foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Tiếng Việt và tiếng Hán cùng loại hình ngôn ngữ đơn lập và đều có lịch sử phát triển lâu đời. Sự tiếp xúc giữa hai ngôn ngữ kéo dài hàng ngàn năm đã để lại kết quả: bên cạnh việc vay mượn rất nhiều từ ngữ tiếng Hán, người Việt còn mượn một số lượng khá lớn thành ngữ Hán – Việt  để làm phong phú, đa dạng thêm từ vựng tiếng Việt. Tuy vậy, khi được người Việt mượn vào để sử dụng, cũng như các từ Hán – Việt, các thành ngữ Hán - Việt đã chịu những tác động nhất định của tiếng Việt. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ trình bày kết quả tìm hiểu về việc dùng thành ngữ Hán - Việt trong văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm minh chứng cho sự biến đổi và giá trị sử dụng của lớp thành ngữ này trong tiếng Việt.

1. Đặt vấn đề

Trong các tác phẩm chính luận của mình, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm đến việc sử dụng ngôn ngữ. Người nhận thấy rõ giá trị to lớn của những cách biểu đạt có sẵn, mang hình thức gọt giũa chứa đựng nội dung súc tích, là kết tinh của trí tuệ quần chúng  như thành ngữ, vì vậy Người đã sử dụng chúng rất nhiều trong các bài viết của mình. Đặc biệt, trong các tác phẩm chính luận của Hồ Chủ tịch, bên cạnh việc sử dụng vốn thành ngữ thuần Việt quen thuộc trong lời ăn tiếng nói của nhân dân, ta bắt gặp một số lượng đáng kể các thành ngữ Hán - Việt – đơn vị ngôn ngữ vay mượn của tiếng Hán… .Lớp thành ngữ Hán – Việt này khi đi vào tiếng Việt  đã chịu những tác động nhất định của quy luật tiếng Việt, nay dưới bàn tay sử dụng ngôn từ điêu luyện của Hồ Chủ tịch một lần nữa lại được biến hoá hết sức linh hoạt, uyển chuyển. Việc khảo sát, phân tích cách sử dụng lớp thành ngữ Hán - Việt này trong tác phẩm chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cho chúng ta thấy được giá trị sử dụng của lớp thành ngữ này trong tiếng Việt mà còn cho thấy sự sáng tạo độc đáo, sự tài tình, điêu luyện trong phong cách chính luận của Người.

2. Nội dung

2.1. Lớp thành ngữ Hán - Việt trong tiếng Việt

Trong tiếng Việt, đại đa số thành ngữ gốc ngoại được mượn từ tiếng Hán. Đó chính là hệ quả tất yếu của quá trình tiếp xúc văn hóa diễn ra rất sớm, rất lâu dài giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Trung Hoa, đưa đến một cuộc tiếp xúc mạnh mẽ giữa hai ngôn ngữ. Hơn nữa vay mượn là hiện tượng tất yếu trong tiếp xúc ngôn ngữ, vay mượn xảy ra do nhu cầu khách quan của giao tiếp. Một khi ngôn ngữ cần phải bổ sung những thiếu hụt của mình về từ, ngữ, hoặc cấu trúc ngữ pháp... Nhưng lí do cơ bản chính là tính chất gần gũi về loại hình giữa tiếng Hán và tiếng Việt (đều thuộc cùng loại hình ngôn ngữ đơn lập). Đây là thuận lợi đáng kể cho việc tiếp nhận các đơn vị vay mượn từ tiếng Hán.

Thành ngữ Hán -Việt trong tiếng Việt được chia làm 2 loại nhỏ: loại có gốc Hán và loại thành ngữ do người Việt tạo lập bằng chữ Hán. Loại có gốc Hán là những thành ngữ du nhập vào Việt Nam từ lâu đời, thông qua con đường trích từ Kinh sử là chủ yếu. Là những đơn vị thành ngữ được nhập vào tiếng Việt thông qua cách đọc Hán - Việt. Người truyền đạt những thành ngữ này là tầng lớp trí thức phong kiến hay "nói chữ" rồi lan dần ảnh hưởng sang một bộ phận trong nhân dân. Còn loại thành ngữ do người Việt tạo lập bằng chữ Hán thì xuất hiện thưa thớt hơn trong vốn từ vựng tiếng Việt, có thể do những “ông đồ” hay chữ đặt ra. Chúng có nghĩa phổ thông dễ hiểu hơn loại trên và về mặt kết cấu những thành ngữ này đã giống trật tự ngữ pháp của tiếng Việt. Ví dụ: thần thông biến hóa; bất khả xâm phạm; đồng tâm nhất trí; ...

