm hiểu, đánh giá thực trạng văn hóa nhà trường là một việc làm hết sức quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn. Bởi VHNT là tập hợp tất cả những yếu tố làm nên đặc trưng riêng biệt của nhà trường này so với nhà trường khác và so với các tổ chức khác. Các biểu hiện của VHNT đặc biệt phong phú và phức tạp. Căn cứ theo hình thức biểu hiện, văn hóa nhà trường gồm phần nổi có thể nhìn thấy như: không gian cảnh quan nhà trường, lôgô, khẩu hiệu, hành vi giao tiếp... và phần chìm không quan sát được như: niềm tin, cảm xúc, thái độ.... Vì vậy, khi tìm hiểu và đánh giá về thực trạng văn hóa nhà trường cần phải tiến hành đánh giá một cách khách quan, khoa học, toàn diện trên mọi mặt, như:  Sứ mạng, tầm nhìn của nhà trường; Các chuẩn mực, giá trị, niềm tin trong nhà trường; Các truyền thống, nghi thức, nghi lễ của nhà trường; Lịch sử nhà trường; Con người và các mối quan hệ trong nhà trường; Kiến trúc, hiện vật và các biểu tượng của nhà trường,.. Hơn thế nữa phải tìm hiểu và đánh giá được các điều kiện khách quan (điều kiện kinh tế, chính trị xã hội, văn hóa của địa phương, cơ chế chính sách, …) và chủ quan (nhận thức của CBGV, HSSV về vai trò VHNT; tác phong, lề lối làm việc của các thành viên trong nhà trường,…) tác động đến môi trường văn hóa của nhà trường. Dựa trên kết quả đánh giá, nhà trường  sẽ có những định hướng giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhà trường và loại bỏ được những giá trị tiêu cực, không phù hợp hoặc cản trở sự phát triển của nhà trường. Đồng thời tìm các giải pháp thích hợp để thiết lập các chuẩn mực mới, những giá trị mới mang tính thời đại .

* Thứ tư, xây dựng và chia sẻ các giá trị cốt lõi của nhà trường:

Việc xác định đâu là giá trị cốt lõi làm cơ sở cho thành công. Đây là bước cơ bản nhất. Các giá trị cốt lõi phải là các giá trị không phai nhòa theo thời gian và là trái tim và linh hồn của nhà trường. Xây dựng những giá trị cốt lõi của nhà trường là nhằm đưa ra được những giá trị quan trọng nhất, thể hiện tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu phát triển và đặc trưng của mỗi nhà trường, có vai trò định hướng cho các hoạt động diễn ra trong nhà trường. Để xây dựng các giá trị cốt lõi mang đậm bản chất văn hóa của nhà trường, khi xây dựng cần phải đặt ra các câu hỏi sau:  Những niềm tin cơ bản mà chúng ta chia sẻ trong nhà trường là gì? Hành vi, thái độ của các thành viên trong nhà trường được dựa trên các nguyên tắc nào? Các tiêu chuẩn đạo đức căn bản của nhà trường là gì? Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục như thế nào? Vấn đề công bằng và cơ hội tiếp cận? Những chương trình/hành động củng cố các giá trị này là gì?

Giá trị cốt lõi của nhà trường có tính chất định hướng các thành viên của nhà trường thực hiện công việc của họ. Vì vậy, các giá trị cốt lõi cần được phổ biến đến toàn thể  cán bộ, giảng viên, HSSV, bằng nhiều hình thức khác nhau, hình thành trong tập thể ý thức, niềm tin về những giá trị nền tảng của nhà trường.

* Thứ năm, xây dựng và chia sẻ sứ mạng, tầm nhìn của nhà trường:

 Xây dựng và chia sẻ sứ mạng, tầm nhìn của nhà trường nhằm đưa ra một định hướng thống nhất cho sự  phát triển của nhà trường. Sứ mạng, tầm nhìn cần được phổ biến dến toàn thể cán bộ, giảng viên, HSSV trong toàn trường cũng như trong cộng đồng. Phải tạo dựng cho giảng viên, HSSV niềm tin, quyết tâm thực hiện tầm nhìn, sứ mạng của nhà trường.

