foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

             Tóm tắt

            Sau khi học xong chuyên đề Giáo dục học do GS.TS Phạm Minh Hùng  giảng dạy, chúng tôi thấy đây là một chuyên đề vô cùng bổ ích và lý thú. Chuyên đề đã giúp học viên hiểu sâu sắc về những vấn đề lịch sử giáo dục và giáo dục học so sánh, cung cấp cho học viên những thông tin, kiến thức mới nhất về giáo dục và quản lý giáo dục.

            Từ khóa: vai trò của người thầy

            Abstract

            After completing the Education Study topic taught by Prof. Dr. Pham Minh Hung, we found this to be an extremely useful and interesting topic. The seminar has helped students gain a deep understanding of educational history and comparative education, providing them with the latest information and knowledge about education and educational management.

            Key words: education, educational management

Trong các nội dung mà chuyên đề cung cấp, chúng tôi tâm đắc nhất với nội dung nói về các nhà giáo dục tiêu biểu qua các thời kỳ xã hội. Trong từng thời kỳ lịch sử, mỗi nhà giáo dục đều có những đóng góp, những kinh nghiệm để lại cho hậu thế.Trong đó, có thể thấy rất rõ rằng J.A. Comenxki là giáo dục đã để lại cho nhân loại những kiến thức, phương pháp, biện pháp vô cùng quý báu trong lĩnh vực giáo dục. Những dự kiến của ông nêu ra cách đây gần bốn thế kỷ nhưng thật sáng tạo và có ý nghĩa thiết thực cho đến ngày nay.

J.A. Cômenxki  sinh năm1592, mất năm1670. Ông được sinh ra trong một gia đình làm thợ, cha mẹ ông mất sớm nên ông sống trong tình thương của Hội Thiên chúa giáo. Do thông minh,ông được gửi đi nước ngoài học tập, tốt nghiệp trở về dạy học cho con em trong Hội. Từ đó ông trở thành một thầy giáo giỏi, đầy tâm huyết với nghề nghiệp. Ông đã viết hàng trăm tài liệu, tiêu biểu nhất là Phép giảng dạy lớn (1632), đây là công trình đặt nền móng cho sự ra đời của Giáo dục học. Ông đã được người đời xem là “Ông tổ của nền giáo dục cận đại, Galilê của giáo dục". Ông được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới vào năm 1992 (nhân kỷ niệm 400 năm ngày sinh của ông).

Quan điểm giáo dục của J.A. Cômenxki là một hệ thống các quan điểm rất khoa học và mang đậm tính nhân văn. Ông quan niệm về vai trò của giáo dục và người thầy như sau:

Về vai trò của giáo dục, ông rất tin tưởng vào tác dụng của giáo dục.Theo ông chỉ có giáo dục mới làm cho con người ta đáng là con người. Nhà trường là công xưởng chế tạo ra nhân đạo, hạnh phúc và con người chân chính. Giáo dục cần thiết cho tất cả mọi người. Theo ông, mọi người đều phải học, nhưng tuổi cần học hơn cả là tuổi trẻ. Sáp mềm thì bóp nặn dễ dàng, cứng rồi thì làm mạnh sẽ gãy. Ông đã chỉ rõ tác dụng của giáo dục đối với sự thay đổi xã hội.

Về vai trò của người thầy giáo và yêu cầu đối với họ, ông cho rằng: Người thầy có một trọng trách hết sức nặng nề và vinh quang. Theo ông “Dưới mặt trời này, không có một chức vụ nào ưu việt hơn”. Ông ví người thầy giáo như một người thợ nặn, nặn những tâm hồn của trẻ. Hoặc như một ngọn lửa, xua đuổi hết những bóng tối trong trí óc. Đó là một quan điểm hết sức tiến bộ mà đến ngày nay chúng ta vẫn đã và đang đi theo quan điểm đó. Ông đề cao vai trò của người thầy, yêu cầu xã hội tôn trọng người thầy giáo, nhưng ông cũng yêu cầu người thầy giáo phải nhận thức rõ chức năng quan trọng của mình, phải mẫu mực về lòng trung thực, tinh thần kiên trì, hăng hái. Phải là người có học vấn và cần cù lao động, yêu nghề, đối xử với học sinh như người cha. Tất cả những phẩm hạnh đó là tầm gương sinh động để học sinh noi theo. Quan điểm này của ông đã được chúng ta kế thừa, học tập, và hiện nay, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đã và đang thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

            Theo J.A. Cômenxki, người thầy giáo phải ân cần, hòa nhã, vui vẻ, thân mật và có một tình yêu chân thành đối với học sinh. Nếu thầy cô giáo không thể làm như một người cha, một người mẹ, thì cũng không thể làm như một người thầy. Đó cũng chính là quan điểm, là phương châm hành động của chúng ta hiện nay: cô giáo như mẹ hiền.

