foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Cây cam ngọt của tôi được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1968, là tác phẩm nổi tiếng được bán bản quyền cho hơn 20 quốc gia và chuyển thể thành phim điện ảnh. Cuốn tiểu thuyết Cây cam ngọt của tôi được lựa chọn để đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường Tiểu học Brazil, bởi ngôn ngữ vô cùng đơn giản, nhẹ nhàng, truyền đạt được những bài học rất nhân văn.

T8 SV 9 8 0

“Trái tim chúng ta cần phải đủ lớn để có chỗ cho tất cả mọi thứ chúng ta yêu thương”

Đây là cuốn sách được xếp vào danh sách một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong lịch sử văn học của đất nước Brazil, được dịch và xuất bản trên nhiều nước và thế giới. Tại Việt Nam, Cây cam ngọt của tôi được Nguyễn Thị Bích Lan và Tô Yến Ly dịch, do Nhà xuất bản Hội nhà văn và Công ty Nhã Nam đồng phát hành.

Tác giả cuốn tiểu thuyết là José Mauro de Vasconcelos, ông được sinh ra trong một gia đình hoàn cảnh khó khăn nhưng có trí tưởng tượng phong phú, trí nhớ tốt cùng tài năng kể chuyện thiên bẩm và vốn sống dày dặn. Điều đó đã góp phần to lớn cho sự thành công trong Cây cam ngọt của tôi – một cuốn tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện của chính tác giả về cuộc sống cá nhân và những sự kiện đầy biến động thời thơ ấu, tạo ra tiếng vang bùng nổ đối với nền văn học trên thế giới. Tác phẩm đưa người đọc ngụp lặn trong hành trình lớn lên của cấu bé Zezé vừa hạnh phúc vừa khổ đau; cảm nhận được cái nhìn của Zezé về thế giới, không chỉ là thế giới cảnh vật xung quanh mà còn có cả thế giới nội tâm con người. Tác phẩm mang lại cho độc giả một góc nhìn mới về thế giới trẻ thơ, về sự trao đi tình yêu thương như thế nào là đúng, cao hơn hết đó chính là sự thấu hiểu, thương yêu thay vì đòn roi trách phạt.

Cây cam ngọt của tôi - nhìn từ phương diện nội dung, điều làm tôi tâm đắc nhất chính là những triết lí về cuộc sống: Cuộc sống là một thế giới thu nhỏ với nhiều điều mới lạ cần khám phá, Zezé – một em bé năm tuổi mang trên mình sự ngây ngô tinh nghịch, rất ham học hỏi những thứ mới lạ; cậu bé ấy cũng có ước mơ và khát khao “muốn trở nên khôn ngoan, thành nhà thơ và thắt nơ bướm”. Hay nếu không đồng cảm và thấu hiểu thì sẽ mang lại đau thương cho nhau, nhân vật người cha của Zezé dùng bạo lực lên người con trai của mình vậy đúng là đáng trách nhưng nhìn từ một góc độ nào đó thì người đàn ông này cũng cần được sự cảm thông. Ông ấy cũng có nỗi khổ tâm không thể chia sẻ và tâm sự cùng ai, áp lực trong hoàn cảnh nghèo khó cộng với nhiều nỗi lo khiến ông suy sụp dường như chẳng thể suy nghĩ và thấu hiểu cho người khác, diễn biến lúc này trong cuốn tiểu thuyết dường như làm cho người cha chỉ nghĩ được rằng: “Cha cứ tưởng nó đang chế giễu cha. Hỗn xược với cha”. Trong cuộc sống, có muôn vàn thách thức thay vì áp đặt nỗi sợ của mình lên người khác thì hãy sống chậm lại một chút và yêu thương nhau nhiều hơn vì chính tình yêu thương đó sẽ chữa lành vết thương tâm hồn.

