foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là loại hình nghệ thuật của vùng đất Nghệ An và Hà Tĩnh. Trải qua hàng ngàn năm, loại hình dân ca này ngày càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt và nét đặc sắc mang âm hưởng dân gian của "Đất và Người" xứ Nghệ. Ca từ của dân ca Ví, Giặm là những vần thơ cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát; nội dung đa dạng, miêu tả cuộc sống, phản ánh tập quán xã hội, lịch sử, tình yêu quê hương, đất nước, con người, mang tính giáo dục sâu sắc, thể hiện sự kính trọng cha mẹ, nghĩa tính, chung thủy, góp phần gìn giữ các tập tục, truyền thống tốt đẹp của con người xứ Nghệ.

Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ còn là nguồn cảm hứng, là chất liệu cho các nhạc sỹ sáng tác tác phẩm âm nhạc ngày càng thêm phong phú. Mỗi khi cất lên, người nghe đều cảm nhận được cái sóng sánh của trời xanh và sự sâu thẳm của nỗi lòng. Qua cảm xúc từ câu hò điệu ví có nhạc sỹ đã viết: “Cùng chung một chút gừng cay, một hạt muối mặn, để say trọn đời…” 

Tìm hiểu nét đẹp hay nói cách khác là "cái đẹp" của ca từ qua những điệu Ví của dân ca Nghệ Tĩnh trên cơ sở từ những câu ca dao lục bát dân gian được ông cha để lại, truyền từ đời này sang đời khác; về văn học đó là sự so sánh, sự ví von. Về ca từ trong hát Ví hầu hết được viết theo thể thơ lục bát (6-8), một số câu theo thể song thất lục bát và lục bát biến thể có quy cách nghiêm ngặt.

  Trong câu " Ví đò đưa " đã sử dụng ca từ qua lời nói ví von có tính so sánh, cách điệu với những vì sao trên dải "sông Ngân Hà", hình tượng "con rùa vàng"  biểu tượng mang tính hình tượng, nhân cách hóa nói lên mong muốn của con người xứ Nghệ cho tình yêu bền vững, cho trọn tình, trọn nghĩa phu thê:

" Ờ, ơ.ơ.

                                         Sông Ngân Hà vịt ăn vịt lội;

                                        Con rùa vàng cắn cội cây sim;

                                        Em thương ai, em nói vứt đi;

                                        Kẻo tiếc công anh lặn lội, mấy năm ni trời tròn…"

            Hoặc một lời khuyên khéo léo của cô gái nhắc nhở người yêu mà rằng:

                        ..." Đừng như con thỏ đứng đầu truông;

                        Khi vui thì giỡn bóng, khi buồn thì bỏ đi..."

hay trong tình yêu nam nữ cũng được thể hiện trong điệu hò, điệu ví giao duyên:

                        " Ờ ơ ơ... Vừa ra vừa gặp người xinh;

                        Cũng bằng Kim Trọng (thì) tiết thanh minh gặp Kiều..."

       Như một lời trách móc khéo léo, thẹn thùng thật nữ tính mang đậm bản chất cốt cách người con gái xứ Nghệ. Qua điệu ví lời mới được phát triển từ điệu ví lới cổ:

                        " Ờ ơ ... Khi em chưa có chồng thì anh nỏ dốc lòng mà gắn bó;

                        Dừ (giờ) em có chồng rồi thì anh đón ngõ để trao thư;

                        Ngãi nhân, nhân ngãi chi dừ;

                        Gái có chồng rồi thì như (ơ) đã, có bùa trừ mà trao (ơ) tay..."

hoặc:

                        ... " Anh đang tìm vợ qua sông;

                        Em đang tìm chồng thì gặp được anh đây;

                        Trước nhờ Nguyệt Lão xe dây;

                        Sắc cầm tinh hảo, đó với đây một nhà..."

