foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Năm 2021, mặc dù có những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID -19 khiến cho toàn xã hội nhiều lần phải thực hiện giãn cách, nhưng Khoa Sư phạm vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện thành công kế hoạch năm học. Trong thành tích chung đó, Chi bộ khoa Sư phạm đã để lại dấu ấn đậm nét trong việc định hướng, chỉ đạo toàn diện mọi hoạt động của các tổ chức chính quyền, đoàn thể trong khoa. Chi bộ khoa thực sự là hạt nhân kiến tạo sự gắn kết giữa các thành viên và các tổ chức trong khoa, tạo thành khối đại đoàn kết đồng sức, đồng lòng chung tay xây dựng một tập thể Khoa Sư phạm vững mạnh.

Trải qua một năm với nhiều biến động nhưng cũng gặt hái được nhiều thành công, chiều ngày 29 tháng 11 năm 2021, được sự cho phép của Đảng ủy Trường Đại học Hà Tĩnh, Chi bộ Khoa Sư phạm đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng, kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên năm 2021.

nam1

Tham gia hội nghị có đồng chí Nguyễn Sỹ Minh – Đảng ủy viên được Đảng ủy Nhà trường phân công tham dự và chỉ đạo Hội nghị; về phía chi bộ Khoa có đồng chí Lê Văn An – Bí thư chi bộ, cùng toàn thể đảng viên trong chi bộ Khoa Sư phạm.

Trong phần thứ nhất của Hội nghị, thay mặt chi ủy Khoa sư phạm, đồng chí Nguyễn Khánh - Phó bí thư Chi bộ đã trình bày báo cáo tổng kết công tác Đảng của chi bộ năm 2021 và phương hướng hoạt động năm 2022.

nam2

Đồng chí Lê Văn An - Bí thư chi bộ đã nêu các mặt mạnh của chi bộ, những kết quả nổi bật trong năm 2021 như chỉ đạo công tác tuyển sinh; chỉ đạo dạy và học theo hình thức trực tuyến phù hợp tình hình dịch bệnh Covid-19; chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đôn đốc đảng viên, quần chúng trong Khoa tham gia học tập Nghị quyết và hưởng ứng các cuộc thi đầy đủ nghiêm túc…Ngoài ra, đồng chí Lê Văn An cũng nêu lên một số hạn chế, nhược điểm của chi bộ về việc đi học nâng cao trình độ, hoạt động NCKH khoa,…để có phương hướng chỉ đạo, cũng như biện pháp khác phục trong thời gian tới.

nam3

Cũng tại Hội nghị, chi bộ đã bỏ phiếu bầu chọn các danh hiệu thi đua cho tập thể chi bộ và các cá nhân. Kết quả kiểm phiếu về danh hiệu thi đua tập thể: Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Về cá nhân: 06 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 27 đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Sỹ Minh – Đảng ủy viên, nhất trí với báo cáo tổng kết công tác đảng, báo cáo phương hướng hoạt động của chi bộ Khoa Sư phạm, đồng ý với kết quả bầu chọn danh hiệu tập thể và cá nhân trong năm vừa qua. Đồng chí Nguyễn Sỹ Minh cũng yêu cầu tập thể chi bộ Khoa Sư phạm tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, chỉ đạo khoa Sư phạm hoàn thành xuất sắc kế hoạch năm học 2021-2022.

Chiều ngày 23/11/2021, Khoa Sư phạm- trường Đại học Hà tĩnh tổ chức Hội nghị NCKH cấp khoa theo hình thức trực tuyến lần thứ nhất, năm học 2020-2021.

Tham dự buổi Hội nghị khoa học có đại diện Ban giám hiệu Trường Đại học Hà tĩnh, đại diện Phòng Quản lý khoa học – Đối ngoại – Truyền thông, chủ trì là TS. Lê Văn An - Phó trưởng khoa, cùng toàn thể các giảng viên của Khoa Sư phạm đang công tác trong và ngoài nước (tham gia trực tuyến).

c Le 2

Để chuẩn bị cho nội dung Hội nghị, Ban chủ nhiệm Khoa đã mời các cán bộ, giảng viên trong và ngoài khoa tham gia viết bài, gửi phản biện từ tháng 09/2021 và biên tập thành cuốn Kỷ yếu nghiên cứu khoa học cấp khoa. Tại Hội nghị trực tuyến, có bốn báo cáo được trình bày:

- Báo cáo 1: Nhìn bài toán cổ theo quan điểm tổ hợp, do TS. Lê Văn An báo cáo;

- Báo cáo 2: Một số tính chất nghiệm của đa thức với hệ số nguyên (P2), do ThS. Nguyễn Thị Thành trình bày;

- Báo cáo 3: Giáo dục STEM và định hướng bài học STEM trong chương trình phổ thông mới từ  công văn 3089, do ThS. Lê Thị Bích Lam trình bày;

- Báo cáo 4: Chất lượng môi trường nước ở các thủy vực vùng núi đá vôi VQG Phong Nha- Kẻ Bàng, do TS. Lê Danh Minh trình bày.

Sau phần trình bày báo cáo của các tác giả, nhóm tác giả, các giảng viên tham dự đã tham gia thảo luận rất sôi nổi về các nội dung được đề cập. Một số định hướng cho các nghiên cứu mới đã được Hội nghị bàn luận, những kinh nghiệm của các giảng viên đang học tập, nghiên cứu tại Nga, tại Úc… đã được chia sẻ. Hội nghị NCKH của Khoa Sư phạm đã giúp các giảng viên trong khoa  nâng cao chất lượng giảng dạy và NCKH, góp phần hoàn thành tốt kế hoạch năm học 2021 - 2022.

Trong phát biểu của mình, đại diện Phòng Quản lý khoa học – Đối ngoại – Truyền thông đã đánh giá cao chất lượng của buổi Hội nghị NCKH khoa Sư phạm lần thứ nhất, đồng thời tiếp thu một số ý kiến của cán bộ, giảng viên Khoa Sư phạm về việc cải tiến thủ tục hành chính, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của các Hội nghị NCKH cấp khoa.

