foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Phạm Hổ là một nhà thơ gắn bó và quen thuộc với bạn đọc nhỏ tuổi trong nước. Ở lĩnh vực sáng tác cho trẻ thơ, Phạm Hổ đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể. Có thể nói Phạm Hổ là nhà thơ tiêu biểu, xuất sắc có nhiều đóng góp cho nền văn học thiếu nhi nước nhà. Suốt cả cuộc đời của mình, Phạm Hổ nghiệm ra rằng: “Lứa tuổi bạn đọc mà tôi yêu và thích viết nhất là lứa tuổi nhi đồng”. Là một người dành nhiều tình yêu thương cho trẻ nhỏ, Phạm Hổ hiểu rất rõ những băn khoăn, thắc mắc của các em về mọi điều trong thế giới xung quanh. Vì vậy, khi làm thơ cho trẻ nhỏ, Phạm Hổ đã luôn nhìn thế giới xung quanh bằng chính cặp mắt xanh non, ngơ ngác của chính các em. Đối với trẻ thơ, thế giới xung quanh thật là diệu kì, cái gì cũng lạ lẫm khiến các em muốn biết, muốn hỏi: Vì sao lại thế này ? Sao không phải thế kia ? Sao không thấy ? Nó ở đâu ?... Đây chính là lí do giải thích vì sao Phạm Hổ lại sử dụng nhiều câu hỏi - đáp trong thơ viết cho các em. Và cách tạo kết cấu theo lối hỏi - đáp để mang lại cho trẻ sự bất ngờ, thú vị về thế giới xung quanh đã trở thành một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của thơ Phạm Hổ.

Tìm hiểu và nghiên cứu trên 9 tập thơ viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ (Chú bò tìm bạn, Em thích em yêu, Những người bạn nhỏ, Bạn trong vườn, Từ không đến mười, Mẹ, mẹ ơi cô bảo, Những người bạn im lặng, Chú Vịt Bông, Những người bạn ồn ào),  chúng tôi nhận thấy trong tổng số các bài thơ viết cho các em có tới một phần tư số bài được viết theo lối kết cấu hỏi - đáp: Rình xem mặt trời ; Dê con đòi bú ; Lúa và gió ; Bướm em hỏi chị; Ngủ rồi; Bê hỏi mẹ; Gà con và quả trứng; Đất và hoa; Hoa sen, hoa đào; Hoa hồng; Soi gương; Kim đồng hồ; Áo mưa; Sen nở, Vì sao ?; Thỏ dùng điện thoại;…

Bằng những câu hỏi - đáp, Phạm Hổ đã khơi gợi sức tưởng tượng, tư duy và nhận thức của trẻ về thế giới xung quanh. Và qua đó, thiên nhiên, cuộc sống như bỗng sinh động hẳn lên. Cũng đều sử dụng lối kết cấu hỏi - đáp, nhưng mỗi bài thơ lại hướng tới những mục đích khác nhau:

- Có những bài thơ sử dụng lối hỏi - đáp là để nhằm kích thích trí tưởng tượng và óc thông minh của các em. Qua đó, giúp các em tìm hiểu, khám phá môi trường xung quanh, như hoa hồng thì thơm, mía thì lại ngọt, mặt trời làm nước bốc hơi, trứng nở thành gà,…

Đây là sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của em bé trước mùi thơm kì diệu của bông hồng:

“- Ai đã xức nước hoa

Mà hoa hồng thơm thế ?

Mẹ hoa hồng đấy thôi

Xức cho hồng từ bé.”

                      (Hoa hồng)

"Sáng mát mẹ phơi áo

Chiều xế mẹ lấy vào

Bé sờ áo, hỏi mẹ:

“Nước trên áo đi đâu?"

Mẹ cười chỉ mặt trời:

“Ông mặt trời uống đấy!”

Bé tin mẹ, hỏi thêm:

“Uống lúc nào không thấy...?”

...

Hôm sau múc bát nước

Bé để chỗ vắng người

Vào nhà nấp khe cửa

Bé rình xem Mặt trời...!"

(Rình xem mặt trời)

- Có những bài thơ sử dụng lối hỏi - đáp chỉ để bộc lộ sự ngây thơ, ngỗ nghĩnh, trong sáng, hồn nhiên của trẻ thơ. Bằng cách diễn tả những quy luật lô gic rất riêng trong nhận thức và suy nghĩ chỉ có ở trẻ thơ, Phạm Hổ đã tái hiện cả một thế giới trẻ thơ đầy thắc mắc và nhầm lẫn, nhưng lại vô cùng ngỗ nghĩnh và đáng yêu. Hình ảnh của các em hiện lên và mang theo nụ cười đến cho mọi người:

Đọc bài thơ “Thỏ dùng máy nói”, ai cũng phải bật cười trước sự đa nghi của một chú thỏ. Thỏ ta dùng điện thoại gọi cho bạn nhưng cứ nhất thiết muốn người nói ở đầu dây bên kia phải lộ diện thì mới tin đó là bạn của mình:

“Thỏ đây! Ai nói đấy?

Mèo à ? Mèo thế nào?

Mình không nhìn thấy cậu

Nhỡ đứa khác thì sao? "

Còn đây là một đàn gà con muốn thể hiện là những đứa con ngoan ngoãn, biết vâng lời mẹ, nên không biết là mình đang nói dối. Vì vậy, ngủ rồi mà vẫn tranh nhau trả lời:

"Gà mẹ hỏi gà con:

- Đã ngủ chưa đấy hả?