         Khi mới xuất hiện, dân ca ví, giặm xứ Nghệ còn thô sơ, mộc mạc, giản dị nhưng sau đó theo thời gian loại hình này đã phát triển lên tầm cao mới với bố cục chặt chẽ, câu từ trau chuốt, vần điệu chắt lọc để hấp dẫn và làm say đắm lòng người nghe, những điệu hò, điệu ví vẫn từng ngày vang lên trong cuộc sống của người dân xứ Nghệ.

                                     " Thân em như hạt mưa sa;

                          Hạt rơi xuống giếng hạt ra ngoài đồng."

hay :

                                    " Đến đây hò hát làm thân;

                                    Cúi đầu bái lạy trước sân làm gì;

                                    Đất chi có đất lạ lùng;

                                    Đứng thì không chịu, nằm cùng lại cho…"

Hoặc trong Ví đò đưa chuyển phường vải:

                " Người ơi...

                                     Nhà không làm nông, nước sông gạo chợ;

                                    Đó có thương đây xin giữ lấy lời (ơ);

                                    Thư nay tôi thả nước trôi ;

                                    (chư) Ảnh này tôi (ơ) để, lẻ loi (i a) một (ơ) mình."

            Đây là câu ví đò đưa chuyển sang phường vải mà có người gọi là "ví chuyển điệu"; thật ra không phải "chuyển điệu” mà là chuyển làn. Tình yêu chung thủy, nghĩa vợ tình chồng được lưu lại trong ca từ  Giận thì em cứ giận mà thương thì em lại càng thương trong bài:

" Khi ban đội đi vắng"
                           " ... Anh sai đường em không chịu nổi;

                                    Chính thương anh nên em bàn với mẹ;

                                    Phải ngăn anh không đi chuyến ngược Lường;

                                    Giận thì giận, mà thương thì thương ;

                             Giận thì giận, mà thương thì thương ...''

*Bài Hát giao duyên:

                                   " Hò ơ ơ ơ hò.

                         Đến đây đàn hát vui chơi;

                        Ánh trăng toả xuống như chờ đợi ai;

                        Sông kia bên lở bên bồi ;

                        Như mong con đò cập bến, để tìm người trao duyên."

hoặc: Tình cảm giữa đôi trai gái đã phải lòng nhau nhưng cô gái vẫn còn e thẹn, trăn trở vì sợ cha mẹ chàng chưa ưng. Với cách sử dụng ca từ dân gian trong khổ thơ lục bát sau:

                                        " Sang sông thì em cũng muốn sang;

                                     Sợ rằng gặp chuyến đò ngang chồng chềnh..."

* Hay trong bài " Nhất tâm đợi bạn":

                        "Hò ơ ơ hò ơ ơ

                                    Thương em nỏ biết mần răng;

                          Mười đêm ra đứng trông trăng cả mười …"

Với làn điệu trong ví đò đưa sông La, ngay trong khi thuyền bè xuôi ngược dòng sông với mênh mông trời nước đó là sự cách trở để hai thuyền khó tâm tình với nhau, nên vọng lên câu ví trên sông để giao duyên với nhau.

" Người ơi...

                         Dưới bến Tam Soa sương trùm sóng ơ ơ vỗ;

                            Trên ngon Tùng Sơn thông rủ gió gào..."

Trong hát ví đò đưa sông Lam, đặc điểm của ví này là chỉ hát trên sông lúc đò đang đi xuôi hoặc ngược dòng. Có lúc ngồi bên mạn thuyền hát một câu tâm tình.

                        Ai biết nước sông Lam đến khi mô cho cạn.

                        Ai biết cuộc đời, răng là nhục là vinh!

                        Thuyền em lên thác xuống ghềnh;

                        Nước non là nghĩa là tình ai ơi …

Hoặc:

" Bao giờ Ngàn Hống (Hồng Lĩnh) hết cây; Sông Rum (Lam)hết nước, đó với đây mới hết (ơ) tình."

            Qua các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Nghệ Tĩnh thì ví rất phong phú về thể loại. Vì ở mỗi vùng Nghệ Tĩnh mỗi nghề, mỗi việc đều có ví của nghề đó: Ví phường vải, ví phường buôn, ví phường nón, phường cấy .v.v...

