foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Tóm tắt

  Bài viết đề cập đến cơ sở lí luận, tính ưu việt và ưu thế của phương pháp thảo luận nhóm trong dạy học hòa nhập tích cực ở trường Đại học Hà Tĩnh, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng giờ thảo luận nhóm cho sinh viên đặc biệt là cách xử lý một số tình huống thường xảy ra khi thảo luận nhóm.

Từ khóa: Hòa nhập tích cực, thảo luận nhóm, phương pháp thảo luận nhóm.

Abstract: This article discusses the theory, the preeminence and advantages of group discussion method in teaching in active integration at Hatinh University, and proposing some solutions to improve the quality of group discussion for students, especially how to handle some common situations during group discussion.         

Keywords: Active integration, group discussion, group discussion method.

1. Đặt vấn đề

  Hiện nay do yêu cầu và thách thức của thời đại, ngành giáo dục và đào tạo nói chung và bậc đại học nói riêng phải thực hiện đổi mới phương pháp dạy học để thích ứng với thời đại. Khác với nhiều nước trên thế giới, việc đổi mới phương pháp dạy học của nước ta cũng như Trường Đại học Hà Tĩnh được tiến hành trong điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, tỉ lệ giảng viên có trình độ cao còn thấp. Trong bối cảnh này, yêu cầu giảng viên phải có nỗ lực bản thân rất lớn để biết tận dụng cái đã có trên cơ sở cải tiến cho phù hợp với dạy học mới, nghĩa là người dạy phải biết phát huy những công cụ dạy học, đặc biệt là những phương pháp dạy học đã có theo tinh thần dạy học mới. Dạy học từ người học, dạy học vì người học và dạy học bằng chính người học. Do đó, đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa là phủ sạch các phương pháp cổ truyền đã có và xây dựng các phương pháp dạy học hoàn toàn mới trên cơ sở phương tiện hiện đại mà chúng ta chưa có hoặc chưa phổ biến. Ngược lại, cần phải hiểu rằng, đổi mới phương pháp dạy học ở Việt Nam là một mặt phải tìm được tính ưu việt của phương pháp đã có và sử dụng nó một cách linh hoạt phù hợp (phù hợp với yêu cầu, mục tiêu dạy học ở từng giai đoạn phát triển của xã hội); mặt khác phải xây dựng các phương pháp mới dựa vào kinh nghiệm thế giới và hoàn cảnh cụ thể của đất nước để từng bước hiện đại hóa nền giáo dục Việt Nam. Vì vậy, vấn đề nâng cao hiệu quả phương pháp thảo luận nhóm trong dạy học tích cực mà chúng tôi đưa ra cũng xuất phát từ tinh thần đổi mới phương pháp dạy học ở nước ta và ở Trường Đại học Tây Bắc hiện nay.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Dạy học hòa nhập tích cực

Phương pháp dạy học hòa nhập tích cực là một thuật ngữ rút gọn để chỉ những phương pháp giáo dục, dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Phương pháp dạy học tích cực hướng tới việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, nghĩa là tập trung vào tính tích cực của người học chứ không phải tập trung vào phát huy tính tích cực của người dạy. Tuy nhiên, để phương pháp này đạt được hiệu quả, yêu cầu mỗi giảng viên phải nỗ lực đầu tư xây dựng, thiết kế bài giảng nhằm đáp ứng được yêu cầu của một giờ dạy theo hướng phát huy tính tích cực của sinh viên. Trong các phương pháp dạy học tích cực thì phương pháp thảo luận nhóm là một trong những phương pháp đáp ứng được yêu cầu hòa nhập và tích cực vì thế trong phạm vi bài báo chúng tôi đề cập đến phương pháp này.

2.2. Vài nét về thảo luận nhóm trong dạy học

2.2.1. Khái niệm về thảo luận nhóm

Theo Bermann E. : “Thảo luận nhóm là một hoặc nhiều cuộc gặp gỡ của một nhóm ít người, qua đó trao đổi trực tiếp với nhau. Nhờ vậy hoàn thành nhiệm vụ chung là đạt được mục đích cuối cùng của nhóm”.

Thảo luận nhóm là dạng hoạt động học tập thường gặp trong lớp học, các lớp tập huấn, các khoá bồi dưỡng, các cuộc hội thảo chuyên đề… Tuỳ vào từng hoàn cảnh mà có những cách thức tổ chức riêng và thực hiện theo đúng mục đích riêng, ví dụ như: chuyển giao thông tin, giải quyết một vấn đề đặt ra, giải thích một khái niệm, chủ đề, hoặc trao đổi kinh nghiệm….(Đặng Vũ Hoạt, 2013)

2.2.2. Đặc điểm của thảo luận nhóm

- Thảo luận nhóm là quá trình học tập lẫn nhau thông qua việc trao đổi, chia sẻ một cách tự do, cởi mở những ý tưởng, những quan điểm và thái độ (không kể đúng sai) đối với một nội dung, chủ đề đã được xác định.

