foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Phát huy tính tích cực của học sinh trong quá trình dạy học là một nội dung quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay.Với bộ môn âm nhạc ở trường Trung học cơ sở, dạy hát có vị trí quan trọng vì: thông qua học hát, các em được giáo dục về âm nhạc để nâng cao năng lực cảm thụ và thẩm mỹ âm nhạc ở mức độ cần thiết theo mục tiêu chung của môn học. Học sinh Trung học cơ sở là lứa tuổi nhạy cảm, hiếu động, ham thích ca hát. Nếu giáo viên gây được hứng thú trong bài dạy sẽ tạo cho học sinh sự phấn chấn, hào hứng để tiêp thu bài học một cách có hiệu quả và tích cực hơn trong việc học tập bộ môn âm nhạc.

Việc dạy âm nhạc ở trường Trung học cơ sở mặc dù không nhằm đào tạo các em thành những con người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp mà chủ yếu là giáo dục văn hoá âm nhạc, làm cho các em yêu thích nghệ thuật âm nhạc, hình thành ở học sinh một tâm hồn trong sáng, một thị hiếu âm nhạc lành mạnh, cách tư duy sắc sảo, lòng khát khao sáng tạo, giàu tình cảm, nhanh nhẹn hoạt bát và sống vui tươi. Âm nhạc phát triển tối đa những tố chất sinh lý, những phẩm chất tâm lý của lứa tuổi học sinh, tạo điều để các em hoàn chỉnh và cân đối về tâm hồn, trí tuệ và thể chất, làm phong phú tình cảm của lứa tuổi học trò.

Tính tích cực trong dạy hát cần được xác định cụ thể thông qua các hoạt động của thầy và trò, cho nên người giáo viên phải biết để có thể vận dụng vào trong các tiết dạy của mình nhằm đạt hiệu quả giảng dạy cao nhất. Tuy nhiên để phát huy được tác dụng và ý nghĩa của giờ học hát đòi hỏi phải có sự phối hợp và tương tác của nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là thu hút được sự tham gia học tập của học sinh là rất quan trọng.

Âm nhạc là môn học bắt buộc ở bậc Trung học cơ sở. Ở đây môn âm nhạc không phải là đào tạo các em thành những ca sỹ, nhạc sĩ, mà chủ yếu nhằm trang bị cho các em có một trình độ văn hóa âm nhạc tối thiểu, và hình thành thị hiếu thẩm mĩ, rèn luyện các em thành những con người phát triển toàn diện về “đức, trí, thể, mĩ”.

Dạy hát là một quá trình giáo dục âm nhạc bao gồm: luyện giọng, học bài hát, luyện tai nghe và ghi nhớ âm điệu, lại có thể kết hợp với việc tập biểu diễn, kết hợp bài hát với vận động phụ họa hoặc làm động tác kết hợp. Giáo viên cần những biện pháp linh hoạt để thu hút sự chú ý của học sinh, để các em được nghe, được luyện tập, thực hành, và tổ chức cho các em hoạt động tự biểu diễn, tạo nên giờ học nhẹ nhàng, vui tươi, sinh động, lôi cuốn và có hiệu quả.

Trong chương trình âm nhạc Trung học cơ sở, môn âm nhạc gồm 3 phân môn: học hát, nhạc lí – tập đọc nhạc, âm nhạc thường thức. Học hát là một hoạt động chiếm nhiều thời lượng nhất của tiết học. Thông thường, mỗi bài hát được dạy trong một tiết, sau đó được ôn tập trong một hoặc hai tiết tiếp theo. Khi dạy một bài hát, giáo viên thường tiến hành theo các bước sau:

- Giới thiệu bài hát: Ngoài giới thiệu tên bài, tên tác giả, xuất xứ, nội dung, chủ đề…Nếu là dân ca, nên có giới thiệu về vùng, miền.

- Tìm hiểu bài: đọc lời ca, chia đoạn, chia câu: giáo viên hướng dẫn học sinh  đọc lời sau đó chia đoạn, chia câu để thuận lợi cho việc luyện tập từng câu.

- Nghe hát mẫu: giáo viên có thể tự trình bày bài hát với sự chuẩn bị chu đáo hoặc cho học sinh nghe qua băng đĩa. Khi trình bày bài hát, giáo viên cần trình bày chuẩn xác, có thể kết hợp động tác minh họa kèm theo sẽ làm cho học sinh thấy thích thú hơn. Nếu cho học sinh nghe qua băng, đĩa phải chuẩn bị cẩn thận đĩa nhạc, máy nghe tránh để học sinh chờ đợi gây ức chế tâm lí.

Việc hát mẫu cho học sinh có những ưu điểm mà người giáo viên cần khai thác như: Giúp học sinh cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn bởi cách hát của giáo viên gần gũi các em hơn so với đĩa nhạc, học sinh cảm thấy hào hứng khi nghe thầy cô hát,  thể hiện được năng lực âm nhạc và cảm xúc của giáo viên.

