foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Tóm tắt: Trong xu thế đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên ở bậc phổ thông nói riêng, trong đó có đội ngũ giáo viên âm nhạc. Việc biên soạn và đặt hợp âm cho ca khúc thiếu nhi để ứng dụng vào nhạc cụ là một nội dung cần thiết và được coi là một trong những kĩ năng cơ bản của hoạt động đệm hát trên đàn phím điện tử dành cho đội ngũ giáo viên âm nhạc ở trường phổ thông.

Từ khóa: Âm nhạc, hợp âm, ca khúc thiếu nhi, giáo viên âm nhạc, trường phổ thông

Trong âm nhạc, hợp âm đóng một vai trò rất quan trọng, nó thường được dùng làm phần đệm cho giai điệu, ngoài ra nó còn có thể tạo nên giai điệu bằng các dạng âm hình hóa. Đặc biệt trong việc phối âm cho các bài hát, bản nhạc thì  hợp âm và mối liên kết giữa chúng càng thể hiện rõ nét tầm quan trọng của nó trong âm nhạc.

Trên thực tế tại các trường phổ thông hiện nay, việc biên soạn và vận dụng hợp âm của các giáo viên cũng như kĩ năng sử dụng nhạc cụ trong tiết học âm nhạc là rất hạn hữu, thậm chí nhiều trường không sử dụng đến nhạc cụ, hoặc nếu có sử dụng thì cũng chỉ đàn giai điệu bài hát mà thôi. Phương tiện chủ yếu để giảng dạy là đĩa nhạc, máy nghe nhạc…, một số tiết học có sử dụng công nghệ thông tin thì phần âm nhạc cũng được cài đặt sẵn trên máy tính. Xét về mặt tổng thể thì những cách thực hiện như trên rất tiện lợi cho giáo viên. Tuy nhiên, theo nhìn nhận ở góc độ chuyên môn, việc giáo viên không chọn cách đệm đàn trực tiếp tại lớp sẽ phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, không tạo được hứng thú học tập cho học sinh. Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến giáo viên không sử dụng nhạc cụ trực tiếp trong tiết dạy:

- Khả năng sử dụng nhạc cụ còn hạn chế

- Nhà trường chưa có phòng chức năng để dạy môn âm nhạc.

- Do có sẵn đĩa nhạc nền, máy nghe và việc tìm nhạc nền cho bài hát rất dễ dàng nên các giáo viên thích chọn phương án này thay cho việc đệm đàn trực tiếp tại lớp…

Trong các nguyên nhân nêu trên chúng tôi cho rằng cốt lõi của vấn đề là kỹ năng sử dụng nhạc cụ của các giáo viên âm nhạc còn hạn chế, thậm chí còn có những giáo viên chưa thành thạo cách sử dụng nhạc cụ.

Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi đưa ra giải pháp nhằm giải quyết phần nào việc đệm hát cho giáo viên âm nhạc ở trường phổ thông. Chúng tôi xin nêu ra phương pháp soạn hợp âm cơ bản cho ca khúc thiếu nhi như sau:

Thứ nhất: Phải chuẩn bị bài hát chính xác về giai điệu, lời ca, tên tác giả.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chọn bài hát: “Ngày đầu tiên đi học”, Nhạc: Nguyễn Ngọc Thiện, Lời: thơ Viễn Phương làm ví dụ.

Thứ hai: Xác định chính xác giọng của bài hát

Ở đây chúng tôi không đi sâu vào hướng dẫn cách xác định giọng của một tác phẩm âm nhạc mà chỉ đi vào cụ thể đối với bài hát: “Ngày đầu tiên đi học”

- Bài hát được viết ở hóa biểu không có dấu hóa, không xuất hiện dấu hóa bất thường trong suốt bài hát

T3 aQ 15 3 1

- Kết thúc bài hát ở nốt Đô, giai điệu luôn bình ổn ở âm thanh này

T3 aQ 15 3 2Như vậy chúng ta xác định bài hát được viết ở giọng Đô trưởng.

Trong quá trình xác định giọng chúng ta cần xem xét kỹ cách tiến hành giai điệu của bài hát để xác định giọng một cách chính xác, bởi vì có nhiều bài hát âm kết thúc không phải là âm chủ.

Thứ ba: Phân tích hình thức và cấu trúc âm nhạc của bài hát

Bài hát: “Ngày đầu tiên đi học” nhằm giáo dục lòng biết ơn đối với cha mẹ, tình yêu đối với thầy cô giáo…, được viết ở thể hai đoạn đơn, gồm bốn câu nhạc.

Đoạn a: Gồm hai câu nhạc

Câu 1: Gồm 8 ô nhịp (từ đầu bài đến “…mẹ dỗ dành yêu thương”) và kết thúc câu 1 ở bậc V (âm Son)

T3 aQ 15 3 3

Câu 2: Gồm 9 ô nhịp, (“Ngày đầu tiên đi học…” đến “…Ôi! sao thiết tha…”) và  kết thúc câu 2 ở bậc I ( âm Đô).

T3 aQ 15 3 4

Đoạn b: Gồm 2 câu nhạc

Câu 1: Gồm 8 ô nhịp, (“Ngày đầu như thế đó…” đến “…cô giáo là cô tiên”) , kết thúc câu 1 ở bậc V ( âm Son).

T3 aQ 15 3 5

Câu 2: Gồm 9 ô nhịp, (“Em bây giờ khôn lớn…” đến “...mẹ cô cùng vỗ về”.), kết thúc câu 2 và cũng là kết thúc bài ở bậc I ( âm Đô).

