foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Some features of individual components in the composition of place-names in Ha Tinh

 Abstract: Our main purpose in this article is to introduce some specific features of individual components in the composition of place-names in Ha Tinh.Thereby, we see the linguistic and cultural characteristics expressed through the identification of this domain identifier.

             Features such as the number of elements in a particular element, the linguistic origin of an individual component, the structure of a particular element, etc., have distinct characteristics derived from the linguistic element. This area's own chemistry. Such manifestations, as will be seen, will be fully and adequately considered in the description of the identifying subject attached to the site. It also contributes to the general problem of the composition of the Vietnamese language and its variants across the country.

Key words: Nghe Tinh dialects, place-names, Ha Tinh landmarks.

1. Mở đầu: Trong phức thể địa danh, thành tố riêng là thành tố thứ hai luôn đứng sau danh từ chung (thành tố A). Đặc điểm cấu tạo này của địa danh trong tiếng Việt khác với đặc điểm cấu tạo địa danh trong ngôn ngữ một số nước, chẳng hạn như tiếng Pháp: các địa danh La Seine (sông Sen), Le Rhin (sông Ranh), chúng đều không có danh từ chung đứng trước mà có mạo từ xác định le, la để xác định đối tượng. Điều vừa nêu cho thấy vị trí của thành tố riêng trong phức thể địa danh tiếng Việt là rất ổn định, luôn luôn và bao giờ cũng đứng sau thành tố chung làm nhiệm vụ hạn định cho thành tố này.

Thành tố riêng gồm những từ, cụm từ có chức năng gọi tên cho từng đối tượng địa lý, được tách ra trong hàng loạt lớp loại hình khác nhau. Về thực chất, việc xem xét, định giá vai trò của các thành tố, các yếu tố trong phức thể địa danh là trực tiếp đề cập đến cấu tạo từ tiếng Việt

2. Cũng giống như thành tố riêng chỉ địa danh ở các địa bàn khác, với tư cách là một bộ phận trong từ vựng, địa danh Hà Tĩnh vừa mang trong mình những nét chung phổ quát của tiếng Việt, vừa thể hiện được những đặc thù của phương ngữ, văn hóa vùng Nghệ Tĩnh. Chẳng hạn, thành tố riêng được cấu tạo bởi những yếu tố Hán - Việt như (làng) Đông Thái, Tùng Ảnh, Tiên Điền, Trường Lưu… là không có gì đặc biệt. Nhưng với những yếu tố như: đồông Trôộc Lở, chọ Đập, choi Trẽn, trọt Vèng… thì mang dấu ấn của tiếng địa phương Nghệ Tĩnh. Như vậy, việc tìm hiểu phức thể địa danh, nhất là tìm hiểu thành tố riêng sẽ cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin về đặc trưng sử dụng ngôn ngữ của từng vùng miền.

2.1. Về số lượng các yếu tố trong thành tố riêng

Trong hơn một vạn rưỡi phức thể địa danh mà chúng tôi thu thập được ở Hà Tĩnh, xét về độ dài, các yếu tố trong thành tố riêng là khác nhau. Cụ thể, đặc điểm cấu tạo của thành tố riêng trong địa danh Hà Tĩnh, xét về số lượng yếu tố tham gia được chúng tôi khái quát thể hiện ở bảng tổng hợp dưới đây.

Kết quả thống kê thành tố riêng theo số lượng yếu tố

 

TT

Số lượng yếu tố

Loại hình tên riêng

Tổng Cộng

Tỷ lệ %

Địa danh tự nhiên

Địa danh cư trú hành chính

Địa danh xây dựng

1

Một yếu tố

2.758

965

757

 4.480

28,21

2

Hai yếu tố

6.259

2.798

2.013

11.070

69,70

3

Ba yếu tố

79

48

  158

   285

 1,80

4

Bốn yếu tố

7

6

   16

    29

  0,18

5

Năm yếu tố

   

    9

    9

  0,05

6

Sáu yếu tố

   

    4

    4

  0,02

7

Bảy yếu tố

   

   4

    4

  0,02

Cộng

9.103

3.817

2.961

15.881

100

Từ kết quả thống kê ở bảng trên, chúng ta thấy rằng thành tố riêng trong phức thể địa danh ở Hà Tĩnh phổ biến nhất là loại 2 yếu tố (hai âm tiết) gồm 11.070 thành tố, chiếm 69,70%; tiếp đến là loại 1 yếu tố (một âm tiết) 4.480 thành tố, chiếm 28,21%; loại thành tố riêng có cấu tạo 3 yếu tố (ba âm tiết) là 285 trường hợp, chiếm 1,80%; loại 4 yếu tố là 29 trường hợp, 0,18%; loại từ 5 yếu tố trở lên có số lượng giảm dần, chỉ còn một vài trường hợp.