Trong ví phường vải, ca từ cũng thật mặn mà tình cảm song cũng đã diễn tả công việc của chị em vời làng nghề quay tơ dệt lụa tại Trường Lưu, Can Lộc.

                     "... Nguyệt dạ canh trường;

                             Dăm ba o ngồi lại, dăm ba dì ngồi lại;

                 Trước là nghề canh cửi - sau đàn hát vui cười."

       hoặc lời ví von mang tính khẳng định, dứt khoát:

 "Hỡi là người ơi ơ...

                             Không thơm cũng thể hoa Lài (nhài);

                 Dẫu không thanh lịch cũng là người Trường Lưu..."

  Trong những câu Ví đã ẩn chứa tình yêu thầm kín của người con gái chân quê mộc mạc mà đằm thắm qua bài "Ví Phường vải" (Thạch Hà):

                 " Người ơi ơ:

                 Thiếp thương chàng đừng cho ai (ơ) biết;

                  Chàng thương thiếp thì đừng để cho ai (ơ) hay;

                  Rồi ra miệng thế lắt lay;

                 Cực chàng chín rưỡi, (thì) khổ thiếp đây(ơ) mười phần."

  Với ca từ thật uyển chuyển, có ví von, đa nghĩa song cũng thật dí dỏm sâu sắc, mang tính độc đáo riêng của nó: Từ đó, những điệu ví phường vải được vang lên bên lũy tre xanh, từ trong mái nhà tranh ấm cúng hay dưới đêm trăng hò hẹn.

                 "... Dù cho ngựa bạch chân đen;

     Anh cầm cương ghì thật mạnh, không cho anh cũng "trèo"...

Trong lao động đã biểu lộ tâm tình với nhau trên đồng ruộng, câu hát ví phường cấy được hình thành trong hoàn cảnh đó. Điển hình là câu "Người ơi" khi bắt đầu vào cuộc ví :

                          " Người ơi...

                          Rồi mùa toóc rạ rơm khô;

                          Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm..."

Đối với thể loại hát ru: Khi con người bắt đầu có tiếng nói, tiếng hát ru cũng ra đời. Về văn học lời ru là tâm tình người mẹ, là ước mơ, hy vọng hay sự thổ lộ tình cảm của người mẹ đối với con thông qua âm điệu lời ca.

            " À  ơi...Trưa hè bên chiếc võng đưa ;

Mẹ ru con ngủ (ơ),

giữa trưa bóng tròn."

* Bài Lời mẹ hát ( Trích dân ca Nghệ Tĩnh phát triển lời mới )

                    " Mẹ ơi con nhớ như in;

                        Bài học đầu tiên như thiết tha lòng mẹ;

                        Bên cánh võng đung đưa, khi còn bập bẹ.

                        Như vọng đến ngày xưa câu hát à ơi…."

Ca từ trong Dân ca Nghệ Tĩnh với Truyện Kiều của Đại Thi hào Nguyễn Du: Chữ " Tai nghe" đi với chữ " lặng nghe" và chữ " đêm thu " đi với chữ "Chiều xuân" :

  Dân ca Nghệ Tĩnh:

                                      "Tai nghe câu ví như ru;

                      Đêm thu dễ khiến nét thu ngại ngần."

Nguyễn Du viết:            

                           " Lặng nghe lời nói như ru.

                    Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngần."

            Khi nói đến nét đẹp trong ca từ Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thì Giặm được sắp xếp một cách hoàn chỉnh có quy luật trong các lối Giặm như Giặm nối, Giặm vè, Giặm kể, giặm cửa quyền. Giặm ru, Giặm xẩm ...  Về ca từ cơ bản hầu hết những câu thơ hoặc văn vần 5 chữ hoặc 4 chữ, có khi mỗi khổ thơ gồm có 4-5 câu, thường thì đến câu thứ 5 thì giặm lại, lặp lại câu thứ 4. Vần ở câu đầu, câu cuối và câu láy là trắc còn lại các câu giữa là bằng.

