foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Trong lịch sử phát triển của nghệ thuật thế giới, Nghệ thuật mới - Art Nouveau là một trào lưu nghệ thuật trang trí phát triển mạnh ở các nước Tây Âu từ cuối thế kỷ 19 đến đầu TK 20. Phong trào này xuất hiện từ những năm 1880 đến 1910. Phong trào này nở rộ ở Anh và cùng song hành với trào lưu nghệ thuật tiến bộ Art & Crafts. Đặc điểm lớn trong phong cách này là coi trọng và khai thác các hình dáng đơn giản, hữu cơ từ cỏ cây, hoa lá…để đưa vào kiến trúc, trang trí và hội họa. Chính vì vậy mà phong cách Art Nouveau nhanh chóng ảnh hưởng, giao thoa với các nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản vốn mang đậm dấu ấn của nền nghệ thuật phương Đông.

Cuối thế kỷ 19, Nhật Bản không chỉ là một hiện tượng mới lạ đối với phương Tây mà những gì về nghệ thuật Nhật Bản cũng được tán thưởng ngày càng lan rộng ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Các nghệ sĩ và nhà thiết kế nghệ thuật Mới coi Nhật Bản như một tác nhân mới khi tìm kiếm những nguồn sáng tạo có tính phong cách, đặc biệt họ hấp thụ phong cách cổ điển Nhật rồi tái tạo, gọt giũa tạo nên những tác phẩm mang đậm nét phương Đông. Theo họ. “nghệ thuật Nhật Bản làm chúng ta thấy thoải mái và khiến chúng ta trở nên táo bạo hơn”.

Năng lượng của những làn sóng trong tranh khắc gỗ in màu của Utagawa, Hiroshige đã được chuyển tải trong công trình Elvira Studio của Endell. Mặt tiền của công trình là một bức tranh phù điêu đắp nổi lớn mang biểu tượng một con rồng đang phun lửa, điều đáng nói là Endell đã khéo léo kết hợp những con sóng trong tranh Hiroshige vào tác phẩm, tạo cho công trình một sự mới lạ: một phong cách phương Đông nổi bật giữa các tòa nhà có lối kiến trúc châu Âu.

Các bức tranh khắc gỗ và sách minh họa là nguồn tham khảo quý giá đối với các nghệ sĩ phương Tây để thể hiện trong Art Nouveau. Phong cách hộp Rimpa với các dạng mô típ trang trí mang tính thiên nhiên đơn giản, những uốn lượn của đường nét gần gũi với phong cách Nghệ thuật Mới. Trong công trình khách sạn Tassel ở Brussels, Bỉ, Victor Horta đã khai thác có hiệu quả và tạo ấn tượng mạnh bởi những mảng ở trần, tường và sàn nhà; đặc biệt là trang trí ở phần sảnh với gam màu vàng cam càng làm tăng thêm sự lộng lẫy và huyền bí cho ngoại thất công trình. Những mô típ trang trí này lại rất phù hợp với những đầu cột bằng sắt; đó là họa tiết "dây buộc đầu roi" một đặc điểm trang trí nổi bật của Art Nouveau. 

Khách sạn Tassel - Victor Horta, Bỉ (1993)

Khả năng thay đổi đường nét chữ viết của các nhà thư pháp Nhật Bản đã gây ấn tượng và khơi gợi cảm hứng nghệ thuật cho các nghệ sĩ phong cách Art Nouveau. Sự kết hợp của từ ngữ và hình ảnh được thấy trong các ấn phẩm Nhật như tranh khắc màu của Harunobu cũng khơi gợi cảm hứng cho ý tưởng thiết kế các poster của những tên tuổi nổi danh trong ngành đồ họa như Henry de Toulouse - Lautrec, Alphonse Mucha và Will Bradley; Carlo Bugatti cũng đã sử dụng các ký tự giả phương Đông để trang trí cho đồ nội thất của mình. Một bài học hết sức ý nghĩa mà các nghệ sĩ phương Tây học được từ phong cách tạo hình của người Nhật là khả năng sử dụng màu - những gam màu rực rỡ được diễn đạt trên mặt phẳng 2 chiều mà không cần thể hiện theo chiều sâu của không gian. Sự đơn giản hóa của các khoảng trống trong tranh và việc sử dụng nền vàng trong tác phẩm của Gustav Klimt làm nhớ lại những khuôn hình phong cách Nhật, đó giống như các dạng trang trí ở một số sản phẩm dệt của người Nhật. Sự kết hợp các mô típ cong và có dạng hình học trong sản phẩm dệt và các hình thức trang trí phổ biến khác của nghệ thuật Nhật Bản đều thấy xuất hiện trong tranh của Klimt; hình tròn trên áo Kesa (một loại áo khoác của các tu sĩ đạo Phật) được lấy từ Mon - một kiểu nóc nhà truyền thống của gia đình Nhật cũng thấy trong tác phẩm của Klimt. Những tác phẩm mang đậm phong cách này có thể thấy trong poster của Manuel Orazi cho Loite Fuller; trong tranh của George De Feure, những người phụ nữ trông như những bóng ma nữ trong các tác phẩm của Tsukioka Yoshitoshi.

Không chỉ là đường cong, mà còn cả những đường thẳng mạnh mẽ và các khoảng không trong tác phẩm in ấn Nhật Bản đều có ảnh hưởng đến các họa sĩ như Josef Hofmann và Charles Rennie Mackintosh. Thay vì những mảng gỗ đặc, Mackintosh sử dụng phần lưng tựa chiếc ghế bành là những ô gỗ vuông như những lỗ thủng tạo cảm giác vừa mạnh mẽ, khỏe khoắn mà không nặng nề. Phần tựa của chiếc ghế được mở rộng hơn mức bình thường, lượn vòng cung tạo sự uy nghi, bề thế như có cảm giác đứng trước chiếc ngai thời đế chế La Mã, mặc dù không thấy có bất kỳ một mảng chạm trổ nào.

Tuy nhiên, trên tất cả đó là việc sử dụng thiên nhiên trong trang trí và tạo hình của các nghệ sĩ Art Nouveau. Nghệ sĩ Nhật Bản bị thuyết phục rằng thiên nhiên bao gồm những yếu tố căn bản để tạo nên vạn vật. Theo họ, không có gì tự nó sinh ra, nó có thể đơn giản chỉ là một lá cỏ, nhưng con người sẽ sáng tạo nên nhiều thứ lớn lao hơn rất nhiều từ đó. Thiên nhiên là người thầy đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ Nhật Bản. “Đó không phải là khái niệm kiêu ngạo nhất của nghệ thuật mà nghệ thuật là sự bắt đầu từ những thứ vô cùng giản dị mà thôi. Đó là bài học lớn và bổ ích mà chúng ta có thể học được từ những tác phẩm mà họ đã làm ra trước chúng ta”. Các nghệ sĩ phương Tây đã phải thốt lên như vậy khi chiêm ngưỡng các tác phẩm của người Nhật. Từ những điều đó làm nên sự duyên dáng trong mỗi kiệt tác của nghệ thuật Nhật Bản.

                                                                                           Tháng 10 năm 2020