Kết thúc buổi Hội nghị, TS. Lê Văn An biểu dương một số cán bộ, giảng viên trong khoa đã có nhiều đóng góp cho hoạt động NCKH của Khoa, đồng thời tiếp tục phát động phong trào NCKH tới tập thể cán bộ, giảng viên khoa Sư phạm, hưởng ứng việc nghiên cứu, viết bài gửi Hội đồng khoa học của khoa, chuẩn bị cho buổi Hội nghị lần thứ 2 dự kiến diễn ra vào đầu tháng 01/2022.

Một sáng đầu đông, tỉnh giấc trong tiết trời se lạnh của Hà Tĩnh, chợt nhận ra tháng 11 đến tự khi nào, không còn nữa cái tiết trời thu trong vắt và mênh mang như những ngày đã cũ. Tháng 11 như bản tình ca mà không phải ai cũng muốn nghe, như một bức tranh trừu tượng lạ lùng mà không phải ai cũng thấy đẹp. Thi thoảng một vài làn gió rét đầu đông hiu quạnh, vội vã cho hồn người bất chợt thấy bâng khuâng, cho bao hoài niệm dấu yêu xưa lại hiện về trong tâm khảm. Những kỉ niệm đẹp đẽ về một thời áo trắng với bạn bè, thầy cô khiến trong ta trào dâng bao cảm xúc bồi hồi, nhớ nhung, tiếc nuối. Cứ như vậy, tháng 11 năm nào cũng chính là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ lòng tri ân sâu sắc, cùng tình yêu thương vô bờ đến với những người thầy, người cô - những con người đã cầm bút vẽ lên cho ta một tương lai rộng mở.

14TH1

          Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 là ngày để tất cả chúng ta hướng vềnhững người lái đò âm thầm, lặng lẽ, ươm mầm xanh cho Đất nước. 39 năm qua, ngày 20/11 dần dần khắc sâu vào tâm thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam, trở thành ngày hội của toàn dân nhằm tôn vinh nghề dạy học, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, phát huy gìn giữ nét đẹp truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đã có từ ngàn xưa được bảo tồn cho đến ngày nay. Nét đẹp ấy được thế hệ người Việt Nam kế thừa, vun đắp và phát huy. Ngày 20/11 cũng là ngày động viên cổ vũ các thầy cô giáo thực hiện tốt đường lối chủ trương giáo dục của Đảng và Nhà nước; là ngày biểu dương khen thưởng thành tích của các thầy, cô giáo. Đặc biệt, là ngày mà các em học sinh có dịp được bày tỏ lòng quý mến, kính trọng và biết ơn đến thầy cô giáo của mình.

14TH2  14TH3

          Đôn- ki- xtôi đã có câu nói nổi tiếng là “Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”. Bác Hồ cũng đã khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”, và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”. 

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay

Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất

Có một nghề không trồng cây vào đất

Mà mang lại cho Đời đầy trái ngọt hoa tươi”!

Có một nghề rèn luyện cả đời người

Để mang lại sự tốt tươi cho thiên hạ

Có một nghề thật đớn đau nghiệt ngã

Để mang tặng cho Đời những Tài tử Giai nhân”

                                                                        (Có một nghề như thế - Đinh Văn Nhã)

          Quả thật vậy, nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý, đào tạo nên nguồn nhân lực quyết định tới tương lai tổ quốc. Không gì có thể sánh bằng công lao vất vả của những người thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Bao nhiêu lứa học sinh đi qua, mái tóc thầy càng trở nên bạc dần theo năm tháng, nhưng sự tâm huyết muốn đem đến tri thức và những bài học quý giá cho các học trò của mình thì mãi sẽ không thay đổi trong mỗi người thầy. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, thầy cô như những người lái đò cần mẫn chở những người học trò sang sông, gieo mầm tri thức, nâng cánh ước mơ giúp học trò đến được những bến bờ mới lạ, để sau này, mỗi học sinh sẽ trở thành những công dân có ích cho cuộc đời.

14TH4

          Bánh xe thời gian cứ quay lặng lẽ, chúng ta dần trưởng thành sau mỗi bài học, sau những buổi đến trường. Những bài giảng của thầy cô giúp chúng tôi có thêm động lực cũng như niềm tin đủ để chạm lấy những ước mơ, khát vọng mà bản thân từ lâu ấp ủ.

          Cuộc sống có biết bao biến đổi nhưng nào đâu làm phai mờ đi tình cảm của người thầy, người cô dành cho học sinh thân yêu. Tình cảm ấy thiêng liêng, cao quý biết nhường nào. Tình yêu thương ấy đã sưởi ấm tâm hồn của biết bao người học sinh trong suốt cả quãng đời đi học. Nếu một mai tôi không còn là một đứa trẻ, nếu một mai tôi rời khỏi sự ủ ấp của gia đình và nhà trường để tiếp tục bước đi và thử thách mình trên quãng đường còn lại, thì tôi sẽ không quên đâu! Không bao giờ quên công ơn sâu nặng và tình cảm bao la của thầy cô dành cho tất cả học sinh của mình- những đứa con mà họ coi như máu thịt, như một phần của cuộc đời mình.

          Mỗi năm cứ đến ngày 20/11, toàn thể học sinh trên khắp đất nước Việt Nam lại nhiệt liệt chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Những nỗi vất vả, nhọc nhằn của những người làm nghề giáo, giờ đây được đền đáp bằng những bó hoa, những lời chúc vô cùng ý nghĩa của chính người học trò mà xưa kia mình đã dạy dỗ, bảo ban. Trên khuôn mặt của họ lúc bấy giờ rạng rỡ một nụ cười. Vâng, họ hạnh phúc, hạnh phúc không phải vì được đền đáp mà hạnh phúc vì được gặp lại những đứa con thân yêu mà họ đã coi như một phần của cuộc đời mình.

         14TH5

Dù năm tháng cứ trôi đi, dù bao thăng trầm của cuộc đời thì người lái đò vẫn đưa những chuyến đò sang sông và dòng sông ấy, dáng hình ấy đã trở thành những kỷ niệm không phai trong tâm thức của chúng ta mãi mãi suốt cuộc đời:

                     “Tháng năm dầu dãi nắng mưa                        

Con đò trí thức thầy đưa bao người

Qua sông giữ lại nụ cười

Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.