Về tư tưởng giáo dục, Comenxki cho rằng: “tất cả mọi người đều được học về mọi điều”. Comenxki đã yêu cầu mọi trẻ em thuộc mọi gia đình giàu cũng như nghèo, con quí tộc cũng như con thường dân, có danh tiếng hay không danh tiếng, ở nông thôn hay thành thị, nam cũng như nữ đều được học trường quốc ngữ một cách bình đẳng. Có thể nói lúc bấy giờ Comenxki đã đề ra tư tưởng phổ cập giáo dục tiểu học. Khác với những nhà nhân văn, nhà giáo dục của thời văn hóa phục hưng,ông đã tạo nên hệ thống giáo dục không phải cho tầng lớp quí tộc, mà để cho mọi tầng lớp trong xã hội. Tư tưởng giáo dục chủ đạo của ông là: một nền giáo dục đúng đắn phải được tổ chức và hoạt động sao cho thích ứng với thiên nhiên và góp phần xác lập các quan hệ công bằng, hữu nghị giữa người với người và giữa các dân tộc. tư tưởng chủ đạo này trở thành nguyên tắc lớn nhất trong hoat động giáo dục của ông và là sự phản ánh tổng hợp mối hiểu biết rộng lớn mà ông đã tích lũy suốt đời.

Theo ông để mọi người có thể dễ dàng học tập thì phải có tài liệu, sách giáo khoa trình bày dễ hiểu. Mỗi môn học phải lựa chọn nội dung cần thiết, hữu ích đối với cuộc sống, nội dung cơ bản và cần được trình bày ngắn gọn, súc tích. Comenxki cũng như Rabbơle đều chủ trương nội dung giáo dục phải có tính bách khoa, toàn diện, nhưng khác với Rabơle ở chỗ ông đã lí giải,chứng minh về mặt triết học và về mặt xã hội chủ trương đó. Theo ông với nội dung giáo dục  như vậy thì mới thực sự cần thiết cho con người, giúp con người ra đời hoạt động và đấu tranh được vững vàng. Hơn nữa, thế giới là một thể thống nhất, các khoa học phản ánh từng mặt vận động của thế giới.Khi học đầy đủ các khoa học đó với tinh thần bách khoa làm cho các sự vật được gắn liền với nhau bởi các quan hệ logic và làm như vậy sẽ tạo nên cái móng thắt chặt các bộ phận của hệ thống chung và nhờ vậy mà hệ thống đó càng thêm vững chắc.

Ngoài ra, ông còn là người đổi mới trong lĩnh vực lý luận dạy học. Ông đã nêu lên những tư tưởng tiến bộ, sâu sắc, những nguyên tắc và quy tắc tổ chức công tác dạy học. Ông đã tổng hợp tất cả những lý luận và kinh nghiệm quý báu của loài người về giáo dục từ thời cổ đại, thời văn hóa phục hưng và đặt cơ sở cho nền giáo dục cận đại.

Với những đóng góp to lớn và tiến bộ của mình cho sự nghiệp giáo dục, ông hoàn toàn xứng đáng với sự suy tôn của nhân loại: Cômenxki là ông tổ của nền giáo dục cận đại.

Cômenxki đã để lại một di sản giáo dục đồ sộ và quý báu. Ngày nay, chúng ta đã và đang đi theo các phương pháp, quan điểm giáo dục của ông. Toàn bộ tư tưởng giáo dục của ông là kết quả của một quá trình lao động sáng tạo, thiên tài. Nó có giá trị muôn thuở vì nó là quy luật của mối quan hệ giáo dục - tự nhiên - xã hội - con người trong quá trình phát triển nhân cách.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.       Phạm Minh Hạc (1996), Một số vấn đề giáo dục và Khoa học giáo dục, NXB Giáo dục, Hà Nội.

2.       Phạm Minh Hạc (1999), Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI,  NXB Chính trị Quốc gia  Hà Nội.

3.       Nguyễn Ngọc Hợi - Phạm Minh Hùng - Thái Văn Thành (2005),“Đổi mới công tác bồi dưỡng giáo viên”, Tạp chí Giáo dục (Số 110/3-2005).

4.       Phạm Minh Hùng, Giáo dục học, Trường Đại học Vinh, năm 2008.

5.       Phạm Công Lý, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác dạy học của giáo viên”,  Tạp chí giáo dục,  số 3, Năm 2001, tr. 4-5.