- Khởi động giọng: Giúp học sinh khởi động giọng trước khi tập hát. Giáo viên cho học sinh luyện theo đàn cao độ đi lên dần rồi đi xuống dần, hoặc theo mẫu do giáo viên qui định.

- Dạy hát từng câu: giáo viên đàn cho học sinh nghe và tập hát hòa giọng theo đàn. Những câu hát khó, luyến láy nhiều giáo viên cần hát mẫu vì học sinh nghe đàn không thể hiện rõ bằng nghe giọng hát. Đôi khi, giáo viên nên chỉ định học sinh giỏi hát mẫu thay cho giáo viên nhằm phát huy tính tích cực của học sinh, đồng thời làm cho môi trường học tập trở nên gần gũi và thân thiện hơn. Trong khi dạy từng câu, giáo viên cần cho học sinh nhận xét lẫn nhau và kết hợp sửa sai cho các em.

- Hát cả bài: giáo viên cho học sinh hát cả bài theo giai điệu của đàn, chú ý những chổ ngân, nghỉ và sửa sai cho các em, lưu ý học sinh cách phát âm, hát rõ lời và cảm xúc của bài hát, tránh gào thét đây là lỗi hay mắc phải ở giáo viên, sau đó kết hợp nhạc đệm, nhạc đệm giáo viên chuẩn bị và lưu sẳn trong đàn. Giáo viên  hướng dẫn học sinh trình bày bài hát với nhiều hình thức như đơn ca, song ca, tốp ca…

- Kết hợp gõ đệm, vận động và phụ họa: giáo viên hướng dẫn cho học sinh thực hành gõ đệm, cách gõ đệm tùy thuộc vào từng bài cụ thể.

Phần kết hợp vận động và phụ họa không đòi hỏi nhất thiết học sinh phải thực hiện thật thành thạo vì vận động và phụ họa có thể tiến hành ở tiết tiếp theo ở phần ôn tập bài hát. Tiết học hát chủ yếu học sinh biết kết hợp gõ đệm, giáo viên hướng dẫn một vài động tác cho các em làm quen với nhịp của bài ở tiết tiếp theo khi đã thuộc lời ca các em kết hợp thực hiện vận động và phụ họa dễ dàng hơn.

Để học sinh có thể chủ động hơn trong phần múa minh họa, giáo viên có thể cho học sinh tự chọn nhóm cho mình, mỗi nhóm từ 4 đến 5 em có cùng sở thích, chất giọng, cách trình bày, từ đó các em sẽ hăng hái hơn, thích thú hơn khi thể hiện  bài hát có minh họa.

- Củng cố, kiểm tra: Cho các em trình bày theo cá nhân, nhóm hoặc theo tổ, giáo viên có thể tranh thủ kiểm tra mức độ tiếp thu của các em. Tùy vào từng bài hát mà giáo viên có thể kết hợp trò chơi để giờ học thêm phong  phú sinh động hơn.

Trong các bước trên, từ bước khởi động giọng đến củng cố, kiểm tra là những công đoạn có thể phát huy tính tích cực nhiều nhất. Những công việc đó đòi hỏi học sinh phải tập trung nghe giáo viên làm mẫu và trực tiếp làm theo cho đến khi hoàn tất bài hát. Sau khi học hết bài các em cón phải luyện tập theo tổ, nhóm hoặc cá nhân. Lúc đó giáo viên lắng nghe để góp ý sửa chữa sai sót cho học sinh.

Khi dạy hát, giáo viên không nên chỉ cho học sinh nghe đàn rồi tập theo mà giáo viên nên kết hợp cả hai biện pháp: giáo viên hát mẫu và học sinh nghe đàn từng câu để tập hát. Nếu học sinh chỉ nghe đàn sẽ khó thể hiện đúng những yêu cầu của lời ca như: luyến láy, ngân giọng hoặc phát âm lời ca cho tròn tiếng và rõ lời.

Trong việc dạy và học hát đã thể hiện tính tích cực rất rõ ràng vì:

- Cả thầy và trò cùng hoạt động liên tục: thầy hướng dẫn từng câu hát, trò phải lắng nghe để ghi nhớ giai điệu rồi luyện tập để hát đúng cao độ, trường độ, hát đồng đều, hòa giọng.

- Khi tập hát có lúc cả lớp cùng thể hiện, có khi từng nhóm hát, có khi cá nhân hát.

- Nếu tập biểu diễn bài hát, các em còn phải có những động tác diễn xuất, động tác minh họa.

- Khi bạn hát, các em phải lắng nghe để có thể nhận xét bạn của mình hát đúng hay sai.

- Khi giáo viên đàn giai điệu, học sinh phải lắng nghe để cảm thụ và ghi nhớ.

- Bài hát có khi còn kết hợp với trò chơi hay đố vui để giờ học thêm phong phú, sinh động hơn.