Con đò mộc – mái đầu sương

Mãi theo ta thấy muôn phương vạn ngày

Khúc sông ấy vẫn còn đây

Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông”

                                                                  (Người lái đò – Thảo Nguyên)

          Hiện nay, trong bối cảnh chung của đất nước, ngành giáo dục là ngành đã và đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19. Tuy nhiên với sự nhiệt huyết cống hiến, tinh thần trách nhiệm của những người làm trong ngành giáo dục, đặc biệt là cán bộ, giáo viên luôn không ngừng học hỏi, tìm tòi,tiếp cận nhữnghình thức dạy học trực tuyến điều đó đã góp phần đảm bảo việc dạy và học được diễn ra một cách hiệu quả nhất. Hơn ai hết, thầy cô luôn trăn trở suy nghĩ làm thế nào để học trò mình có thể tiếp thu bài tốt, có những giờ học bổ ích, thú vị ngay cả khi học bằng hình thức trực tuyến. Chúng em hiểu và trân trọng những gì thầy cô đã làm, công sức mà thầy cô bỏ ra chúng em cảm thấy vô cùng xúc động, và biết ơn khôn xiết.

         14TH6

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta hãy nhìn lại quãng đường đã qua! Hãy phấn đấu hơn nữa! Phấn đấu vì tương lai, hạnh phúc của bản thân, gia đình và sự phồn vinh của xã hội, để xứng đáng với tình yêu thương, những kì vọng của thầy cô. Giây phút này đây, tôi chắc rằng trái tim chúng ta đã cùng chung một nhịp đập. Chúng ta hãy dâng lên thầy cô những đóa hoa tươi thắm, những lời yêu thương, những lời hứa chân thành nhất!

          Một lần nữa, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, xin gửi ngàn lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới những ai đã và đang cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp trồng người, những cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức Trường Đại học Hà Tĩnh có một mùa hiến chương tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, chúc thầy cô có thật nhiều sức khỏe để vững bước và thành công hơn nữa trên sự nghiệp trồng người.

[MS: 25] - Bài dự thi: “Cuộc thi viết - vẽ - clip về đề tài Thầy Cô, Mái trường”

 

14C TH1

Mỗi chúng ta, những người trẻ khi bước vào độ tuổi 17, đứng giữa bao ngã rẽ của cuộc đời, đối diện với kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia, có lẽ dù là ai đến từ đâu thì đều có một mục tiêu chung là chinh phục kỳ thi với một điểm số thật ấn tượng và hiện thực hóa được ước mơ của bản thân, ước mơ ấy có thể là đậu vào ngôi trường mà mình hằng ao ước, hay có thể đặt chân đến một miền đất mới, cũng có thể... có những ước mơ đơn giản hơn là lấy được bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông. Tôi - một cô gái lưng chừng tuổi 18 đã từng trải qua những cảm giác như thế, để rồi giờ đây, khi bồi hồi, nhìn lại chặng đường ấy, từ trong trái tim lại khẽ rung lên những giai điệu nghẹn ngào, xúc động đến khó tả. Cùng với guồng quay chóng mặt của thời gian, năm học lớp 12 trôi qua thật nhanh, kỳ thi tốt nghiệp đến thật gần, vào chặng đua nước rút 2 tháng cuối, nhìn những gương mặt hốc hác đi nhiều vì ôn thi của bạn bè, những nếp nhăn nhiều hơn trên vầng trán của các thầy cô giáo, dường như đốc thúc mỗi người cần cố gắng nhiều hơn nữa. Thời gian trôi, ngày đăng ký nguyện vọng đại học cũng đến, thú thật,  lúc ấy với tính trẻ con, ham vui, chạy theo xu hướng bạn bè, tôi đã từng nghĩ đến việc chọn một trường đại học nào đó thật xa nhà để thoát khỏi sự kiểm soát của bố mẹ, hay lý do ngốc nghếch hơn là học xa  nhà sẽ “oai” hơn. Nhưng thật may mắn, khi bao suy nghĩ quá đỗi dại khờ ấy vụt qua đầu tôi rất nhanh. Cuối cùng, bằng sự tìm hiểu một cách nghiêm túc, kỹ càng, tôi đã quyết định đặt bút viết vào giấy đăng ký nguyện vọng đúng một ngôi trường duy nhất và không thể là cái tên nào khác – Trường Đại học Hà Tĩnh, chính là nơi tôi đặt niềm tin, gieo hi vọng để gửi gắm 4 năm thanh xuân!

Sau gần một tháng chờ đợi kết quả thi, ngày có điểm, tôi vỡ òa, có cả những giọt nước mắt lẫn vào nụ cười của niềm hạnh phúc vô bờ bến, với số điểm 27,25. Tôi chính thức trở thành tân sinh viên K14, ngành Giáo dục Tiểu học, khoa Sư phạm Trường Đại học Hà Tĩnh.

Để trở thành sinh viên của trường, tôi đã phải trải qua một quá trình nỗ lực, phấn đấu, học tập, rèn luyện và tu dưỡng bản thân. Ngày tôi chọn trường, chọn ngành giáo dục tiểu học đã có rất nhiều những câu hỏi, những lời chất vấn đến từ bạn bè thậm chí là cả người thân, chung quy lại  đều mang nội dung:“ Học trường Hà Tĩnh thì làm được gì, lại còn theo ngành sư phạm, thất nghiệp nhiều lắm, tại sao lại quyết định chọn nghành như thế!

Nhà toán học Blaise Pascal đã từng nói rằng: “Trái tim có lý lẽ mà lý trí không hiểu được”, thế nhưng yêu và chọn ngành, chọn trường của tôi là một ngoại lệ. Bởi lẽ, chẳng những trái tim rung động mà lý trí cũng có hàng triệu lý do để giải thích cho nhịp đập của con tim:

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay

Ta vẫn gọi là nghề cao quý nhất

Có một nghề không trồng cây vào đất

Mà vẫn cho đời những áng hoa thơm

Có một nghề lặng thầm những đêm thâu

Bên đèn khuya miệt mài trang giáo án

Giọt mồ hôi rơi nhẹ trang giấy

Đó là nghề, nghề giáo tôi yêu...”

