foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

I. Đặt vấn đề

Môi trường làm việc nói chung, môi trường giáo dục nói riêng được đánh giá là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến năng suất và chất lượng công việc của mỗi cá nhân. Khi được làm việc trong môi trường như mong đợi, mỗi thành viên sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng, có nhiều cảm hứng sáng tạo, được truyền thêm động lực để hoàn thành tốt nhất công việc của mình.

Sự thích ứng (kết quả của một sự thích nghi với xã hội mà nhờ nó, cá nhân được thừa nhận vị trí của mình vào trong cấu trúc xã hội) của mỗi cá nhân diễn ra trong những môi trường nhất định. Môi trường đó được quy định bởi yêu cầu đặt ra trong lĩnh vực, phạm vi cá nhân hoạt động. Một mặt môi trường tạo ra những điều kiện cho hoạt động của cá nhân (điều kiện vật chất, các mối quan hệ giao tiếp) Mặt khác, môi trường đặt ra những yêu cầu đòi hỏi mỗi cá nhân phải biết nó (môi trường), phải tuân theo nó theo cách riêng của mỗi người để trên đó mà cá nhân thích ứng hòa nhập được với môi trường. Như vậy, môi trường được coi là chủ thể của sự thích ứng đối với mỗi cá nhân, song điều đó không có nghĩa là cá nhân thụ động chịu sự chi phối hoàn toàn của môi trường, mà tuỳ thuộc vào năng lực bẩm sinh, kinh nghiệm lý trí và định hướng giá trị của mỗi cá nhân (còn gọi là khả năng thích ứng). Mức độ ảnh hưởng của môi trường đối với sự thích ứng là khác nhau về cường độ và hiệu quả. Sự định hướng giá trị của cá nhân càng đúng đắn và phù hợp với đòi hỏi của môi trường bao nhiêu thì khả năng thích ứng của cá nhân với môi trường càng nhanh chóng bấy nhiêu. Vấn đề đặt ra ở đây là vừa phải tạo dựng một môi trường thuận lợi cho thích ứng, vừa phải coi trọng vai trò chủ động tích cực nhập nội những giá trị của môi trường vào mỗi cá nhân trong quá trình thích ứng.

II. Xây dựng môi trường giáo dục đổi mới, tích cực, sáng tạo trong trường mầm non

1. Khái niệm về môi trường giáo dục

Thuật ngữ ‘môi trường’ có nghĩa là gì? Trong cách sử dụng phổ biến, môi trường là một hệ thống đa dạng các điều kiện tự nhiên và xã hội cần thiết cho sự tồn tại, hoạt động và phát triển của cá nhân. Trong đó, môi trường tự nhiên được hiểu là các điều kiện tự nhiên - sinh thái, khí hậu, thời tiết, địa mạo v.v... tác động tới sức khỏe, sinh hoạt, giải trí, vui chơi v.v... thường nhật của mỗi cá nhân. Môi trường xã hội gồm các điều kiện chính trị (chế độ xã hội, quan hệ xã hội - giai cấp, thể chế xã hội, v.v...), kinh tế (quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất, phân phối sản phẩm, sở hữu vật chất v.v...), văn hóa (quan hệ tư tưởng, hệ thống giáo dục, các tổ chức văn học - nghệ thuật, thông tin truyền thông, lối sống, đạo đức v.v...), môi trường xã hội - sinh hoạt (các tổ chức phục vụ sinh hoạt cộng đồng, gia đình v.v...) [1].

Môi trường giáo dục là toàn bộ cơ sở vật chất, tinh thần mà trong đó con người được giáo dục đang sống, lao động và học tập được sử dụng nhằm tác động đến sự hình thành nhân cách của họ phù hợp với mục đích giáo dục đã định.

Như vậy: Môi trường giáo dục ở trường mầm non là tổ hợp những điều kiện tự nhiên và xã hội cần thiết và trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non và hiệu quả của những  hoạt động này nhằm góp phần thực hiện tốt  mục tiêu, nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ.

Một trong những điều kiện và phương thức để cá nhân hoạt động và lĩnh hội các giá trị vật chất và tinh thần, các phương thức hoạt động sống trên cơ sở đó nhân cách được hình thành và phát triển đó chính là môi trường giáo dục. Môi trường giáo dục có mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào lập trường, tư duy, quan điểm.