- Trong thảo luận, các thành viên tham gia đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau và thường có quan hệ cùng đẳng cấp.

- Các thành viên tham gia thảo luận thường đã được tích luỹ trước các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm và biết dùng ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp để tranh luận ý kiến chủ quan của mình.

Những vấn đề được đưa ra trong thảo luận thường là những vướng mắc, những thành công, băn khoăn và cả các vấn đề liên quan đến nhu cầu nhận thức của mỗi cá nhân tham gia thảo luận 2.2.3. Tính ưu việt của phương pháp thảo luận nhóm

Phương pháp thảo luận nhóm cũng như các phương pháp dạy học cổ truyền khác như: thuyết trình, vấn đáp… ra đời rất sớm trong dạy học và cũng sớm khẳng định vai trò to lớn của nó. Trong phần “Quan thư thuộc bộ Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn, vấn đề thảo luận đã được đề cập tới. Theo Lê Quý Đôn, muốn viết văn (văn theo nghĩa rộng) phải có tam đa (ba nhiều): đi nhiều, đọc nhiều, thảo luận nhiều. Trong đó thảo luận là quan trọng nhất. Ông viết:

“Dữ quân nhất dạ ngữ

Thắng độc thập niên thư”

Có nghĩa là:

 “ Cùng anh nói chuyện một đêm

Còn hơn đọc sách bên đèn mười năm”

Ngày nay dưới ánh sáng mới của khoa học, chúng ta càng thấy rõ vai trò, tính ưu việt của phương pháp thảo luận nhóm trong dạy học và nhất là dạy học theo tinh thần mới ở bậc đại học. Với hệ phương pháp dạy học mới, dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm, quy trình bắt buộc phải là quy trình ba bước (3 bước vừa thể hiện thứ tự các bước thực hiện, vừa thể hiện sự đồng thời trong quá trình thực hiện). Đó là:

Bước 1: Nghiên cứu cá nhân

Trong bước này, yêu cầu học sinh phải nhận biết và hiểu biết vấn đề, định hướng giải quyết vấn đề, thu thập xử lý thông tin, tái hiện kiến thức, khái niệm, công thức… xây dựng các giải pháp giải quyết và xử lý tình huống, đưa ra kết luận kết quả.

Bước 2: Hợp tác với bạn

Từ những kết quả chủ quan của bản thân qua bước 1 được đưa ra thảo luận để từng bước toàn diện hoá và khách quan hoá kết luận của bản thân.

Bước 3: Hợp tác với thầy, học thầy và tự kiểm tra, tự điều chỉnh

Kiểm định kết quả, hoàn thiện kết quả theo sự hướng dẫn của thầy. Tranh thủ và chủ động hỏi thầy các vấn đề thắc mắc. Thông qua các thao tác kiểm định, hỏi đáp học sinh chủ động học hỏi cách diễn giải xử lý tình huống của thầy.

Như vậy, thảo luận nhóm đã thoả mãn hầu như cả ba bước của quy trình dạy học nhất là bước 1 và bước 2 của quy trình dạy học tích cực.

Thảo luận thực chất là sự cọ sát ý kiến của nhiều người. Các khái niệm, bản chất của hiện tượng, quá trình, quy luật qua thảo luận nhóm thường được bộc lộ một cách rõ ràng, minh bạch bằng sự phân tích, mổ xẻ của trí tuệ, nhiều người thông qua phương tiện ngôn ngữ và giao tiếp. Vậy thảo luận là cách củng cố kiến thức đồng thời tránh được sự sai lầm và phiến diện của nhận thức cá nhân. Mặt khác, thông qua tranh luận với người khác, thuyết phục người khác cũng chính là tự thuyết phục mình hiểu và nhớ sâu sắc hơn vấn đề cần bàn luận.

Thảo luận nhóm, thường có số người tham gia ít, nên mọi thành viên đều có cơ hội để hỏi, để tranh luận, để diễn giải nên thảo luận là biện pháp nâng cao nhận thức, kỹ năng phân tích giao tiếp, sử dụng ngôn từ và lập luận cho cả một tập thể. Ngoài ra, thảo luận còn có tác dụng rất lớn trong việc hình thành và bồi dưỡng cảm xúc, phát triển tư duy lôgíc, phát triển vốn từ.