14C TH3

Đứng trước rất nhiều sự lựa chọn, tôi vẫn quyết định chọn nghề giáo! Với tôi, nghề giáo thực sự cao quý lắm! Nó ăn sâu vào từng mạch máu, từng hơi thở của tôi. Có thể khẳng định rằng, xuyên suốt quá trình trưởng thành của mỗi người, ai trong mỗi chúng ta cũng đã nhận được sự giáo dục, yêu thương, chỉ bảo, chăm sóc của các thầy cô. Ngày còn bé, khi còn là một cô gái 3 tuổi, theo lời kể của mẹ, tôi khóc nhiều lắm, chẳng chịu đi học đâu. Thế nhưng, bằng những lời nói, cử chỉ yêu thương, nghiệp vụ của mình, các cô giáo mầm non đã kéo tôi thoát khỏi vòng tròn nhút nhát đó để hội nhập cùng bạn bè, thầy cô, các cô lo cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ. Các cô cười thật tươi khi tôi ăn giỏi, chơi ngoan. Cũng không ít lần trằn trọc, lo lắng khi tôi ốm. Có lẽ, do được cảm nhận tình yêu thương ấy từ sớm nên sang đến cấp tiểu học, trong một cuộc thi “Bé với ước mơ” tôi đã mạnh dạn đọc to ước mơ của mình “Yến Nhi muốn trở thành cô giáo”. Lớn hơn một chút, khi đến cấp học trung học cơ sở, dường như lúc này, bản thân đã lớn hơn, vậy nên, những suy nghĩ cũng trở nên người lớn hơn. Xuất phát điểm của tôi là một học sinh khá, thế mà, chỉ một học kì trôi qua bằng sự nỗ lực của bản thân, cộng thêm sự nhiệt tình giảng dạy, quan tâm,  động viên của cô chủ nhiệm và các thầy cô bộ môn, cuối năm lớp 6, tôi đã giành được giấy khen học sinh giỏi.

Thời gian lặng lẽ trôi, thấm thoát 4 năm trung học cơ sở nhanh qua như chớp mắt. Ngày tôi được vinh dự đọc bài cảm nghĩ ra trường của học sinh lớp 9, tôi lén nhìn xuống sân trường, nơi các thầy cô đang khẽ lau những giọt nước mắt, tôi thấy thật sự xúc động! Chao ôi! Nhớ lại những tháng ngày được thầy cô dìu dắt , dạy dỗ, thương yêu, bảo vệ, nhớ những kỷ niệm chẳng thể nào quên, lòng tôi như khóc nghẹn, tôi ôm từng thầy cô và giữ lời hứa chăm ngoan, học giỏi với thầy cô khi sang cấp học mới, thầy cô chào tạm biệt và hẹn gặp lại tôi vào một giai đoạn khác, thời điểm khác sau khi tôi bước ra khỏi cánh cổng trung học cơ sở. Lúc ấy … giá như thời gian có thể đóng băng. Tình yêu với ước mơ trong tôi lại lớn thêm, vì tôi cảm nhận được hơi ấm, giá trị mà nghề mang lại. Lên cấp 3, tôi đặt mục tiêu theo đuổi ngành sư phạm - là đam mê -thanh xuân của tôi. Hằng ngày, nhìn thầy cô đứng trên bục giảng, tôi thích lắm, tôi đã tưởng tượng ra hình ảnh của mình những năm sau đó, tôi cũng có thể đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức cho học sinh thân yêu, dạy các em chẳng những kiến thức chuyên môn mà còn cả kĩ năng, đạo đức, tôi nghĩ nhiều lắm. Càng yêu nghề, tôi lại càng quyết tâm học tập để chinh phục ước mơ. Ngày thi đại học đến gần, cũng không ít lần nghe được tâm sự của bạn bè về định hướng nghề nghiệp, tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm. Nhưng cuối cùng tôi vẫn kiên định chọn ngành Giáo dục Tiểu học tại Trường Đại học Hà Tĩnh. Bởi:

Thứ nhất, tôi yêu trẻ nhỏ, luôn muốn gắn bó, dạy dỗ, yêu thương trẻ, chứng kiến sự lớn lên mỗi ngày của chúng, được bao bọc, chở che cho một đàn con thơ, đó là hạnh phúc, là đam mê.

Thứ hai, nghề giáo là nghề cao quý nhất, dù xã hội ngày càng phát triển, việc học trở nên đa dạng hơn với nhiều hình thức thì thầy cô luôn luôn đóng một vai trò quan trọng, không ai có thể thay thế.

Thứ ba, dường như được trưởng thành dưới sự chỉ dạy của thầy cô, được yêu thương, được là chính bản thân mình nên tôi cảm nhận nghề giáo tình cảm lắm! Với thầy cô mà nói, dù bạn có lớn bao nhiêu thì bạn cũng thật bé nhỏ, thật cần được bảo vệ, chở che. Bạn có thể không có cơ hội để gặp lại thầy cô của mình một vài năm, nhưng chắc chắn khi gặp lại, cảm xúc vẫn sẽ vẹn nguyên như buổi ban đầu. Bước ra khỏi cánh cửa lớp, cánh cổng trường, thầy cô luôn như những người bạn, người anh chị lớn, lắng nghe câu chuyện của bạn và đồng hành, cho bạn những lời khuyên, những bài học giá trị trong cuộc sống.

Thứ tư, nghề giáo là nghề có vị thế trong xã hội luôn được mọi người tôn trọng, chúng ta cũng không quá xa lạ với một truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo của người Việt Nam”.