II. NỘI DUNG

1. Cuộc sống là một thế giới thu nhỏ với những điều mới lạ cần khám phá

Nếu những tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi hầu hết lôi cuốn độc giả bởi những chuyến phiêu lưu của nhân vật, hoặc thu hút bởi những yếu tố thần kì sức mạnh phi thường thì ở cuốn tiểu thuyết Cây cam ngọt của tôi lại đem đến những trải nghiệm vừa lạ vừa quen bởi những khám phá mới lạ và đầy độc đáo của cậu bé Zezé, người đọc như được sống lại trong tuổi thơ của chính mình.

Zezé cho rằng trong con người mình luôn có một chú chim nhỏ tồn tại, chú chim ấy giúp trẻ con khám phá mọi thứ. Tất cả thứ gần gũi, quen thuộc xung quanh cậu đều có thể nhìn ra được điều đặc biệt và cho rằng chúng cũng có tên, có tuổi và có thể trò chuyện giống như con người. Zezé cũng có thế giới tưởng tượng của riêng mình, đôi khi cũng nhầm lẫn tưởng rằng đó là những thứ có thật, không đơn thuần chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng. Với những đứa trẻ được sống trong môi trường đâỳ đủ, điều kiện vật chất không thiếu thốn thứ gì thì những món đồ đắt đỏ, những món ăn ngon hay điểm đến những khu vui chơi xa hoa đều chẳng có gì đặc biệt, thậm chí rất tầm thường nhưng đối với những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như Zezé thì những thứ đó đều rất xa xỉ và nó chỉ xuất hiện sau trí tưởng tượng. Ngoài những trò chơi tự tưởng tượng thì cậu bé còn có những ngươi bạn trong trí tưởng tượng của chính mình. Đó là chú dơi được Zezé đặt tên là Luciano.

Trong thế giới của Zezé, tất cả mọi thứ diễn ra thật thú vị, chính cậu bé đã tô vẽ linh hồn cho những thứ tưởng chừng vô cảm xung quanh mình. Không chỉ riêng Zezé tất cả những điều mới lạ đều cần phải  học hỏi, cần phải khám phá. Chính đầu óc ham khám phá và hình dung vô tận đã đưa cậu bé tìm kiếm được những vùng đất mới trên khắp thế giới, đó chính là những mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn.

2. Nếu không đồng cảm và thấu hiểu sẽ mang lại đau thương cho nhau

Hành trình khám phá nỗi đau và tình yêu thương của cậu bế đã phần nào cho ta cảm nhận được vị chua chát của cuộc đời, sự cay đắng của bảo lực đối với con trẻ. Cuốn tiểu thuyết Cây cam ngọt của tôi ngày càng cho ta cảm nhận gần gũi hơn với cuộc sống thực tế và thử hỏi rằng có đứa trẻ nào lớn lên mà không phải trải qua đòn roi, trách phạt và chỉ là mức độ ít hay nhiều. Không có đứa trẻ nào sinh ra bình thường lại không có trò quậy phá, nghịch ngợm khiến cha mẹ nhiều phen ngao ngán. Tất cả những gì mà Zezé trải qua thì mỗi chúng ta ít nhiều cũng trải qua một vài hoặc thậm chí rất nhiều lần. Chính vì vậy độc giả sẽ có những góc nhìn đầy chiêm nghiệm về cách suy nghĩ, trưởng thành, về sự trao đi tình yêu thương dành cho con trẻ. Zezé trong câu chuyện lại không được may mắn như vậy, trước khi nhận được tình yêu thương thì tuổi thơ của em phải trải qua những đau thương nhiều hơn. Chẳng phải ở đâu xa xôi, những nỗi đau đó do chính những người trong gia đình đem lại, những người tưởng chừng như máu mủ ruột thịt sẽ yêu thương nhau, che chở cho em nhưng hoàn toàn ngược lại, cậu bé đang lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Con người không được lựa chọn nơi mình sinh ra, Zezé cũng vậy, số phận sắp đặt cậu bé được sinh ra trong một gia đình như thế, gia đình ấy là nô lệ của cái nghèo đói.