Xây dựng và tuyên bố về sứ mạng, tầm nhìn của nhà trường chính là sự đúc kết trí tuệ của không chỉ tập thể cán bộ, giáo viên mà về một mặt nào đó, còn là của cả cộng đồng trên địa bàn cho sự nghiệp giáo dục của nhà trường. Muốn đạt được điều đó, đòi hỏi những cán bộ quản lý nhà trường phải “động não” để thu hút, tập hợp trí tuệ tập thể thì mới đề ra được chiến lược toàn diện, đúng đắn.

Mỗi nhà trường cần phải dựa trên những điều kiện cụ thể của mình, trước mắt cũng như trong tương lai, nhằm hoạch định cho mình một chiến lược phát triển trung hạn và dài hạn. Chiến lược đó phải được xây dựng cụ thể, bao gồm nhiều vấn đề như quá trình phát triển, mục tiêu, giải pháp v.v.. 

* Thứ sáu, xây dựng các chuẩn mực văn hóa gắn với tầm nhìn và mục tiêu giáo dục của nhà trường:

Các chuẩn mực văn hóa trong nhà trường là yếu tố quan trọng định hướng cho các hoạt động trong nhà trường. Chuẩn mực văn hóa là hiện thân cụ thể của các giá trị, mục tiêu, sứ mạng mà nhà trường đang hướng đến, là chiếc khuôn quan trọng để định hình văn hóa nhà trường.

Các chuẩn mức văn hóa trong nhà trường bao gồm những chuẩn mực về hình thức và những chuẩn mực về nội dung: Các chuẩn mực về hình thức, hữu hình, dễ hoặc có thể nhìn thấy bằng mắt thường gồm biểu tượng (logo), khẩu hiệu, phương châm hành động, trang phục của các thành viên và kiến trúc, cách bày trí nơi làm việc... Chuẩn mực về nội dung chính là những quy định bằng văn bản của tổ chức về các hành động, hành vi nên làm hay không được phép làm như nguyên tắc, nội quy của nhà trường.

Đối với các chuẩn mực về hình thức, nhà trường cần đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với mô hình văn hoá tổ chức nhà trường. Chính yếu tố vật chất cũng góp phần tạo nên ý thức con người, như không gian, trang thiết bị làm việc, trang phục... sẽ giúp họ dễ cảm nhận vì tính hữu hình của nó, khiến họ tin tưởng và gắn bó hơn với nhà trường. Hơn nữa, kiến trúc xây dựng và cách bày trí nơi làm việc cũng phản ánh các giá trị và niềm tin của tổ chức. Do vậy, kiến trúc của trường học cần tạo cảm giác trang trọng, tuy nhiên không làm ảnh hưởng đến tính thân thiện của công sở. Nhà trường cần có môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp và an toàn cho việc dạy và học. Phòng học, phòng hội đồng, phòng nghỉ cho giảng viên cũng cần được bố trí ở những vị trí phù hợp. Tạo dựng một môi trường sư phạm thông qua việc bố trí một cách khoa học nơi làm việc, tạo cảnh quan nhà trường lịch sự, trang nhã, thẩm mỹ; bố trí các bảng chỉ dẫn, bảng thông tin, thông báo ở những vị trí thuận tiện, dễ dàng cho cán bộ, giảng viên HSSV và người ngoài đến liên hệ công tác. Biểu tượng logo của nhà trường phải hàm chứa được giá trị cốt lõi, tầm nhìn, sứ mạng trong đó; đồng phục của CBNV, giảng viên cần nền nã, nghiêm túc phù hợp với môi trường văn hóa trường học.