Yêu nghề, mong muốn trở thành một cô giáo là thế, nhưng tại vì sao tôi lại chọn Trường Đại học Hà Tĩnh? Một dấu hỏi lớn của rất nhiều người đối với quyết định của tôi! Lý do ấy chính là việc tôi ý thức được: “Điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải nơi bạn đang đứng, mà là hướng bạn đang đi”. Tôi yêu Trường Đại học Hà Tĩnh. Trường ra đời năm 2007, là kết quả quyết tâm chính trị to lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh được sự ủng hộ của Bộ chính trị, nhằm xây dựng nhà trường thành một trung tâm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức khoa học, công nghệ, trung tâm giao lưu văn hóa và thúc đẩy hợp tác quốc tế, hữu nghị giữa các dân tộc trên toàn thế giới của tỉnh Hà Tĩnh, khu vực miền Trung, cả nước, trong khu vực và phạm vi quốc tế. Với ý nghĩa đó, trường đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ giáo dục trọn đời, đào tạo người học trở thành công dân toàn cầu, đáp ứng nhu cầu đào tạo học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình, học để làm người, nhằm đào tạo nhân tài, đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, đảm bảo cơ hội phát triển nghề nghiệp cho người học trên phạm vi toàn cầu. Và Khoa Sư phạm - Trường Đại học Hà Tĩnh cũng chính là địa chỉ đào tạo tin cậy, là đơn vị có truyền thống và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Phần lớn, giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non trong toàn tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng từ chính nơi đây.

Trưởng thành từ Khoa Sư phạm Trường Đại học Hà Tĩnh, có rất nhiều các anh chị, giờ đây đã trở thành người ươm mầm, gặt hái được rất nhiều thành tích xuất sắc. Sự thành công của các anh chị là minh chứng khẳng định cho chất lượng giảng dạy của giảng viên nhà trường. Với số lượng sinh viên đông đảo theo ngành sư phạm, khoa sư phạm luôn là một tập thể vững mạnh, đoàn kết, sôi nổi, xuất sắc về mọi mặt, có nhiều sinh viên ưu tú qua các  thời kỳ.

14C TH4

Có lẽ, khi nhắc đến những sinh viên xuất sắc của Khoa Sư phạm, chúng ta không thể nào không kể đến anh Trần Đức Quân - sinh viên K8 Sư phạm Toán. Với thành tích nổi bật dành nhiều giấy khen, bằng khen trong các cuộc thi cấp khoa, cấp trường, anh tốt nghiệp Trường Đại học Hà Tĩnh với tấm bằng xuất sắc, hiện đang là giáo viên môn Toán tại Trường Hội nhập quốc tế Ischool Hà Tĩnh. Đây là tấm gương tiêu biểu về thành tích học tập, luôn được biết đến như một người sinh ra để săn các giải thưởng giấy khen...

14C TH5

Là một gương mặt cũng rất quen thuộc, không ai khác chính là anh Phan Trung Hiếu, sinh viên K9 Sư phạm Toán cũng được biết đến như một gương mặt thương hiệu. Là một sinh viên có thành tích học học tập xếp loại giỏi, hoạt động đoàn năng nổ, từng được nhận rất nhiều giấy khen từ Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh, Trường Đại học Hà Tĩnh, nhiều lần nhận học bổng của trường, anh Phan Trung Hiếu hiện tại đang là Bí thư đoàn trường, giáo viên Toán của Trường Hội nhập quốc tế Ischool Hà Tĩnh.

14C TH6

Một con thuyền ra khơi thuận lợi, không thể không kể đến vai trò của người thuyền trưởng, và trên con thuyền đi đến bến bờ tri thức, thầy cô chính là những vị thuyền trưởng có tay lái ra hoa, còn sinh viên chính là hành khách trên con thuyền ấy, cả hai cùng đồng tâm hiệp lực với nhau, phối hợp ăn ý để thuyền cập bến an toàn, thành công.

Một trong những người thầy để lại ấn tượng sâu sắc nhất với tôi, đó chính là Thầy giáo TS. Lê Văn An - Bí thư chi bộ, Phó trưởng khoa - phụ trách Khoa Sư phạm. Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, có lẽ sẽ là khoảng thời gian không bao giờ quên của sinh viên toàn trường Đại học Hà Tĩnh nói chung và sinh viên Khoa Sư phạm K14 chúng tôi nói riêng, khi mới là những tân sinh viên, vừa mới được bước vào môi trường mới, vừa được làm sinh viên 3 tuần thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát và có 3 ca f0 là sinh viên của trường, kéo theo hơn 150 sinh viên rơi vào diện F1, phải thực hiện cách ly tập trung tại khu kí túc xá B1 của trường. Những ngày tháng trong khu cách ly, thực sự mà nói, bản thân tôi cũng là F1 và thực hiện cách ly, tôi luôn nhắc nhở bản thân luôn lạc quan, tích cực, giữ gìn sức khỏe, nhưng làm sao có thể tránh khỏi  những đêm trằn trọc, không ngủ được vì lo lắng, vì nhớ bố mẹ, tôi khóc trong mấy đêm liền. Như cảm nhận được tâm lý sinh viên của mình, thấu hiểu được cảm giác xa nhà và thiếu thốn ở khu cách ly, giảng viên, nhân viên, sinh viên Khoa Sư phạm do thầy Lê Văn An làm trưởng đoàn, đã kịp thời gửi tặng những món quà động viên, lời chúc sức khỏe tới 158 sinh viên là F1 thực hiện cách ly tại dãy nhà B1. “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”, là một cá nhân được trực tiếp đón nhận các phần quà, tôi cảm thấy vui mừng, ấm áp và trân quý tình cảm thiêng liêng này hơn bao giờ hết, giống như ngọn đèn đang le lói giữa đêm đông, sự quan tâm của thầy cô chính là bó đuốc thắp sáng rực rỡ khung cảnh lạnh giá, sưởi ấm trái tim của mỗi học trò.

14C TH7

Một trong những cô giáo khiến tôi nhớ nhiều nhất không thể nào không kể đến cô giáoTrần Thị Diệu Huyền - Cán bộ quản sinh của Khoa. Lần đầu tiên tôi gặp cô là ngày tôi đi nhập học, đến văn phòng khoa để nhập khoa. Ngay từ lần gặp đầu tiên, tôi đã có cảm tình với cô lắm. Khuôn mặt phúc hậu,  mái tóc buông xõa ngang vai quyện với nụ cười tươi sáng, rất đỗi thân thiện... Chắc  hẳn khiến ai cũng phải đứng hình. Nhìn phong cách giản dị và phong thái làm việc của cô Diệu Huyền, tôi chỉ ước, sau này tôi cũng sẽ rèn cho mình đức tính đó, để được một phần giống như cô.