Cuộc sống khó khăn lại chồng chất khó khăn, tất bật càng thêm tất bật, cha mẹ còn chuyên tâm lo “miếng cơm manh áo”, không có thời gian để sống chậm lại, quan sát, lắng nghe con mình. Mỗi trận đòn roi chỉ để lại những nỗi uất ức đối với Zezé, lâu dần nó đã tích luỹ thành một núi lửa chỉ trực chờ trào ra, “hôm nay tớ đã ăn đòn ba trận rồi”… Những trận đòn roi không phải lúc nào cũng giúp trẻ con hiểu ra mọi chuyện, thậm chí nó còn không biết mình sai ở đâu để sửa, nó chưa đủ trưởng thành để có những suy nghĩ đúng đắn mà chỉ dồn nén những suy nghĩ ngày càng tiêu cực. Trong cuộc sống có muôn vàn thách thức mà còn người cần phải đối mặt, thay vì áp đặt sự khổ sở của mình lên người khác thì hãy sống chậm lại một chút, hãy yêu thương nhau nhiều hơn, cuộc đời đầy rẫy những khó khăn vì vậy đừng tạo thêm khó khăn cho nhau nữa, ai cũng xứng đáng được yêu thương và nên dành tình yêu thương cho tất cả mọi người.

3. Tình yêu thương sẽ chữa lành vết thương tâm hồn

Nếu như những người như anh Totoca, chị Jandira, những người hàng xóm thậm chí cha mẹ không thấu hiểu, luôn cho rằng Zezé là một đứa trẻ hư, là hiện thân của quỷ dữ lắm mưu nhiều mẹo thì trái ngược lại, đối với chị Gloria, cô giáo Cecília Paim, ông bán báo Ariovaldo và ông Bồ…những người yêu thương em luôn coi em là đứa trẻ thông minh, đáng yêu và là một thiên thần.

Gia đình là nơi luôn dùng bạo lực để dạy dỗ Zezé nhưng cũng không đồng nghĩa rằng nơi đó không có tình yêu thương. Zezé có một người chị rất yêu các em của mình đó là chị Glória, chị luôn dành những lời lẽ ngọt ngào, chị là người duy nhất trong nhà không thích chuyện mọi người cho Zezé ăn đòn như cơm bữa, mỗi khi Zezé nghịch ngợm quá mức thì chị chỉ véo tay hoặc phạt cậu bé ở yên trong nhà. Chị thương Zezé rất nhiều, thương đứa em trai bé bỏng của chị, có lẽ chị cũng cảm thấy ngột ngạt khi sống dưới ngôi nhà có bầu không khí nặng nề như thế này. Người vất vả nhất trong gia đình không ai khác chính là mẹ của Zezé, biết rằng nhiều lúc cậu hư mẹ đánh đòn chỉ để dạy cho cậu bài học, tuy vậy mẹ cũng thương và yêu Zezé nhiều lắm. Xuyên suốt câu chuyện Zezé là một đứa trẻ hiểu chuyện, thấu hiểu sự vất vả của mẹ, người mẹ luôn âm thầm hi sinh, yêu thương các con của mình vô điều kiện, tác giả đã khiến người đọc phải động lòng bởi tình mẫu tử cao cả, thiêng liêng. Khi đến bờ vực của sự tuyệt vọng, không còn chút niềm tin nào về sự tồn tại của bản thân, Zezé đã thốt lên một lời buộc tội nặng nề: “Mẹ ơi, đáng lẽ con không nên được sinh ra trên đời này. Đáng lẽ con nên giống như quả cầu của con…”, mẹ buồn bã nói: “Ai đã ở trên đời, thì tức người đó đều xứng đáng được sinh ra con ạ. Con cũng thế. Chỉ thỉnh thoảng con mới hư thôi, Zezé.”. Câu nói của mẹ như một điểm nhấn cho toàn bộ tác phẩm, người mẹ ấy cũng chịu nhiều sự khổ tâm vất vả. Người mẹ thì như thế nhưng khi nhắc đến cha của Zezé một trong những nhân vật khiến con người đáng lên án về vấn nạn bạo lực gia đình. Nếu không vì cái nghèo cái khổ đè lên khiến ông quá ngột ngạt thì có lẽ ông cũng là một người cha tuyệt vời. Ông cũng thương yêu các con của mình, cũng muốn lo cho gia đình nhưng vì thất nghiệp quá lâu ngày khiến ông rơi vào tiêu cực, không còn tâm trí nghĩ đến những chuyện khác.