Sự có mặt của các thành ngữ gốc Hán không những đã bổ sung cho thành ngữ tiếng Việt một số lượng đáng kể mà còn có vai trò quan trọng về mặt chất lượng như góp thêm các đơn vị mang nội dung khái niệm mới, cùng thành ngữ thuần Việt tạo lập các nhóm đồng nghĩa, trái nghĩa, đồng âm, làm đa dạng hóa, sắc thái hóa nội dung biểu đạt.

Những thành ngữ gốc Hán này khi đi vào tiếng Việt trở thành bộ phận của hệ thống từ vựng tiếng Việt, cũng như các từ Hán -Việt chúng chịu sự tác động của quy luật tiếng Việt. Vì vậy mặc dầu là những đơn vị có tính cố định hóa rất cao nhưng chúng vẫn có những biến đổi nhất định về mặt cấu tạo cũng như ngữ nghĩa để đáp ứng nhu cầu hành chức trong tiếng Việt. Đặc biệt, khi đi vào hoạt động sử dụng thì chúng lại có những biến đổi vô cùng linh hoạt, điều này có thể thấy rõ nhất trong hoạt động thơ ca của người Việt.

2.2. Thành ngữ Hán - Việt trong văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh

2.2.1. Các thành ngữ Hán - Việt được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng rất đúng lúc, đúng chỗ, phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh

Sinh thời, mỗi khi cầm bút viết Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt ra những câu hỏi: Viết cho ai?, Viết cái gì ?, Viết như thế nào?. Trong đó, đối tượng giao tiếp (“Viết cho ai”) luôn luôn được Người quan tâm chú ý trước nhất, bởi nó sẽ chi phối sâu sắc đến cách “viết như thế nào” cũng như việc sử dụng các phương tiện ngôn ngữ ra sao? Khi nói chuyện, giao tiếp với một tầng lớp nhân dân nào Chủ tịch Hồ Chí Minh thường hay dùng lớp từ quen thuộc của tầng lớp đó để diễn giải tư tưởng của Người. Điều này cũng thể hiện rõ trong việc lựa chọn và sử dụng thành ngữ trong các bài nói, bài viết của Hồ Chủ tịch.

Khi nói chuyện với cán bộ, Đảng viên, những người trí thức, những chiến sĩ cộng sản… những đối tượng có trình độ học vấn khá, nhất là những người có ít nhiều vốn Hán học, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng nhiều thành ngữ  Hán - Việt nhằm tăng sức thuyết phục, sự trang trọng trong lời nói của mình. Chẳng hạn, trong bài nói chuyện với cán bộ, Đảng viên “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh, họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.” Trong đoạn văn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng liên tiếp các từ Hán - Việt: cá nhân chủ nghĩa, gian khổ, tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, địa vị, quyền hành … và liên tiếp các thành ngữ Hán -Việt: tham danh trục lợi, tự cao tự đại hoặc các cụm từ đẳng lập Hán - Việt: địa vị quyền hành, độc đoán chuyên quyền, quan liêu mệnh lệnh… làm cho lời dạy của Người hết sức nghiêm khắc và thâm thúy.

Nói về đạo đức của người cách mạng, của người chiến sĩ cộng sản với những cán bộ, Đảng viên cao cấp của nhà nước, hoặc phát biểu tại các hội nghị, Người thường sử dụng các thành ngữ Hán - Việt có tính chất trang trọng và tác động mạnh mẽ hơn:  “Các đồng chí lãnh đạo phải gương mẫu phải quan tâm đến đời sống của cán bộ đồng bào, phải đồng cam cộng khổ” [7, tr. 22]  “Phải chí công vô tư và có tinh thần lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Đó là đạo đức của người cộng sản” [6, tr. 311). Như vậy trong những bài viết, bài nói này Hồ Chủ tịch đã điểm vào rất nhiều các thành ngữ Hán - Việt “đồng cam cộng khổ”, “chí công vô tư” ... Và dường như sức nặng của câu văn tập trung vào những thành ngữ Hán - Việt này tạo nên một sự tác động mạnh mẽ trong lòng người đọc, người nghe.

Hay khi nói chuyện với trí thức Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu: “Hôm nay tôi muốn nói câu chuyện rất đơn giản, nông cạn, câu chuyện về Tam tự kinh. Câu đầu tiên của Tam tự kinh là “Nhân chi sơ, tính bản thiện” chúng ta mượn câu ấy để làm đầu đề nói chuyện. Bằng việc nhắc tới Tam tự kinh cùng mấy chữ Hán “Nhân chi sơ, tính bản thiện” như là “chuyện nhà” của người trí thức, Hồ Chủ tịch bắt đầu giảng giải tư tưởng của mình: “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Thiện nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẽ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Được Hồ Chủ tịch giảng giải về nhân chi sơ tính bản thiện, về nghĩa vụ “phò chính trừ tà” giới trí thức như nghe thấy tiếng nói đầy lương tri của “bậc đại trí, đại dũng”.