2.2.4. Những ưu thế sử dụng phương pháp thảo luận nhóm trong dạy học

- So với dạy học ở các cấp phổ thông, phương pháp dạy học thảo luận nhóm ở môn phương pháp dạy học ở trường đại học có nhiều ưu thế, dễ thực hiện và dễ thành công.

- Trước hết về đối tượng thực hiện ở đây là những sinh viên đại học, trong quá trình học tập đã thể hiện tính tự nghiên cứu, tự học. Vì thế việc nhìn nhận vấn đề thảo luận, tìm tòi tư liệu thường sinh viên dễ tiếp thu và thực hiện dễ dàng.

-Về nội dung thảo luận: các vấn đề, các tri thức khoa học được trình bày qua giáo viên cũng như giáo trình đều là các vấn đề đang có sự tranh luận và là các giả thuyết, vì thế việc tạo ra vấn đề thảo luận thường dễ dàng hơn. Hơn nữa, đối với bộ môn phương pháp khối lượng kiến thức rất rộng bao gồm nhiều kiến thức. Các nội dung này có rất nhiều vấn đề có thể dạy học được theo phương pháp chia nhóm.

Mặt khác, ở từng trường đại học và cao đẳng, với phương pháp này phải kể tới hệ thống sách vở, tài liệu, tư liệu liên quan thường rất phong phú cả về số lượng, chủng loại và nguồn cung cấp.

-Về tâm lý cá nhân: Sinh viên đại học, cao đẳng tư duy, đặc biệt là tư duy logic đã phát triển ở trình độ cao, vốn từ sử dụng rất phong phú, khả năng biện luận phát triển ở mức độ cao (Hoàng Thị Minh Phượng - Phạm Thị Thúy, 2014).

2.3. Nâng cao hiệu quả thảo luận nhóm trong dạy học

2.3.1. Thế nào là giờ thảo luận nhóm đạt được hiệu quả?

Giờ thảo luận nhóm đạt hiệu quả là giờ thảo luận đạt được các yêu cầu cơ bản sau:

- Thảo luận nhóm phải giúp các thành viên tham gia thảo luận nhận ra vấn đề và hiểu biết vấn đề mà thảo luận đưa ra.

- Thảo luận nhóm phải tạo cơ hội để tất cả các thành viên bộc bạch quan điểm, cách giải quyết và kết luận vấn đề.

- Thảo luận nhóm phải tạo ra được một không khí, điều kiện để các cá nhân trao đổi một cách tự nhiên thoải mái nhưng phải đi đến một kết luận chung thể hiện tính thống nhất cao của nhóm.

- Thảo luận nhóm phải thực sự trở thành một buổi để các thành viên học tập lẫn nhau.

- Thảo luận nhóm phải giải quyết hết băn khoăn, thắc mắc của tất cả các cá nhân tham gia thảo luận.

- Thảo luận nhóm phải giữ được tính đoàn kết của nhóm và của toàn lớp học.

2.3.2. Cách thức và biện pháp nâng cao hiệu quả thảo luận nhóm

Để giờ thảo luận nhóm ở bất kỳ bậc học nào đạt hiệu quả cao liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều thao tác mà trong giờ thảo luận phải thực hiện được. Cụ thể gồm:

a. Xác định vấn đề thảo luận và cơ sở tài liệu

Vấn đề đưa ra thảo luận phải là các vấn đề trọng tâm của một bài, chương và thậm chí cho cả chương trình. Vấn đề đặt ra phải vừa phải (phù hợp với nội dung, đặc tính tâm lý, vừa sức, vừa thời gian) và phải là vấn đề học sinh có nhu cầu tìm hiểu và lĩnh hội. Vấn đề đặt ra thảo luận phải có tính kích thích tìm hiểu, đòi hỏi phải động não, sử dụng các thao tác có tính tư duy. Bên cạnh vấn đề đưa ra thảo luận, để buổi thảo luận đạt hiệu quả cao, giáo viên cần phải giới thiệu sách, tài liệu cần đọc, nguồn sưu tầm và ký hiệu (nếu có) để học sinh, sinh viên tìm đọc thuận lợi trong điều kiện thời gian ngắn.

b. Biên chế nhóm

Biên chế nhóm cũng là thao tác đóng vai trò lớn trong nâng cao hiệu quả thảo luận nhóm. Biên chế nhóm và thảo luận nhóm phải đảm bảo yêu cầu về mặt số lượng và chất lượng.

