foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Thơ truyện viết cho trẻ lứa tuổi mầm non có sự đóng góp đắc lực của nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ, trong đó có cả những cây bút nhí. Các tác phẩm viết cho trẻ ở lứa tuổi này cũng nằm trong nghệ thuật sáng tác văn học và văn học thiếu nhi nói chung, vì thế, ngoài sự đa dạng về chủ thể sáng tác nó cũng mang đầy đủ những đặc điểm của sáng tác nghệ thuật ngôn từ. Nhưng do đối tượng phục vụ của nó chủ yếu là lớp bạn đọc còn rất ít tuổi, độ tuổi chưa biết đọc, biết viết nên nó có những đặc điểm được nhấn mạnh, mang những nét đặc thù của lứa tuổi mầm non và có sức hấp dẫn, lôi cuốn riêng.

1. Thơ, truyện viết cho các em thường ngắn gọn, rõ ràng. Sự ngắn gọn không chỉ thể hiện ở dung lượng tác phẩm mà còn thể hiện trong cả câu văn, câu thơ, phù hợp với đặc điểm sinh lí của trẻ. Thông thường ở trẻ, khả năng tập trung chưa cao, tính kiên trì còn hạn chế, cái gì khó sẽ khiến trẻ ngại và chán. Vì vậy thơ truyện viết cho thiếu nhi có một đặc trưng và cũng là một trong những yếu tố làm nên sự lôi cuốn đối với trẻ. Đó là sự ngắn gọn, rõ ràng. Tác phẩm ngắn gọn sẽ giúp trẻ dễ nhớ, dễ thuộc; rõ ràng sẽ giúp trẻ dễ đọc và dễ hiểu. Chỉ những bài thơ, câu chuyện dễ nhớ, dễ đọc, dễ thuộc, dễ hiểu thì trẻ mới thích và thích được lâu. Vì vậy, ngắn gọn, rõ ràng cũng là một trong những yếu tố góp phần làm nên sự gắn bó, yêu mến của trẻ đối với các tác phẩm văn học.

Tính ngắn gọn trong truyện được thể hiện qua cách sử dụng câu đơn, ít khi dùng câu phức; nhan đề truyện cụ thể (ví dụ: Ba cô gái, Chú Vịt xám, Ai đáng khen nhiều hơn, Bác Gấu đen và hai chú Thỏ…). Tính ngắn gọn, rõ ràng trong truyện còn được thể hiện ở lối kết cấu đối lập, tương phản, giúp cho trẻ dễ nắm bắt cốt truyện, dễ hiểu nội dung, ý nghĩa của câu chuyện và có thể kể lại truyện một cách dễ dàng.

Tính ngắn gọn trong thơ viết cho thiếu nhi được hiểu là có dung lượng ngắn, số từ trong câu cũng ngắn. Thơ thường gần với lối thơ vần vè dân gian, có những bài đọc lên thấy linh hoạt, tự nhiên như một bài đồng dao quen thuộc (ví dụ: Chị chổi tre, Mời vào, Bắp cải xanh, Củ cà rốt...). Dạng phổ biến là thơ 2 chữ, 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ hoặc lục bát, ví dụ: “Cây dây leo/Bé tẻo teo/Ở trong nhà/Lại bò ra/Ngoài cửa sổ/Và nghển cổ/Lên trời cao/Hỏi : "Vì sao?”/Cây trả lời:/- Ra ngoài trời/Cho dễ thở...”(Cây dây leo). Hoặc: “Ngỗng không chịu học/Khoe biết chữ rồi/Vịt đưa sách ngược/Ngỗng cứ tưởng xuôi/Cứ giả đọc nhẩm/Làm Vịt phì cười/Vịt khuyên một hồi/Ngỗng ơi! Học! Học!” (Ngỗng và Vịt). “Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu? Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng...” (Cây dừa)

 Cùng với việc sử dụng những câu thơ ngắn là sự kết hợp, biến hoá của những hình ảnh, vần điệu, nhạc điệu... làm cho bài thơ sinh động, vui tươi, có sức hấp dẫn và lôi cuốn. Các em dễ đọc, dễ nhớ và dễ thuộc.