Môi trường giáo dục rất đa dạng, có thể phân chia một cách tương đối thành môi trường xã hội (gồm môi trường gia đình, môi trường nhà trường...) và môi trường tự nhiên. Đối với lứa tuổi nhỏ, môi trường gia đình và môi trường nhà trường có tác động trực tiếp trong quá trình hình thành nhân cách. Các môi trường này tồn tại trong mối quan hệ biện chứng với nhau, do đó cần được tổ chức theo một cơ chế chặt chẽ, hợp lí nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp tác động đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách thế hệ trẻ. Ở một phương diện khác, môi trường giáo dục là tập hợp không gian với các hoạt động xã hội của cá nhân, các phương tiện và giao lưu được phối hợp với nhau tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục đạt kết quả cao nhất. Nhiệm vụ chăm lo sự nghiệp giáo dục, xây dựng phong trào học tập và phát triển môi trường giáo dục lành mạnh đã trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được xác định trong Luật Giáo dục để mọi cá nhân và tổ chức phải thực hiện. Do đó, việc xác định nhiệm vụ xây dựng và phát triển môi trường văn hoá giáo dục cho thế hệ trẻ là trọng tâm của ngành Giáo dục, nhưng để hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi phải có sự quan tâm của toàn xã hội. Xác định mục tiêu chung của giáo dục là phát triển toàn diện nhân cách thế hệ trẻ, để giáo dục được một con người trưởng thành là một việc rất khó nhưng cũng rất vĩ đại.

2. Các yếu tố cấu thành môi trường giáo dục

Thứ nhất, cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị của nhà trường phục vụ cho các hoạt động dạy và học, chăm sóc, giáo dục,…;

Thứ hai, tập thể các nhà giáo, cán bộ, nhân viên các nhà quản lí sư phạm, học sinh;

Thứ ba, cơ chế hoạt động của môi trường giáo dục, như: Tiêu chí; Chuẩn mực; Hệ thống giá trị của nhà trường; Chế độ khen chê làm hành lang pháp lý khen thưởng; Các chế tài động viên thúc đẩy mọi thành viên nhà trường ra sức xây dựng,…

3. Xây dựng môi trường giáo dục đổi mới, tích cực, sáng tạo

Xây dựng, đầu tư cho môi trường giáo dục trong trường mầm non không chỉ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, tình cảm- kĩ năng xã hội, khả năng thẩm mĩ, sáng tạo của trẻ,… mà còn mang lại sự thuận lợi giúp giáo viên mầm non có khả thích ứng với sự thay đổi trong hoạt động nghề nghiệp của mình giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Môi trường làm việc bao gồm:

a. Xây dựng môi trường vật chất: Là các điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác chăm sóc - giáo dục trẻ hàng ngày. Đội ngũ GVMN có chuyên môn, có năng lực nhưng không có đủ những điều kiện cơ sở vật chất thực hiện nhiệm vụ thì khó có thể nói đến chất lượng của nhà trường. Ngược lại, nếu có môi trường cơ sở vật chất tốt, nhưng năng lực đội ngũ thấp thì khó có thể đảm bảo tốt chất lượng chăm sóc - giáo dục trẻ. Hai điều này luôn song hành với nhau để tạo nên chất lượng và kết quả sản phẩm đầu ra được tốt.

Với cuộc cách mạng 4.0 vạn vật kết nối internet, thông tin bùng nổ, vì vậy quá trình trao truyền tri thức, kinh nghiệm giữa con người với con người cũng cần có sự thay đổi phù hợp. Sự ra đừi của các thiết bị thông minh giúp con người được tận hưởng những tiện ích của kỉ nguyên internet giúp cho việc tiếp nhận tri thức được nhanh chóng hơn, rút ngắn khoảng cách. Vì vậy, việc đầu tư về cơ sở vật chất theo hướng hiện đại hóa đáp ứng thời kì cánh mạng 4.0 trong các trường học nói chung, trường mầm non nói riếng là một yêu cầu cấp thiết. Cơ sở vật chất của trường mầm non, ngoài việc đáp ứng theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT, nhà trường cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư những trang thiết bị hiện đại như: máy tính, máy chiếu, hệ thống internet,…cùng các phần mềm phục vụ công tác giảng dạy, giáo dục, chăm sóc trẻ.

b. Xây dựng đội ngũ giáo viên

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự thay đổi nhanh chóng về khoa học công nghệ và cách tiếp cận tri thức đã đặt ra thách thức lớn cho người giáo viên. Điều này đòi hỏi mỗi giáo viên phải năng động, chủ động thích ứng; từng bước thay đổi phương pháp giảng dạy, không chỉ đơn thuần trao tri thức, mà còn phải trở thành người định hướng, khai mở tiềm năng cho học sinh.

- Giá trị lớn của trường học là người học được tiếp cận với nhiều người giỏi, người học có môi trường sáng tạo và sản sinh tri thức mới. Giáo viên có chất lượng luôn là sự mong đợi của xã hội. Người giáo viên giỏi, năng động, sáng tạo sẽ là hạt nhân làm nên giá trị đó, trường học là trung tâm sáng tạo, là nơi nuôi dưỡng những nhân cách văn hóa. 

- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước mắt là chuyển đổi số, đòi hỏi người giáo viên cùng nhà trường phải chuyển đổi suy nghĩ, thay đổi cách làm, và chủ động tạo ra một môi trường sáng tạo. Việc tạo ra cảm hứng sáng tạo cho giáo viên và người học sẽ là đường dẫn để mọi người có thể hấp thụ được những giá trị lớn của thời đại đang thay đổi.

- Người giáo viên góp phần khẳng định giá trị: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo” (Phạm Văn Đồng). “Giáo dục tương tự như bức tượng cẩm thạch đứng trong sa mạc và liên tục bị đe dọa chôn vùi bởi cát chảy. Luôn cần có những bàn tay chăm sóc để bức tượng cẩm thạch ấy tiếp tục tỏa sáng trong ánh Mặt trời” (Albert Einstein). Một trong những bàn tay chăm sóc ấy là người giáo viên góp phần xây dựng môi trường tích cực, sáng tạo và đổi mới để giáo dục luôn luôn tỏa sáng và phát triển; góp phần khẳng định nguyên lý “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

3. Xây dựng môi trường tình thần trong trường mầm non

 Môi trường tinh thần là xây dựng một bầu không khí làm việc thân thiện, hợp tác, cởi mở, năng động và chuyên nghiệp, gắn bó và đoàn kết; một môi trường làm việc tốt luôn khuyến khích sự sáng tạo của mỗi cá nhân và phát huy tinh thần tập thể.

Môi trường tinh thần còn chịu ảnh hưởng của khung pháp lý, cơ chế chính sách của ngành được áp dụng cụ thể trong nhà trường và những quy định riêng của nhà trường dành cho đội ngũ GVMN, những người làm việc trực tiếp với trẻ như: các chính sách về tiền lương, thưởng, phúc lợi, chính sách học tập nâng cao trình độ và năng lực bản thân, chính sách tạo cơ hội phát triển chuyên môn và thăng tiến... các chính sách này nếu được quan tâm thì sẽ tạo ra một môi trường tâm lý tốt, an tâm với nghề cho đội ngũ GVMN, làm cho họ nhiệt tình và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Xây dựng môi trường làm việc cho đội ngũ GVMN đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc cho cá nhân và nhà trường. Mục đích quan trọng nhất là sử dụng hợp lý nguồn lao động, khai thác hiệu quả nguồn lực con người nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức.

Việc xây dựng môi trường để tạo động lực làm việc cho GVMN cần: Xây dựng quan hệ hợp tác giữa giáo viên và trẻ em mầm non, giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với phụ huynh; xây dựng bầu không khí tâm lý hợp tác làm việc tốt giữa các bộ phận trong nhà trường mầm non.

Để tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp cho GVMN, nhà trường cần làm các công việc sau: Có chính sách khuyến khích GVMN nâng cao trình độ chuyên môn, học tập; Xây dựng tiêu chí đánh giá GV rõ ràng, coi trọng và ghi nhận sự tiến bộ của cá nhân và tập thể; Có chính sách khen thưởng phù hợp, kịp thời và công bằng khi giáo viên thành công trong công việc; Tạo điều kiện để giáo viên được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo có liên quan đến chuyên môn chăm sóc giáo dục trẻ; Trong nhà trường mầm non giáo viên có nhiều cơ hội phát triển về chuyên môn và quản lý; Giáo viên mầm non được giao các công việc mới đòi hỏi trình độ và năng lực cao, được cử người hướng dẫn kèm cặp và phát triển.

III. Kết luận

Như vậy, để giúp giáo viên nói chung, giáo viên mần non nói riêng có khả năng thích ứng trong hoạt động nghề nghiệp, phát huy hết khả năng sáng tạo của bản thân, các nhà trường cần chú trọng đầu tư đến môi trường giáo dục.  Việc xây dựng một môi trường giáo dục đổi mới, tích cực, sáng tạo cần tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ khác nhau, trong đó cần tập trung thực hiện tốt dân chủ hóa đời sống chính trị, tinh thần của nhà trường, làm lành mạnh các quan hệ giữa các thành viên, xây dựng bầu không khí tích cực, sẻ chia, góp phần nâng cao tinh thần lạc quan, tin tưởng và đoàn kết cao trong tập thể nhà trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Hộ (2000), Thích ứng sư phạm, Nxb Giáo dục.
  2. Trần Văn Hiếu (2015), Nâng cao năng lực thích ứng của sinh viên với hoạt động học tập theo phương thức đào tạo tín chỉ, NXB Đại học Huế.
  3. Bộ Giáo dục Đào tạo (2020), Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT - Ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thống và trường phổ thông có nhiều cấp học.