foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Đặng Thị Yến1, Thái Phương Trang2

1Giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh

2Cựu SV K8 GDTH - GV trường TH Hưng Phúc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

Để viết được một bài tập làm văn hoàn chỉnh, học sinh cần có rất nhiều kĩ năng cần thiết như: xác định các yêu cầu của tiêu đề, quan sát để tìm ý tưởng, phác thảo, viết đoạn văn, liên kết đoạn với nhau… Thu thập và sắp xếp ý tưởng là những kỹ năng quan trọng và không dễ dàng đối với hầu hết học sinh. Nếu không biết cách lập dàn ý, bài văn của các em sẽ trở nên lộn xộn, thiếu ý, lặp ý… Hiện nay, ở trường tiểu học, sơ đồ tư duy (SĐTD) được sử dụng như một công cụ dùng để tập hợp và triển khai ý một cách hiệu quả. Việc thiết kế bài giảng môn Tập làm văn bằng phương pháp dạy học SĐTD sẽ dần hình thành cho học sinh tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách sâu sắc, có cách nhìn vấn đề một cách hệ thống, khoa học cũng như phát triển năng lực liên tưởng, tưởng tượng và sáng tạo ở các em.

  1. Đặt vấn đề

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học; chú trọng giáo dục lòng yêu nước, truyền thống, đạo đức, lối sống …

 Việc đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực người học được chỉ rõ tại thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ban hành về quy định đánh giá đối với học sinh tiểu học đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc đổi mới phương pháp dạy hoc. Thực hiện dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh là nhiệm vụ cơ bản nhằm mục đích thay đổi “cách dạy của giáo viên; cách nghĩ - cách học của học sinh”.

Mục đích cuối cùng của đổi mới phương pháp dạy học là chúng ta làm thế nào để học sinh thực sự phát huy tối đa tích cực, chủ động, tự giác. Luôn trăn trở, tìm tòi, suy nghĩ và sáng tạo trong quá trình lĩnh hội tri thức. Có rất nhiều phương pháp dạy học mới đang được triển khai nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó việc dạy học bằng sơ đồ tư duy là một phương pháp mới đang thu hút sự chú ý của nhiều người. Sơ đồ tư duy đã được ứng dụng rất nhiều và thành công trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống.

Trên thực tế hiện nay, nhiều học sinh còn học tập một cách thụ động, máy móc theo khuôn khổ, chưa biết cách tư duy. Học sinh chỉ học gì biết đó chưa có sự liên hệ giữa các mạch kiến thức, nên các em chưa có được sự tư duy logic và có hệ thống. Để có thể giúp học sinh dễ nhớ và nhớ lâu, kích thích hứng thú học tập của các em, thì sử dụng sơ đồ tư duy chính là một phương pháp học tập đạt hiệu quả cao. Học tập bằng sơ đồ tư duy sẽ giúp các em nắm tri thức một cách có hệ thống, dễ nhớ, hình thành cho học sinh tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách khoa học, sâu sắc. Các em không chỉ học tốt các kiến thức trong sách vở mà còn nắm bắt được các kiến thức từ thực tế cuộc sống. Vì vậy nếu giáo viên giúp các em biết sử dụng SĐTD cũng có nghĩa là giúp các em có phương pháp học tập tốt nhằm nâng cao hiệu quả học tập.

Xác định được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của SĐTD trong việc góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy học, bài viết chúng tôi xin đề cập tới một số vấn đề về “Phương pháp sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy và học Tập làm văn lớp 5”.

  1. Nội dung

2.1. Tổng quan về phương pháp dạy học bằng  Sơ đồ tư duy

  • Khái niệm

           Sơ đồ tư duy hay còn gọi là bản đồ tư duy, lược đồ tư duy... Là hệ thống ghi chép nhằm tìm tòi, đào sâu, mở rộng một ý tưởng, hệ thống hóa một chủ đề hay một mạch kiến thức... Bằng cách kết hợp việc sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết với sự tư duy tích cực. 

Tuy có rất nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng tất cả các quan niệm này 
đều hướng tới một kết luận chung SĐTD là công cụ tổ chức tư duy, giúp con 
người làm việc khoa học, sáng tạo. SĐTD là kĩ thuật dạy học nhằm tổ chức và phát triển tư duy, giúp người học truyền tải thông tin vào bộ não một cách dễ dàng, đồng thời là phương tiện ghi chép đầy sáng tạo và hiệu quả, ghi chép một cách logic, mạch lạc trực quan, dễ nhìn, dễ hiểu, dễ nhớ do nó được thể hiện bởi màu sắc, 
liên kết, liên hệ giữa các ý của vấn đề.  Nhìn thấy "bức tranh" tổng thể mà lại chi tiết, dễ dạy, dễ học, dễ nhớ, Kích thích hứng thú học tập của học sinh, giúp mở rộng ý tưởng, đào sâu kiến thức, giúp hệ thống hóa kiến thức, giúp ôn tập kiến thức, giúp ghi nhớ nhanh, nhớ sâu, nhớ lâu kiến thức.