2. Thơ, truyện viết cho các em được sử dụng từ ngữ rất chọn lọc, giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Đặc biệt là có nhiều từ tượng hình, từ tượng thanh, nhiều động từ, nhiều tính từ miêu tả, tính từ chỉ màu sắc... tạo nên sắc thái vui tươi, vừa khơi gợi, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo; vừa tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tư tưởng tình cảm của trẻ, ví dụ: “Hoa cà tim tím/Hoa mướp vàng vàng/Hoa lựu chói chang/Đỏ như đốm lửa/Hoa vừng nho nhỏ/Hoa đỗ xinh xinh/ Hoa mận trắng tinh/Rung rinh trưóc gió...(Hoa kết trái). Nhờ hàng loạt các tính từ miêu tả (chói chang, đốm lửa, nho nhỏ, xinh xinh...) và các tính từ chỉ màu sắc (tim tím, vàng vàng, đỏ, trắng...), bài thơ đã vẽ lên một khu vườn thật sinh động, giúp trẻ có thể hình dung các loài hoa với những màu sắc và hình dáng rất cụ thể.

Hay như những đoạn văn sau, nhà văn Tô Hoài đã cho bạn đọc được tiếp xúc với khung cảnh thiên nhiên thật gợi cảm, đẹp đẽ và thơ mộng. Đó là khung cảnh về một mảnh vườn đầy ắp màu xanh non tơ của lộc biếc và hoa thơm:

“Mùi hoa hồng, hoa huệ sực nức bốc lên. Trong không khí vắng bóng hơi nước lạnh lẽo. Không khí bây giờ sáng và đầy hương thơm. Cây hồng bì đã rũ bỏ những cái áo len già đen thủi. Những cành xoan khẳng khiu đang trổ lá. Những cành xoan gầy lại buông ra những tàn hoa sang sáng, tim tím”.

(Tô Hoài - Chim chích lạc rừng).

Hoặc một bức tranh mùa thu hết sức trữ tình với những hình ảnh rất đặc trưng, rất riêng của mùa thay lá. Bức tranh vào thu đã thực sự chạm được vào cảm xúc của người đọc. Yếu tố làm nên sức lay động lòng người của bức tranh đó chính là sự xuất hiện của các hình ảnh hết sức cụ thể và sinh động. Đó là nước mùa thu trong vắt, là hòn cuội trắng tinh, là hình ảnh của các con vật: Gọng Vó đen sạm, gầy và cao, nghênh cặp chân gọng vó…, những ả Cua Kềnh mắt lồi, tình tứ và âu yếm, đàn Săn Sắt và cá Thầu Dầu lăng xăng. Tất cả các hình ảnh đó đều hiện lên rõ mồn một bởi các tính từ, động từ miêu tả:

“Mùa thu mới chớm nhưng nước đã trong vắt. Trông thấy cả hòn cuội trắng tinh nằm dưới đáy. Nhìn hai bên ven sông, phong cảnh đổi thay đủ điều ngoạn mục. Cỏ cây và những làng gần, núi xa luôn luôn mới. Những anh Gọng Vó đen sạm, gầy và cao, nghênh cặp chân gọng vó đứng trên bãi lầy nhìn theo hai tôi, ra lối bái phục. Những ả Cua Kềnh cũng giương đôi mắt lồi, tình tứ và âu yếm, ngó theo hai tôi với muôn vẻ quý mến. Đàn Săn Sắt và cá Thầu Dầu thoáng gặp đâu cũng lăng xăng cố bơi theo bè hai tôi hoan nghênh váng cả mặt nước”.

(Tô Hoài - Dế Mèn phiêu lưu ký)

3. Đặc điểm nổi bật của trẻ con là tính hồn nhiên và ngây thơ, trong trẻo. Vì vậy, sức hút của văn học viết cho thiếu nhi phải luôn luôn thể hiện được sự hồn nhiên, ngây thơ của trẻ. Đó có thể là sự hồn nhiên, ngây thơ trong hành động hoặc cách cảm, cách nghĩ của các nhân vật trong thơ, truyện. Bài thơ Chơi ú tim của nhà thơ Phạm Hổ là ví dụ cụ thể:“Thỏ đây! Ai đấy? Mèo à? Mèo thế nào? Mình không trông thấy cậu/ Nhỡ đứa khác thì sao?”… không chỉ thể hiện sự hồn nhiên ngây thơ mà còn đa nghi, ngốc nghếch của chú thỏ. Thỏ dùng máy nói mà cứ đòi phải nhìn thấy người ở đầu dây bên kia chú mới tin đó chính là bạn mình. Hoặc ở bài Ngủ rồi (Phạm Hổ):“Gà mẹ hỏi gà con/– Đã ngủ chưa đấy hả/Cả đàn gà nhao nhao:/– Ngủ cả rồi đấy ạ!”. Bài thơ là cuộc đối thoại giữa gà mẹ và đàn gà con. Nghe gà mẹ hỏi, cả bọn nhao nhao trả lời: “Ngủ cả rồi đấy ạ!”. Ngủ rồi thế mà vẫn nghe được mẹ hỏi, vẫn trả lời được… Đàn gà con ngây thơ nghĩ rằng, trả lời “Ngủ cả rồi đấy ạ!” là sự khẳng định về sự thật, và gà mẹ sẽ tin vào sự thật đó… Nhưng chúng không biết rằng chính sự khẳng định chắc nịch đó đã phủ định lại thực tế chưa ngủ của chúng. Có thể nói, đây là kiểu tư duy chỉ có ở trẻ nhỏ. Kiểu tư duy này sẽ biến mọi thứ không lôgic sẽ trở thành hoàn toàn lôgic trong thế giới trẻ thơ và làm nên nét đáng yêu của trẻ nhỏ cũng như sức hấp dẫn của văn học thiếu nhi.