Âm nhạc là lĩnh vực nghệ thuật của cái hay, cái đẹp qua âm thanh của giọng hát và tiếng đàn trên những bài ca, bản nhạc cụ thể. Chính nhờ cái hay, cái đẹp của nghệ thuật âm thanh mà âm nhạc đã đem đến cho con người những cảm xúc thẩm mĩ, làm cho người ta thoải mái, thích thú, tâm hồn và tình cảm được nâng cao, trí tuệ được mở rộng, con người trở nên tốt đẹp, cao thượng và hướng thiện.

Với tư cách là một môn học nghệ thuật nhằm thực hiện nhiệm vụ giáo dục thẩm mĩ, dạy học âm nhạc, trong đó dạy hát là một nội dung quan trọng cần phải đạt được những yêu cầu sau:

- Giáo dục cho học sinh cách cảm thụ là giáo dục cách nghe, cách đánh giá hay là cách biểu lộ thái độ, tình cảm của mình về cái hay, cái đẹp trong âm nhạc.

- Giáo dục cho học sinh cách biểu cảm nhằm giúp học sinh cách tái hiện, sáng tạo khi thể hiện trình diễn bài hát.

Bài hát, bản nhạc đều là phương tiện để giáo dục âm nhạc. Đối tượng mà học sinh lĩnh hội ở đây chính là bài hát bởi cái hay, cái đẹp của chúng gắn liền với chính nội dung và hình thức của tác phẩm. Để thấy được cái hay, cái đẹp đó các em phải có những kĩ năng và tri thức cần thiết khi nghe, cảm thụ, đánh giá hoặc tái tạo khi trình diễn bài hát. Đồng thời các em phải có một thái độ tích cực, chủ động trong giờ học mới đem lại kết quả như mong muốn.

Bên cạnh đó vai trò của người giáo viên cũng rất quan trọng, học sinh có chủ động hay không, có tích cực hay không là do người giáo viên có tạo được hứng thú cho các em trong giờ học hay không. Từ khi mở bài cho đến lúc kết thúc giáo viên luôn là chủ thể sáng tạo để khơi gợi lòng ham muốn, ham học tập ở học sinh.

Muốn học sinh tích cực, trước tiên bản thân người giáo viên đó phải là người tích cực, nhiệt tình trong công tác giảng dạy, sáng tạo, luôn luôn phải biết đổi mới trong những tiết dạy khác nhau và có những phương pháp dạy học thu hút, lôi kéo sự chú ý của học sinh, từ đó tiết học sẽ trở nên sinh động và sôi nổi hơn.

Khả năng phát triển của từng học sinh là khác nhau, cơ thể khác nhau, chất giọng khác nhau cho nên giáo viên không nên đòi hỏi kết quả như nhau mà phải có thái độ mềm mỏng, động viên khuyến khích các em để các em có thể tự tin, mạnh dạn thể hiện mình trước lớp, trước đám đông. Khi học sinh mắc sai lầm thì không nên la mắng, làm cho các em trở nên tự ti, mặc cảm. Đây không phải là trường dạy nhạc chuyên nghiệp, hay là trường dành cho những học sinh có năng khiếu về âm nhạc, đối tượng học âm nhạc ở đây là tất cả học sinh, do đó giáo viên không nên đòi hỏi quá cao ở học sinh, không nên tạo tâm lý nặng nề cho các em khi học hát, mà hãy để các em tự thể hiện theo ý thích của mình, giáo viên cũng phải tôn trọng những ý tưởng sáng tạo của học sinh từ đó các em sẽ thích thú và hăng say hơn khi học hát.

Âm nhạc là lĩnh vực nghệ thuật của cái hay, cái đẹp, qua âm thanh của giọng hát và tiếng đàn trên những bài ca, bản nhạc cụ thể, đã đem đến cho con người những cảm xúc thẩm mĩ – thẩm mĩ âm nhạc, làm cho người ta thoải mái, thích thú, tâm hồn và tình cảm được nâng cao, trí tuệ được mở rộng, con người trở nên tốt đẹp, cao thượng và hướng thiện.

Trong quá trình dạy hát, nếu người giáo viên âm nhạc luôn có ý thức về yêu cầu giáo dục thẩm mĩ qua môn học của mình, chắc chắn rằng người giáo viên đó luôn có những suy nghĩ để cải tiến, sáng tạo làm cho giờ học thêm sinh động, hấp dẫn và mang đến cho học sinh những xúc cảm, tình cảm thẩm mĩ âm nhạc thực sự, từ đó các em sẽ có những hưng phấn, thích thú và tích cực hơn trong việc dạy và học âm nhạc nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chương trình âm nhạc THCS ( Bộ GD&ĐT ban hành 1/ 2002)
  2. Phương pháp dạy hát – Đỗ Mạnh Thường dịch- nxb. Paris.
  3. Các tài liệu bồi dưỡng giáo viên của các tác giả: Hoàng Long, Lê Minh Châu, Ngô Thị Nam.