“Uống nhầm một ánh mắt

Cơn say theo cả đời...”

14C TH9

Bắt gặp ánh mắt dịu hiền của cô giáo Nguyễn Thị Loan - Cán bộ văn thư của khoa vào một ngày cuối thu, cô như một nàng thơ trong mắt tôi. Cô dịu dàng lắm, có một nét duyên rất mộc mạc nhưng gây thương nhớ! Cô thân thiện, dễ gần và rất Teen, với sinh viên toàn khoa nói riêng và toàn trường nói chung, nếu đã một lần được nói chuyện, tiếp xúc với cô chắc hẳn đó mãi là kỉ niệm đáng nhớ.

14C TH10

Bước vào giảng đường đại học với vô vạn sự thay đổi, khác biệt về vấn đề học tập, từ lịch học , môn học, đến phương pháp học, tôi đã phải hoạch định cho mình một chiến lược học tập khi kỳ 1 được học các môn Triết học, Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục thể chất. Các thầy cô thực sự đều là những hình mẫu tuyệt vời, với nghiệp vụ vững vàng, thầy cô  khiến tôi luôn luôn có thái độ tích cực, mong muốn đến tiết để học, để tiếp thu kiến thức.

Tôi may mắn được học Triết học với cô giáo Nguyễn Thị Bích Hằng, một giảng viên thật tuyệt vời! Có thể môn Triết học với một số sinh viên là chướng ngại vật, là môn học khó, nhàm chán nhưng với tôi thì không! Bằng sự lôgic trong cách diễn đạt, giọng nói trầm, ấm, cô truyền đạt kiến thức đến chúng tôi một cách rất dễ hiểu, rất lôi cuốn, đã có nhiều hơn một lần tôi mong muốn 3 tiết học trong một buổi có thể kéo dài thêm một chút để cảm nhận trọn vẹn nhất mạch cảm xúc, tri thức bổ ích mà cô truyền đạt. Cô luôn luôn giảng bài một cách rất kỹ càng, chỗ nào chúng tôi chưa hiểu cô luôn nhiệt tình giảng giải, chỉ dạy đến lúc chúng tôi hiểu được vấn đề. Gặp chúng tôi, lúc nào cô cũng nở nụ cười tỏa nắng, cô trong mắt tôi, nhỏ nhắn nhưng thật nhanh nhẹn, thật nhiệt tình và thực sự có một phương pháp giảng dạy vô cùng cuốn hút.

14C TH11

Nụ cười duyên dáng, dáng người nhỏ nhắn, dịu dàng là những cảm nhận của tôi khi được cô giáo Nguyễn Thị Đào giảng dạy môn Tiếng Anh. Trong các giờ học, cô luôn tạo ra một không khí vui vẻ, sôi động cho buổi học. Cô luôn biết cách khơi gợi năng khiếu, tạo điều kiện để sinh viên thể hiện năng lực của bản thân. Cứ đến giờ tiếng Anh, tôi lại thấy bản thân rèn luyện được sự tự tin với khả năng giao tiếp, phát âm chuyên nghiệp hơn... Xã hội ngày càng phát triển, vai trò của bộ môn Tiếng Anh, ngày càng đóng vị thế quan trọng, dưới sự giảng dạy của cô, tôi tin rằng mình sẽ trở thành một sinh viên hội nhập tốt.

14C TH13

Một người thầy tận tụy, nghiêm khắc nhưng khoan dung là những cảm nhận của tôi về thầy giáo Nguyễn Đức Sử. Buổi học đầu tiên, thầy tạo cho chúng tôi một không khí rất thoải mái.

Cách thầy lên lớp thực sự rất ân cần, nhiệt tình chu toàn. Thầy luôn hỏi han học sinh, sinh viên rằng có chỗ nào chưa hiểu không và rồi giải đáp cho chúng tôi một cách cặn kẽ nhất.

14C TH14

Thầy giáo Nghiêm Sỹ Đồng - Giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất của tôi là một người rất phong độ, thầy rất vui vẻ, hòa đồng, thân thiện với học sinh. Mỗi giờ học của thầy, không những chúng tôi được cung cấp kiến thức, được thực hành các hoạt động thể chất mà thầy còn cung cấp cho chúng tôi những kinh nghiệm, kỹ năng, bài học cuộc sống bổ ích. Cách thầy giao tiếp với sinh viên tạo cho chúng tôi cảm giác rất thoải mái! Thầy như một người bạn lớn của tất cả sinh viên.

14C TH15

Bên cạnh việc học, chắc chắn rằng thanh xuân của mỗi người sẽ đẹp hơn, đáng nhớ hơn, khi tham gia các hoạt động  Đoàn. Từng là cán bộ Đoàn nhiều năm liền, máu đoàn trong tôi luôn luôn chảy mạnh mẽ, tôi luôn muốn được cống hiến, dùng sức trẻ của mình để ghi lại thật nhiều dấu ấn tuổi thanh xuân.Với lòng đam mê đó, khi bước vào cánh cổng đại học tôi đã tìm hiểu và cảm thấy thật hạnh phúc khi đã được trở thành sinh viên của trường Đại học Hà Tĩnh, một ngôi trường với các hoạt động Đoàn - Hội sôi nổi, sáng tạo, đa dạng và phong phú. Chắc chắn rằng, đây sẽ là tiền đề, là cơ sở để tôi và các sinh viên khác có thể phát huy năng lực của bản thân, nỗ lực để ghi lại dấu ấn suốt 4 năm đại học.

Sinh viên của Trường Đại học Hà Tĩnh chắc chẳn sẽ không còn xa lạ với thầy giáo Biện Văn Quyền - Bí thư Đoàn trường. Với cảm nhận của riêng của chúng tôi, thầy là một người nghiêm khắc nhưng luôn yêu thương, bảo vệ sinh viên hết lòng, trong tuần sinh hoạt công dân đầu năm, được nghe thầy nói chuyện tôi cảm nhận được sự tâm lý, kỷ luật, nề nếp toát ra từ phong thái của thầy. Thầy chính là một hình mẫu nhà giáo đáng để tất cả sinh viên ngưỡng mộ, noi gương và học tập.