4. Yếu tố truyện trong thơ và yếu tố thơ trong truyện

 Đây cũng là một đặc điểm khá nổi bật trong sáng tác cho lứa tuổi mầm non. Khác với thơ viết cho người lớn, hầu như chỉ thuần tuý những hình tượng cảm xúc, thơ viết cho các em còn có thế “kể” lại được. Có nhiều bài thơ, tác giả kể lại một sự việc, một hiện tượng (ví dụ: Dán hoa tặng mẹ, Chiếc cầu mới, Chú bò tìm bạn, Xe chữa cháy, Bướm em hỏi chị, Mời vào, Gạch đỏ…). Qua lối kể vần vè, giàu nhạc điệu và đầy ấn tượng, các tác giả đã giúp các em có thể nhanh chóng nắm bắt được bài thơ, liên hệ, phát hiện và cảm nhận được những vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống.

 Mỗi bài thơ viết cho trẻ gần như một mẩu truyện hoặc chứa đầy yếu tố truyện. Điều đó khiến cho các em dễ hiểu, dễ cảm nhận và thuộc lòng những vần thơ. Trong bài Chú bò tìm bạn của tác giả Phạm Hổ, các vần thơ được tác giả viết ra bằng những từ ngữ hết sức đời thường để kể cho các em nghe một câu chuyện về tình bạn đầy xúc động và tinh tế: “Mặt trời rúc bụi tre/ Buổi chiều về nghe mát/ Bò ra sông uống nước/ Thấy bóng mình ngỡ ai/ Bò chào: “Kìa anh bạn/ Lại gặp anh ở đây!”/ Nước đang nằm nhìn mây/ Nghe bò cười nhoẻn miệng/ Bóng bò chợt tan biến?/ Bò tưởng bạn đi đâu/ Cứ ngoái trước, nhìn sau/ “Ầm ò” tìm gọi mãi…”

Yếu tố thơ trong truyện như một chất xúc tác làm cho câu chuyện có thêm sức lôi cuốn, hấp dẫn mạnh mẽ. Mỗi câu chuyện viết cho các em thường là những bài học nhẹ nhàng mà sâu sắc. Chất thơ của truyện sẽ làm cho những “bài học ấy” không bị khô khan, cứng nhắc. Cùng với chất thơ bay bổng, ý nghĩa của câu chuyện có thể sẽ còn theo các em mãi trong suốt cả cuộc đời, “bám chặt” lấy tâm hồn, tình cảm và chắp cánh cho những ước mơ, khát vọng của các em (truyện Dế mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài là một ví dụ cụ thể).