Đối với các chuẩn mực về nội dung, nhà trường cần xây dựng quy chế văn hóa dựa trên triết lý riêng của mình để khẳng định được phong cách, xác định hệ thống giá trị, chuẩn mực đạo đức của nhà trường. Theo đó, thống nhất và hướng dẫn hành vi ứng xử của mọi thành viên trong nhà trường theo các giá trị và chuẩn mực đã xác định.

* Thứ bảy, củng cố các mối quan hệ trong nhà trường, làm cho những mối quan hệ ấy trở nên tốt đẹp:

Nhà trường phải chú trọng củng cố các mối quan hệ trong trường, làm cho những mối quan hệ ấy trở nên tốt đẹp tạo cảm xúc tích cực cho cán bộ, giáo viên, HSSV khi đến trường, nâng cao hiệu quả hợp tác, tăng cường sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong nhà trường, từ đó nâng cao hiệu quả mọi hoạt động của nhà trường, trọng tâm là dạy - học.

Nhà trường là nơi hình thành nhiều mối quan hệ  đan chéo như: thầy - thầy, nhà quản lý - cán bộ và giáo viên, thầy - trò, trò - trò, … Để những mối quan hệ đó trở nên tốt đẹp, nhà trường cần phải xây dựng bầu không khí dân chủ: cởi mở, hợp tác, cùng chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau; mọi người đều được tôn trọng, luôn được coi trọng và có cơ hội thể hiện, phát triển các khả năng của mình, xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá thi đua khen thưởng hợp lý thúc đẩy mọi người nỗ lực làm việc; Xây dựng các quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong nhà trường và giữa các thành viên của nhà trường với môi trường xung quanh (môi trường tự nhiên và môi trường xã hội).

*Thứ tám,  Cán bộ quản lí chia sẻ quyền lực và trách nhiệm với giáo viên, HSSV trong nhà trường, khuyến khích và tạo điều kiện cho sự phát triển của các cá nhân:

Phong cách lãnh đạo là sự cụ thể hóa của tư duy lãnh đạo. Các phong cách độc đoán, dân chủ hay tự do đều có những ưu điểm nhất định, tùy thuộc vào bối cảnh mà chúng được vận dụng. Tuy nhiên, phong cách dân chủ với những nỗ lực nhằm tăng quyền tự chủ, khích lệ sáng tạo và cơ hội chịu trách nhiệm đến cùng về quan điểm và hành động được chứng minh là đảm bảo mang lại cam kết và hứng khởi trong hành động của các thành viên.

Xây dựng văn hóa nhà trường phải bắt đầu từ cấp cán bộ quản lí, mà người đứng đầu là hiệu trưởng. Bởi vì “Chất lượng quản lý được hình thành từ trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh của người cán bộ quản lý. Sản phấm của đổi mới công tác quản lý là chất lượng văn hóa, chất lượng hạnh kiểm, chất lượng các phong trào. Năng lực và phẩm chất của đội ngũ lãnh đạo, quản lý, đứng đầu là Hiệu trưởng - yếu tố tác động mạnh nhất đến quá trình xây dựng và thay đổi văn hóa nhà trường. Cán bộ quản lí là những người lãnh đạo, điều hành nhà trường, là để đảm bảo rằng nhà trường sẽ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và không ngừng phát triển.

 Vì vậy, nhà trường cần phải chú trọng xây dựng văn hóa quản lý trong nhà trường, cần bồi dưỡng năng lực quản lý cho cán bộ các cấp từ tổ trưởng, tổ phó trở lên. Hiệu trưởng cần mạnh dạn phân cấp, giao quyền, chế độ cho cán bộ, giảng viên, nhân viên. Các cấp quản lý cần phải có chủ trương, kế hoạch triển khai, có kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá, khen thưởng hợp lý, đảm bảo sự công bằng, trung thực, khách quan, thúc đẩy mọi người nỗ lực làm việc.

