Bỏ lại những sự xô bồ, ồn ã của những tháng ngày bộn bề công việc, lo toan, Tết mang đến một không khí thật tươi mới và đa sắc màu. Tết gói trọn những háo hức, hy vọng về một năm mới an lành, no đủ, vui vẻ, hạnh phúc tràn đầy.
Tết bắt đầu với những phiên chợ tết. Phiên chợ tết kéo chúng ta về với những ký ức xa cũ, những phiên chợ quê đậm hương vị Tết cổ truyền. Dù xã hội đã hiện đại hoá, những khu chợ thành những trung tâm thương mại, siêu thị sầm uất, thế nhưng chợ Tết – một phần không thể thay thế trong cuộc sống và văn hóa người Việt. Chợ Tết là một tấm vé để trở về tuổi thơ, về với những ký ức ngập tràn tiếng nói cười, âm thanh của tình làng nghĩa xóm, của niềm vui sum họp, của những ký ức đi chợ cùng bố mẹ, cùng ông bà. Các phiên chợ tết bắt đầu được mở từ sau ngày 23 tháng Chạp (ngày Ông Công, ông Táo) kéo dài đến chiều 30 Tết. Chợ tết xưa dù ở đâu cũng luôn mang một không khí rộn ràng, vui tươi, tấp nập. Vì vậy, những người mua kẻ bán ai cũng cởi mở hơn, mang nhiều ước vọng và việc dạo chợ tết còn mang đến niềm vui, háo hức một năm mới hanh thông. Người người trao nhau nụ cười, lời chào mời niềm nở, kéo mọi người xích lại gần nhau hơn.
Những thập niên trước, khi kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, ngày Tết được xem là một ngày vô cùng thiêng liêng, trọng đại. Để chuẩn bị cho những ngày đầu xuân năm mới, ông bà, cha mẹ thường phải dành dụm, tích cóp cả năm trời để dành cho việc mua sắm Tết, thậm chí việc mua sắm tết còn được chuẩn bị trước rất sớm. Sau 15 tháng 12 có nhiều gia đình đã chuẩn bị đồ đạc để đón Tết. Trước 23 tháng Chạp, các bà các mẹ đã lo đi chợ sắm sửa thức ăn, và những thứ thiết yếu vì sợ đến ngày cận Tết giá cả sẽ tăng cao. Cũng từ đây các phiên chợ tết của tết xưa bắt đầu. Người ta mua sắm từ những ngày này cho đến tận 30 tết. Các công việc làm tết cũng từ đó mà trở nên nhiều hơn. Vì quan niệm ngày đầu năm không được mua sắm, không chi tiêu đến tiền bạc kẻo sợ dông, thậm chí có nhiều món đồ còn bị kiêng cữ đến hết tháng giêng. Nên việc mua sắm cái gì, mua bao nhiêu để đủ dùng là việc được tính toán rất kĩ lưỡng. Thậm chí nhiều người còn cầm sẵn giấy viết chi tiết những thứ cần mua để tránh mua thiếu sót, đầu năm như thế là không may.
Ngày nay, đi cùng với sự phát triển về kinh tế, chợ tết bắt đầu muộn hơn, ít náo nhiệt hơn. Trái với tết xưa, chợ tết nay bắt đầu có phần khá muộn, thường sau khoảng 23-25 tháng 12 âm mới có những phiên chợ Tết họp chợ. Phần vì do tính chất công việc, không có nhiều thời gian để đi sắm tết. Phần vì nguồn cung thực phẩm, hàng hóa tết hiện nay dồi dào, đầy đủ hơn, tâm lý sợ hết hàng cũng giảm bớt. Do thế nên người ta thường trì hoãn việc mua sắm tết. Thông thường các món hàng như quà cáp, đồ hiếm thì mới phải mua sớm để còn dễ dàng sắp xếp. Còn lại những thứ như nhu yếu phẩm, vật dụng trang trí tết, thậm chí là bánh mứt,… thì phải sau 25 – 26 Tết người ta mới mua. Cảnh tượng lo lắng chuẩn bị mua sắm cho tết trước cả tháng trời giờ đây gần như không còn xuất hiện nữa.