Sự phân bố số lượng các yếu tố trong thành tố riêng ở từng loại hình địa danh là khác nhau. Thành tố riêng trong phức thể địa danh chỉ các đối tượng địa lý tự nhiên được cấu tạo từ 1 hoặc 2 yếu tố không có thành tố riêng nào có cấu tạo từ 5 yếu tố trở lên, loại có 3, 4 yếu tố cũng rất ít. Loại thành tố riêng có từ 5 yếu tố trở lên đều thuộc loại hình địa danh xây dựng, chủ yếu gắn với các địa danh liên quan đến đời sống văn hóa tinh thần. Một đặc điểm chung là dù ở nhóm loại hình địa danh nào thì loại thành tố riêng có cấu tạo 2 yếu tố cũng chiếm tỷ lệ cao. Điều này phản ánh xu thế chung của cấu tạo từ tiếng Việt - xu thế “song âm tiết hoá”.

2.2. Về cấu trúc của thành tố riêng

Chúng ta biết rằng, phương thức ghép (dựa trên quan hệ ý nghĩa) và phương thức láy (dựa trên quan hệ ngữ âm) là hai phương thức cấu tạo từ cơ bản của tiếng Việt. Tuy nhiên, việc tạo tên riêng nói chung, tên riêng trong địa danh nói riêng liên quan trực tiếp hơn, cụ thể hơn với phương thức ghép. Qua khảo sát địa danh ở Hà Tĩnh, trong tổng số hơn một vạn rưỡi địa danh, chúng tôi nhận thấy, gần như tất cả các thành tố riêng có hai yếu tố trở lên của phức thể địa danh đều được cấu tạo bởi hai phương thức ghép vừa nêu. Trong khi đó, các địa danh được tạo ra từ phương thức láy là rất ít, chẳng hạn như: khe Hiêu Hiêu (hay Hau Hau) (TH); rú Thình Thình (CL); bại Rènh Rènh (CX)... Một số trường hợp mô phỏng ngữ âm khi chuyển đổi giữa địa danh có tên Nôm thành địa danh Hán - Việt như: kẻ Ngù - Cổ Ngu (ĐT) kẻ Bợt- Tiền Bạt (TP); kẻ Treo- Độ Liêu... Khác với phương thức láy, phương thức ghép đã đóng vai trò gần như tuyệt đối cấu tạo nên hầu hết thành tố riêng đối với các loại địa danh trên toàn bộ địa bàn khảo sát. Ví dụ: làng Trại Lê (CL) làng Vạn Căn (HK), làng Hữu Bằng (HS)... (ghép chính phụ); làng Yên Lạc (CL), làng Lạc Thiện (ĐT), huyện Lộc Hà... (ghép đẳng lập).

Ngoài hai hình thức láy và ghép, thành tố riêng trong phức thể địa danh Hà Tĩnh còn có kiểu quan hệ chủ - vị (Subject – predicative realation). Ví dụ như: đập Khe Lang (ĐT) đập Khe Thờ (CL) cầu Đập Mới (TH)…

Như vậy về mặt cấu tạo, các thành tố riêng trong phức thể địa danh ở Hà Tĩnh có sự xuất hiện các kiểu quan hệ ở bậc cú pháp như: chính phụ, đẳng lập, chủ vị. Quan hệ cú pháp vừa nêu đã xâm nhập xuống bậc từ pháp để cấu tạo các địa danh ở Hà Tĩnh. Đây cũng chính là đặc điểm chung có tính đặc trưng trong bình diện cấu tạo từ tiếng Việt, điều mà theo các nhà nghiên cứu là không xảy ra trong các ngôn ngữ Ấn - Âu.