+ Về số lượng nhóm: số thành viên biên chế cho một nhóm phải vừa phải thì chất lượng thảo luận mới có hiệu quả. Nếu thành viên của mỗi nhóm thảo luận quá nhiều, hiệu quả thảo luận sẽ thấp. Số lượng thành viên nhiều sẽ làm cho các thành viên ít muốn trao đổi, ỷ lại và cũng có ít cơ hội trao đổi nên dễ nói chuyện riêng, mất trật tự. Ngược lại, số thành viên quá ít thì tính chất khách quan của kết luận hạn chế, đồng thời sẽ không kịp thời gian quy định. Theo kinh nghiệm cho thấy, với thời gian thảo luận từ  1 đến 2 tiết, số thành viên của nhóm phải vừa phải khoảng từ 7 đến 8 thành viên.

+ Về chất lượng: các thành viên được biên chế cho mỗi nhóm phải tương đối đồng đều về nhận thức và kinh nghiệm. Muốn phân nhóm đạt yêu cầu này, người giáo viên phải dựa vào kết quả học tập, các buổi học và có thể cả các sinh hoạt tập thể mà học sinh tham gia.

c. Chọn nhóm trưởng

Nhóm trưởng được chọn không phải hoàn toàn dựa vào trình độ chuyên môn, học vấn mà phải chủ yếu dựa vào năng lực tổ chức, điều khiển vì nhóm trưởng được coi như là “chủ toạ” của cuộc thảo luận. Người chủ toạ có năng lực tổ chức sẽ động viên kích thích được các thành viên tham gia, biết dẫn dắt và điều khiển thảo luận đi đúng mục đích, yêu cầu. Và có thể dự đoán được tình huống. Người điều khiển còn làm cho không khí thảo luận sôi nổi, linh hoạt tự nhiên thoải mái… Vì thế việc chọn nhóm trưởng thảo luận không nhất thiết cứng nhắc phải là các thành viên giữ các chức vụ khác nhau trong lớp mà phải là các học sinh, sinh viên năng nổ có năng lực trong sinh hoạt tập thể và điều khiển hội nghị.

d. Cách tiến hành thảo luận nhóm

Thảo luận nhóm thường được tiến hành theo hai cách khác nhau:

* Cách 1: Thành lập nhóm ổn định

Cách này thường được các nhóm thảo luận được duy trì cho đến hết buổi. Mỗi nhóm được tổ chức một chủ đề, một nội dung được phân công. Cách này thường được tổ chức theo các bước sau:

- Biên chế nhóm

- Giao nhiệm vụ và yêu cầu

- Thảo luận nhóm

- Các cá nhân đại diện trình bày

- Trao đổi, đóng góp ý kiến

- Giáo viên kết luận

* Cách 2: Thành lập nhóm không ổn định

Theo cách này các nhóm thảo luận có sự thay đổi trong thời gian thảo luận. Cách thảo luận này thường trao đổi nhiều vấn đề trong cùng một lúc và thường để tìm hiểu thông tin mới, bài học mới, dựa vào tài liệu chuẩn bị trước. Cách này có các bước sau:

- Giới thiệu sách, tài liệu, bài học cần đọc

- Tạo lập nhóm: việc chia nhóm phải dựa vào số lượng học sinh, sinh viên của mỗi lớp và dựa vào yêu cầu của một nhóm thảo luận hợp lý.

- Giao việc: dựa vào yêu cầu, trọng tâm bài giảng, thời gian thảo luận để định số chuyên đề cần tìm hiểu. Thông thường số chuyên đề giao cho sinh viên trong khoảng 1 đến 2 tiết là không quá 4 vấn đề, và 4 vấn đề đó được  giao cho các nhóm thảo luận.

- Chia nhóm nhỏ: dựa vào số vấn đề cần thảo luận để chia nhóm. Mỗi nhóm thảo luận một vấn đề.

- Tạo nhóm mới: sau khi tự nghiên cứu chủ đề được phân công, tất cả các thành viên từng nhóm nhỏ của các nhóm nghiên cứu một vấn đề tạo thành một nhóm mới. Mỗi nhóm đặt một tên gọi khác nhau, tuỳ theo nội dung.

- Lấy ý kiến giáo viên: các nhóm chuyên đề thảo luận đi đến kết luận và các thắc mắc không được giải quyết trình với giáo viên để lấy ý kiến.

- Hình thành chuyên gia: các thành viên trong nhóm chuyên đề do được nghiên cứu, thảo luận chuyên sâu một vấn đề nên mới hiểu sâu sắc nhất vấn đề thảo luận. Vì vậy, các thành viên chuyên đề sẽ trở thành các “chuyên gia” cho các nhóm lớn theo từng vấn đề.