  • Cấu tạo và các bước thiết kế 1 sơ đồ tư duy

Cấu trúc của 1 sơ đồ tư duy gồm có:

- Phần chủ đề ( nội dung chính)

- Các nhánh chính ( triển khai chủ đề)

- Các nhánh phụ ( triển khai nhánh chính)

- Phần kí hiệu, biểu tượng, tranh ảnh,… kèm theo để làm cho chủ đề thêm sinh động, dễ hình dung, liên tưởng.

Theo Adam Khoo có 5 bước cơ bản để lập ra 1 bản đồ tư duy:

Bước 1. Xác định chủ đề

Bước 2. Vẽ chủ đề ở phần trung tâm

Chủ đề cần gây được sự chú ý để chúng ta có thể dễ dàng nhìn nhận vấn đề, vì thế nên chủ đề cần vẽ to và nổi bật.

Bước 3. Vẽ thêm các tiêu đề phụ (nhánh cấp 1)

  • Tiêu đề phụ nên được viết bằng CHỮ IN HOA nằm trên các nhánh dài để làm

nổi bật

  • Tiêu đề phụ nên gắn liền với trung tâm.
  • Tiêu đề phụ nên được vẽ theo hướng chéo góc chứ không nằm ngang, như vậy

nhiều nhánh phụ khác có thể được vẽ tỏa ra một cách dễ dàng hơn.

Bước 4. Vẽ các nhánh cấp 2, cấp 3,…

  • Vẽ nối tiếp nhánh cấp 2 vào nhánh cấp 1, nhánh cấp 3 vào nhánh cấp 2,… để

tạo sự liên kết.

  • Nên vẽ nhiều nhánh cong hơn là đường thẳng, tạo sự mềm mại, uyển chuyển

và dễ nhớ hơn.

  • Tận dụng từ khóa và hình ảnh, ở mỗi nhánh chỉ sử dụng 1 từ khóa.
  • Dùng biểu tượng, cách viết tắt để tiết kiệm không gian và thời gian

Bước 5. Thêm các hình ảnh minh họa

Việc thêm các hình ảnh minh họa vào sơ đồ giúp các ý quan trọng trở nên nổi bật hơn, cũng như giúp chúng ta ghi nhớ tốt hơn vì não bộ của con người có khả năng tiếp thu hình ảnh cao hơn chữ viết.

2.2. Cách sử dụng SĐTD trong quá trình tổ chức dạy học Tập làm văn ở lớp 5

2.2.1. Làm quen với sơ đồ tư duy

Để làm quen cũng như sử dụng thành thạo SĐTD ngoài việc đưa ra các bài SĐTD mẫu, giáo viên cần dành thời gian hợp lý để hướng dẫn cho học sinh làm quen với SĐTD theo các bước sau:

Bước 1. Chuẩn bị:

- Đồ dùng học tập: Giấy trắng để vẽ có kích thước phù hợp với nội dung bài; học, bút màu

- Xác định yêu cầu của đề, các từ khóa để làm chủ đề cho sơ đồ;

- Tập hợp ý, tranh ảnh liên quan đến chủ đề.

Bước 2. Tiến hành vẽ SĐTD:

- Mô tả chủ đề của sơ đồ bằng 1 từ hoặc 1 cụm từ ngắn gọn ( có thể là từ khóa trong đề bài ) hoặc có thể mô tả chủ đề bằng hình ảnh và đặt hình ảnh ở vị trí phù hợp sao cho làm nổi bất về màu sắc, kích thước;

- Đặt và trả lời câu hỏi liên quan đến chủ đề. Ở bước này, giáo viên có thể hỗ trợ học sinh bằng cách xây dựng hệ thống câu hỏi gợi ý, tránh tình trạng học sinh nêu các ý chung chung, tản mạn, không nổi bật đặc trung của chủ đề;

- Từ nhánh chính, mở ra các nhánh phụ với kích thước nhỏ hơn.

Bước 3. Hoàn thiện:

- Bổ sung hình ảnh, màu sắc cần thiết;

- Kiểm tra lại ngữ khóa ( hoặc hình ảnh );

- Kiểm tra lại tổng thể sơ đồ xem đã cân đối và hợp lý chưa.