2.3. Về nguồn gốc ngôn ngữ của thành tố riêng

a. Thành tố riêng thuần Việt và Hán - Việt

Cũng như vốn từ vựng của tiếng Việt nói chung, trong địa danh Hà Tĩnh các yếu tố chủ yếu có nguồn gốc thuần Việt và Hán - Việt. Thành tố riêng có nguồn gốc thuần Việt xuất hiện ở 11.021 địa danh, chiếm 69,40%. Trong đó các địa danh tự nhiên là 8015 trường hợp, 50,47%; địa danh cư trú hành chính là 1.037 trường hợp, 6,53%; địa danh xây dựng là 1969 trường hợp, 12,39%. Tên riêng thuần Việt có thể kể tên như: đồng Trọt, đồng Bàu, đồng Bến, đồng Cồn, đồng Lẹch, đồng cồn Chăm, đồng Lở,… (CL) hay chợ Vực, chợ Eo, chợ Lối (CL) chợ Gát, chợ Sôông, chợ Dà, chợ Kênh… (TH) chợ Giấy, chợ Trổ (ĐT), xóm Tròi, xóm Mòi, xóm Lau (CL), xóm Lợi, xóm Hanh, xóm Bèo (TH)… đền Củi (NX) chùa Nen (TH) đền Nướt (CX)… Nhiều nhất trong loại tên riêng có nguồn gốc thuần Việt là kiểu cấu tạo đi kèm với thành tố chung đồông (cánh đồng), các thành tố chung chỉ vùng đất nhỏ như: bại, cồn, dăm... Trong khi đó, loại tên riêng có nguồn gốc Hán - Việt trong các loại địa danh vừa nêu (kết hợp với đồông, bại, cồn, dăm) có số lượng rất ít, như: đồông Phú, đồông Thượng, đồông Đại… (ĐT). Một số thành tố chung thuộc loại hình địa lý xây dựng gắn với đời sống tâm linh như: nhà thờ, nghĩa trang liệt sỹ,… không đi với thành tố riêng có nguồn gốc thuần Việt.

 Thành tố riêng có nguồn gốc Hán - Việt là 3.794 trường hợp, chiếm 23,89%. Trong đó, địa danh tự nhiên là 569 trường hợp, chiếm 3,58%; địa danh cư trú hành chính là 2.493 trường hợp, chiếm 15,69%; địa danh xây dựng là 732 trường hợp, chiếm 4,61%. Như vậy, có thể nhận thấy đối với loại thành tố riêng có nguồn gốc Hán - Việt thì loại hình địa danh cư trú hành chính như: làng, xã, huyện... chiếm ưu thế. Gần như tất cả tên riêng hai yếu tố trở lên gắn với các đơn vị dân cư đều có nguồn gốc Hán - Việt. Ví dụ: (làng) Yên Cư, Hương Đình, Yên Lạc, Yên Trạch, Ban Long, Tam Đa, Trà Dương, Văn Cử, Mỹ Hoà,... (CL), Tùng Ảnh, Đông Thái, Yên Hồ, Lạc Thiện… (ĐT) (xã) Kỳ Khang, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc, Kỳ Ninh (KA), Thạch Vĩnh, Thạch Đài, Thạch Khê (TH) Cẩm Quang, Cẩm Thành, Cẩm Huy (CX) Thiên Lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc (CL). Các tên huyện như: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Hương Khê đều là thành tố riêng có nguồn gốc Hán - Việt. Hiện tượng này là phổ biến cho hầu hết tên gọi địa danh ở nhiều vùng miền khác. Bởi lẽ trong giao tiếp hàng ngày, người Việt có thói quen dùng các tên Nôm thuần Việt một âm tiết cho thân mật dễ nhớ. Còn tên gọi địa danh có nguồn gốc Hán - Việt chủ yếu do chính quyền các thời kỳ đặt, được ghi chép trên văn bản chính thức nhà nước nên thường phải có yêu cầu trang trọng, tính chất “mỹ từ”.

b. Thành tố riêng có nguồn gốc hỗn hợp

Bên cạnh hầu hết thành tố riêng có nguồn gốc thuần Việt và Hán Viêt, các thành tố riêng trong địa danh Hà Tĩnh còn có nguồn gốc hỗn hợp (kết hợp một yếu tố Hán - Việt và một yếu tố thuần Việt). Chẳng hạn: làng Bàu Thượng (HS), làng Thượng Lối (CL), đình Làng Trung (CX)... Tổng số loại địa danh mà thành tố riêng có cấu tạo nguồn gốc hỗn hợp như vậy là 739 trường hợp, chiếm 4,65%, phân bố gần như đều nhau trong các loại hình địa danh. Cùng với các loại thành tố riêng có nguồn gốc như vừa trình bày, trong địa danh Hà Tĩnh còn có một bộ phận rất ít các thành tố riêng có nguồn gốc các ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Lào, tiếng Tày... nhưng với số lương hết sức hạn chế, chỉ với 40 trường hợp, chiếm 0,02%. Vì thế có thể nói chúng không trở thành đặc điểm cấu tạo tên riêng trong địa danh Hà Tĩnh.