T3 aQ 15 3 6

Giai điệu được tiến hành ở nhịp độ vừa phải, với các quãng đồng âm, quãng 2, quãng 3, quãng 4, quãng 7, âm thanh chủ yếu xoay quanh trục của giọng, âm hình chủ đạo được thể hiện xuyên suốt trong bài hát, các bước nhảy được giải quyết một cách hợp lý tạo nên bức tranh về em bé ngày đầu tiên đến trường trong tâm trạng không vui với bao điều lạ lẫm.

Thứ tư: Đặt hợp âm cho ca khúc:

- Trước tiên chúng ta xây dựng các hợp âm ba của giọng trưởng bằng cách thiết lập vòng hòa thanh cơ bản trên điệu thức Đô trưởng:

T3 aQ 15 3 7

- Tiến hành đặt hợp âm:

+ Hợp âm được đặt ở phách mạnh hoặc phách mạnh vừa (nếu có), và âm của giai điệu là âm có trong hợp âm đó.

+ Hợp âm bắt đầu và hợp âm kết thúc thường là hợp âm chủ (T) của giọng, cũng có khi vào đầu bằng hợp âm át (D) hoặc hạ át (S) và cũng có khi kết thúc bằng hợp âm át hoặc hạ át (kết lững).

+ Với những bài hát có hình thức hai đoạn thì hợp âm vào đầu và hợp âm kết thúc của mỗi đoạn thường là hợp âm chủ (T), cũng có trường hợp vào đầu và kết đoạn một ở hợp âm át (S).

 Trích đoạn bài: Ngày đầu tiên đi học

                   Nhạc: Nguyễn Ngọc Thiện

                   Lời: thơ Viễn Phương

T3 aQ 15 3 8

Câu nhạc thứ nhất

+ Ô nhịp 1: Là ô nhịp lấy đà, chỉ có một phách yếu nên ta không đặt hợp âm.

+ Ô nhịp 2: Đặt hợp âm Đô trưởng (C), vì có nốt Son là âm ổn định của giọng, là âm V của hợp âm Đô trưởng, đồng thời đây là ô nhịp đầu tiên của bài hát.

+ Ô nhịp 3, 4, 5: Trong 3 ô nhịp này, ô nhịp thứ 3 chọn hợp âm Mi thứ (Em), ô nhịp thứ 4 chọn Pha trưởng (F) và ô nhịp thứ 5 chọn Son bảy (G7) nhằm tạo một chuỗi âm đi lên làm cho độ kịch tính được tăng dần rồi giải quyết về hợp âm chủ ở ô nhịp tiếp đó.

+ Ô nhịp 6: Chọn hợp âm Đô trưởng (C) nhằm giải quyết kịch tính của ô nhịp trước, đồng thời làm tiền đề cho vòng công năng mới.

+ Ô nhịp 7, 8, 9: Quan sát kĩ chúng ta thấy 4 ô nhịp trước (2, 3, 4, 5) với 4 ô nhịp sau (6, 7, 8, 9) ý nhạc như được lặp lại. Do đó, chúng ta có thể sử dụng lại vòng hòa thanh đó. Cụ thể là: Ô nhịp thứ 7 chọn hợp âm Mi thứ (Em), ô nhịp 8 chọn hợp âm Pha trưởng (F), ô nhịp 9 chọn hợp âm Son bảy (G7).

Câu nhạc thứ 2:

+ Ô nhịp 10, 11, 12, 13: Nét giai điệu của bốn ô nhịp này tái hiện nguyên dạng của 4 ô nhịp đầu (2, 3, 4, 5). Do đó, lấy vòng hòa thanh của 4 ô nhịp đầu để sử dụng lại cho 4 ô nhịp này. Cụ thể là: Ô nhịp 10 chọn Đô trưởng (C), ô nhịp 11 chọn Mi thứ (Em), ô nhịp 12 chọn Pha trưởng (F), ô nhịp 13 chọn Son bảy (G7).

+ Ô nhịp 14, 15, 16, 17: Đây là 4 ô nhịp cuối của đoạn nhạc, và vẫn sử dụng vòng hòa thanh T- S- D. Ô nhịp 14 chọn hợp âm Đô trưởng (C) nhằm giải quyết sự kịch tính của ô nhịp trước. Ô nhịp 15 chọn hợp âm La thứ (Am), vì hợp âm này thuộc nhóm công năng S. Ô nhịp 16 chọn hợp âm Son bảy (G7). Ô nhịp 17 là nốt Đô nằm ở phách mạnh và là âm I của hợp âm chủ (T) đồng thời là ô nhịp kết đoạn 1 nên chúng ta đặt hợp âm Đô trưởng (C) cho ô nhịp này.

Bằng cách lập luận và xác định hợp âm như trên, chúng ta có thể tiếp tục đặt hợp âm cho đoạn thứ 2. Sau khi đặt xong hợp âm, chúng ta nghe lại hợp âm trên đàn để điều chỉnh cho phù hợp.

Chúng ta biết rằng, khả năng thị phạm của giáo viên trước học sinh là rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc thì khả năng này cần phải đề cao.

Khi giáo viên sử dụng tốt nhạc cụ trong tiết học chắc chắn sẽ kích thích được sự hưng phấn cho các em và tiết học sẽ sôi nổi hơn nhiều. Chính từ điều này, chúng ta sẽ phát huy tối đa khả năng của học sinh, thu hút các em tham gia vào hoạt động học một cách tích cực hơn, dần hình thành tính tư duy độc lập, tự chủ trong học tập cho các em.

  TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đào Ngọc Dung (2001). Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Giáo dục

[2]. Phạm Tú Hương (2005). Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Đại học sư phạm

[3]. Cù Minh Nhật (2005). Organ thực hành, Nxb Âm nhạc

[4]. Phạm Tú Hương,Vũ Nhật Thăng (1993). Sách giáo khoa hòa thanh, Nxb Âm nhạc