Trong khi đó, lúc nói chuyện với quần chúng nhân dân lao động thì những người lính, những cụ già, những người nông dân… đều thấy trong ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ lời ăn tiếng nói” của chính mình. Lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại sử dụng chủ yếu lớp thành ngữ thuần Việt của quần chúng nhân dân để nói chuyện với họ: “Tôi nguyện đem hết tài mọn sức hèn xin đi theo các vị, dẫu có tan xương nát thịt cũng không tiếc” [3, tr. 165]; “Mỗi người phải ra sức góp công góp của để xây dựng nước nhà. Chớ nên “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” [6, tr.299]. Các thành ngữ thuần Việt “tài mọn, sức hèn”, “ăn cỗ đi trước lội nước theo sau” … vừa giản dị, gần gũi, giàu hình ảnh và sức gợi tả này đã tác động đến tình cảm và nhận thức của quần chúng nhân dân nhanh nhất, có hiệu quả nhất.

Ngay cả cùng một câu thành ngữ nhưng với những đối tượng khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có cách sử dụng khác nhau. Đối với những người quần chúng có trình độ hiểu biết chưa cao tất cả các đơn vị từ vựng chưa quen, khó hiểu, hay chưa có trong vốn ngôn ngữ của tầng lớp này đều được Người thay bằng hình thức biểu đạt dễ cảm nhận hơn. Những thành ngữ Hán - Việt mà Người sử dụng bao giờ cũng kèm theo lời giải thích bằng tiếng Việt. “Tục ngữ có câu “dân dĩ thực vi tiên” nghĩa là dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn là không có trời. Lại có câu “có thực mới vực được đạo” nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được gì cả” [1, tr. 38]. Còn đối với đối tượng học vấn khá hơn, thành ngữ Hán - Việt này được Hồ Chí Minh sử dụng ở dạng nguyên gốc: “Việt Nam có câu tục ngữ: “có thực mới vực được đạo”. Trung Quốc cũng có câu tục ngữ: “dân dĩ thực vi tiên”. Hai câu ấy tuy đơn giản nhưng rất đúng lẽ” [ 2, tr. 265].

Như vậy, chúng ta có thể thấy trước hết các thành ngữ Hán Việt được sử dụng trong các tác phẩm chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đúng lúc, đúng chỗ, phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh. Vì vậy những thành ngữ Hán Việt mà Người đã sử dụng không gây sự khó hiểu mà ngược lại nó tạo được những giá trị nhất định trong hoàn cảnh sử dụng. Lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì thế trở nên gần gũi với các tầng lớp nhân dân khác nhau.Tư tưởng của Hồ Chủ tịch vì thế đi một cách tự nhiên vào suy nghĩ của các tầng lớp nhân dân khác nhau.

2.2.2. Thành ngữ Hán - Việt trong các sáng tác chính luận của Hồ Chủ tịch được sử dụng rất linh hoạt, sống động, uyển chuyển

Trước hết, thành ngữ Hán - Việt được sử dụng nguyên thể, nghĩa là Hồ Chủ tịch sử dụng nguyên dạng các thành ngữ Hán- Việt trong từ điển vào trong tác phẩm chính luận của mình. “… Những vị anh hùng ấy vì nước, vì dân mà làm nên sự nghiệp kinh thiên động địa…” (Nên học sử ta);  “ Đất nước Việt Nam là tổ quốc thứ hai của các bạn. Các bạn cùng nhân dân Việt Nam phải tương kính tương thân thành thật hợp tác, êm ấm thuận hòa, thực hiện chữ “tứ hải giai huynh đệ” (Nói chuyện cùng đồng bào trước khi sang Pháp). So với thành ngữ thuần Việt được sử dụng trong tác phẩm văn chính luận, chúng ta có thể thấy loại thành ngữ Hán - Việt sử dụng ở dạng nguyên thể chiếm tỷ lệ lớn hơn. Điều này cũng dễ hiểu: nếu như thành ngữ thuần Việt là đơn vị ngôn ngữ do người bản ngữ đặt ra nên quen thuộc, gần gũi, dễ hiểu thì thành ngữ Hán - Việt là đơn vị vay mượn, mặc dầu đã được Việt hoá ở những mức độ khác nhau nhưng nhìn chung chúng vẫn có tính trừu tượng, khó hiểu hơn. Vì vậy để người đọc, người nghe có thể tiếp nhận dễ dàng hơn các thành ngữ Hán - Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ yếu dùng chúng ở dạng nguyên thể trong bài viết, bài nói của mình .

