foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Tóm tắt:

Dạy học phát triển năng lực là quá trình thiết kế, tổ chức và phối hợp giữa hoạt động dạy và hoạt động học, tập trung vào kết quả đầu ra của quá trình này. Trong đó nhấn mạnh người học cần đạt được các mức năng lực như thế nào sau khi kết thúc một giai đoạn (hay một quá trình) dạy học.

I. Nội dung

1. Phát triển năng lực

1.1. Năng lực

Về nguồn gốc, khái niệm năng lực (Tiếng Anh: Competency) bắt nguồn từ tiếng La tinh “competencia”. Trên thế giới và tại Việt Nam, có rất nhiều các quan điểm về năng lực. Nhưng tựu chung lại, năng lực có thể được hiểu một cách đơn giản là khả năng hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, gắn với một loại hoạt động cụ thể nào đó. Năng lực là một yếu tố cơ bản của nhân cách nên mang dấu ấn cá nhân, thể hiện tính chủ quan trong hành động và được hình thành theo quy luật hình thành và phát triển nhân cách, trong đó tính tích cực hoạt động và giao lưu của cá nhân đóng vai trò quyết định. Năng lực ở mỗi con người có được nhờ vào sự kiên trì học tập, rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm của bản thân trong hoạt động thực tiễn.

1.2. Phát triển năng lực

Là phát triển những khả năng hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, phát triển nhân cách, trong đó tính tích cực hoạt động và giao lưu của cá nhân đóng vai trò quyết định. Phát triển sự kiên trì học tập, rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm của bản thân trong hoạt động thực tiễn. Phát triển khả năng thực hiện thành công hoạt động trong bối cảnh nhất định nhờ sự huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng và phát triển các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí… Phát triển các năng lực chung cũng như năng lực đặc thù của học sinh.

Định hướng phát triển năng lực

Định hướng phát triển năng lực là đảm bảo hướng tới phát triển năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kỹ năng, kiến thức cơ bản, hiện đại và thiết thực; giáo dục hài hòa đức, trí, thể, mỹ ; chú trọng vào việc  thực hành, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã được trang bị trong quá trình học tập để giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống hàng ngày; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên. Thông qua hình thức tổ chức giáo dục và các phương pháp giáo dục, phát huy tiềm năng và tính chủ động của mỗi học sinh. Đồng thời có những phương pháp đánh giá phù hợp giá phù hợp với mục tiêu giáo dục đặt ra. Định hướng nhằm phát triển tối đa tiềm năng vốn có của từng đối tượng học sinh khác nhau, dựa trên các đặc điểm tâm - sinh lí, nhu cầu, khả năng, hứng thú và định hướng nghề nghiệp khác nhau của từng học sinh. Giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp các kỹ năng, kiến thức... thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết một cách hiệu quả nhất các vấn đề xảy ra trong học tập và đời sống hàng ngày, được thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức và rèn luyện kỹ năng sống

Dạy học theo định hướng phát triển năng lực

Như chúng ta đều biết và thừa nhận rằng mỗi học sinh là một cá thể độc lập, có sự khác biệt về trình độ, năng lực, nhu cầu, sở thích và nền tảng xuất thân. Dạy học theo định hướng phát triển năng lực thừa nhận thực tế này và tìm ra được những cách tiếp cận phù hợp nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất với mỗi học sinh thay vì giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức như ở mô hình dạy học truyền thống.

2. Dạy học phát triển năng lực trong môn mỹ thuật ở tiểu học

Môn mỹ thuật là một công cụ hữu hiệu trong hoạt động thẩm mỹ của học sinh, giúp học sinh tự tin và chủ động hoà nhập các hoạt động học tập trong trường học, giúp học sinh hình thành và rèn luyện các kỹ năng cơ bản ở Tiểu học, đồng thời nó chi phối kết quả học tập của các môn học khác. 

 Mỗi phân môn bên cạnh chức năng chung của môn học thường đảm nhận một mục đích chính. Phân môn vẽ theo mẫu nhằm phát triển kỹ năng quan sát phân tích tổng hợp rèn luyện tư duy một cách logich.  Phân môn vẽ tranh phát huy tính tích cưc và gây được hứng thú cho học sinh bởi đây là phân môn tổng hợp các môn học khác như trang trí hình họa,vv.. nhằm phát huy trí tưởng tượng.

Tính linh hoạt

Các mô hình dạy học phát triển năng lực rất linh hoạt phụ thuộc vào từng cá nhân người học. Không có lịch trình cứng nhắc như trước, thậm chí trong một số mô hình phát triển, học kỳ và không gian lớp học còn bị xóa bỏ. Thay vào đó, học sinh thể hiện mức độ làm chủ năng lực thông qua một hệ thống các dự án học tập và đánh giá thường xuyên. Dạy học phát triển năng lực, linh hoạt ở chỗ nó cho phép học sinh được tham gia vào một môn học ở lớp cao hơn nếu có đủ năng lực.

