foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Âm nhạc trong xã hội chúng ta rất đa dạng và phong phú, hoạt động âm nhạc ngày càng được nhân rộng trong cộng đồng với nhiều hình thức, thể loại môi trường diễn xướng và được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng.Với tư cách là một môn học trong hệ thống giáo dục từ Nhà trẻ mẫu giáo, Tiểu học, THCS…Âm nhạc đã có một vị trí quan trọng, được coi là một trong những phương tiện hiệu quả nhất để góp phần thực hiện nhiệm vụ giáo dục tình cảm và phẩm chất đạo đức, tạo cơ sở hình thành nhân cách cho trẻ.

Khác với các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, văn học, điện ảnh…, âm nhạc không hoàn toàn xác định rõ những hình ảnh cụ thể. Âm nhạc bằng ngôn ngữ riêng là giai điệu, âm sắc, cường độ, nhịp độ, hòa âm, tiết tấu… cùng với thời gian đã thu hút, hấp dẫn, làm thỏa mãn nhu cầu tình cảm của trẻ.

Âm nhạc tác động đến tình cảm của trẻ, hình thành ở chúng phẩm chất đạo đức. Sự tác động của âm nhạc đôi khi còn có tác động mạnh hơn cả những lời khuyên hay những câu ra lệnh nghiêm khắc.

Âm nhạc quan trọng thì âm nhạc dân tộc càng quan trọng đối với trẻ. Những cái hay, cái đẹp, những nét đặc sắc của dân tộc từ đời này qua đời khác. Những bài dân ca, bài đồng dao khác nhau của các dân tộc Việt Nam phong phú về âm điệu, tiết tấu, phương thức diễn xướng, phong tục tập quán sẽ cho trẻ hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, hình thành ở trẻ cảm xúc trữ tình, tình yêu quê hương đất nước sâu đậm, lòng tự hào dân tộc, hun đúc cho trẻ tâm hồn Việt.

Ca khúc nói chung, bài hát ở nhà trẻ mẫu giáo nói riêng có nội dung lời ca rất phong phú, giàu hình tượng đề cập tới nhiều lĩnh vực trong cuộc sống sẽ giúp trẻ có thái độ đúng mực với bạn bè, những người xung quanh, biết yêu và bảo vệ thiên nhiên, cuộc sống...hay nói cách khác là giáo dục trẻ đạo đức làm người.

Những bài dân ca của các dân tộc phong phú về âm điệu, tiết tấu, phương

thức diễn xướng, phong tục tập quán... sẽ giúp trẻ hiểu biết về bản sắc vùng miền và lòng tự hào về văn hóa dân tộc.

          Các hoạt động âm  nhạc có ảnh hưởng tốt đến hành vi văn hóa của trẻ bởi cách thể hiện các tác phẩm với lối diễn xuất tâm trạng khác nhau. Khi trẻ tham gia các hoạt động âm nhạc, mỗi trẻ đều phải chú ý, tuân theo luật động, phản ứng nhanh, biết kiềm chế, điều khiển vận động phù hợp với nhịp độ của tác phẩm, biết nhường nhịn, hoà đồng, giúp đỡ nhau. Điều đó sẽ giáo dục trẻ văn hóa giao tiếp, văn hóa hành vi và tính tập thể tạo điều kiện hình thành những phẩm chất đạo đức của trẻ.

Cho trẻ làm quen với những giai điệu, tiết tấu của các bài hát hay trích đoạn các tác phẩm âm nhạc nước ngoài, không những giúp trẻ mở mang sự hiểu biết về các dân tộc khác mà còn nhen nhóm trong lòng trẻ thơ tình hữu nghị quốc tế.

Âm nhạc tác động đến con người rất mạnh mẽ và sâu sắc. Âm nhạc vừa tác động vào lí trí, vừa tác động trực tiếp vào tình cảm đem đến cho trẻ những cái đẹp, cái tiến bộ và nhẹ nhàng phê phán những cái xấu, cái thô bạo tạo cho trẻ một trạng thái tâm hồn hết sức thanh thản và trong sáng. Ca hát, Vận động theo nhạc là những hình thức hoạt động âm nhạc được trẻ yêu thích nhất. Nội dung phong phú của các ca khúc MN có chức năng quan trọng trong việc giáo dục tình cảm đạo đức: Bài hát "Cháu vẽ ông mặt trời" của nhạc sĩ Tân Huyền đã phản ánh hoạt động học tập của trẻ mẫu giáo thật là thú vị. Thông qua giờ tập vẽ, cháu cầm bút vẽ cảnh vật thiên nhiên là ông mặt trời. Nhưng trong tưởng tượng của mình thì lại liên hệ đến hình ảnh cô giáo yêu thương.

Đặc điểm của các hoạt động âm nhạc là diễn ra trong tập thể trẻ. Các hoạt động âm nhạc ở trường Mầm non thường được tiến hành với từng nhóm trẻ theo độ tuổi. Cùng nhau múa hát, chơi trò chơi âm nhạc, cùng nhau chia sẻ niềm vui về một hình ảnh âm nhạc; qua đó giữa trẻ xuất hiện sự cảm thông, sự quan tâm đến nhau, phát triển tinh thần tập thể, tính tổ chức, tinh thần kỷ luật, nhưng trẻ vẫn luôn vui tươi, hồn nhiên, ngay cả những trẻ nhút nhát cũng cảm thấy thoải mái, tự tin hơn. Mặt khác, khi tham gia các hoạt động âm nhạc hành vi của trẻ cũng thay đổi: trẻ trở nên nhạy cảm hơn, chú ý hơn, trẻ biết kiềm chế những xung động của bản thân, biết điều khiển vận động cho phù hợp với nhịp điệu và tiết tấu của âm nhạc. Như vậy, âm nhạc còn góp phần giáo dục ý chí, tăng cường thêm nghị lực cho trẻ.

 Hơn nữa, âm nhạc còn ảnh hưởng đến văn hóa chung trong hành vi của trẻ. Lời ca của âm nhạc giàu tính biểu hiện và chất trữ tình. Nội dung lời ca trong sự thống nhất với nhạc điệu tác động rất sâu vào tâm hồn trẻ. Trẻ không chỉ được nghe mà còn tự mình ca hát, từ đó phát hiện ra vẻ đẹp của thiên nhiên, tình cảm gia đình, bạn bè, lòng yêu nước…, sự ngộ nghĩnh đáng yêu của các con vật quen thuộc, từ đó gợi mở cho trẻ về cách ứng xử, hay nói cách khác là dạy trẻ đạo đức làm người.

Niềm vui, sự phấn khích trong khi thực hiện các hoạt động âm nhạc là yếu tố động viên những trẻ nhút nhát, thiếu tự tin, giúp các em mạnh dạn hơn trong mọi hoạt động, hòa nhập vào tập thể, cộng đồng.

Như vậy, hoạt động Giáo dục âm nhạc tạo những điều kiện cần thiết để hình thành những tình cảm, kĩ năng xã hội, phẩm chất nhân cách cho trẻ, đặt cơ sở ban đầu cho văn hóa chung của người công dân tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 1. Lý Trọng Hưng (2005), Phương pháp giáo dục âm nhạc ở trường mẫu giáo, NXB Đại học Sư phạm.

2. Phạm Thị Hòa (1992), Vai trò giáo dục của âm nhạc cho trẻ Mẫu giáo - Kỷ yếu hội thảo quốc gia.