* Thứ chín, tận dụng mạng lưới các kênh thông tin phục vu cho mục tiêu giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục:

          Việc truyền bá, phổ biến thông tin trong nội bộ tổ chức hay từ tổ chức ra bên ngoài và ngược lại cũng được coi là một trong những dấu hiệu nhận biết quan trọng về văn hoá ở một tổ chức nhà trường.

   Việc tận dụng mạng lưới các kênh thông tin để thực hiện mọi nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch, hoạt động của nhà trường là hêt sức cần thiết:

Để tạo dựng hình ảnh của trường, nhà trường cần phải công khai, quảng bá, tuyên bố về tầm nhìn, sứ mạng, giá trị cốt lõi, chiến lược phát triển của mình trên mạng xã hội. Đó cũng chính là con đường củng cố niềm tin của xã hội về uy tín, chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường.

Cần phải tận dụng mạng lưới các kênh thông tin để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong mọi hoạt động của nhà trường, như: các cuộc họp, tùy thuộc vào mục đích và điều kiện thực tế có thể họp trực tiếp cũng có thể tiến hành trực tuyến qua internet; Việc dạy và học cũng có thể diện ra ngay trên lớp có sự đối diện của thầy và trò, cũng có thể được tiến hành qua các lớp học google classroom, các bài giảng được tin học hóa - sử dụng các phần mềm và thiết bị tiện ích để giảng dạy, sinh viên cũng có thể nghe lại bài giảng ở những thời điểm khác nhau; Sự chia sẻ thông tin trong nội bộ tổ chức cần được phổ biến rộng khắp tới mọi thành viên, ai cần cũng được “biết” để được “bàn” (dân chủ thông tin). Cách thức truyền thông cũng là nét văn hoá tổ chức bởi đó là cách thức giao tiếp người với người: ý kiến được truyền đạt trực tiếp theo hai chiều dân chủ đối thoại hay một chiều độc đoán “truyền lệnh”, thông qua phương tiện truyền thống hay hiện đại.

   Thứ mười, chú trọng vai trò của các đoàn thể trong việc xây dựng văn hóa nhà trường:

   Xây dựng văn hóa nhà trường không thể không nhắc tới vai trò của đoàn thể, đặc biệt là Đoàn thanh niên, Hội học sinh sinh viên. Đoàn, Hội phải tạo ra được nhiều hoạt động sôi nổi, hào hứng, bổi ích; tăng thêm những hoạt động bồi dưỡng kĩ năng tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng sống, kĩ năng phục vụ cộng đồng cho HSSV. Bở vì mục đích quan trọng của việc xây dựng văn hóa nhà trường xét đến cùng là để hình thành và phát triển nhân cách người học. Để trở thành người có văn hóa, người học phải rèn luyện, biết tự học suốt đời, có ý chí và nghị lực vươn lên.

   3. Kết luận

   Xây dựng văn hóa lành mạnh, tích cực trong trường học nói chung và cơ sở giáo dục đại học nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết có ý nghĩa quyết định trong việc tạo dựng uy tín, thương hiệu của nhà trường. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực trong trường học là quá trình tạo nên sự vận hành tổng hợp, toàn diện cả về chính trị, tâm lý, cảnh quan và đời sống, tác động tích cực vào nhận thức, tình cảm của mỗi con người, bù đắp những giá trị văn hóa còn thiếu hụt và đấu tranh loại bỏ những yếu tố bảo thủ, lạc hậu trong nhà trường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Hoàng Anh (2012), Giáo dục với hình thành và phát triển nhân cách sinh viên, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2]. Phạm Minh Hạc (2001), Phát triển toàn diện con người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội..

[3]. Nguyễn Khắc Hùng (2012), Giáo dục văn hóa học đường - Yếu tố quan trọng rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh, sinh viên, Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 81, tr 43-44.

[4]. Nguyễn Thị Hường (2018), Chuyên đề, bài giảng “ xây dựng văn hóa nhà trường”,

[5]. Trần Ngọc Thêm (1995), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trường ĐHTH TP Hồ Chí Minh.