Âm nhạc được xem là một trong những phương tiện hữu hiệu để giáo dục thẩm mĩ cho trẻ, đặc biệt đối với trẻ trước tuổi học. Những hoạt động mang tính nghệ thuật như ca hát, nhảy múa… là một nhu cầu không thể thiếu đối với trẻ. Qua đó, âm nhạc góp phần tích cực trong việc phát triển ở trẻ cảm xúc thẩm mĩ, bồi dưỡng thị hiếu trong sáng, khuyến khích trẻ cảm nhận cái đẹp.
Giáo dục thẩm mĩ nhằm phát triển ở trẻ khả năng cảm thụ, lĩnh hội và hiểu cái đẹp, phân biệt được cái đẹp, hoạt động độc lập và sáng tạo trong khi tiếp xúc với các dạng hoạt động khác nhau.
Âm nhạc được coi là một phương tiện giáo dục thẩm mĩ có hiệu quả nhất đối với trẻ em. Giai điệu trầm bổng, tiết tấu nhịp nhàng, âm nhạc đã đưa trẻ vào thế giới của cái đẹp một cách thích thú và hấp dẫn. Những hình ảnh của con vật, của sự vật hiện tượng được nhân cách hóa, hòa quyện vào những nét đẹp của con người như: Chim chích bông (Văn Dung - Lời thơ: Nguyễn Viết Bình), Chú mèo con (Nguyễn Đức Toàn)… đã giúp trẻ cảm nhận, phân biệt, yêu quí cái đẹp và đây cũng là mầm mống cho sự sáng tạo cái đẹp. Thị hiếu âm nhạc trong sáng, lành mạnh là cái nền của tình cảm thẩm mĩ tốt đẹp.
Trong các bộ môn nghệ thuật, âm nhạc được coi là phượng tiện hiệu quả nhất để hình thành mối quan hệ thẩm mĩ với âm nhạc trong ý thức của trẻ một cách sâu sắc. Quan hệ thẩm mĩ với âm nhạc là sự phản ánh âm nhạc trong ý thức của trẻ, sự hình thành những quan hệ giữa trẻ và âm nhạc, đó là một tập hợp những mối liên hệ có lựa chọn của riêng trẻ với các tác phẩm âm nhạc và các dạng hoạt động âm nhạc. Quan hệ thẩm mĩ thể hiện những kinh nghiệm của riêng trẻ và xác định những hoạt động cũng như mọi cảm xúc gắn với âm nhạc ở trẻ và có ý nghĩa to lớn trong sự phát triển nhân cách trẻ.
Trong quá trình cảm thụ và thể hiện âm nhạc trẻ trải nghiệm những xúc động sâu sắc. Trong khi nghe nhạc trẻ cảm nhận được tính chất, tình cảm của âm nhạc, hưởng ứng những trạng thái cảm xúc có trong tác phẩm. Đồng thời âm nhạc cũng dẫn dắt trẻ đến những hiện tượng sống động của đời sống, giúp trẻ hình thành sự liên tưởng. Nhịp điệu rắn rỏi của bản hành khúc gợi cho trẻ niềm vui, hào hứng, phấn khởi… Bài hát "Ru em búp bê ngủ" đưa trẻ đến với tình cảm dịu dàng, nhẹ nhàng. Từ đó, nảy sinh tình yêu với âm nhạc, hứng thú và nhu cầu hoạt động âm nhạc.
Trong quá trình tiếp xúc với âm nhạc thị hiếu âm nhạc ở trẻ được hình thành trên cơ sở tích lũy được hoạt động âm nhạc như chăm chú lắng nghe, biết so sánh và đánh giá những khái niệm âm nhạc đơn giản và dễ hiểu nhất như biết phân biệt những phương tiện diễn tả cơ bản của âm nhạc: âm thanh cao thấp, to nhỏ; âm sắc của các giọng hát, nhạc cụ; phân biệt tính biểu cảm của các hình tượng âm nhạc khác nhau: tính êm dịu, ngân nga của đường nét giai điệu, tính sôi nổi, linh hoạt của nhịp điệu…; nhận biết được cấu trúc âm nhạc sơ giản nhất (của đoạn chậm và đoạn nhanh…).
Cuối cùng, phát triển khả năng thể hiện âm nhạc một cách độc lập và sáng tạo ở trẻ. Cụ thể:
- Tai nghe giai điệu tiết tấu và cảm giác về điệu tính.
- Biết thể hiện một cách diễn cảm trong các hoạt động âm nhạc như hát, múa, trò chơi âm nhạc.
- Có yếu tố sáng tạo trong các hoạt động biểu diễn âm nhạc
- Biết đánh giá chất lượng biểu diễn của bạn.
Nhìn chung, mức độ phát triển khả năng âm nhạc cũng đồng thời với mức độ hình thành khả năng thẩm mĩ của trẻ. Hay âm nhạc có vai trò to lớn trong giáo dục thẩm mĩ cho trẻ Mầm non.