Tuy nhiên, ngoài việc sử dụng những thành ngữ nguyên thể, để tạo nên những câu văn, lời thơ giàu hình ảnh, nhiều ý nghĩa, trong một số trường hợp Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo ra những biến thể thành ngữ Hán - Việt bằng nhiều cách thức rất sáng tạo, linh hoạt. Người có thể tạo ra các biến thể bằng cách thay thế một hoặc một số yếu tố trong thành ngữ gốc. Ví dụ: “Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội” (Nam nữ bình quyền); “Vì độc lập tự do của tổ quốc, vì hoà bình ở châu Á và thế giới nhân dân Việt Nam không sợ hy sinh gian khổ, quyết đánh quyết thắng và nhất định sẽ thắng giặc Mỹ xâm lược”. Các biến thể: “trọng trai khinh gái”, “tự kiêu tự đại”, “quyết đánh quyết thắng” được tạo ra từ việc thay thế từ ngữ trong các thành ngữ gốc “trọng nam khinh nữ”,tự cao tự đại”, “quyết chiến quyết thắng”. Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng các từ đồng nghĩa để thay thế cho nhau: “trai – nam”, “gái - nữ”, “kiêu – cao”, “đánh - chiến”. Chúng không làm thay đổi nghĩa của thành ngữ gốc nhưng đã tạo nên những sắc thái mới cho lời văn, tạo nên sự bất ngờ, mới lạ trong cách nói cách viết của Người, đồng thời làm cho nội dung của nó trở nên dung dị, gần gũi, dễ đi vào lòng người hơn.

Đặc biệt, có những trường hợp sự thay thế từ ngữ trong thành ngữ gốc đã tạo nên một biến thể thành ngữ mang nghĩa hoàn toàn khác. Ví dụ:  “Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không phải là nửa tâm nửa ý” [2, tr. 200]. Với biến thể thành ngữ này, Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh được phẩm chất tốt đẹp của người anh hùng, chiến sỹ thi đua trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Cái “nửa tâm nửa ý” đã làm bật lên cái “toàn tâm toàn ý” của những con người đáng quý ấy.

Người cũng có thể tạo ra biến thể bằng cách đảo trật tự các yếu tố trong thành ngữ gốc. Ví dụ: “Đạo đức ấy có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp đổi xã hội cũ thành xã hội mới và xây dựng mỹ tục thuần phong” (Đạo đức cách mạng); “Về phong tục phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bảo, trộm cắp… Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng phong thuần tục mỹ”. (Đời sống mới); “Hiện nay, toàn quốc đồng bào ta, công giáo và ngoại giáo đều đoàn kết chặt chẽ, nhất trí đồng tâm như con một nhà, ra sức đấu tranh để giữ gìn nền độc lập của tổ quốc” [3, tr. 121]. Những thành ngữ đảo trật tự này đều là những thành ngữ đối xứng, vì vậy nếu đảo trật tự yếu tố hay đảo vế không làm thay đổi nghĩa của  thành ngữ gốc nhưng nó đã tạo nên một sức hấp dẫn trong cách nói của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tạo biến thể thành ngữ Hán - Việt bằng cách chêm xen hoặc tỉnh lược một hoặc một số yếu tố vào thành ngữ gốc hết sức linh hoạt, sáng tạo. Ví dụ: “Đồng bào miền Nam tin tưởng chắc chắn rằng bỉ cực thì thái lai. Mùa xuân thống nhất và tự do nhất định sẽ đến [6, tr. 47]; “Cảm ơn bà biếu gói cam… Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai [3, tr. 168]. Việc thêm yếu tố “thì”, “đến” vào giữa hai vế của thành ngữ không làm thay đổi nghĩa của thành ngữ song đây lại là cách nói gần gũi với người Việt, tạo  nên một nhịp điệu nhẹ nhàng, khoan thai cho câu văn, vì vậy dễ đi vào lòng người hơn.