14C TH16

Cô giáo Võ Thị Diệu Hồng - Bí thư Liên chi Đoàn Khoa Sư phạm là một cô giáo nhận được rất nhiều tình cảm của sinh viên qua các thế hệ. Cô luôn vui tươi, rạng ngời, có lẽ nụ cười ấy đã ăn sâu vào tâm trí của mỗisinh viên. Để rồi, ngay cả khi đã tốt nghiệp ra trường, các thế hệ sinh viên vẫn luôn dành cho cô những tình cảm hết sức đáng quý. Theo lời kể của các anh chị đã ra trường và đặc biệt là trưởng thành từ công tác Đoàn - Hội thì cô Diệu Hồng chính là một người thắp sáng ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, người chỉ lối, soi đường, rất tận tụy, tâm huyết.

14C TH17

Một cô giáo rất trẻ trung và xinh đẹp, là tâm điểm chú ý của rất nhiều sinh viên, với tính tình vui vẻ, hòa đồng, không ai xa lạ mà chính là cô giáo Dương Thị La - Chủ tịch Hội sinh viên, phó bí thư Đoàn trường, một phong cách nhẹ nhàng, giản dị, luôn luôn là cầu nối gắn kết sinh viên, cô Dương Thị La luôn nhận được rất nhiều tình cảm của sinh viên nói riêng và mọi người nói chung, một hình mẫu rất đáng noi gương của các sinh viên nữ trong trường.

14C TH18

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp trên địa bàn tỉnh, dẫn đến việc sinh viên trường Đại học Hà Tĩnh chưa thể đến trường tham gia học trực tiếp. Vậy nên, sinh viên toàn trường nói chung, những tân sinh viên mới như tôi lại bớt đi cơ hội để được gặp gỡ, trò chuyện, học tập, cùng các thầy, các cô. Dù rất buồn vì điều đó nhưng bằng hình thức học trực tuyến, sinh viên vẫn có thể được nhìn thấy, được nghe giọng nói của các thầy, các cô. Đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc, khi thầy và trò luôn sát cánh bên nhau vượt qua đại dịch. Nhìn thấy thầy cô trên màn hình điện thoại, cảm giác vẫn thật thân quen, thật gần gũi biết bao nhiêu, thật hạnh phúc vì hàng ngày vẫn được tiếp thu kiến thức từ thầy cô. Mong rằng thầy cô có thật nhiều sức khỏe, may mắn, bình an trong đại dịch.

Những cơn gió lạnh mùa đông như làm cay khóe mắt của mỗi chúng ta, rưng rưng, bồi hồi, xúc động hướng về ngày đại lễ trong tháng 11 - Ngày nhà giáo Việt Nam để rồi dành những tình cảm của bản thân tri ân các thầy giáo, cô giáo - những người lái đò thầm lặng không quản ngại mưa nắng chèo lái con đò của mình cập bến bờ tri thức, chắp cánh cho những ước mơ của thế hệ trẻ bay cao bay xa hơn nữa. Là một sinh viên Khoa Sư phạm, mai đây tôi cũng sẽ trở thành một cô giáo, tôi cảm nhận được niềm vinh dự, sự tự hào và hạnh phúc khi ngày lễ sắp đến gần.Với tất cả tấm lòng, tình cảm kính yêu, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, em xin được gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới tất cả thầy cô giáo Trường Đại học Hà Tĩnh nói chung và các thầy, cô Khoa Sư phạm nói riêng. Kính chúc quý thầycô sức khỏe, thành công, hạnh phúc, bình an. Chúc các thầy cô ngày càng gặt hái được nhiều thành tích trong sự nghiệp giảng dạy của mình. Thật tự hào biết bao nhiêu khi em được là người nối tiếp hành trình của các thầy cô, để biết mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa trên con đường vinh quang mà mình đã chọn.

Tự hào biết bao nghề giáo tôi yêu!

[MS: 09] - Bài dự thi: “Cuộc thi viết - vẽ - clip về đề tài Thầy Cô, Mái trường”

Tháng 11 lại về kéo theo cơn gió se se lạnh, những bông cúc họa mi nở mơn man mang theo ánh nắng dịu dàng, trong trẻo thì đó cũng là lúc học sinh chúng em có dịp hướng lòng mình về những người thầy, người cô, bày tỏ tình cảm của mình với các thầy cô - những người lái đò thầm lặng.

Hang14ATH1

Người ta bảo nghề giáo bao đời nay luôn được xem là nghề cao quý, nghề trong sạch nhất. Những người làm nhà giáo dù ở đâu cũng là người được kính trọng nhất, là người thầy cao cả gieo hạt giống tâm hồn cho bao thế hệ con người, đặc biệt là các cô cậu học trò.Thầy cô là đốm lửa đã nhen nhóm lên ngọn lửa tâm hồn của chúng em, cho em bao kiến thức. "Thầy cô" hai tiếng thân thương lúc nào cũng khắc sâu trong tâm trí, trong suy nghĩ của chúng em, những người luôn ân cần dạy dỗ, dõi theo từng bước đi của chúng em, giúp chúng em sống một cuộc sống đầy ý nghĩa, chính vì lẽ đó mà em luôn khắc sâu công ơn trời biển của thầy cô.

Lặng xuôi năm tháng êm trôi

Con đò kể chuyện một thời rất xưa

Rằng người chèo chống đón đưa

Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều.

Có những lúc chúng em thầm lặng ngắm thầy cô, những vầng trán đọng lại những nếp nhăn, chúng em như thấy được nỗi lòng, vất vả đó của cô thầy cùng năm tháng, thời gian có thể xóa nhòa tất cả, thế nhưng những gì mà cô thầy luôn dạy bảo chúng em thì vẫn còn đó. Cô thầy ơi! cô thầy như là người cha, là người mẹ hiền từ thứ hai của chúng em, nuôi dưỡng trong lòng chúng em niềm hi vọng, xua tan những mu muội, mang đến cho chúng em trí tuệ, là người tỉ mỉ chạm khắc từng nét đẹp tâm hồn. Thầy cô là một biển lớn kiến thức, là những người đã cống hiến cả tấm lòng chân thành cho học trò thân yêu, cho sự nghiệp, mang những bài học đắt giá để học trò chúng em khắc cốt ghi tâm. Thầy cô luôn là những người dành mọi yêu thương cho những đứa học trò của mình. Thầy, cô luôn nói: “Được chứng kiến các em trưởng thành, học được thêm bao điều hay là một niềm hạnh phúc của thầy cô, đó chính là điều làm thầy cô tự hào nhất trong đời làm nhà giáo của mình”. Qua lời nói ấy, chúng em hiểu ra bao điều từ tấm lòng vĩ đại mà thầy cô luôn dành cho chúng em.

