foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Trong bối cảnh hiện đại hóa nền giáo dục hiện nay, quan điểm mới về hoạt động của giáo viên đang dần được hình thành. Đặc thù của thời điểm hiện nay là mỗi giáo viên phải thực hiện chức năng của một nhà đổi mới, một chuyên gia và trong công việc hàng ngày của mình phải giới thiệu những ý tưởng, công nghệ, khái niệm, phương pháp giảng dạy và giáo dục mới nhất. Một điều nữa là không phải giáo viên nào cũng là người đổi mới, tức là tác giả của một sản phẩm giáo dục, khoa học và sư phạm mang tính đổi mới.

Hoạt động của một giáo viên dạy nhạc là chủ đề thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu ở mọi giai đoạn phát triển của phương pháp sư phạm âm nhạc. Vấn đề nghiên cứu hoạt động của giáo viên dạy âm nhạc, các phẩm chất, năng lực để một giáo viên âm nhạc tương lai thực hiện tốt hoạt động của mình là mục đích của bài viết này. Mục tiêu của môn học âm nhạc phổ thông được xác định “Chương trình môn Âm nhạc giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực âm nhạc dựa trên nền tảng kiến thức âm nhạc phổ thông và các hoạt động học tập đa dạng để trải nghiệm và khám phá nghệ thuật âm nhạc; nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ và tình yêu âm nhạc, nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc và mối liên hệ giữa âm nhạc với văn hoá, lịch sử, xã hội cùng các loại hình nghệ thuật khác, hình thành ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống; có đời sống tinh thần phong phú với những phẩm chất cao đẹp, có định hướng nghề nghiệp phù hợp, phát huy tiềm năng hoạt động âm nhạc và phát triển các năng lực chung của học sinh.”[Bộ GD&ĐT 2015]. Do vậy, “Thầy giáo phải được đào tạo để trở thành những nhà giáo dục nhiều hơn là những chuyên gia truyền đạt kiến thức; phải làm chủ được môi trường công nghệ thông tin - truyền thông mới, và phải chuẩn bị về mặt tâm lí cho một sự thay đổi cơ bản về vai trò của họ”[Bộ GD&ĐT 2018]. Điều đó đồng nghĩa với việc giáo viên trong nhà trường hiện đại phải đảm nhận nhiều vai trò hơn trong quá trình dạy học, cụ thể như sau:

1. Là trọng tài chuyên môn

Giáo viên Âm nhạc là người cung cấp lượng kiến thức khoa học, chính xác, đầy đủ về âm nhạc cho người học và là trọng tài trong các hoạt động thuộc về âm nhạc ở các giờ dạy (kiến thức và kĩ năng cơ bản về hát, nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc, thuyết trình, thảo luận, thực hành, seminar...); hướng dẫn giúp đỡ học sinh đến với tri thức âm nhạc bằng con đường ngắn nhất, tốt nhất.

2. Là huấn luyện viên

Giáo viên phải biết cách “kích thích” những hiểu biết của người học, gợi mở cho người học suy nghĩ và dẫn dắt người học hiểu biết để có thể vượt qua được những khó khăn, thử thách trong học tập; tạo cơ hội cho người học có đủ điều kiện để tự suy nghĩ, tìm hiểu và có khả năng tự quyết định trong các vấn đề nảy sinh [Bộ GD&ĐT 2015]. Theo đó, giáo viên Âm nhạc sẽ huấn luyện học sinh trải nghiệm, khám phá và thể hiện bản thân thông qua các hoạt động âm nhạc nhằm phát triển năng lực thẩm mĩ, nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc, mối liên hệ giữa âm nhạc với văn hoá, lịch sử cùng các loại hình nghệ thuật khác, hình thành ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống tiếp thu tinh hoa âm nhạc thế giới.