Cả đàn gà nhao nhao

- Ngủ cả rồi đấy ạ”

                (Ngủ rồi)

Phạm Hổ dùng lối hỏi - đáp trong thơ, ngoài mục đích giúp các em khám phá môi trường xung quanh còn mong muốn đem đến cho các em nhiều bài học bổ ích trong cuộc sống:

Qua sự hỏi - đáp của Bướm em và bướm chị, của Cua con với Cua mẹ,...,   Phạm Hổ đã giúp các em  làm quen với thế giới xung quanh: hạt sương, chú gió, chị lúa, ... và qua đó còn dạy các em về tình yêu thương, sự quan tâm đối với bè bạn:

Chị ơi, vì sao

Hoa hồng lại khóc ?

Không phải đâu em

Đấy là hạt ngọc

Người gọi là sương

Sao đêm gửi xuống

Tặng cô hoa hồng...!

     (Bướm em hỏi chị)                                        

Cua con hỏi mẹ

Dưới ánh trăng đêm

Cô lúa đang hát

Sao bỗng lặng im ?

Đôi mắt lim dim

Mẹ cua liền đáp

Chú gió đi xa

Lúa buồn không hát

(Lúa và gió)

Câu hỏi của Bướm em, của Cua con là những câu hỏi thường thấy ở các cô bé, cậu bé giàu tình yêu thương và biết quan tâm đến người khác. Và qua lời giải đáp của bướm chị và cua mẹ, Phạm Hổ đã giúp các em cảm nhận được tình bạn bè gắn bó thắm thiết và sự quan tâm lẫn nhau giữa “sao đêm” và “hoa hồng”, giữa “chú gió” và “chị lúa”.

Phải sống bằng chính cuộc sống của các em và phải suy nghĩ theo lối suy nghĩ của các em thì Phạm Hổ mới tạo ra được những câu hỏi ngỗ nghĩnh, đáng yêu và trẻ thơ đến như vậy. Và hơn thế, điều tuyệt vời ở thơ Phạm hổ còn là ở những câu đáp. Lời đáp trong kết cấu hỏi - đáp ở thơ Phạm Hổ luôn nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc và ý vị. Mỗi lời đáp là một bài học sâu sắc dành cho trẻ. Chỉ bằng một lời đáp: “Một đứa khóc đủ rồi/ Soi chi thành hai đứa”, người bố đã dạy cho con mình không nên khóc nhè, khóc nhè là rất xấu:

“Có ai đang khóc nhè

Mà soi gương không bố

Một đứa khóc đủ rồi

Soi chi thành hai đứa”

(Soi gương)

- Có những bài thơ sử dụng lối hỏi đáp là để gắn kết trẻ thơ với thiên nhiên, với thế giới loài vật, đồ vật, cây cối, hoa trái bốn mùa. Với mục đích sử dụng lối hỏi - đáp như vậy, Phạm Hổ muốn các em nhận ra rằng các con vật, đồ vật, cây cối xung quanh các em cũng có linh hồn và sự sống. Hơn nữa, chúng rất cần thiết cho đời sống của các em. Vì vậy, các em hãy xem chúng như những người bạn, hãy biết nâng niu và chăm sóc chúng như chính những người bạn của mình. Thuộc về lối hỏi - đáp này thường là những bài thơ có câu hỏi chính là lời thắc mắc trực tiếp của các em, như bài “Hoa sen, hoa đào”, “Áo mưa”, “Sen nở”,...

Trong bài thơ “Sen nở”, qua sự thắc mắc của bé: “- Ao gần/ Ao xa/ Giờ nào/ Sen nở ?/” và qua lời đáp của người cha: “Con ơi/ Sen nở/ Không như/ Cửa sổ/ Tay người/ Mở ra.../ Con ơi/ Sen nở/ Như người/ Lớn lên/ Ngồi rình/ Mà xem/ Nào ai/ Thấy rõ !”, Phạm Hổ muốn nói với các em rằng muôn vàn cây cối xung quanh các em cũng có nhịp đập của sự sống, chúng cũng lớn lên từng ngày như chính các em.

Bài thơ “Hoa sen, hoa đào” giúp các em nhận ra rằng sở dĩ các em và mọi người có thể thưởng thức hoa đẹp trong suốt bốn mùa là nhờ có công của các loài hoa đã biết phân công cho nhau theo mùa để nở:

“Sao hoa sen, hoa đào

Không nở cùng một lúc ?

Hoa chia nhau trực mùa 

Như các con trực lớp”

Qua bài thơ “Áo mưa”, bằng lời đối thoại của bé và mẹ, Phạm Hổ muốn các em biết yêu quý, gìn giữ mọi đồ vật xung quanh, vì chúng chính là những “người bạn” rất cần cho cuộc sống của các em:

“Trời mưa như trút nước

Người con vẫn ráo khô !

Con hãy thương cái áo

Chịu hết cả cơn mưa”.

Có thể nói, cách tổ chức ngôn ngữ nghệ thuật bằng lối kết cấu hỏi - đáp là một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của thơ Phạm Hổ viết cho các em. Với thủ pháp nghệ thuật này, Phạm Hổ đã tái hiện được cả một thế giới trẻ thơ đầy tưởng tượng, nhầm lẫn và thắc mắc. Và cũng bằng cách đó, Phạm Hổ đã giúp các em khám phá được nhiều điều kì diệu, “nhiều chuyện rất thật mà lạ vô cùng” về thế giới xung quanh. Qua đó, Phạm Hổ muốn mang đến cho các em những bài học về thế giới tự nhiên, về môi trường xung quanh, về lóng nhân ái, tình yêu thương giữa con người với cỏ cây và loài vật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Đăng Khoa, Hà Huy Tuyết. Tuyển tập Phạm Hổ. Nhà xuất bản Văn học.H, 1999

2. Lã Thị Bắc Lý. Giáo trình văn học trẻ em. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. H, 2003.

3. Trần Đức Ngôn, Dương Thu Hương. Văn học thiếu nhi Việt Nam. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. H, 2005.