Các mặt hàng giờ đây được sản xuất rất đa dạng, bao gồm vô vàn thể loại cho ta lựa chọn theo từng phân khúc: hàng nội địa, hàng nhập khẩu…. Song song với đó, sự bùng nổ một vài năm trở lại đây của ngành thương mại điện tử – mua sắm online cũng giúp ích rất nhiều trong việc mua sắm thay cho chợ tết truyền thống. Chỉ cần vài thao tác chọn đơn giản, sẽ có người mang đến tận nhà cho bạn. Chính vì sự tiện lợi ấy mà ngày nay càng có nhiều người quyết định dành thời gian cho công việc thay vì dành thời gian ra ngoài mua sắm. Điều này phần nào khiến chợ tết không còn sôi động như xưa. Niềm hào hứng mua sắm tết vơi dần. Ngày tết hiện đại dần dần không còn thiêng liêng như ý nghĩa ban đầu nó vốn có, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Cuộc sống ngày càng có nhiều áp lực hơn đối với mọi người, mọi nhà. Điều này làm cho việc chuẩn bị tết cũng không còn quá trau chuốt, cầu kỳ. Người trẻ ngày nay đã bớt dần những khoản chi phí mà họ cảm thấy không cần thiết để mua sắm ở chợ tết. Thêm vào đó, ngày nay việc mua sắm thường ngày đã quá phổ biến. Trong năm, hầu như ai cũng mua đủ các món đồ mới cho mình và gia đình. Nên việc mua đồ mới cho ngày tết dần trở nên bình thường, không có sức hút như ngày xưa. Trẻ con bây giờ đã không còn xa lạ với đồ mới, bánh kẹo cũng luôn đủ đầy, lại ít khi tiếp xúc với không khí chợ tết. Đây cũng là điều dễ hiểu khiến trẻ con ngày nay không mặn mà với tết như trẻ con xưa. Mỗi thời đại đều có những ưu, khuyết điểm của nó. Và ngày tết cũng vậy, thời nào cũng có đặc trưng chợ tết riêng.
Nhiều người cứ nói Tết nay “nhạt” lắm, chẳng còn háo hức và mong ngóng như xưa. Tết đến kéo theo cả núi việc phải làm, kéo theo cả những câu hỏi không muốn phải trả lời… có khiến bạn – một người trẻ sợ Tết? Điều gì đã xảy ra với bạn từ một đứa trẻ đếm từng ngày tới Tết cho tới phiên bản hiện tại? Cuối năm rồi, dành một khoảng lặng và xem Tết xưa – Tết nay đã thay đổi thế nào…Nhiều người cho rằng, phải chăng sự thiếu thốn, không được đủ đầy trong Tết xưa khiến người ta cảm thấy ấm lòng và nhung nhớ hơn giữa những sơn hào hải vị, của ngon vật lạ đầy đủ của Tết nay? Sự thay đổi của cuộc sống kéo theo sự thay đổi dòng chảy của văn hóa. Cuộc sống hiện đại nhiều áp lực căng thẳng và giới trẻ ngày nay cũng lựa chọn một lối sống hiện đại, mới mẻ – sống cho riêng mình nhiều hơn. Nhiều người cố tìm kiếm một cái Tết thảnh thơi, cố gắng “làm ngơ” trước những âu lo, bộn bề và bận rộn của ngày Tết. Ở góc độ thực tế hơn, một bộ phận không nhỏ người trẻ và người lao động ngày nay “sợ” Tết bởi gánh nặng mưu sinh đè lên vai, cùng với những thay đổi chóng mặt của thị trường.
Tuy có những đổi thay, nhưng Tết Nguyên Đán chưa bao giờ mất đi ý nghĩa vốn có, có chăng thời đại làm cho những ý nghĩa ấy biến đổi đi, ở một dạng thù hình khác. Dù cách đón Tết mỗi thời đại có khác nhau, nhưng mỗi người chúng ta đều hướng vọng về những ngày Tết là tình thân gia đình, có thể ở bên cạnh nhau, đoàn tụ sau một năm dài xa cách, quây quần cùng đón khoảnh khắc sang năm mới, đó là điều ý nghĩa nhất và cũng là những ký ức không bao giờ mờ phai trong tâm thức của mỗi người con đất Việt.