Nội dung ca từ thường kể về sự việc, phong tục tập quán của quê hương, mang tính giáo dục cho con cháu, tuyên truyền, lời kêu gọi, lời trách móc, phê phán thói hư tật xấu trong xã hội hoặc ca ngời tình yêu đôi lứa, tình cha con, chồng vợ hay những điều tốt đẹp trong cuộc sống đời thường.

* Trong bài Giặm nối :

                                    " Trước thì mự nói mự thương;

                        Cau tui dành để (rồi mì) trên (ư) buồng;

                        Trầu tui dành (ư) để (rồi mì) ngoài (ư) nương '

                                    Giừ mự nói mự không thương.....

                                         Bạc tình chi rứa mự;

                                          Răng bạc tình rứa mự..."

            Tình cảm nam nữ cũng được thể hiện qua các ca từ của điệu Giặm, ca ngợi tình yêu thật trong sáng, thủy chung trước sau như một của người con gái:

                                " Bưng cơm ăn nỏ được;

                                    Bưng nước uống nỏ trôi...

                                    Vì thương anh vô kể;

                                    Thiếp thương chàng vô kể."

Hoặc:  Trong dân ca Ví, Giặm, các cuộc vui hát giao duyên của nam nữ:

“Hát cho xa xôi ta xích lại;

 Hát cho xa gần, ta  xích lại… ‘’’

Hay trong bài; Giặm xẩm:

                        " Bà con ơi (chơ) nghĩ (ơ)  lại;

                        Cảnh nước mất nhà (ơ) tan;

                        (chơ) nỗi thống khổ muôn (ơ) vàn;

                        (chơ) khác chi loài trâu (ơ) ngựa;

                     Mà nỏ khác chi loài trâu (ơ) ngựa."

Trong ca từ của điệu Giặm thường toát lên tình cảm chân quê mộc mạc của con người xứ Nghệ mến khách, đậm tình làng nghĩa xóm; với cách sử dụng nét đẹp thiên nhiên của ngôn từ dân gian thật phong phú, đi vào lòng người " Gió hương đưa, trăng chỉ lối " qua bài "Mời trầu":

                   "... Gió hương đưa khách tới;

                        Trăng chỉ lối đưa đường;

                        Xin nhận miếng trầu thơm;

                        Bén duyên nhau ta xích lại thêm gần;

                        Câu Ví, Giặm ân tình đẹp miền quê xứ Nghệ."

Dân ca Nghệ Tĩnh mà tôi cảm nhận được qua lời ru của mẹ, qua điệu Ví, Giặm của cha, hòa với nét ca từ mang đậm chất dân gian thực sự khắc sâu trong tâm khảm đã tạo nên mạch nguồn tuôn chảy xuyên suốt không gian, đi suốt thời gian. Bởi câu dân ca Ví, Giặm thật ngọt ngào đã in đậm trong tâm trí mỗi con người xứ Nghệ. Đó là chùm khế ngọt, là dòng sông quê hương luôn mang trong mình truyền thống của biết bao thế hệ cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển. Như một nhạc sỹ đã kết hợp âm nhạc với ca từ đầy cảm xúc mang âm hưởng dân ca Ví, Giặm bởi: “ Những điệu Ví theo anh về mãi mãi; anh cứ mơ hoài, điều Ví, Giặm là em" ./.

 

Tài liệu tham khảo

1. Lê Hàm (2010),  Dân ca xứ Nghệ, NXB Nghệ An

2. Nguyễn Trung Kiên (2001) Phương pháp sư phạm thanh nhạc, NXB Văn hóa Dân tộc

3. Sở Văn hóa, Thông tin và Du Lịch Nghệ An (2014), Tuyển tập Dân ca xứ  Nghệ, Nxb Nghệ An.

4. Vi Phong (2000), Dân ca Nghệ Tĩnh, Nxb Sở Văn hóa, Thông tin Hà Tĩnh.