Mái trường này, thầy cô này là nơi lưu giữ kỉ niệm tuyệt đẹp nhất để rồi khi bước vào đời chúng em sẽ không thể nào quên được. Đó là những cô, cậu sinh viên với những mộng mơ, những lo âu bất chợt khi bước chân vào cánh cổng Đại học, thế  nhưng thầy cô luôn là người ở bên động viên, giúp đỡ cho chúng em, bây giờ nghĩ lại em thật tự hào biết bao nhiêu khi được là sinh viên của ngôi trường Đại học Hà Tĩnh thân yêu này. Tất cả đều được vun đắp và lớn lên dưới mái trường - nơi ta luôn có thầy cô và bạn bè bên cạnh chia sẻ những buồn vui. Có lẽ rằng, tình yêu nghề, yêu học trò đã ngấm sâu vào trong mỗi con người những bậc làm giáo, chắp cánh cho những ước mơ tương lai của mỗi sinh viên như chúng em. Để rồi giờ đây, khi sắp sửa trở thành những cô giáo tương lai, chúng em tự hứa sẽ mang sự nhiệt huyết, tận tình đó đến với những người học trò của mình, thầy cô chính là những người dẫn đường chỉ lối cho chúng em trên con đường đời của riêng mình, người vun đắp những ước mơ của chúng em vào một tương lai tươi sáng hơn.

Thầy cô đã dìu dắt chúng em từ những năm đầu tiên đi học, thầy cô đã dành một phần cuộc đời mình để trau chuốt, dẫn dắt những cô, cậu sinh viên từng bước đi trên con đường còn bao chông gai phía trước. Nghề giáo cũng có cái khó khăn của nghề giáo “Ai bảo nghề giáo là nghề nhàn nhất?”. Một chuyến đò chở bao tri thức, tình cảm mà cô thầy muốn gửi gắm tới chúng em, để làm tròn sứ mệnh cao cả của mình “người lái đò” phải vượt qua bao chông gai, thử thách mới đến được bến bờ tri thức. Một chuyến đò với bao công sức và tâm huyết. Rồi khi đã đưa được khách qua sông, “người lái đò” lại quay về bến bên kia để tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả ấy. Mỗi thầy cô là một người lái đò cần mẫn, và cứ thế, cứ thế những người cô, người thầy đã dành cả cuộc đời mình để dạy dỗ cho những đứa con thân yêu của họ, không quản khó khăn, mệt mỏi. Chúng con biết rằng để làm được những điều đó, thầy cô đã phải thức khuya, miệt mài, cặm cụi bên trang giáo án, cho dù phải thức khuya để soạn giáo án, cho dù ngày qua ngày chỉ mãi lặp đi lặp lại những công thức,những bài giảng hàng vạn hàng nghìn lần nhưng các thầy cô vẫn không buồn chán, bởi vì trong trái tim thầy cô chỉ có duy nhất một khát khao - đó là uốn nắn dạy dỗ bao thế hệ học trò thành người. Chúng em hiểu rằng, đó là tất cả những giọt mồ hôi nước mắt của các thầy cô, nhất định chúng con sẽ ghi nhớ, trân trọng và cất giữ.

Mỗi người thầy, người cô là một người chăm sóc vườn hoa để mỗi bông hoa sẽ tươi tốt và trở thành một con người có ích cho xã hội. Mỗi thầy cô dạy dỗ chúng em dù có tính cách khác nhau nhưng tất cả đều có chung một tình yêu nghề, yêu học trò và sự nhiệt huyết trong mỗi người. Thời gian tuần hoàn quay đi và sẽ không bao giờ trở lại, chúng em dần trưởng thành sau mỗi bài học, sau những buổi đứng lớp của các thầy, các cô. Nhớ lắm tà áo dài thướt tha của cô, dáng đi nghiêm trang mà thân thiện của thầy. Nhớ lắm những bài học làm người, những tri thức khoa học mà mấy năm qua chúng em được học nằm lòng… Lòng chúng em lại bồi hồi khi nhìn thấy bóng dáng cô thầy năm nào vẫn đứng trên bục giảng tận tụy giảng cho chúng em những bài học hay. Có ai đó đã nói rằng: "Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó nhưng đừng quên người cầm đèn đang đứng trong bóng đêm”. Thầy cô là những người cầm ngọn đèn bất diệt của tri thức, trí tuệ soi sáng con đường tương lai cho em, chắp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa để một ngày nào đó sẽ đáp xuống một chân trời tươi đẹp, rực rỡ muôn sắc màu và ánh sáng. Chắc chắn rằng khi đã vững bước ở chân trời ấy, em sẽ không bao giờ quên được công ơn của thầy cô.

Câu chuyện người xưa và tới tận bây giờ

Em mới hiểu thầy ơi người đưa đò vĩ đại

Cả cuộc đời thầm lặng và giàu đức hi sinh

Vững tay chèo để chở nặng yêu thương.

 Hang14ATH2

Để bày tỏ sự biết ơn với các thầy giáo, cô giáo với công lao trời biển này, chúng em xin được gửi đến thầy cô lời cảm ơn, lời chúc tốt đẹp nhất. Cảm ơn thầy cô đã dìu dắt chúng em từ những ngày đầu tiên bước vào cánh cổng đại học, cảm ơn những yêu thương, dạy dỗ tận tình đó mà thầy cô dành cho chúng em. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúc tất cả thầy cô giáo trên mọi miền đất nước sức khỏe, hạnh phúc và thành công, chúc các thầy cô giáo Trường Đại học Hà Tĩnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trồng người của mình.

[MS: 06] - Bài dự thi: “Cuộc thi viết - vẽ - clip về đề tài Thầy Cô, Mái trường”