         Đến với tác phẩm còn cho ta thấy rằng sau tình yêu thương trong gia đình thì còn có tình yêu thương của nhữmg người chẳng có máu mủ thân quen gì nhưng sự xuất hiện lại có giá trị hết sức to lớn, họ là những người xa lạ đã mang hơi ấm tình yêu đến bên Zezé. Bên cạnh tình yêu thương đến từ những người mà Zezé yêu quý, cậu bé còn dành những tình cảm đặc biệt cho cây cam ngọt của mình. Trong thế giới diệu kỳ qua tưởng tượng của cậu bé Zezé có một người bạn xuất hiện âm thầm và lặng lẽ, đầy thú vị đó chính là cây cam ngọt Pinkie. Đối với mọi người đó là một cái cây vô tri nhưng đối với Zezé là một người bạn nói chuyện, vui đùa.

III. KẾT LUẬN

Câu chuyện về cậu bé Zezé trên hành trình khám phá nỗi đau và tình yêu thương, nhữmg triết lí cuộc sống giúp cho mỗi bạn đọc dù trưởng thành hay còn non trẻ đều cảm thấy như đang nếm một quả cam, có vị đắng chát của vỏ cam trong đời sống thực tại, có vị chua xót của mồ hôi nước mắt, nhưng cuối cùng vẫn nếm được vị ngọt ngào, trìu mến khi khám phá ra nhiều điều khiến cuộc đời này đáng sống hơn. Nhìn từ phương diện nội dung, có thể thấy sự tinh tế của nhà văn José Mauro de Vasconcelos khi dụng tâm lựa chọn những đối tượng phù hợp với tâm lý trẻ em. Lựa chọn nôi dung viết về tuổi thơ của Zezé – một cậu bé năm tuổi hay thực chất là hồi tưởng lại tuổi thơ của chính tác giả. Ngoài hành trình khám phá nỗi đau và tình yêu thương thì tôi thật sự tâm đắc về những triết lí cuộc sốg mà tác giả muốn gửi gắm đó chính là những điều thú vị cần khám phá trong cuộc sống, là sự đồng cảm và thấu hiểu và điều to lớn mà ta tưởng chừng như nhỏ bé đó chính là tình yêu thương.

Trong thời đại ngày nay, để theo kịp xu thế phat triển của thế giới mới, trong các trường hợp không chỉ tập trung dạy học sinh về kiến thức mà còn giáo dục các em phát triển tư tưởng, nhân cách đạo đức tốt. Là một giáo viên Tiểu học tương lai, tôi nhận thấy để đạt được hiệu quả cao trong việc dạy dỗ và giáo dục học sinh thì sự thấu hiểu tâm lý học sinh là một trong những điều kiện tiên quyết. Chính vì những lí do trên mà tôi rất tâm đắc khi tìm hiểu những triết lý về cuộc sống trong cuốn tiểu thuyết “Cây cam ngọt của tôi”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. José Mauro de Vasconcelos (1968), Cây cam ngọt của tôi, NXB Hội nhà văn.

[2]. Giới thiệu sách Cây cam ngọt của tôi, trang web: https://sach86.com/van-hoc/cay-cam-ngot-cua-toi.html

[3]. Lời thủ thỉ từ tuổi thơ, Review sách Cây cam ngọt của tôi, 2022, trang web: https://muagitot.com/review-sach/review-cay-cam-ngot-cua-toi-n3679.html

[4]. Thụy Oanh, Bài học lớn từ cậu bé ngèo, 2021, trang web: https://zingnews.vn/bai-hoc-lon-tu-cau-be-ngheo-post1169548.html