- Quay về nhóm cũ: các chuyên gia của nhóm quay về nhóm ban đầu của mình và lần lượt thông báo lại những thông tin và kết luận của những vấn đề mình thảo luận.

e. Các tình huống xảy ra trong thảo luận và cách xử lý

Trong quá trình thảo luận nhóm sẽ có những tình huống xấu xảy ra, nếu chúng ta không phát hiện và có cách xử lý phù hợp thì sẽ hạn chế hiệu quả, nhiều khi đi trái ngược với yêu cầu của thảo luận nhóm.

Theo kinh nghiệm và thực tế giảng dạy cho thấy, khi thảo luận nhóm thường có các tình huống sau đây và chúng tôi đã xử lý đạt hiệu quả:

- Trong quá trình thảo luận, có những thành viên phát biểu quá nhiều lấn át các thành viên khác. Trường hợp này nhóm trưởng cần có những biện pháp kiềm chế, yêu cầu người đó dừng lại. Đồng thời phải chỉ định, gợi ý, kích thích các thành viên khác phát biểu. Nếu trường hợp nhóm trưởng quên thì giáo viên cần nhắc nhở nhóm trưởng thực hiện. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm dừng lại phải đúng lúc, yêu cầu dừng lại phải tế nhị.

- Khi tiến hành thảo luận có những ý kiến sai hoặc người diễn đạt chậm, khó hiểu thường gây bức xúc cho một số thành viên, phát biểu ngắt lời. Trong trường hợp này, đòi hỏi người điều khiển phải nhắc nhở họ tạm giữ ý kiến và chờ cho bạn phát biểu xong mới xin phép phát biểu.

- Có trường hợp, có ý kiến phát biểu đi xa trọng tâm chủ đề hoặc lạc đề. Người điều khiển cần chấn chỉnh lại bằng cách nhắc lại vấn đề cần bàn hoặc đưa ra một số câu hỏi để hỏi nhìn nhận được sự sai lệch và đi đúng quỹ đạo của thảo luận đề ra.

- Trong thảo luận có thể do số lượng người một nhóm quá đông thường dẫn tới việc nói chuyện riêng làm phân tán sự tập trung của các thành viên thảo luận. Trường hợp này người điều khiển cần phải nhắc nhở và có thể chỉ định một số cá nhân điển hình nói to ý kiến mà các cá nhân đang bàn luận riêng để mọi người cùng nghe.

- Cũng có trường hợp một số thành viên không hiểu cặn kẽ vấn đề hoặc do bản tính nhút nhát, lười phát biểu và trở thành thành viên im lặng. Trong trường hợp này, người điều khiển phải biết chỉ định, động viên kích thích và có thể gợi ý cho các thành viên tham gia thảo luận.

  1. Kết luận

Phương pháp thảo luận nhóm là phương pháp dạy học có nhiều ưu việt trong phương pháp dạy học tích cực. Tuy nhiên tính ưu việt đó chỉ được phát huy có hiệu quả khi người thực hiện biết cách tổ chức và hướng dẫn thực hiện từ khâu giao nhiệm vụ đến các khâu tổ chức thảo luận. Đối với phương pháp này, đòi hỏi người giáo viên không chỉ có kiến thức mà cần phải có nghệ thuật tổ chức, điều khiển lớp học. Có như vậy giờ học mới có thể thành công, gây hứng thú cho người học và đó cũng là bài học cho sinh viên sau này khi dạy học ở các trường phổ thông.

  1. Đặng Vũ Hoạt (2013), Lý luận học đại học, NXB Trường Đại học Sư phạm.
  2. Nguyễn Thị Minh Phượng, Phạm Thị Thúy (2011), Cẩm nang phương pháp sư phạm, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Nguyễn Thị Minh Phượng - Phạm Thị Thúy (2014), Cẩm nang phương pháp sư phạm - Những phương pháp và kỹ năng sư phạm hiện đại, hiệu quả từ các chuyên gia Đức và Việt Nam, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
  4. Lê Vinh Quốc (2011), Chuyên đề đổi mới dạy học theo khoa học giáo dục hiện đại, NXB Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Nguyễn Thành Nhân (2014), Đánh giá kết quả học tập môn học theo định hướng phát triển năng lực sinh viên, NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
  6. Phạm Thành Nghị (2000), Quản lý chất lượng giáo dục đại học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  7. Phan Thị Hồng Vinh (2010), Phương pháp dạy học, NXB Trường Đại học Sư phạm.
  8. Trường Đại học Thủ đô Hà Nội (2016), Kỉ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia, Đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, Hà Nội.