Nhịp độ học tập

Trọng tâm của dạy học phát triển năng lực là kết quả cuối cùng về năng lực chứ không phải thời gian ngồi trên lớp học. Điều này cho phép học sinh kiểm soát nhịp độ học tập của bản thân và không bị giới hạn bởi một lịch trình có sẵn. Ngay khi học sinh thành thạo năng lực ở một cấp độ, học sinh có thể hoàn thành các đánh giá, được chứng nhận và bắt đầu chuyển sang các năng lực cao hơn. Học sinh có thể học với nhịp độ chậm hoặc nhanh theo mong muốn của bản thân. Học sinh cũng có thể hoàn thành các môn học vào các thời điểm khác nhau (mà không nhất thiết là phải vào cuối năm học). Đây là một lợi thế rất lớn cho những học sinh ở các bậc học cao hơn.

Sự tham gia

Một trong những điểm mạnh nhất của dạy học phát triển năng lực là tăng sự tham gia của học sinh. Học sinh sẽ tham gia nhiều hơn vào quá trình học tập vì chúng được giao quyền sở hữu đối với việc học của bản thân. Học sinh được trao quyền kiểm soát thời gian, địa điểm và phương pháp học tập. Dạy học phát triển năng lực cũng thúc đẩy học tập theo hướng cá nhân hóa và chấp nhận nhiều phong cách học tập khác nhau. Nó biến việc học trở thành một trải nghiệm cá nhân. Trải nghiệm này sẽ làm tăng sự tham gia của học sinh vì các nội dung của bài học được thiết kế hướng đến sự phù hợp của từng cá nhân.

Tiết kiệm chi phí

Các chương trình dạy học phát triển năng sẽ tiết kiệm được chi phí dành cho giáo dục. Trước đây, các trường học phải đầu tư chi phí cố định, hàng năm cho việc dạy và học. Nhưng bằng sự linh hoạt của chương trình và việc thay đổi nhịp độ học tập, nó sẽ giúp các trường tiết kiệm được các chi phí đó. Đối với một số chương trình, tài liệu môn học được cung cấp thông qua các phần mềm, hoặc tương tác trực tuyến, đó cũng là cách để giảm chi phí dành cho các nguồn học liệu.

Phát triển các kĩ năng

Một trong những lợi ích chính của dạy học phát triển năng lực là giúp học sinh hình thành các kỹ năng và phát triển năng lực trong thế giới thực. Các chương trình được thiết kế hướng đến các năng lực cần thiết cho một nghề nghiệp cụ thể trong tương lai. Kết quả là học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ sẵn sàng làm việc và có chuyên môn trong các lĩnh vực chúng lựa chọn. Đối với nhiều học sinh, dạy học phát triển năng lực là con đường trực tiếp đến sự nghiệp thành công. Các công ty, các nhà tuyển dụng cũng đánh giá cao các chương trình dạy học phát triển năng lực vì chất lượng nguồn lao động ngày càng được cải thiện.

Ý nghĩa

Dạy học “truyền thống” nặng về truyền đạt kiến thức một chiều từ giáo viên đến học sinh và luyện các dạng bài tập theo mẫu đẻ hình thành kỹ năng tương ứng cho học sinh. Việc học tập bị áp đặt như vậy nên kém chất lượng và hiệu quả. Những kiến thức và kỹ năng đó kém bền vững, mau chóng bị mai một theo thời gian. Học sinh không cảm nhận được cái hay, cái ý nghĩa trong nội dung học tập đối với cuộc sống nên không hứng thú với việc học, từ đó nảy sinh ra một số hiện tượng như chán học, lười học …

Ngược lại, dạy học phát triển năng lực không đặt nặng vào kết quả kiến thức, kỹ năng mà đặt vào quá trình học tập, từ đó phát triển năng lực cho học sinh. Dạy học phát triển năng lực có ưu thế sau: phát triển được tư duy, trí thông minh của từng cá nhân học sinh, làm cho kết quả học tập (kiến thức, kỹ năng, thái độ)có tính bền vững, sâu sắc. Có khả năng khai thác vốn kinh nghiệm sống của học sinh, giúp học sinh giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, nâng cao chất lượng cuộc sống của mình, làm cho việc học tập trở nên thú vị, hấp dẫn hơn.

Mục đích yêu cầu

Học sinh phải biết tích cực, linh hoạt, mạnh dạn, tự tin.

Các hoạt động dạy học

Kiểm tra bài cũ

Dạy bài mới

Bài tập trên lớp, bài tập về nhà

II. Kết luận

Việc đổi mới phương pháp phát triển năng lực cho học sinh cần phải đòi hỏi điều kiện thich hợp về phương tiện, cơ sở vật chất và tổ chức dạy học. Một trong những định hướng cơ bản của vệc đổi mới giáo dục chuyển từ nền gió dục mang tính hà lâm xa vời thực tiễn sang một nền giáo dục chú trọng việc hình thành năng lực hành động, phát huy tính sáng tạo năng lực cộng tác làm việc của người học

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Mỹ thuật 5 - tập 2 .NXB GD. Phạm Thị Chính ( chủ biên) Triệu Khắc Lễ - Nguyễn Thị Ly Kha - Đặng Thị Lanh – Lê Phương Nga - Lê Hữu Tỉnh.
  2. Tài liệu dạy học theo định hướng nâng cao năng lực học sinh tiểu học.