3. Là người cố vấn học tập

Với vai trò là người cố vấn, mỗi giáo viên phải luôn theo sát hoạt động nhận thức của học sinh “suy ngẫm về các phương pháp dạy học hay nhất của bản thân và hiểu thấu đáo vì sao các phương pháp đó là hiệu quả hoặc chỉ hiệu quả với trò này mà không hiệu quả với trò kia” để khi người học gặp khó khăn cần kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ bằng những định hướng phù hợp, gợi ý cụ thể [Thomas Armstrong, 2011]. Giáo viên Âm nhạc sẽ giúp học sinh phát triển các kĩ năng thực hành, mở rộng hiểu biết về âm nhạc trong mối tương quan với các yếu tố văn hoá, lịch sử và xã hội, ứng dụng kiến thức âm nhạc vào đời sống, đáp ứng sở thích cá nhân và tiếp cận với những nghề nghiệp liên quan đến âm nhạc; đồng thời phải nỗ lực để xác định “tầm nhìn” và phải cố gắng tạo cho nhóm người học có tinh thần đồng đội; tìm cách cổ vũ người học, đưa ra những lời khuyên kịp thời có tính xây dựng để người học hành động hướng tới tầm nhìn đó; đưa lời nhận xét phản hồi ý nghĩa để nâng cao thành tích của học sinh trong lĩnh vực năng khiếu âm nhạc

4. Là người quản lí quá trình học tập, đánh giá giáo dục

“Giáo viên phải điều phối công việc, kết nối con người, đồ dùng học tập, phương tiện giảng dạy và người học có tính hệ thống, hiệu quả; phải thiết kế các bài kiểm tra phù hợp với yêu cầu, mục đích và kết quả học tập của người học bên cạnh yêu cầu đánh giá người học công bằng, chính xác, lên kế hoạch và áp dụng những phương pháp kiểm tra hiệu quả (chính thức hoặc không chính thức; đánh giá trong suốt quá trình học tập với đánh giá cuối khóa), khuyến khích học sinh tự kiểm tra quá trình học tập cũng như sự tiến bộ của mình, cẩn thận chọn lọc những nguồn thông tin để đánh giá nhu cầu và kết quả học tập của học sinh”[ Thomas Armstrong, 2011].

5. Là nhà hoạt động xã hội

Giáo viên Âm nhạc phải trở thành chuyên gia phụ trách hoạt động xã hội của nhà trường, hình ảnh đại diện cho nhà trường trong việc xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng. Chuyên gia này phải là cầu nối giữa nhà trường - học sinh với nguồn nhân lực sẵn có trong cộng đồng lớn; có kĩ năng và chủ động nắm bắt được các thông tin về các cá nhân và cơ quan đỡ đầu, nhà tài trợ, các học trình của cộng đồng cũng như mọi tiềm năng học tập khác sẵn có trên địa bàn trường đóng; sau đó cố gắng ghép các sở thích, năng khiếu, khả năng của học sinh với các tiềm năng, cơ hội sẵn có bên ngoài (Ví dụ: định hướng, tìm kiếm một nghệ sĩ chơi đàn piano để hướng dẫn một học sinh chớm có sở thích học loại đàn đó)[ Thomas Armstrong, 2011].

Tóm lại: Vấn đề về đào tạo sinh viên sư phạm âm nhạc để đáp ứng với Chương trình giáo dục phổ thông 2018,  đòi hỏi các nhà trường cần xem xét từ khâu tuyển sinh (đặc biệt chú trọng đánh giá khả năng phát triển các năng lực ở ứng viên đầu vào), xác định chuẩn đầu ra theo các năng lực, thiết kế và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn để hình thành ở sinh viên những kỹ năng cần thiết. Những điều này đòi hỏi phải có nhiều nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện và sâu sắc hơn trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2015), Những vấn đề chung về phát triển chương trình đào tạo giáo viê”, Tài liệu tập huấn cho cán bộ, giảng viên các cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông về phát triển chương trình, Hà Nội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2018), Chương trình giáo dục phổ thông môn Âm nhạc 2018, Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thomas Armstrong, (2011), Đa trí tuệ trong lớp học, Lê Quang Long (dịch) - Lê Thị Kim Dung (hiệu đính), NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.