Cũng có khi Người thêm vào hai vế của thành ngữ Hán - Việt những tổ hợp từ làm cho nhịp điệu câu văn dàn trải đồng thời như khắc sâu hơn ý nghĩa của câu nói. Ví dụ: “Tôi hứa với chú: toàn thể đồng sự và đồng chí sẽ cố gắng noi gương đạo đức cách mạng của chú, noi gương chú đã tận trung với nước, tận hiếu với dân’’ (Bài điếu đồng chí Hồ Tùng Mậu). Ngược lại với cách tạo biến thể trên, Hồ Chủ tịch còn tạo biến thế thành ngữ Hán- Việt bằng cách bớt một hoặc một số yếu tố trong thành ngữ gốc. Ví dụ: “Có người biết chép, đề xướng ra một chút thì lại làm rất hồ đồ hoặc xúi dân bạo động mà không bày cách tổ chức hoặc làm cho dân có tính ỷ lại mà quên tính tự cường” (Đường cách mạng). Thành ngữ Hán - Việt tự lực tự cường  đã được rút gọn lại thành tự cường bằng cách bớt đi hai yếu tố “tự lực” - sự tỉnh lược này chỉ làm thay đổi cấu trúc chứ không làm thay đổi nghĩa của thành ngữ. Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giữ lại những yếu tố cốt lõi, đủ khêu gợi ở người đọc, người nghe những hình ảnh, ý nghĩa của câu thành ngữ đó. Vì vậy câu văn, lời nói càng giàu sức gợi và sự ám ảnh trong lòng người.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tạo ra một loại biến thể độc đáo cho thành ngữ Hán - Việt nữa đó chính là biến thể sử dụng hình ảnh của thành ngữ. Đây là loại biến thể mà cấu trúc và ý nghĩa của thành ngữ gốc không hiện lên trên câu chữ, trên bề mặt văn bản mà lại ẩn sau những câu chữ ấy. Hay theo cách nói của giáo sư Hoàng Văn Hành: “Dùng thành ngữ dưới dạng không thành ngữ tức là dùng cái thần của thành ngữ chứ không phải dùng cấu trúc của nó”.  Ví dụ: “Các sự hi sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng, hạnh phúc thì mình nhường người ta hưởng trước” [4, tr.185]; “Mười hai tiểu đoàn Tây Đức cũng mới có danh mà không có thực” [5, tr. 517]. Những thành ngữ gốc: tiên ưu hậu lạc, hữu danh vô thực... đã hiện ra trong tâm trí người đọc, người nghe qua những hình ảnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng trong các câu nói trên. Kiểu biến thể này cho ta thấy một sự am hiểu sâu sắc của Người đối với những thành ngữ Hán - Việt, đồng thời chúng còn giúp ta cảm nhận tốt hơn sự sáng tạo linh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sử dụng thành ngữ Hán - Việt nói riêng, thành ngữ nói chung.

3. Kết luận

Như vậy, trong bài viết này, chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu và phân tích việc sử dụng thành ngữ Hán Việt trong tác phẩm chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể thấy những thành ngữ Hán - Việt khi đi vào tiếng Việt đã được Việt hoá một phần dưới tác động của quy luật tiếng Việt, nay dưới bàn tay sử dụng ngôn từ điêu luyện của Hồ Chủ tịch một lần nữa lại được biến hoá hết sức linh hoạt, uyển chuyển. Với việc sử dụng một cách hợp lý, đúng lúc, đúng chỗ, phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh giao tiếp, thành ngữ Hán - Việt trong các tác phẩm chính luận của Hồ Chủ tịch đã giúp Người truyền đạt hiệu quả các nội dung, tư tưởng của mình, đặc biệt nó còn tạo ra sức hấp dẫn, độc đáo cho các bài nói, bài viết của Người. Đây cũng chính là biểu hiện cho sự sáng tạo độc đáo, sự tài tình, điêu luyện trong phong cách chính luận của Hồ Chủ tịch. Việc sử dụng thành ngữ Hán - Việt văn bản chính luận của Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định giá trị của lớp thành ngữ này trong hoạt động ngôn ngữ tiếng Việt nhưng chúng ta cần sử dụng nó một cách hợp lý, tránh lạm dụng , đồng thời  phải chú ý gìn giữ và phát triển ngôn ngữ dân tộc Việt ngày càng giàu đẹp hơn.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hồ Chí Minh, Toàn tập (tập 1), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.
  2. Hồ Chí Minh, Toàn tập (tập 2), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.
  3. Hồ Chí Minh, Toàn tập (tập 4), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.
  4. Hồ Chí Minh, Toàn tập (tập 5), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.
  5. Hồ Chí Minh, Toàn tập (tập 6), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.
  6. Hồ Chí Minh, Toàn tập (tập 10), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.
  7. Hồ Chí Minh, Toàn tập ( tập 12), NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011
  8. Đỗ Hữu Châu, Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.
  9. Nguyễn Bích Hằng, Trần Thanh Liêm, Từ điển thành ngữ, tục ngữ Hán- Việt, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2005.
  10. Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành, Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1994.