Bước 4. Trình bày:

Từ SĐTD hoàn chỉnh, học sinh phải:

- Diễn đạt ý bằng lời

- Diễn đạt bằng cách viết câu, đoạn, bài văn hoàn chỉnh.

2.2.2. Thiết kế một số  Sơ đồ tư duy trong các dạng bài Tập làm văn lớp 5

Tập làm văn ở chương trình lớp 5 thường gắn với các chủ điểm của phân môn Tập đọc. Tập 1 gồm 5 chủ điểm học trong 18 tuần; tập 2 gồm 5 chủ điểm học trong 17 tuần. Chương trình Tập làm văn được thiết kế như sau:

- Văn bản kể chuyện: 3 tiết

- Văn bản miêu tả: 33 tiết

            - Một số dạng văn bản khác (báo cáo thống kê; đơn; thuyết trình, tranh luận; biên bản; chương trình hoạt động;…): 16 tiết.

Việc thiết kế bài giảng môn Tập làm văn bằng phương pháp dạy học sơ đồ tư duy sẽ dần hình thành cho học sinh tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách sâu sắc, có cách nhìn vấn đề hệ thống, khoa học hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả dạng văn bản trong chương trình Tập làm văn đều có thể sử dụng Sơ đồ tư duy để giảng dạy. Vì vậy, yêu cầu dành cho giáo viên là cần nghiên cứu, chọn lọc những dạng văn bản phù hợp có thể phát huy tích cực ưu điểm của phương pháp này.

2.2.2.1. Hướng dẫn học sinh lập dàn ý cho bài văn miêu tả bằng SĐTD

Trong chương trình SGK môn Tiếng Việt lớp 5 có đến 33 tiết dành cho việc rèn luyện kĩ năng miêu tả. Sử dụng SĐTD có nghĩa là giáo viên có công cụ hỗ trợ đắc lực để rèn luyện kĩ năng viết văn miêu tả cho học sinh, đặc biệt là kĩ năng lập dàn ý cho bài văn miêu tả. Việc sử dụng SĐTD trong dạy học văn miêu tả không chỉ phù hợp với quy trình rèn luyện kĩ năng viết văn miêu tả mà còn phù hợp với tâm lý của học sinh tiểu học, bởi SĐTD với ưu thế về cách thể hiện trực quan, sinh động sẽ giúp học sinh dễ dàng nắm bắt ý chính của nội dung miêu tả, tạo sự hứng thú và mở ra cho các em những liên tưởng, tưởng tượng vô cùng sáng tạo, mới mẻ về đối tượng miêu tả. Dưới đây là cách tiến hành hướng dẫn học sinh lập dàn ý cho một bài văn tả cảnh:

  1. Mục tiêu: Học sinh biết được cấu tạo 3 phần của 1 bài văn tả cảnh( mở bài, thân bài, kết bài)
  2. Cách tiến hành: Dùng SĐTD khái quát kiến thức về cấu tạo bài văn tả cảnh
  • Xác định chủ đề của sơ đồ là “cấu tạo bài văn tả cảnh”
  • Câu hỏi gợi ý của giáo viên:

+  Bài văn tả cảnh được cấu tạo gồm mấy phần ? ( nhánh 1)

+ Trong từng phần, nên trình bày những nội dung gì ?( nhánh 2, 3,…)

  • Tả từng phần của cảnh hoặc sự thay đổi của cảnh theo thời gian
  • Nhận xét hoặc cảm nghĩ của người viết.

+ Trong từng nội dung có thể triển khai ý chi tiết hơn được nữa không ? Đó là những ý nào ?

  • Mỗi câu hỏi gợi ý là một nội dung cần triển khai, mỗi nội dung là một nhánh của sơ đồ. Trên mỗi nhánh học sinh có thể triển khai các ý nhỏ, bổ sung hình ảnh, kí hiệu, màu sắc cho nhánh đó.
  • Kiểm tra tổng thể sơ đồ xem đã cân đối, đẹp mắt hay chưa.

Ví dụ minh họa

c Yen 26 9 1

2.2.2.2. Sử dụng sơ đồ tư duy trong một số dạng bài tập làm văn khác trong chương trình lớp 5

Việc thiết kế bài giảng môn Tập làm văn bằng phương pháp dạy học sơ đồ tư duy sẽ dần hình thành cho học sinh tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách sâu sắc, có cách nhìn vấn đề hệ thống, khoa học hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả dạng văn bản trong chương trình Tập làm văn đều có thể sử dụng Sơ đồ tư duy để giảng dạy. Vì vậy, yêu cầu dành cho giáo viên là cần nghiên cứu, chọn lọc những dạng văn bản phù hợp có thể phát huy tích cực ưu điểm của phương pháp này.