Được tiếp xúc với âm nhạc, qua lời ca, giai điệu của các bài hát, bản nhạc giúp trẻ tưởng tượng, học nói lên cảm xúc của mình, trẻ thấy được mình có thể diễn tả những ý nghĩ, những mơ ước, những cảm xúc mạnh mẽ. Ở một chừng mực nào đó trẻ sẽ biết nhận xét, trao đổi với nhau sự cảm nhận của ý nghĩa lời ca, âm điệu, tiết tấu... của mình. Đó chính là ý nghĩa của giáo dục thẩm mĩ. Tiếp xúc với âm nhạc sẽ tạo cho trẻ có những sự ham thích khác nhau, xuất hiện dần quan hệ lựa chọn. Đó chính là cơ sở của việc hình thành thị hiếu âm nhạc. Những hình ảnh, ca từ trong bài hát rất giản dị, có tính nghệ thuật, phù hợp với lứa tuổi sẽ hình thành ở trẻ thị hiếu âm nhạc trong sáng, lành mạnh, là cơ sở của tình cảm thẩm mĩ, đạo đức tốt đẹp. Ví dụ: "Hoa trường em" - (Dương Hưng Bang) đã tạo dựng hình ảnh của cháu bé 3-4 tuổi với Bác Hồ kính yêu thật là đẹp. Lời ca trên giai điệu bay bổng như nhắn gửi, nhắc nhở các em biết vâng lời cô và chăm ngoan học giỏi.
Âm nhạc là một trong các bộ môn nghệ thuật giáo dục cái đẹp cho trẻ. Âm nhạc chân chính có giá trị nghệ thuật cảm hóa mọi người cùng hướng tới cái đẹp. Những hình ảnh mang biểu trưng về cái đẹp được thể hiện rõ trong các bài: Vườn trường mùa thu, Những khúc nhạc hồng, Chị ong nâu và em bé, Cá vàng bơi, Em là bông hồng nhỏ, Ngày vui của bé, Con cò cánh trắng, Gác trăng, Con gà trống, Bà còng đi chợ, Năm ngón tay ngoan, Bài ca đi học… Những hình ảnh đó đã nuôi dưỡng cho tâm hồn trẻ những nhận thức về cái đẹp. Từ nhận thức cái đẹp một cách khách quan đi vào chiều sâu thế giới chủ quan của trẻ.
Âm nhạc giáo dục tình cảm thẩm mĩ cho trẻ, trong đó có cái đẹp về cách ứng xử, giao tiếp với ông bà, cha mẹ, cô giáo, bạn bè và những người trong cộng đồng. Vận động theo nhịp điệu cũng như các động tác múa giúp trẻ bộc lộ cảm xúc khi nghe hát nghe nhạc.
Trong khi vận động theo nhạc, trẻ không chỉ cảm nhận, hưởng ứng với trạng thái cảm xúc có trong tác phẩm mà đồng thời trẻ còn cảm thấy cái đẹp trong các động tác, hình thể của mình, của các bạn. Điều này làm cho cảm xúc của trẻ thêm phong phú. Trên cơ sở đó trẻ thêm hứng thú với âm nhạc, thêm yêu thích và nảy sinh nhu cầu hoạt động âm nhạc cũng như hoạt động nghệ thuật.
Trong quá trình vận động theo nhạc trẻ hình dung ra các hình tượng khác nhau và tưởng tượng theo cách của mình, phối hợp với các động tác biến đổi, sáng tạo để hình thành những động tác mới lạ. Đây là cơ sở ban đầu của sự sáng tạo cái đẹp ở trẻ.
Được múa, vận động trong tập thể, trẻ dần biết nhận xét, đánh giá chất lượng biểu diễn của bạn từ đó rút ra kinh nghiệm cho chính mình. Vì vậy, giáo dục thị hiếu thẩm mĩ cho trẻ thông qua hoạt động âm nhạc trong trường Mầm non làm phong phú thêm đời sống tinh thần của trẻ, giúp trẻ cảm thụ cái đẹp tốt hơn.
Thông qua các hoạt động âm nhạc, kĩ năng vận động theo nhạc, tai nghe cũng như khả năng cảm nhận tiết tấu, giai điệu của trẻ ngày càng phát triển. Trẻ biết thể hiện một cách diễn cảm những hoạt động mang tính nhịp điệu, cũng như có yếu tố sáng tạo trong hoạt động biểu diễn, biết đánh giá chất lượng vận động. Từ đó trẻ thêm hứng thú, say mê với các hoạt động nghệ thuật và nhiệm vụ giáo dục thẩm mĩ cho trẻ thông qua âm nhạc cũng sẽ đạt được kết quả nhất định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Hòa (2009), Tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ ở trường mầm non theo hướng tích hợp, Hà Nội.
2. Hồng Văn Yến (chủ bin) v nhiều tc giả (2007), Trẻ mầm non ca ht, Nxb m nhạc, Vụ Gio dục Mầm non.