5. Những bài học giáo dục nhẹ nhàng, mang tính nhân văn của thơ, truyện viết cho các em luôn được các tác giả quan tâm và đặt lên hàng đầu. Vì vậy, mỗi bài thơ, câu chuyện viết cho thiếu nhi đều chứa đựng trong nó một bài học quý giá. Tô Hoài khẳng định: “Nội dung một tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi bao giờ cũng quán triệt vấn đề xây dựng đức tính con người. Nói thì thừa, cần nhắc lại và thật giản dị, một tác phẩm chân chính có giá trị đối với tuổi thơ là một tác phẩm tham dự mạnh mẽ vào sự nghiệp nên người của bạn đọc ấy”. Tuy nhiên, các nhà văn không muốn mình là người thuyết giáo, đưa ra những bài học giáo huấn khô khan, cứng nhắc cho các em. Nghệ thuật giáo dục là điều được các tác giả quan tâm thực hiện thường xuyên. Các tác giả, dù là trẻ em hay nhà văn lớn tuổi, họ đều "nhìn con người, nhìn cuộc đời bụi bặm của chúng ta bằng con mắt trong veo và ngơ ngác của con trẻ...". Vì thế, các tác phẩm của họ đã trở thành những thế giới nghệ thuật non trẻ, tinh khôi, ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Võ Quảng khi sáng tác cho các em cũng có quan niệm rằng, không thể nói với các em những lời răn dạy, công thức, khô khan mà văn học thiếu nhi cần mang đến chất vui tươi, hồn nhiên dí dỏm; sức tưởng tượng có thể mở ra bay bổng tung hoành. Với quan niệm như vậy, Võ Quảng đã sáng tác những bài thơ không chỉ giúp các em phát hiện ra cái đẹp xung quanh, cái đẹp thiên nhiên, mà còn giúp các em hiểu sở dĩ có được cái đẹp ấy chính là nhờ bàn tay lao động, nhờ công sức của con người. Ví dụ, qua bài thơ Ai cho em biết, tác giả muốn nói với các em, không phải bổng dưng mà em có được một mảnh vườn xinh đẹp, đủ hương thơm, sắc màu như vậy, mà: “Vườn em trở đẹp/ Đẹp vào độ tết/Đẹp chẳng nào ngờ/Có phải đẹp nhờ/Mẹ em vun xới?...”.

Thơ của Võ Quãng viết cho các em thường mang ý nghĩa giáo dục rõ ràng, hướng các em vào những việc làm tốt như chăm học, chăm làm, giúp mẹ dậy sớm, sạch sẽ, tập thể dục…nhưng đó không phải là những lời giáo huấn khô khan, gò ép, thô thiển mà ông thường khéo léo gài lồng ý nghĩa giáo dục trong những hình ảnh đẹp, trong cách nói nhẹ nhàng. Bài thơ Ai dậy sớm, Phải chung màu lại, anh đom đóm… là ví dụ.

 Các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi đích thực, thật sự tài năng, luôn biết đặt mình vào vị trí của trẻ thơ, hiểu sâu sắc suy nghĩ, tâm lý của trẻ thơ để có thể khéo léo xen lồng ý nghĩa giáo dục vào trong tác phẩm một cách tinh tế, không khiên cưỡng. Với những tác giả này, cái đích đầu tiên và quan trọng nhất trong mỗi sáng tác phải là tính thẩm mĩ. Đó là phải tạo ra được hình ảnh đẹp, sinh động; cách diễn đạt hay, trong sáng; ngôn từ giản dị, gần gũi với trẻ… Điều đó khiến trẻ thích thú. Từ sự thích thú với thơ, truyện, trẻ sẽ ngấm một cách tự nhiên với những bài học giáo dục trong tác phẩm và học theo, làm theo những gì tốt đẹp; tránh xa những suy nghĩ, hành vi hoặc việc làm không nên. Những bài học giáo dục nhẹ nhàng và nhiều ý nghĩa đó sẽ là hành trang không thể thiếu của các em trong suốt cuộc đời.

Tóm lại, với tâm huyết dành cho thiếu nhi, các nhà văn, nhà thơ đã tạo ra những tác phẩm thật hay, thật hấp dẫn và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí cho các em. Để làm nên cái hay, cái đẹp và sức hấp dẫn đó thì phải cần đến sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố cơ bản như tính ngắn gọn, rõ ràng; từ ngữ chọn lọc, giản dị, trong sáng, dễ hiểu; sự hồn nhiên, ngây thơ; yếu tố truyện trong thơ, yếu tố thơ trong truyện và những bài học giáo dục nhân văn nhẹ nhàng... Sự kết hợp của các yếu tố này thực sự cần thiết và có hiệu quả để đem lại giá trị, màu sắc và sức hấp dẫn lôi cuốn riêng cho bộ phận văn học này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hoàng Văn Cẩn, Dạy học tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005.
  2. Lã Thị Bắc Lý, Giáo trình Văn học trẻ em, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2003.
  3. Vân Thanh, Nguyên An (Biên soạn), Bách khoa thư văn học thiếu nhi Việt Nam, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2002.
  4. Vân Thanh (Biên soạn), Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2006.
  5. Phong Thu, Tuyển tập truyện viết cho thiếu nhi từ sau cách mạng tháng Tám, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.