Luyện tập viết đơn, viết biên bản:

Các bài tập viết đơn, viết biên bản có thể được viết với nhiều mục đích khác nhau tuy nhiên đều có sự giống nhau trong hình thức trình bày. Vì vậy, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh thiết kế một Sơ đồ tư duy về hình thức trình bài văn bản viết đơn, viết biên bản để học sinh ghi nhớ được các dạng đơn, biên bản theo mẫu. Từ đó giúp học sinh biết viết các được các dạng đơn, biên bản theo yêu cầu thực tế.

Ví dụ minh họa:

c Yen 26 9 2

3. KẾT LUẬN

Sử dụng thành thạo và hiệu quả SĐTD trong dạy học sẽ mang lại nhiều kết quả tốt và đáng khích lệ trong phương thức học tập của học sinh và phương pháp giảng dạy của giáo viên. Học sinh sẽ học được phương pháp tự học, tăng tính chủ động, sáng tạo và phát triển tư duy. Giáo viên sẽ tiết kiệm được thời gian, tăng sự linh hoạt trong bài giảng, và quan trọng nhất sẽ giúp học sinh nắm được kiến thức thông qua một “sơ đồ” thể hiện các liên kết chặt chẽ của tri thức. 

Với cách dạy và học này sẽ giúp học sinh luôn phải hoạt động, suy nghĩ, tư duy, phát hiện ra nội dung trọng tâm cần ghi nhớ và tổng hợp. Học sinh không bị nhàm chán trong mỗi giờ học, không bị gò bó học thuộc một cách máy móc;

Ngoài ra với cách học này giúp học sinh rèn luyện kỹ năng đọc (học sinh đọc và ghi nhớ nội dung một cách trọng tâm); rèn luyện khả năng tư duy (Học sinh sẽ tái hiện lại những nội dung đọc thành một chuỗi kiến thức có sự liên kết chặt chẽ về thời gian); phát triển khả năng sáng tạo của mỗi học sinh ( Học sinh thể hiện được các năng khiếu vẽ, trang trí, sắp xếp, sử dụng màu sắc….)

Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thực trạng, xây dựng thiết kế bài giảng phân môn Tập làm văn lớp 5 bản thân tôi nhận thấy rằng: để đạt hiệu quả trong quá trình dạy – học, giảm tình trạng dạy học theo lối truyền thụ một chiều, phát huy được tính tích cực học tập của học sinh mỗi giáo viên cần thực hiện tốt các nội dung sau:

Thứ nhất: Xác định đúng nội dung kiến thức và mục tiêu cần đạt trong mỗi bài học.

Thứ hai: Tích cực đổi mới, vận dụng một cách linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Giáo viên phải là người định hướng, hình thành cách học cho học sinh, tổ chức các hoạt động học tập để  mọi học sinh đều được tham gia.

Thứ ba: Áp dụng những thành tựu của KHCN hỗ trợ cho việc giảng dạy.  Việc sử dụng SĐTD trong các hoạt động dạy – học sẽ làm chuyển biến thực trạng dạy học hiện nay, khắc phục phần nào lối dạy học truyền thụ một chiều. Đồng thời kích thích tính tích cực, độc lập sáng tạo, sự phát triển tư duy trí tuệ của học sinh, giúp các em nắm và hiểu chắc kiến thức đã được học góp phần thực hiện thành công mục tiêu giáo dục tiểu học.

Trên đây là kinh nghiệm của bản thân qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về đổi mới phương pháp dạy học nói chúng và phương pháp sử dụng SĐTD nói riêng. Chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót rất mong được sự góp ý kiến của hội đồng khoa học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2005), Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 (tập 1 và 2), NXB GD.

[2 ] Giáo trình Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học của các tác giả Lê Phương Nga và Đặng Kim Nga.

 [3] Edward de Bono (2005), Dạy trẻ phương pháp tư duy, NXB Văn hóa Thông tin.

[4] Tony & Barry Buzan, Lê Huy Lâm biên dịch (2008), The mind map book - Sơ đồ tư duy, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

[5 ] Trần Đình Châu, Đặng Thị Thu Thủy (2009), Sử dụng sơ đồ tư duy góp phần tích cực hoá hoạt động học tập của HS, Tạp chí Khoa học giáo dục.

[6] Adam Khoo (1998), Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!, NXB phụ nữ.

[7] Nguyễn Thúy Hằng – Nguyễn Thị Sinh (chuyên đề): Ứng dụng sơ đồ tư duy để lập dàn ý trong dạy văn miêu tả lớp 4-5.