c. Thành tố riêng khó xác định nguồn gốc

Chúng ta biết rằng, Việt Nam là một nước đa dân tộc, cộng cư trên một lãnh thổ, do đó, trên cùng một địa bàn có thể có sự phức hợp về văn hóa và ngôn ngữ của nhiều dân tộc khác nhau. Hà Tĩnh có đặc điểm là nơi “phên dậu”, là “biên ảỉ”, biên giới của Đại Việt trong lịch sử. Hơn nữa, đây là một trong những vùng đất cổ, nên có những tên gọi thuộc dạng từ cổ, vẫn tồn tại đến ngày nay nhưng khó xác định được nguồn gốc, ý nghĩa. Do vậy, dù không nhiều nhưng trên tư liệu khảo sát của chúng tôi vẫn thu được một số thành tố riêng khó xác định nguồn gốc như: nhà Nguộn, chợ Nướt, eo Lói (TH), chợ Quèn (KA), vực Tùn (VQ), rú Nài (TP)... Số lượng thành tố riêng trong địa danh ở Hà Tĩnh chưa xác định được nguồn gốc là 287 trường hợp, chiếm 1,81%.

Những điều trình bày trên cho thấy, thành tố riêng trong địa danh Hà Tĩnh có nhiều nguồn gốc khác nhau. Trong đó, đại đa số có nguồn gốc thuần Việt (69,40%), và Hán - Việt (23,89 %). Những thành tố riêng có nguồn gốc ngôn ngữ khác là không đáng kể. Kết quả thống kê các thành tố riêng về mặt nguồn gốc ngôn ngữ như vừa nêu cho thấy “ưu thế” của địa danh thuần Việt trong địa danh Hà Tĩnh. Điều này sẽ tạo ra những khó khăn nhất định trong việc “giải mã” hệ thống địa danh ở đây về mặt ý nghĩa, vì các tên Nôm thuần Việt, nhất là những tên cũ, tên cổ và những từ mang đặc trưng “thổ ngữ” của phương ngữ Nghệ Tĩnh, trong nhiều trường hợp khó xác định được nguồn gốc và ý nghĩa.

3. Kết luận: Các thành tố riêng trong địa danh Hà Tĩnh xét về mặt ngôn ngữ là những từ đơn, hoặc từ ghép. Hay nói cách khác, thành tố riêng trong địa danh Hà Tĩnh được cấu tạo bởi các từ đơn hoặc từ ghép.

 Thành tố riêng trong địa danh Hà Tĩnh chủ yếu có cấu tạo phức bằng cách ghép các yếu tố, quan hệ giữa các yếu tố giống với các kiểu quan hệ trong từ ghép và cụm từ tiếng Việt nói chung. Đó là các kiểu quan hệ: chính phụ, đẳng lập, chủ - vị.

Trong địa danh Hà Tĩnh, số lượng những thành tố riêng được cấu tạo bởi hai yếu tố chiếm ưu thế so với những thành tố riêng có cấu tạo một yếu tố (đơn tiết). Quan hệ giữa các yếu tố trong thành tố riêng hai âm tiết chủ yếu là quan hệ chính phụ. Điều này cho thấy cấu tạo địa danh ở Hà Tĩnh mang những đặc điểm chung của cấu tạo từ tiếng Việt, đó là xu hướng song âm tiết và vai trò chủ đạo của kiểu quan hệ chính phụ trong cấu tạo từ.

Tài liệu tham khảo

  1. Dương Văn An (1997), Ô Châu cận lục (bản dịch nghĩa của Viện nghiên cứu Hán Nôm), Nxb Khoa học Xã hội.
  2. Đào Duy Anh (1957), Hán - Việt từ điển, Trường Thi xuất bản, Sài Gòn.
  3. Nguyễn Văn Âu (1993), Địa danh Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  4. Nguyễn Nhã Bản (chủ biên), Phan Mậu Cảnh, Hoàng Trọng Canh, Nguyễn Hoài Nguyên (1999), Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, Nxb Văn hóa Thông tin.
  5. Hoàng Trọng Canh (2009), Từ địa phương Nghệ Tĩnh về một khía cạnh ngôn ngữ - văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  6. Nguyễn Tải Cẩn (1995), Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  7. Đỗ Hữu Châu (1998), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  8. Lê Trung Hoa (2006), Địa danh học Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội.

       9. Nguyễn Kiên Trường (1996), Những đặc điểm chính của địa danh Hải Phòng (trong vài nét đối sánh với địa danh Việt Nam), Luận án Phó tiến sĩ Khoa học Ngữ văn. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.